---
Đồng tiền là gánh nặng vì một lý do đơn giản là chúng ta đã không thể đưa ra được một hệ thống lành mạnh mà trong đó đồng tiền chỉ có thể là kẻ đầy tớ cho toàn nhân loại chứ không phải là ông chủ của một số ít những kẻ tham lam.
Đồng tiền là gánh nặng vì trong con người đầy lòng tham; nếu không, đồng tiền cũng chỉ là một phương tiện đơn giản để trao đổi hàng hóa, một phương tiện hoàn hảo. Nó chẳng làm gì sai trái cả, thế nhưng với cách chúng ta sử dụng nó, mọi thứ dường như đều trở nên sai trái.
Nếu bạn không có tiền, bạn sẽ bị lên án; cả cuộc đời bạn bị đè nặng bởi một lời nguyền, cả cuộc đời bạn vùng vẫy bằng mọi cách để có tiền.
Còn nếu bạn có tiền, bạn cũng chẳng thể thay đổi được điều cơ bản là: bạn muốn có nhiều hơn nữa, mà bao nhiêu cho đủ cái nhiều hơn nữa ấy? Và cuối cùng, khi bạn đã có quá nhiều tiền - dù là vẫn chưa đủ, vì sẽ không bao giờ đủ, nhưng lại nhiều hơn bất kỳ ai trên thế giới này - lúc đó bạn bắt đầu cảm thấy có tội, bởi những phương tiện mà bạn đã sử dụng để tích lũy đống tiền đó thật kinh hoàng, vô nhân đạo và đầy bạo lực. Để có tiền, bạn đã bóc lột, hút máu người ta, biến thành một loài ký sinh. Thế mà giờ đây, bạn đã có tiền, mà chính đồng tiền đó lại nhắc bạn nhớ về tất cả những tội lỗi mà bạn đã làm để có được nó.
Điều này tạo ra hai loại người: một loại bắt đầu đem tiền đi cho các tổ chức nhân đạo để thoát tội. Họ đang làm việc thiện, họ đang làm 'công việc của Chúa'. Họ mở bệnh viện và trường học. Tất cả những gì họ đang cố làm chỉ là để giúp mình khỏi phát điên vì cảm giác tội lỗi. Tất cả những bệnh viện đó, những trường học đó (xét về mặt công trình kiến trúc thôi), những tổ chức từ thiện đó, đều là thành quả của những kẻ có tội.
Thí dụ, giải thưởng Nobel được sáng lập bởi kẻ đã kiếm bộn tiền trong Thế chiến thứ nhất bằng cách tạo ra thuốc nổ. Thế chiến thứ nhất diễn ra với toàn bộ phương tiện do ngài Nobel cung cấp. Và ông ta đã kiếm bạc triệu...! Cả hai phe đều sử dụng cùng một nguồn cung cấp vật liệu chiến tranh; ông ta chính là người duy nhất sản xuất vật liệu chiến tranh trên diện rộng. Vậy là, dù kẻ bỏ mạng có là ai chăng nữa thì tên giết người vẫn là ông ta. Dù cho ông ta theo phe này hay phe kia; dù người bị giết có là ai thì cũng đều chết dưới làn bom đạn của ông ta.
Vì thế mà, về già, khi ông ta đã thu đủ số tiền mà một con người có thể có được trên thế giới này, ông ta bắt đầu sáng lập giải thưởng Nobel. Nó còn bao gồm cả một giải thưởng Hòa bình - được trao bởi một kẻ đã làm tiền trên chiến tranh! Người nào hoạt động vì hòa bình, người đó có thể được trao giải thưởng Nobel. Nó còn được trao cho những người có phát minh khoa học vĩ đại, những nghệ sĩ tài hoa, những phát minh sáng tạo.
Và cùng với giải Nobel là món tiền thưởng - hiện nay món tiền này đã là gần 250 ngàn đôla. Giải thưởng danh giá nhất, với 250 ngàn đôla tiền thưởng; và món tiền thưởng này ngày càng phình lên vì đồng tiền ngày càng mất giá. Và để giữ cho được gia tài đó, người ta đưa ra quy định là tát cả các giải thưởng Nobel trao tặng hàng năm chỉ được rút ra từ tiền lãi. Khoản tiền gốc vẫn được giữ nguyên, và sẽ mãi mãi còn nguyên như vậy. Hàng năm số tiền đó sinh lợi nhiều đến mức người ta có thể trao tới 20 giải thưởng Nobel mỗi năm.
Một số những công việc từ thiện thực ra là nỗ lực nhằm rửa cho sạch tội của mình mà thôi - nói theo nghĩa đen là như thế. Khi Pontius Pilate ra lệnh đóng định Jesus trên cây thập tự, việc đầu tiên ông ta làm là rửa tay. Thật lạ! Việc ra lệnh hành hình Chúa Jesus có làm tay ông ta bẩn đâu, thế thì tại sao lại rửa tay? Điều này có nghĩa là: ông ta thấy mình mắc tội. Phải mất hai ngàn năm loài người mới hiểu được điều này, bởi hai ngàn năm qua chẳng ai màng đến hay đoái hoài chuyện tại sao Pontius Pilate rửa tay. Chính Sigmund Freud là người phát hiện ra rằng ai cảm thấy mình có tội cũng đều có hành động rửa tay như vậy. Hành động này mang tính hình tượng... cứ như là đôi bàn tay họ đang nhuốm đầy máu vậy.
Thế nên, khi bạn có tiền, nó gây ra tội lỗi. Một là bạn rửa tay bằng cách giúp đỡ cho các tổ chức từ thiện, mà điều này thì được các tôn giáo tận dụng triệt để. Họ lợi dụng tội lỗi của bạn, nhưng họ vẫn nâng đỡ cho cái tôi của bạn, thì thầm vào tai bạn rằng bạn đang làm những công việc tâm linh vĩ đại; chỉ là họ đang cố an ủi những kẻ phạm tội mà thôi.
Cách thứ nhất là cách mà các tôn giáo vẫn làm. Cách thứ hai là khi người ta thấy mình có tội, họ sẽ phát điên hoặc tự kết liễu đời mình. Sự tồn tại của họ trở thành nỗi thống khổ. Mỗi hơi thở trở nên nặng nề không chịu nổi. Và điều lạ lùng là họ đã làm lụng suốt cuộc đời mình để có được đống tiền đó, bởi chính xã hội khuấy lên trong họ ham muốn giàu sang và quyền lực. Và tiền bạc đem lại quyền lực; nó có thể mua được mọi thứ, chỉ trừ một vài thứ. Mà có ai thèm để tâm đến những thứ không mua được ấy.
Thiền định không thể mua được, tình yêu không thể mua được, tình bạn không thể mua được, lòng tri ân không thể mua được - nhưng không ai quan tâm đến những điều này cả. Còn tất cả những thứ khác, cả thế giới vật chất kia, đều có thể mua được bằng tiền. Và thế là những đứa trẻ bắt đầu leo lên những nấc thang tham vọng, và nó biết rằng có tiền là có tất cả. Vậy là xã hội đã nuôi dưỡng ý niệm về tham vọng, về quyền lực, về sự giàu có.
Thật là một xã hội sai lầm. Nó tạo ra những con người mang tâm lý bệnh hoạn và điên cuồng. Và khi những con người đó đã đạt đến cái đích mà xã hội và hệ thống giáo dục đặt ra cho họ, họ thấy mình cùng đường. Con đường chấm dứt ở đó; không còn gì hơn nữa. Thế là, hoặc họ trở thành kẻ mộ sát rởm đời, hoặc là lao vào cơn điên dại, tự sát, và tự hủy hoại bản thân mình.
Đồng tiền là một điều tốt đẹp nếu nó không rơi vào tay của riêng ai, nếu nó là một phần của cộng đồng, một phần của các xã hội, và xã hội chăm lo cho tất cả mọi người. Mọi người cùng làm, cùng góp sức, nhưng không được trả bằng tiền mà bằng sự kính trọng, bằng tình yêu, bằng sự tri ân, và được chu cấp mọi nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống.
Đồng tiền không nên nằm trong tay của riêng ai; nếu không, nó sẽ gây ra vấn đề gánh nặng tội lỗi. Và đồng tiền có thể làm cho cuộc sống người ta giàu có. Nếu cộng đồng nắm giữ đồng tiền, cộng đồng có thể đem lại cho bạn mọi tiện nghi bạn cần, sự giáo dục, mọi khía cạnh sáng tạo của cuộc sống. Xã hội sẽ giàu lên mà không ai phải thấy mình có tội. Và vì xã hội đã giúp bạn rất nhiều, bạn cũng sẽ mong muốn được đáp lại bằng sự phục vụ của mình.
Nếu bạn là bác sĩ, nhà phẫu thuật, bạn sẽ làm việc hết mình, bởi chính xã hội đã giúp cho bạn trở thành nhà phẫu thuật tài ba nhất, đem lại cho bạn sự giáo dục, mọi tiện nghi, chăm lo cho bạn từ lúc còn trong trứng nước. Chính vì thế mà tôi đã nói, trẻ con cần phải thuộc về cộng đồng, và cộng đồng phải chăm lo mọi việc.
Và tất cả những gì do con người tạo ra sẽ không bị một cá nhân nào chiếm giữ mà sẽ trở thành tài sản chung của cộng đồng. Tài sản đó sẽ được dùng để phục vụ cho bạn, nhưng không nằm trong tay bạn. Nó sẽ không biến bạn thành kẻ tham lam; nó sẽ giúp bạn sáng tạo hơn, độ lượng hơn, biết tri ân hơn, và nhờ thế mà xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Lúc đó đồng tiền không thành vấn đề nữa. Các cộng đồng có thể sử dụng đồng tiền như một phương tiện trao đổi, vì mỗi cộng đồng không thể tự chu cấp cho mình mọi nhu cầu cần thiết. Nó có thể mua những thứ mình cần từ một cộng đồng khác; và tiền sẽ được sử dụng làm phương tiện trao đổi - nhưng là sự trao đổi giữa cộng đồng với cộng đồng chứ không phải là giữa cá nhân với cá nhân, nhằm chu cấp cho cộng đồng đó những thứ nó không có. Lúc đó, đồng tiền giữ được chức năng cơ bản của nó, nhưng người sở hữu nó không phải là cá nhân mà là tập thể.
Bạn nhìn thấy người ta làm từ thiện, nhưng bạn không thấy được tiền để làm từ thiện đó đâu ra và tại sao lại có nó. Tại sao cần phải có công tác từ thiện? Tại sao chúng ta lại để xảy ra chuyện trẻ con bị bỏ rơi và người nghèo đi xin ăn? Và, tại sao lại có những người sẵn lòng cống hiến tiền bạc và cả cuộc đời họ cho công tác từ thiện và giúp đỡ người nghèo?
Bề mặt mọi việc dường như là đúng bởi chúng ta đã sống trong kiểu cấu trúc này quá lâu rồi; nếu không thì chuyện này đã thật lố bịch. Không có đứa trẻ nào sinh ra là trẻ mồ côi nếu nó thuộc về cộng đồng, và nếu cộng đồng sở hữu mọi thứ thì sẽ chẳng có ai phải đi ăn mày; chúng ta sẽ cùng nhau chia sẻ những gì mình có. Thế nhưng lúc đó tôn giáo sẽ không còn cơ sở nào để mà lợi dụng nữa. Sẽ chẳng còn người nghèo cho họ an ủi, sẽ chẳng còn người giàu để họ giúp xóa tội. Chính vì thế mà tất cả bọn họ đều chống đối tôi quyết liệt đến vậy.
Công việc của tôi tựa như công việc của một kẻ đào mộ, cứ mãi đào những ngôi mộ dát đá hoa cương và lôi hết xương cốt phơi bày trên mặt đất. Không ai muốn nhìn thấy những bộ xương đó. Người ta sợ hài cốt. Tôi có một người bạn là sinh viên y khoa và tôi thường ở trọ trong phòng ký túc xá với anh mỗi khi có dịp đến đấy. Một ngày nọ, lúc ấy đã khá khuya rồi, chúng tôi nói với nhau đủ mọi chuyện trên đời, rồi không biết làm thế nào mà câu chuyện lại chuyển hướng sang đề tài ma quỷ. Tôi nói đùa: 'Có ma đấy. Thật lạ là cậu chưa được thấy ma'.
Cả 15 sinh viên có mặt trong phòng đều lên tiếng: 'Không, bọn tôi không tin có ma. Bọn tôi đã mổ biết bao nhiêu tử thi mà có thấy hồn mã nào đâu, làm gì có chuyện ma với chả mãnh'.
Thế là tôi bàn với anh bạn của tôi. Trong phòng phẫu thuật có rất nhiều hài cốt, ngoài ra còn có một phòng khám nghiệm tử thi của những người ăn mày bị chết hoặc những người tự tử - đây là một thành phố lớn, là thủ đô của một nước. Hai phòng này nằm liền kề nhau. Phía bên này là hài cốt, nửa bên kia là tử thi. Và có ai thèm để ý đến xác chết của những kẻ ăn mày thế này thế khác? - cứ lúc nào có thời gian là các giáo sư sẽ lại đi mổ xác và quyết định.
Tôi bảo anh bạn tôi: 'Cậu làm thế này nhé, tối mai, cậu vào nhà xác và nằm lên cáng cùng với những thi thể khác, rồi tôi dắt mấy người bạn của cậu đến. Cậu không cần làm gì cả. Trong lúc bọn tôi nói chuyện, cậu chỉ việc ngồi dậy. Chỉ việc chuyển từ tư thế nằm sang tư thế ngồi thôi'.
Chuyện này quá đơn giản, không có gì khó khăn cả. 'Tôi sẽ làm', anh nói.
Thế nhưng, có một vấn đề khác nảy sinh, mọi chuyện trở nên hết sức phức tạp. Chúng tôi đi vào phòng mổ, và anh bạn tôi thì đang nằm đó. Đúng lúc chúng tôi bước vào thì anh ngồi bật dậy, và 15 người sinh viên đi cùng tôi bắt đầu run rẩy. Họ không dám tin vào mắt mình, làm sao mà một xác chết có thể...!
Nhưng chuyện ấy đã xảy ra vì đúng là có một xác chết thật bật dậy vào đúng lúc đó. Thế là anh bạn đang giả vờ làm xác chết của tôi lao ra và la lên, 'Có ma thật đấy các cậu ơi! Nhìn cái xác kia kìa!'.
Có chút hiểu lầm: người đàn ông đó bị bất tỉnh và được đưa vào bệnh viện trong đêm nên người ta chuyển tạm ông ta đến khu vực nhà xác. Rồi ông này tỉnh lại và ngồi dậy. Thấy nhiều người đứng quanh đó, ông ta nghĩ hẳn là trời đã sáng và lên tiếng hỏi chuyện gì đang diễn ra. Ngay cả tôi mới đầu cũng không hiểu nổi chuyện gì đang diễn ra, vì tôi chỉ yêu cầu có một người đến cái nhà xác này để giả ma mà thôi. Còn người thứ hai này...! Chúng tôi đóng cửa và ra về. Người kia la lên: 'Này này, đợi với, tôi còn sống mà! Sao lại đưa tôi vô đây?'.
Chúng tôi đóng cửa và nói: 'Không phải việc của chúng tôi' rồi bỏ về. Thật khó mà thuyết phục được anh bạn giả ma của tôi là người kia không phải ma thật, chỉ là hiểu lầm thôi. Anh nói: 'Không bao giờ có chuyện đó xảy ra nữa đâu! May mà cái người đó chỉ ngồi dậy đúng lúc các cậu đến. Ông ta mà dậy lúc chỉ có mình tôi ở đó thì chắc là tôi sợ quá mà chết rồi!'.
Nếu bạn cứ cố đào đến cái gốc rễ xấu xí không ai muốn trông thấy thì... Đó chính là lý do tại sao những từ như 'tình dục', 'cái chết' hay 'tiền bạc' trở thành những điều cấm kỵ. Bạn có thể nói đủ mọi chuyện chung quanh những vấn đề đó, nhưng với điều kiện là ta đã đè nén nó xuống thật sâu và không muốn ai đào nó lên cả. Ta sợ cái chết vì ta biết rằng mình sẽ chết, mà ta thì không muốn chết. Ta cứ muốn nhắm mãi mắt vậy. Ta muốn sống trong một trạng thái kiểu như 'mọi người sẽ chết, nhưng tôi thì không'. Đó là tâm lý thông thường của tất cả mọi người: 'Tôi sẽ không chết đâu'.
Nhắc đến cái chết là một điều cấm kỵ. Nó khiến người ta sợ hãi vì nó nhắc họ nhớ đến cái chết của chính họ. Họ còn phải lo nhiều việc khác, và cái chết đến lúc nào không hay. Thế mà họ vẫn muốn dồn hết tâm lực cho những việc đó. Chúng có vai trò giống như một bức màn: họ sẽ không chết, ít nhất là lúc này. Sau đó thì... 'khi nào tới hẵng hay'.
Người ta sợ tình dục vì có dính đến quá nhiều ghen tuông. Những trải nghiệm trong cuộc sống của họ đã đủ cay đắng. Họ đã yêu và đã mất, và họ thực sự không muốn nhắc đến đề tài đó - nó làm họ đớn đau.
Đối với đồng tiền cũng vậy, vì đồng tiền trực tiếp phân định địa vị xã hội. Thế nên nếu có 20 người cùng ngồi vào bàn, lập tức các bạn có thể sắp xếp họ theo thứ bậc; lúc này không còn sự tương đồng, bình đẳng nữa. Rồi sẽ có những người giàu có hơn bạn, có người nghèo hơn bạn, và bỗng nhiên các bạn thấy mình không còn là bạn bè nữa mà đã trở thành kẻ thù của nhau mất rồi, vì các bạn đang giành giật cũng những đồng tiền nọ. Các bạn không phải là bạn bè, các bạn là đối thủ của nhau, là kẻ thù của nhau.
Vì thế mà vào lúc ăn uống bạn không có thứ bậc, địa vị, không có vật lộn như trong cuộc sống thường nhật. Bạn muốn có một khoảnh khắc quên hết những thứ đó đi. Bạn chỉ muốn nói đến những điều tốt đẹp - mà những chuyện đó chỉ là vỏ ngoài mà thôi.
Sao ta không tạo nên một cuộc sống thực sự tốt đẹp? Một cuộc sống mà đồng tiền không phân chia thứ bậc mà chỉ đơn thuần là đem lại càng nhiều cơ hội hơn cho tất cả mọi người? Sao ta không tạo ra một cuộc sống mà tình dục không khiến người ta phải có những trải nghiệm cay đắng, ghen tuông, thất bại; một cuộc sống mà người ta có thể vui thú với tình dục.
Chuyện này thật đơn giản, tôi không thể hiểu tại sao. Nếu tôi yêu một cô gái nào đó mà cô ấy lại thích một người đàn ông khác, chuyện này thực sự là tốt. Nó chẳng ảnh hưởng gì đến tình yêu của tôi cả. Thực ra, tôi còn yêu cô ấy hơn vì cô ấy được nhiều người yêu quý; tôi đã chọn được một cô gái đẹp. Sẽ thật tệ nếu tôi yêu một cô gái mà chỉ có mình tôi yêu, và cô ấy thì không có được một ai khác trên cả thế giới này yêu mình. Thế thì đúng thật là địa ngục rồi.
Và có gì là sai trái nếu có lúc này lúc khác cô ấy cặp kè với người khác? Một trái tim thấu cảm sẽ thấy hạnh phúc vì cô ấy hạnh phúc. Bạn yêu một người và bạn muốn người đó được hạnh phúc. Nếu cô ấy hạnh phúc bên bạn thì tốt; nếu cô ấy hạnh phúc bên người khác cũng tốt vậy. Chẳng có vấn đề gì trong chuyện ấy cả.
Một khi chúng ta loại bỏ được những định kiến bấy lâu nhồi nhét trong tâm trí mình - về chuyện một vợ một chồng, về lòng trung thành, chung thủy - mà tất cả đều thật nực cười... khi mà trên thế giới này ngày càng có nhiều người xinh đẹp, sao ta không hòa nhập với nhau? Bạn chơi tennis; như vậy không có nghĩa là bạn phải chơi mãi với một người, chung thủy! Cuộc sống phong phú hơn thế nhiều.
Vậy nên, chỉ cần một chút thấu cảm thì tình yêu sẽ không còn là vấn đề nữa, tình dục không còn là điều cấm kỵ nữa. Cái chết cũng không còn là điều cấm kỵ nữa một khi cuộc sống của bạn không còn vướng mắc, không còn lo sợ; một khi bạn đã chấp nhận cuộc sống của bạn trong sự toàn diện của nó, cái chết không phải là sự chấm dứt của cuộc sống mà là một phần cuộc sống.
Chấp nhận cuộc sống trong sự toàn diện của nó là bạn đã chấp nhận cái chết; nó chỉ là một lúc nghỉ ngơi thôi. Bạn đã làm việc suốt một ngày dài - vậy đêm đến bạn có muốn nghỉ ngơi không?
Có một vài người điên rồ không muốn ngủ. Có lần tôi tình cờ được giới thiệu gặp một người không muốn ngủ. Suốt đêm anh ta cố căng mắt ra để thức. Anh ta sợ rằng nếu mình ngủ rồi sẽ chẳng có gì đảm bảo được là hôm sau anh ta sẽ thức dậy được. Ai có thể đảm bảo được điều đó? Đây thực sự là một bài toán khó - ai có thể đảm bảo được cho anh ta?
Anh ta muốn có sự đảm bảo là 'Tôi sẽ thức dậy. Cái gì có thể đảm bảo được là tôi sẽ không ngủ mãi? - tôi đã thấy nhiều người đi ngủ rồi không bao giờ dậy nữa! Người ta nói là họ chết, rồi người ta hỏa thiêu người đó. Tôi không muốn bị hỏa thiêu. Thế thì tội gì phải liều? Ngủ là làm liều đấy!'. Bây giờ vấn đề lại là giấc ngủ.
Cái chết là một giấc ngủ dài hơn một chút, sâu hơn một chút. Giấc ngủ hàng ngày giúp bạn lấy lại sức để hoạt động tốt hơn và hiệu quả hơn. Mọi mệt mỏi đều tan biến, bạn lại trẻ trung, khỏe khoắn. Cái chết cũng giúp bạn như vậy nhưng ở mức độ sâu hơn. Nó thay đổi thân xác cho bạn vì lúc này cơ thể bạn không thể hồi phục bằng giấc ngủ thường nhật; nó đã quá già. Nó cần có một thay đổi thực sự, nó cần một cơ thể mới. Năng lượng sống của bạn cần một thân xác mới.
Một khi bạn chấp nhận cuộc sống trong sự toàn diện của nó, bạn chấp nhận cái chết là một phần của cuộc sống. Lúc đó cái chết không phải là điều trái ngược của sự sống, mà chỉ là một người giúp việc, giống như giấc ngủ vậy. Cuộc sống của bạn là mãi mãi. Cơ thể thì không, nó cần được thay đổi. Nó sẽ già đi, và có một cơ thể mới sẽ tốt hơn là cứ lê lết mãi tuổi già.
Đối với tôi, một người hiểu biết sẽ không có vướng mắc gì cả. Người đó luôn nhìn thấy rõ ràng - và mọi vấn đề biến mất. Chỉ có sự im lặng bao trùm còn lại phía sau, sự im lặng của cái đẹp tuyệt mỹ và lòng tri ân vĩ đại.
Thực tại - Kẻ tội đồ vĩ đại nhất.
FACE ANTÔN VĨNH LỘC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét