Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2018

Đầu tư ngoại tệ nào?

Trong bối cảnh bất ổn của nhiều nền kinh tế thế giới và lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia thuộc khu vực Đông Á, nhiều nhà đầu tư đang băn khoăn không biết nên đầu tư vào loại ngoại tệ nào để đảm bảo được giá trị, chưa nói tới chuyện nâng cao được giá trị của khoản đầu tư đó.
Trong rổ ngoại tệ của thị trường ngoại hối hiện nay, có khá nhiều đồng tiền của các quốc gia được nhà đầu tư và người dân quan tâm nắm giữ. Tùy thuộc mục đích sử dụng mà mỗi người có sự quan tâm khác nhau. Tuy nhiên, dù với mục đích nào thì việc lựa chọn, nắm giữ các đồng tiền cũng sẽ dựa trên cơ sở giá trị thực và giá trị thị trường của đồng tiền đó.
Giá trị thực của một đồng tiền được xác định bằng sức mạnh nội tại của nền kinh tế. Còn sức mạnh của nền kinh tế lại được thể hiện qua một số chỉ tiêu cơ bản, bao gồm: GDP, bảng cân đối tổng sản phẩm, thu nhập theo đầu người, tăng trưởng kinh tế, dự trữ quốc gia (ngoại hối, hàng hóa, vàng hay bạc), cán cân thanh toán, thâm hụt thương mại, nhập siêu, xuất siêu v.v…
Giá trị thị trường của một đồng tiền được xác định bằng cung và cầu, như một loại hàng hóa có thể đánh giá mức độ hấp dẫn thông qua thanh khoản giao dịch của thị trường.
Trên cơ sở xác định giá trị thực và giá thị trường của một đồng tiền, nhà đầu tư sẽ ra quyết định lựa chọn loại ngoại tệ để đầu tư. Tuy nhiên, mức độ sai số về sự chi phối, tác động ngoài dự kiến của nền kinh tế tới đồng tiền đó trong nhất thời lẫn dài hạnlà điều khó tránh.
Thị trường ngoại hối Việt Nam giao dịch nhiều loại tiền mặt thông dụng với hầu hết mọi quốc gia trên thế giới: đồng đô la Mỹ (USD), đồng Nhân dân tệ Trung Quốc (NDT), đồng Franc Thụy Sĩ (CHF), đồng đô la Canada (CAD), đô la Úc (AUD), đô la Singapore (SGD)…
USD: Là đồng tiền chính trong dự trữ ngoại hối của Việt Nam, cũng là đồng tiền thanh toán quốc tế. Do đó, USD không chỉ quan trọng mà còn rất thanh khoản tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Trong tương lai gần hay 5 năm tới, dự đoán giá trị của đồng USD vẫn sẽ chịu sự chi phối của hai yếu tố cung cầu.
Nhu cầu sử dụng đồng USD: do là đồng tiền của nền kinh tế lớn nhất thế giới, của một chính phủ đã củng cố và xây dựng được niềm tin về sự ổn định chính trị, kinh tế, xã hội hàng đầu thế giới trong một thời gian dài và không dễ có gì thay đổi hay đánh đổi được niềm tin ấy, nên nhu cầu nắm giữ USD vẫn sẽ khá cao, đặc biệt trong tình trạng bất ổn của nhiều nền kinh tế khác.
Khối lượng cung ứng USD: hiện đang tăng lên sau những gói kích cầu kinh tế (quantitative easing) của Chính phủ Mỹ trong 3 năm qua nhằm cứu các ngân hàng lớn. Đồng thời, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Federal Reserve) đang thi hành chính sách một đồng đô la yếu để giúp thúc đẩy xuất khẩu và giảm giá trị nợ.
Khi cung tăng lên, cầu vẫn giữ mức cao, vị thế cân bằng sẽ giúp USD không hạ giá nhiều so với giá trị thực và vẫn giữ được vị trí là đồng tiền thanh toán số 1 của thế giới. Theo đó, tỷ giá đồng đô la Mỹ trên thị trường quốc tế là khá ổn định và nếu có sụt giảm cũng sẽ chỉ giảm ở mức khoảng 1-3% đến cuối năm 2012.
NDT: Ngược với các ngoại tệ khác, NDT không do thị trường định giá mà do Chính phủ Trung Quốc “uốn nắn” theo mục đích chính trị. Không một chuyên gia tài chính nào có thể tiên đoán được chính xác sự lên xuống của NDT.
Dù nền kinh tế Trung Quốc hiện đã lớn mạnh, GDP đang đứng thứ hai trên thế giới, với dự trữ quốc gia đạt trên 3.200 tỷ USD, nhưng vài yếu kém nội tại có thể ảnh hưởng không những đến nền kinh tế mà cả sự ổn định xã hội của nước này. Ba yếu tố tiêu cực nhất là lạm phát, bong bóng tài sản và nợ xấu của hệ thống ngân hàng.
Nhiều người nói về việc NDT trở thành đồng tiền thanh toán chung của thế giới, thay vị trí của USD. Tôi không tin chuyện này sẽ xảy ra vì thể chế và cơ cấu chính trị của Trung Quốc không cho phép sự minh bạch và trung thực về tài chính. Khi đồng NDT chưa được tự do chuyển đổi, mua bán (ngoại trừ một vài giao dịch đặc biệt của chính phủ), thì NDT vẫn chỉ là một đồng bản tệ.
CHF: Là đồng tiền có giá trị thực khá cao do sự điều hành về tài chính rất thông minh của Chính phủ nước này. Đồng CHF đang được thị trường đánh giá cao và cầu sẽ vượt cung vào những năm tới.
Vì cuộc khủng hoảng nợ công ở một vài quốc gia châu Âu đang làm suy yếu đồng Euro, người dân có tiền ở các quốc gia thuộc khối EU và Đông Âu đang có xu hướng tích lũy và cất trữ CHF. Kinh tế toàn cầu càng bất ổn thì CHF sẽ càng là đồng tiền bền vững và tăng giá đều đặn.
CAD và AUD: Đây là 2 đồng tiền có vị thế và xu thế khá giống nhau vì dựa trên nền kinh tế giàu kháng sản (và dầu mỏ ở Canada). Tuy nhiên, các nguyên liệu thô đã tăng giá khá cao trong mấy năm vừa qua, và kinh tế toàn cầu đang suy thoái, nên giá dầu và khoáng sản sẽ khó đạt mức tăng cao hơn nữa. Giá thị trường hay giá trị thực của CAD và AUD vì vậy sẽ bão hòa ở mức hiện tại, không lên quá cao, cũng không xuống quá thấp.
SGD: Trong những năm gần đây, GDP của Singapore đã tăng trưởng cao, nhưng đây không hẳn là một nền kinh tế dựa vào tài nguyên, tiêu thụ nội địa hay sức sản xuất hàng hóa.
Andy Xie, một chuyên gia cao cấp của Morgan Stanley, đã bị cho thôi việc dưới áp lực của Chính phủ Singapore chỉ vì nhận định: “Singapore là trung tâm rửa tiền của các nước Đông Nam Á”. Nhờ vào các dòng tiền luân chuyển có lẽ là lý do chính giải thích cho sự phồn thịnh của Singapore. Khi các nền kinh tế trong khu vực đang gặp vấn đề về an toàn của hệ thống tài chính và phải thắt lưng buộc bụng vì lạm phát tăng vọt thì SGD cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Với tổng quan trên về một số ngoại tệ trên thị trường hối đoái, nhiều người sẽ hỏi cá nhân tôi chọn đồng tiền nào cho mục đích đầu tư, cất trữ? Xin thưa, nếu cần giữ tiền mặt tôi sẽ chọn CHF. Tuy nhiên, lựa chọn tối ưu của tôi từ trước đến nay vẫn là vàng. Cá nhân tôi trung thành với quan điểm dẫu là thanh khoản, tiện lợi và được ưa chuộng đến đâu, mọi đồng tiền giấy đều có thể bị chi phối, làm giá và in thêm từ các tác nhân chính trị, chưa kể còn cộng thêm nhiều yếu tố khác. Tôi không bao giờ tin vào đồng tiền giấy, mà tin vào giá trị của vàng về mặt tài chính!
T/S Alan Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét