Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2018

Đầu tư 2012: Hãy cứ ‘ôm’ vàng, bất động sản

(VEF.VN) – Dù những khó khăn là có thực, nhưng nếu biết hướng vào giá trị thực và nhu cầu của thị trường, các nhà đầu tư vẫn tìm thấy cơ hội trong các kênh đầu tư truyền thống như vàng, bất động sản, chứng khoán… Bên cạnh đó, hãy tìm cho mình một hướng đi mới với tầm nhìn dài hạn trong các lĩnh vực mang tính đột phá như truyền thông giải trí, nông nghiệp và công nghệ thông tin.
Đó chính là những nội dung chính của Ngày hội đầu tư 2012 do TS. Alan Phan – Chủ tịch Quỹ đầu tư VIASA và nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nhân hàng đầu trình bày.
Những tín hiệu lạc quan
Theo TS. Lê Đăng Doanh – chuyên viên kinh tế cao cấp, năm 2012 có nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam như kinh tế thế giới biến động xấu, khủng hoảng nợ công châu Âu, bất ổn ở Trung Đông… Những yếu tố này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, vốn FDI, tỷ giá, giá dầu mỏ và nguyên liệu.
Ông dự báo tại Việt Nam, lạm phát còn diễn biến phức tạp, lãi suất ngân hàng có thể giảm theo lạm phát song vẫn còn tương đối cao, cung tín dụng có thể tăng từ 12% (2011) lên 15-17% (2012), tỷ giá dao động trong khoảng + 3% và tín dụng ngoại tệ tăng mạnh do chênh lệch lãi suất.
Tuy nhiên, cũng có những tín hiệu tốt như quá trình tái cơ cấu đầu tư, ngân hàng, DNNN có thể đem lại cơ hội mới cho khu vực tư nhân tham gia các dự án kết cấu hạ tầng, mua cổ phần. Các tập đoàn nhà nước sẽ phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành khoảng 20.000 tỷ VNĐ trước 2015, quá trình cổ phần hóa DNNN, bao gồm các tập đoàn, ngân hàng thương mại… đang được đẩy mạnh, tạo cú hích cho thị trường tài chính. Tín dụng cho bất động sản được nới lỏng có chọn lọc và có điều kiện, tạo điều kiện khai thông từng bước một số dự án.
Ngoài ra, nhiều tập đoàn Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ đang tìm cơ hội đầu tư, mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) ở Việt Nam. Một động lực nữa là Việt Nam tiếp tục hội nhập, giảm thuế nhập khẩu và mở cửa thị trường đối với các sản phẩm công nghiệp và dịch vụ theo lộ trình.
TS. Lê Đăng Doanh cho rằng điều đáng mừng là trong Hội nghị III BCH TƯ khóa XI vừa qua TƯ Đảng đã xác định yêu cầu: “đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh”. Đặc biệt, có ba lĩnh vực ưu tiên cần tái cơ cấu là: đầu tư công, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và DNNN. Đặc biệt, cần khắc phục “tư duy nhiệm kỳ” và “lợi ích nhóm” trong đầu tư công trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư.
Đi tìm giá trị thực
Giá trị thực của thị trường bất động sản Việt Nam theo ông Nguyễn Văn Đực – TGĐ Công ty BĐS Đất Lành là phải đáp ứng nhu cầu và khả năng chi trả của người dân.
Hiện tại, tổng số căn hộ ở Việt Nam vào khoảng 200.000 căn (riêng TP.HCM là 60.000 căn), đa số có giá từ 1-3 tỷ đồng, rất ít căn dưới 1 tỷ đồng và không có căn dưới 500 triệu đồng trong khi GDP đầu người của Việt Nam chỉ vào khoảng 1.000 USD/năm. Điều này cộng với các yếu tố như đầu cơ, tham nhũng đất đai, “bầu sữa” ngân hàng bị cắt đang tạo ra “cơn bão” cho các doanh nghiệp bất động sản.
“Để đầu tư một dự án, doanh nghiệp bất động sản thông thường chỉ có từ 10-30% số vốn, 20-30% là từ ngân hàng và phần còn lại 40-60% phải ứng trước từ khách hàng. Hiện nhiều dự án không bán được nên phải giãn tiến độ, ngưng thi công và có nguy cơ bị ngân hàng phát mãi dẫn đến doanh nghiệp phá sản, khách hàng mất tiền“, ông Nguyễn Văn Đực nói. Ông nhận định, cơ hội đầu tư bất động sản trong thời gian tới sẽ xoay quanh “nhỏ – rẻ – xanh”. Đó là những sản phẩm căn hộ diện tích nhỏ, giá rẻ nhưng vẫn đáp ứng chỉ số an toàn và hài hòa với thiên nhiên.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Đỗ Chí cho rằng xu hướng tăng giá trong dài hạn của vàng vẫn được duy trì và sẽ có những kỷ lục giá mới trong năm 2012. Giá vàng có thể lặp lại mức tăng giá hai con số trong năm 2012 (đã tăng 26% trong năm 2011), mặc dù điều này còn phụ thuộc vào những yếu tố như sức mạnh đồng USD, nhu cầu vàng vật chất của châu Á và diễn biến khủng hoảng.
“Vàng nên có mặt trong một danh mục đầu tư cá nhân dài hạn, 10% nếu ít tin tưởng và 20% nếu tin tưởng giá trị “phòng thủ lạm phát” của vàng. Mỗi 6 tháng, do giá cả lên xuống, một nhà đầu tư có vàng, nhà đất và ngoại tệ có thể cơ cấu lại danh mục đầu tư của mình như sau: thí dụ nếu giá vàng lên sau khi nắm giữ 6 tháng đầu thì tỷ lệ của vàng tài sản sẽ hơn 33%; lúc đó sẽ bán bớt vàng và thay bằng tiền VND gửi ngân hàng hay ngoại tệ nếu hai loại sau này đã xuống thấp dưới 33% do vàng đã lên giá mạnh hơn. Trong đầu tư vàng cần thực hiện nguyên tắc vàng của đầu tư: mua rẻ lúc xuống giá, và bán đắt lúc lên giá“, ông Phạm Đỗ Chí đưa ra lời khuyên.
Kinh tế trưởng Công ty chứng khoán HSC Nguyễn Tấn Thắng thì cho rằng đối với thị trường chứng khoán Việt Nam 2012, chỉ số “niềm tin” là yếu tố quyết định. Có niềm tin thì sẽ nhìn ra cơ hội, ví dụ nhờ chính sách tiền tệ thắt chặt nên các yếu tố đầu cơ bị triệt tiêu, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, tạo ra giá trị thực. Ngoài ra, giá nhiều cổ phiếu đang ở mức “thấp tương đối” nên nhà đầu tư có thêm nhiều lựa chọn. Giá BĐS tiếp tục xu hướng giảm có lợi cho những ai có nhu cầu mua thực và khi lạm phát, lãi suất giảm, doanh nghiệp BĐS sẽ dễ tiếp cận vốn hơn.
Những lĩnh vực đột phá
Cuộc IPO Facebook gần đây đã tạo ra hàng nghìn triệu phú đô la trẻ, cuộc khủng hoảng lương thực và ứng dụng khoa học công nghệ đã giúp hàng triệu nông dân làm giàu trên mảnh ruộng của họ. Công nghệ thông tin và nông nghiệp công nghệ cao, đó cũng chính là những lĩnh vực đột phá mà TS. Alan Phan cho rằng sẽ mang lại cho các nhà đầu tư với tầm nhìn dài hạn nhiều cơ hội.
Theo TS. Alan Phan, nông nghiệp Việt Nam là căn bản, 67% người Việt Nam vẫn là nông dân. Nông nghiệp ở đây không phải là việc đi phá rừng trồng cao su. Nông nghiệp nên dựa trên mô hình của người Do Thái. Do Thái khi lập quốc, một triệu dân của họ sống trên một sa mạc khô cằn, sỏi đá, hơn thế nữa họ bị đe dọa bởi một trăm triệu người Ả rập xung quanh. Họ bắt đầu đi từ nông nghiệp, tập trung phát triển nông nghiệp, xây dựng mô hình phân phối, cách canh tác, phát triển hạt giống bằng khoa học công nghệ. Chỉ trong vòng 10 năm, 1 triệu dân Do Thái đã xuất khẩu nông sản sang các nước châu Âu, thậm chí là cả châu Phi – nơi đất đai màu mỡ phì nhiêu. Việt Nam có thể đi theo con đường đó để phát triển nền kinh tế của đất nước.
“Trong bối cảnh khủng hoảng lương thực do bùng nổ dân số, việc thúc đẩy sử dụng năng lượng hữu cơ, phát triển xanh, giảm khí thải hiệu ứng nhà kính … Việt Nam với thế mạnh nông nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển một quyền lực mềm quốc gia thông qua lợi thế cạnh tranh này“, ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch HĐQT tập đoàn cà phê Trung Nguyên, chia sẻ.
Ngoài nông nghiệp, một lãnh vực khác mà Việt Nam cũng có một vài lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác ở Đông Nam Á là công nghệ thông tin (IT). Trước hết, ngành IT cần một hệ thống hạ tầng như băng tần cáp quang hay vệ tinh rộng lớn, nhưng hạ tầng cho ngành này không tốn kém như một hệ thống xa lộ, cảng biển, đường sắt…nkhắp nước. Tiếp đến, khi so sánh với 9 quốc gia khác thuộc ASEAN. Không nước nào có 3 triệu sinh viên đại học hay 4 triệu Việt kiều khắp thế giới. Tính ham học của người Việt và những khôn khéo rèn luyện từ bao năm khó khăn là những chất xám tạo mũi nhọn. Một thí dụ là tại thánh địa của IT, thung lũng Silicon ở California, người Việt chỉ đứng sau người Hoa và người Ấn (trong cộng đồng dân gốc Á Châu) về những thành tựu trong ngành IT thế giới.
“Nhiều công ty phần mềm Nhật Bản, Hàn Quốc đang xúc tiến việc mua lại, sáp nhập với các công ty phần mềm, CNTT tại Công viên phần mềm Quang Trung. Lý do họ chọn Việt Nam là do chúng ta có nguồn nhân lực CNTT dồi dào, chất lượng khá cao và thị trường nhiều tiềm năng”, ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP phát triển Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) khẳng định.

DUY KHÁNH
 18/02/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét