Tim đập nhanh bất thường có thể là dấu hiệu cảnh báo của một dạng rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, người bệnh cần sớm được thăm khám và điều trị để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng.
Tim đập nhanh bất thường là bệnh gì?
Bệnh rối loạn nhịp tim nhanh là nguyên nhân thường gặp nhất gây triệu chứng tim đập nhanh bất thường, cụ thể bao gồm các dạng như nhịp xoang nhanh, rung nhĩ, nhịp nhanh trên thất, nhịp nhanh thất và rối loạn thần kinh tim. Ngoài tra tình trạng này có thể gặp trong bệnh mạch vành, hở van tim, thiếu máu cơ tim…
- Nhịp xoang nhanh: Nút xoang được xem là máy tạo nhịp tự nhiên của cơ thể. Nhịp xoang bình thường nằm trong khoảng 60 – 100 nhịp/phút lúc nghỉ ngơi. Khi căng thẳng, sử dụng chất kích thích, tác dụng phụ của thuốc… sẽ khiến nút xoang hoạt động mạnh hơn, làm tim đập nhanh hơn bình thường, lên tới trên 100 nhịp/ phút.
- Rung nhĩ: xảy ra do có nhiều nhóm tế bào trên cơ tâm nhĩ bị kích thích và tự phát ra xung điện, khiến tâm nhĩ đập nhanh và hỗn loạn, không giữ được nhịp điệu bình thường của tim.
- Nhịp nhanh trên thất: Xảy ra khi các đường dẫn truyền ở nút nhĩ thất hoặc ở tâm nhĩ bị thay đổi, khiến tâm nhĩ bắt đầu đập nhanh hơn, có thể lên tới 150 đến 200 lần/phút. Nhịp nhanh trên thất thường ít nguy hiểm, nó có thể gây ra bởi bất thường bẩm sinh trong hệ thống dẫn điện của tim, sự mất cân bằng điện giải, sử dụng thuốc và các chất kích thích…
- Nhịp nhanh thất: Là nhịp tim nhanh bắt nguồn từ tâm thất. Tâm thất là buồng tim chịu trách nhiệm bơm máu đi nuôi toàn bộ cơ thể, vì vậy các rối loạn nhịp tại thất rất nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng đe dọa tính mạng.
- Rối loạn thần kinh tim: Khá phổ biến ở người trẻ, thường xảy ra do rối loạn lo âu hoặc căng thẳng, stress kéo dài, rối loạn hoạt động của hệ thần kinh thực vật, làm tim đập nhanh hơn bình thường, kèm theo hồi hộp đánh trống ngực, thậm chí choáng ngất.
Tim đập nhanh và mạnh có nguy hiểm không?
*Tim đập nhanh và mạnh bất thường sẽ làm giảm hiệu quả bơm máu của tim, khiến tim không đáp ứng được đủ nhu cầu oxy của cơ thể, khi đó người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng, đau ngực, khó thở, buồn nôn và nôn….
*Khi tim đập quá nhanh sẽ gây rối loạn huyết động, máu bị ứ tại các buồng tim và hình thành nên huyết khối, gây tắc mạch, dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Trường hợp nhịp tim nhanh tại tâm thất có thể tiến triển thành rung thất, gây tử vong ngay lập tức nếu không được cấp cứu kịp thời.
Những ai dễ bị tim đập nhanh bất thường
- Người mắc các bệnh tim mạch như bệnh mạch vành, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, hẹp, hở van tim…
- Người bệnh tiểu đường, bệnh cường giáp
- Những người hút thuốc lá hoặc thường xuyên sử dụng các chất kích thích như rượu, ma túy, caffein…
- Người bị rối loạn lo âu, căng thẳng, stress kéo dài
- Phụ nữ ở giai đoạn tiền mãn kinh
Suy giảm nội tiết tố trong giai đoạn tiền mãn kinh có thể gây nên triệu chứng tim đập nhanh bất thường ở phụ nữ
Cách làm giảm tim đập nhanh bất thường
*Mẹo làm giảm nhanh nhịp tim
Một số biện pháp đơn giản có thể giúp làm giảm nhịp tim nhanh chóng, như hít thật sâu và thở ra từ từ; nghiệm pháp Vagal (bịt mũi, ngậm miệng, bịt tai sau đó thở mạnh); ho mạnh; khoát nước lạnh lên mặt hoặc uống một cốc nước lạnh. Bạn có thể dễ dàng thực hiện ngay khi có triệu chứng tim đập nhanh xuất hiện để cắt cơn nhịp nhanh.
*Dùng thuốc để cải thiện chứng tim đập nhanh bất thường
- Nếu không thể giảm được nhịp tim bằng những mẹo trên, các thuốc chống loạn nhịp sẽ rất hữu ích để đưa nhịp tim về bình thường và tránh những biến chứng nguy hiểm. Không có duy nhất loại thuốc nào thể kiểm soát được tất cả dạng rối loạn nhịp, vì vậy đôi khi bạn có thể cần phải kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau để có đáp ứng điều trị tốt. Trong nhiều trường hợp, thuốc trị rối loạn nhịp tim lại làm tồi tệ hơn tình trạng tim đập nhanh hoặc thuốc lại là nguyên nhân gây loạn nhịp, ngoài ra còn gây nhiều tác dụng phụ khác. Vì vậy, bạn chỉ được phép dùng thuốc khi có sự chỉ định của bác sĩ.
- Các trường hợp tim đập nhanh bất thường gây ra bởi một số dạng bệnh rối loạn nhịp tim như rung nhĩ, nhịp nhanh thất, nhịp nhanh trên thất sẽ được kiểm soát bằng các thủ thuật xâm lấn, điển hình như đốt điện tim để loại bỏ phần mô tim bị nghi ngờ gây loạn nhịp. Trước khi tiến hành thủ thuật này, bác sỹ sẽ thăm dò điện sinh lý tim để phát hiện chính xác vị trí cần đốt điện tim.
- Cấy máy khử rung tim để khôi phục nhịp tim bình thường
Nếu dùng thuốc, đốt điện tim mà hiện tượng tim đập nhanh và mạnh bất thường vẫn không được cải thiện, bác sỹ sẽ chỉ định đặt máy khử rung tim hoặc máy tạo nhịp tim. Các thiết bị này có vai trò loại bỏ các tín hiện điện tim bất thường và điều khiển quá trình phát nhịp tim. Tuy nhiên, loại thiết bị này không giúp ngăn chặn hoàn toàn các cơn nhịp tim nhanh bất thường nên người bệnh vẫn cần dùng thuốc, và tránh các thiết bị điện tử như lò vi sóng, điện thoại di động, cửa an ninh sân bay…
- Ngoài các biện pháp kể trên, thì chìa khóa quan trọng nhất để khắc phục tình trạng tim đập nhanh bất thường chính là duy trì lối sống lành mạnh, tâm lý thoải mái, tránh lo lắng căng thẳng và tập thể dục mỗi ngày 30 phút bằng các môn như hít sâu thở chậm, ngồi thiền, yoga, đi bộ, đạp xe… Hãy tạo thói quen tốt để có 1 trái tim khỏe mạnh và không còn hiện tượng tim đập nhanh hơn bình thường.
DS Thu Thảo
Nguồn tham khảo:
https://www.bhf.org.uk/heart-health/conditions/abnormal-heart-rhythms
https://www.msdmanuals.com/home/heart-and-blood-vessel-disorders/abnormal-heart-rhythms/overview-of-abnormal-heart-rhythms
https://www.medicinenet.com/heart_rhythm_disorders/article.htm#atrial_flutter
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét