Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2018

Lại nói về vàng

Để hiểu vì sao giá vàng tăng nhiều và nhanh như vậy, ta phải hiểu rõ lạm phát. Ít chuyên gia tài chánh nào muốn nói lên lý do thực sự gây lạm phát. Khi tất cả các đồng tiền đều mất giá, nhất là USD, thì vàng sẽ lên giá. Điều đó không bao giờ thay đổi.
Bốn năm nay, vàng luôn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của tôi. Nhiều người cho tôi một biệt danh mới, “Goldfinger” (nhân vật xấu của phim James Bond 007 có cùng tên). Các nhà phân tích thì bài bác chiến thuật này, cho rằng vàng không thể mang lại lợi nhuận tốt hơn chứng khoán hay bất động sản khi đầu tư lâu dài (hơn 2 năm). Họ giảng bài thêm là trên mặt thuần kinh tế, vàng không đóng góp gì vào GDP hay thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, trong trường đua thế giới, con ngựa “vàng” của tôi đã qua mặt mọi đối thủ nặng ký, từ chỉ số Dow Jones đến các bản tệ và mọi lọai hàng hóa. Sau bốn năm, kể từ lúc tôi mua vàng ở giá 600 USD/ ounce, nay giá vàng đã là 1.800 USD/một lượng oz. Tôi dự phóng là giá vàng sẽ lên hơn $2,500 vào cuối năm 2012.
Để hiểu vì sao giá vàng tăng nhiều và nhanh như vậy, ta phải hiểu rõ lạm phát. Trong lịch sử, lạm phát là một danh từ chỉ sự lên giá của hàng hóa. Ít chuyên gia tài chánh nào muốn nói lên lý do thực sự gây lạm phát. Họ quanh co là lạm phát tại Việt Nam xẩy ra vì lạm phát tòan cầu, vì những nhà đầu cơ, vì khí hậu, vì niềm tin của người tiêu thụ, vì sản xuất sụt giảm vân vân và vân vân. Thậm chí, số liệu thống kê còn được bẻ cong để họ có thể tuyên bố là lạm phát chỉ vài ba phần trăm mỗi tháng, không gì quan trọng. Họ không muốn nghe một nguyên nhân ngắn gọn: Lạm phát là do đồng tiền mất giá.
Và hai lý do gây ra tình trạng này cũng rất đơn giản: một, sự vay mượn để tiêu xài của ngân sách quá cao so với thu nhập qua thuế và đầu tư; hai, việc in tiền bừa bãi làm tổng cung tiền tăng lên.
Khi tiền mất giá, người ta đổ thừa do người dân mất niềm tin vào đồng nội tệ khi kinh tế vĩ mô bất ổn. Kỳ thực, người dân rất khôn ngoan. Họ không tin vào những chuyện không có thực. Hay, nếu nói sự tăng giá hàng hóa là do đầu cơ, thì tôi không nghĩ là ai có đủ tiền để kinh doanh lâu dài theo chiến thuật này, trừ khi họ biết chắc là đồng tiền càng ngày càng mất giá. 
Khi tất cả các đồng tiền đều mất giá, nhất là USD, thì vàng sẽ lên giá. Điều đó không bao giờ thay đổi. Nếu lấy vàng làm bản tệ (kim bản vị) và nhìn lại mấy chục năm qua, ta mới thấy trong thực tế, hàng hóa đã xuống giá vì cung vượt qua cầu, nhất là thời điểm Trung Quốc trở thành “cơ xưởng của thế giới”.
Trong một bài viết ba năm trước, tôi có so sánh giá cả hàng hóa và vàng. Lần đầu tiên tôi qua Mỹ vào năm 1963, giá vàng là $35 một lượng. Một chiếc xe Mustang mới của hãng Ford tốn $3,300, tức khỏang 100 lượng vàng; giá một nhà trung bình là $14,000 hay khoảng 400 ounces vàng; giá 1 ổ bánh mì là 22 cents (1 oz vàng mua được 150 ổ bánh mì). Năm nay, giá vàng lên $1,800 một ounce, tôi có thể dùng 100 ounces để mua 6 chiếc xe Mustang, căn nhà trung bình sẽ tốn khoảng $230,000, tương đương 130 oz vàng thay vì 400 oz, và với 1 oz vàng tôi sẽ mua được khoảng 1,300 ổ bánh mì. Có nghĩa là trong khi tiền USD mất giá trầm trọng, mãi lực của tôi lại gia tăng đáng kể so với số vàng tôi giữ suốt 48 năm qua.
Trên thế giới, lượng vàng lại hữu hạn. Năm 2007, theo National Geographic, chỉ có khoảng 161,000 tấn vàng đã từng được khai thác. Lượng vàng khai thác qua từng năm tương đối bền vững, nếu tính theo nhu cầu. Năm 2010, toàn thế giới khai thác được 3.859 tấn vàng, nhu cầu mua vàng là 3.754 tấn. Sự cân đối cung cầu và giá trị gần như bền vững này đã khiến giá vàng không nhiều biến động. Mọi biến động về giá vàng thực sự phát sinh từ sự biến động của USD và các bản tệ khác.
Không như tiền giấy, cổ phiếu, trái phiếu, hay như một công ty có thể mang về lợi nhuận lớn, hoặc thua lỗ nhiều, vàng là một ốc đảo thanh bình trong bão tố. Bởi vì không ai “in” ra vàng được hay dùng các thủ thuật chi phối của thế giới “ảo”, nên vàng thực sự là một kênh phòng thủ an toàn. Ai đọc lịch sử đều nhớ chuyện lạm phát phi mã do tiền giấy hạ giá, như đồng Mark thời Weimar của Đức, như đồng yuan của Trung Quốc thời Tưởng Giới Thạch, như đồng peso của Argentina trong 50 năm qua, như đồng dollar của Zimbabwe (mất giá kỷ lục khi rớt 11 triệu phần trăm trong 1 năm). Suốt 5,000 năm lịch sử, vàng không bao giờ mất giá. Tôi yêu vàng là vì vậy.
Một câu chuyện khá khôi hài trong lịch sử tài chính thế giới là việc ông Gordon Brown quyết định bán hơn nửa số vàng dự trữ của Anh (415 tấn) vào năm 2000 với giá trung bình là $276 một lượng, đem về cho Anh hơn 4 tỷ USD. Ý định của ông là hạ giá vàng thế giới và giữ giá trị tiền bảng Anh (English pound). Sau 4 tháng, đồng bảng Anh tiếp tục sụt giá, còn giá vàng thế giới lại tăng lên 25%, làm Anh mất hơn 3 tỷ USD trong giao dịch này. Nếu là một nhà đầu tư tài chính, ông Brown sẽ mất job ngay lập tức. Nhưng vì ông là chính trị gia, nên ông Brown không những không bị đuổi, mà sau đó còn đắc cử Thủ tướng với biệt danh “ Gold Brown (vàng)”.
Theo một báo cáo số liệu từ Thụy Sĩ, trong vòng 3 năm qua, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 200 tấn vàng, với giá trung bình $1,200 một ounce, thu về được 8,4 tỷ USD. Trong khi đó, nếu vẫn giữ số vàng này thì giá trị hiện nay là 12,7 tỷ USD (với giá $1,800). Tính ra, mức thiệt hại của Việt Nam từ việc mua cao, bán thấp là 4,3 tỷ USD. Tôi không biết quyết định này gây thiệt hại trực tiếp đến những ai, nhưng đây là một sự thất thoát kỷ lục so với con số GDP nhỏ nhoi, hơn 4%.
Vì vậy, nếu ai đó khuyên tôi nắm giữ tiền giấy, thì tôi xin cám ơn. Mọi người cứ việc giữ giấy, còn tôi sẽ cứ giữ vàng!
TS.Alan Phan 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét