Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 10 tháng 4, 2019

ĐỪNG quên cho TIM NGHỈ mệt NỬA GIỜ

Thầy thuốc chuyên khoa ngành tim mạch đều rõ cấp cứu bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim thường khi chỉ là chuyện may rủi vì bệnh diễn tiến rất cấp bách, rất khó lường do phải tính từng giây! Khi đối diện với người bệnh có mạch vành bị thuyên tắt nhà điều trị cho dù có nhiều năm kinh nghiệm vẫn ít ai dám quả quyết về tiên lượng ngay cả trong trường hợp đã qua cơn nguy kịch hay thậm chí khi dấu hiệu lâm sàng đã ổn định vì bệnh có thể trở nặng bất cứ lúc nào, nhanh như trở bàn tay.
Thêm vào đó, tỷ lệ tử vong sở dĩ rất cao là vì phần lớn bệnh nhân khi gọi được xe cấp cứu đã là quá trễ. Khỏi nói thêm cũng hiểu người bệnh xứ mình khổ đến thế nào khi xe cấp cứu rước được bệnh nhân rồi lại phải nhích từng chút vì kẹt xe! Cho dù có tiến hành ngay biện pháp cấp cứu tại nhà hay trên xe cứu thương thì hy vọng nói chung vẫn rất ít. Chính vì thế mà thầy thuốc khắp nơi đang cổ động không ngừng cho mọi biện pháp phòng chống căn bệnh nhồi máu cơ tim, vì đó là biện pháp duy nhất hiệu quả để giảm tỷ lệ tử vong. Kiểu nào cũng được, dù là thiền định chống stress, thể dục yoga cho trái tim, dùng dược thảo giữ máu loãng, dinh dưỡng chống tăng chất mỡ trong máu…, kiểu nào thấy tiện là dùng, phối hợp càng hay, miễn sao bệnh đừng đột phát bất tử! Đáng nói là nhiều biện pháp phòng ngừa bệnh mạch vành lại không qua phức tạp. Sau khi đúc kết dữ liệu nghiên cứu với đầy đủ xét nghiệm cận lâm sàng của hơn 2000 bệnh nhân, các nhà nghiên cứu ở đại học Athen, Hy Lạp đã mạnh dạn kết luận là có thể giảm đến gần 40% tỷ lệ tử vong do nhồi máu cơ tim nếu người có cuộc sống căng thẳng cũng như đối tượng đã có vấn đề với mạch máu trên thành tim tập thói quen ngủ trưa tối thiểu 3 lần trong tuần, mỗi lần không cần lâu hơn nửa giờ. Theo thầy thuốc ở xứ sở một thời là chiếc nôi của nền y học phương Tây, có thể giảm thiểu đến 60% số trường hợp thiểu năng mạch vành nếu người làm việc quên mình chịu khó nhớ đến giờ ngủ trưa cho thường.
Không lạ gì khi nhiều nhà nghiên cứu về giấc ngủ quả quyết là giấc ngủ trưa thậm chí quan trọng hơn giấc ngủ ban đêm. Chính vì thế mà giấc ngủ trưa còn được tặng danh hiệu “giấc ngủ năng lực” (power sleep). Đó cũng là lý do tại sao nhiều công ty ở Nhật, nơi tỷ lệ nhồi máu cơ tim chiếm huy chương vàng liên tục trong nhiều năm trước đây, đã cài đặt chương trình ngủ trưa bắt buộc trong giờ làm việc. Còn gì hợp lý hơn khi người ta đã biết từ lâu là cơ thể, từ khả năng giải độc của lá gan cho đến chức năng tư duy, phải hết pin sau 6 giờ hoạt động. Tại sao lại để cháy máy trong khi chỉ cần nghỉ xả hơi đúng lúc để máy sau đó lại vận hành như máy… mới?! Đừng tưởng già mới bệnh. Rất mong thầy cô ở các trường đang có chương trình giảng dạy nghịch lý khiến trẻ bị hành xác suốt ngày cũng vui lòng lưu ý điểm này.
Tiếc chi có nửa giờ để rồi mất trắng?! Nếu chỉ tạm ngưng không hơn 30 phút mỗi ngày để sau đó có thể kéo cày thêm nhiều giờ mà không sợ có lúc đột quỵ vì nhồi máu cơ tim thì đúng là bỏ một vốn lấy lời bảy, tám. Chộ vốn như thế mới là biết cách đầu tư. Lạ một điều là trong khi bệnh tim mạch vẫn trước sau đứng đầu trên bảng “phong thần” thì số người chịu lưu ý phòng ngừa bệnh mạch vành vẫn là thiểu số! Không lạ gì nếu các vãng sanh đường xứ mình, trái với ngành du lịch, không bao giờ phải hạ giá khuyến mãi vì lúc nào, bất kể mưa nắng, cũng vào mùa… cao điểm!

Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét