Tìm kiếm Blog này

Thứ Tư, 10 tháng 4, 2019

Tại sao GÃY GÁNH giữa đường?

Biết là chuyện gì cũng có ngoại lệ nhưng với bệnh tim mạch thì trước sau vẫn chắc như bắp là các căn bệnh thuộc hệ tuần hoàn sẽ tiếp tục đứng đầu trong bảng phong thần! Một trong các lý do là vì số người bỏ cuộc ngang xương vì nhồi máu cơ tim do thuyên tắt mạch vành tiếp tục tăng mặc dầu kỹ thuật chẩn đoán và phương tiện điều trị không ngừng được cải tiến. Không tăng sao được với lối sống căng thẳng như hiện nay?! Thêm vào đó là vì bệnh khi cần cấp cứu phải tính từng phút đến độ ở nhiều nước có ngành y tế với cấu trúc tiến bộ đã từ lâu thiết kế xe cứu cấp và tập huấn nhân sự để tiến hành điều trị ngay khi xe vừa lăn bánh để tranh thủ từng giây. Ở xứ mình lại kẹt ở chỗ khác. Đó là cho dù nếu có đội ngũ cấp cứu “xịn” đến thế thì bệnh nhân vẫn đến bệnh viện quá trễ vì… kẹt xe! Đau tim mà lựa ngay giờ cao điểm hay gặp ngày thi tuyển vào đại học thì có thuốc thánh cũng đành bó tay!
Nói vậy chứ vấn đề trên thực tế chính là tại sao nhiều người, đa số hãy còn rất trẻ, phần lớn không hề có dấu hiệu bệnh hoạn trước đó, bỗng đột quỵ vì mạch máu vành tim tắt nghẽn cái một?! Khó có khói nếu không có lửa huống hồ đây rõ ràng là ngọn lửa rất cao.
Quả thật không quá lời khi phỏng đoán người nào cũng có thể là nạn nhân của nhồi máu cơ tim. Bằng chứng là bệnh không tha một ai, bất kể nam phụ lão ấu. Bản tin buồn về người mới thấy đó nay đã ra đi hầu như quen thuộc như tin thời tiết. Lý do rất dễ hiểu. Nhồi máu cơ tim gõ cửa không hề báo trước nên ít ai trở tay cho kịp. Đáng tiếc là bệnh có thể phòng ngừa không mấy khó nếu kịp thời lưu ý một số yếu tố tiếp tay cho căn bệnh. Đáng tiếc hơn nữa là để nắm vững thông tin về mối nguy do nhồi máu cơ tim để có thể kéo dài cuộc sống thêm nhiều chục năm nhiều chỉ mất mấy phút phù du!
Thay vì thụ động lắng nghe, xin mời quý độc giả thử trả lời chục câu hỏi dưới đây:
1. Bạn đã hơn 50 tuổi?
2. Bạn đang hút thuốc?
3. Lượng mỡ trong máu (cholesterol) của bạn trong 3 tháng gần đây cao hơn 250mg?
4. Bạn có thân nhân trực hệ đã từng bị nhồi máu cơ tim?
5. Huyết áp của bạn trong 4 tuần vừa qua cao hơn 140/90mmgHg?
6. Bạn đã từng bị cơn đau thắt ngực?
7. Thể trọng của bạn thuộc nhóm dư cân?
8. Bạn đã bị bệnh tiểu đường?
9. Bạn phải đối đầu với stress trong cuộc sống hàng ngày?
10. Bạn rất it khi chơi thể thao?
Nếu tưởng kết quả được tính theo kiểu ăn đồng chia đều 50% thì lầm. Chỉ cần 3 câu trả lời với ĐÚNG đã đủ để bạn nên nhanh chân tìm đến thầy thuốc chuyên khoa vì nguy cơ nhồi máu cơ tim rõ như ban ngày! Đã đến lúc bạn phải nghĩ nhiều hơn về con tim trước khi quá muộn. Nếu bạn khéo thế nào mà vớ ngay 5 câu trả lời ăn điểm thì đã đến lúc thầy thuốc phải thay bạn để làm gì đó vì trái tim đã hết khỏe từ lâu.
Ngược lại, cho dù bạn có qua trót lọt kỳ thi cũng đừng chủ quan là mình không bệnh nên không cần thầy thuốc. Trái lại, việc tầm soát bệnh tim định kỳ, cụ thể là tình trạng thiểu năng mạch vành, chính là biện pháp hữu hiệu nhất cho mục tiêu phòng ngừa, nhất là khi nạn nhân thuộc nhóm ít vận động và có chế độ dinh dưỡng nhiều chất đạm và béo gốc động vật. Nhiều thầy thuốc ở châu Âu ắt hẳn phải có lý do chính đáng khi cổ động cho dụng cụ cần thiết cho chức năng của trái tim: chiếc xe đạp! Tiếc ghê, đó là chuyện bên Tây! Bên ta, đặc biệt là ở các thành phố sầm uất như Saigon, Hà Nội…, đạp xe ngoài đường nhiều khi đứng tim dù tim vẫn khỏe!

Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét