Có rất nhiều loại Phí và Thuế áp dụng trong Ngành Chứng khoán. Tuy nhiên trong bài viết dưới đây mình chỉ trình bày các Phần Phí và Thuế Chứng khoán có liên quan tới các Nhà đầu tư đang Đầu tư trên Thị trường Chứng khoán Việt Nam. Các loại khác áp dụng cho các đối tượng như Công ty Chứng khoán, Công ty Quản lý Quỹ, … sẽ được trình bày trong 1 bài viết khác riêng biệt. Các Vấn đề chính gồm:
+ Phí Giao dịch (Hay còn gọi là Phí Môi giới Chứng khoán) (0,15%-0,5%)và Cách tính.
+ Phí Lưu ký Chứng khoán.
+ Thuế thu nhập từ chuyển nhượng Chứng khoán – 0,1% Giá trị Bán.
+ Thuế Cổ tức tiền Mặt – 5% Giá trị Cổ tức tiền mặt thực nhận.
+ Các loại Phí Thuế khác (Không thường xuyên).
1. Phí Giao dịch (Hay còn gọi là Phí Môi giới Chứng khoán) và Cách tính
– Khái Niệm: Phí Giao dịch (Hay Phí Môi giới Chứng khoán) là Phí mà bạn phải trả khi bạn mua bán chứng khoán thành công. Phí này do Công ty Chứng khoán thu của khách trên cơ sở cung cấp dịch vụ giúp khách hàng có thể Mua Bán Chứng khoán thành công qua Công ty mình. Cho nên đôi khi Phí này còn gọi là Phí Môi giới Chứng khoán. Loại phí này được thu trên cơ sở % Giá trị Mua bán trong ngày của khách hàng. Và trong thực tế thì trong tất cả các loại Phí Thuế Chứng khoán với nhà đầu tư thì loại Phí này cũng là chiếm chủ đạo của người tham gia.
– Ví dụ: một khách hàng trong ngày có đặt mua 1 lệnh duy nhất là Lệnh mua 500 cổ phiếu VNM – VinaMilk với mức giá mua thành công là 148.000 đồng / cổ phiếu thì Tổng giá trị mua của khách hàng này trong 500 x 148.000 đồng = 74 triệu đồng. Giả sử mức phí mà khách hàng này phải chịu ở Công ty Chứng khoán A nào đó là 0,25% thì Phí giao dịch phải trả là: 74.000.000 x 0,25% = 185.000 đồng.
Trong hình: Một tài khoản mở tại OCS có ghi mức Phí tạm tính với Lệnh Mua 500 VNM giá 148 là 185 ngàn đồng. Mức phí % tạm tính ở đây là 0,25% (Link gốc ảnh)
– Mức phí: theo quy định của Luật thì các Công ty Chứng khoán không được phép thu quá 0,5% giá trị 1 lần giao dịch và không quy định tối thiểu. Ví dụ cũng với Lệnh giao dịch thành công mua VNM nói trên thì Phí Giao dịch tối đa được phép thu sẽ là: 74.000.000 đồng x 0,5% = 370.000 đồng (Khá cao). Thực tế là không có 1 Công ty Chứng khoán nào áp mức này cả. Thông thường thì vùng phí hiện nay đang nằm ở trung vùng từ 0,15% – 0,35% tùy vị thế từng Công ty Chứng khoán, tùy Giá trị Giao dịch 1 ngày của từng khách và vị thế của khách hàng (Có phải khách hàng lớn nhiều tiền VIP không), … Thông thường thì các Công ty Chứng khoán lớn, uy tín, hệ thống tốt thì Phí sẽ cao hơn là các Công ty Chứng khoán nhỏ.
– Phí Giao dịch nói trên sẽ áp đầu Mua riêng và Bán riêng: tức là nếu bạn làm 1 vòng mua xong rồi vài tuần bán ra là phải bạn phải chịu chi phí cả 2 đầu, chứ không phải chỉ duy nhất 1 lần. Ví dụ: Khi 2 tuần sau, mình thấy VNM nhích nhẹ lên giá 150.000 đồng / cổ phiếu và mình quyết bán để chốt chút lời. Lúc này Tổng giá trị bán là 500 x 150.000 đồng = 75 triệu đồng. Vẫn ở Công ty Chứng khoán đó nên mức phí khi bán vẫn là 0,25% nên Phí giao dịch phải trả khi bán là: 75.000.000 x 0,25% = 187.500 đồng. Như vậy tổng mức phí 1 vòng 2 đầu mua bán là: 185.000 đồng + 187.500 đồng = 372.500 đồng. Như vậy kiếm được 1 triệu từ 1 vòng mua bán thì đã mất 372,5K cho phí, khá tốn nếu ai thích kiểu mua đi bán lại suốt.
– Phí Giao dịch luôn được tạm trừ ngay khi Đặt lệnh và chỉ thu khi Lệnh thực khớp: ngay khi bạn Đặt lệnh thì mức Phí sẽ được tạm khấu trừ ngay lập tức, trường hợp hết ngày Lệnh đặt đó của bạn không khớp thì Công ty Chứng khoán sẽ hoàn lại mức phí họ đã tạm khấu trừ của bạn. Công ty Chứng khoán chỉ được phép thu phí khi lệnh giao dịch đã thực hiện thành công.
– Mức Phí và sự tạm tính: ngay trong một Công ty Chứng khoán cũng tồn tại nhiều mức phí khác nhau, chứ không phải mỗi Công ty chỉ có duy nhất 1 mức phí.
Trong hình: Thông báo của HSC về các mức phí sẽ áp khi bạn đạt được khung giá trị dịch trong 1 ngày (Link gốc ảnh)
Vẫn trở lại tiếp tục với Ví dụ trên, sau khi buổi sáng mình đã mua thành công 500 VNM giá 148.000 đồng là hết 74 triệu đồng, đến buổi chiều, mình đang có 200 MWG (Thế giới Di động), mình quyết định bán giá 172.500 đồng tức là Tổng giá trị bán là 34,5 triệu đồng. Như vậy nếu giả sử mình giao dịch bên HSC thì từng lệnh riêng lẻ mình sẽ chịu mức phí giao dịch là 0,35%. Tuy nhiên cuối ngày vào buổi tối sau 8h tối mình xem lại sao kê lịch sử giao dịch thì sẽ thấy hệ thống Công ty sẽ tính lại mức phí cho mình theo mốc mới là 0,3% vì Tổng giá trị cả mua bán trong ngày của mình là 74 triệu đồng + 34,5 triệu đồng = 108,5 triệu đồng (Lớn hơn >100 triệu đồng và nhỏ hơn <300 triệu đồng). Và Phí giao dịch ngày hôm đó mình phải chịu sẽ là 108.500.000 đồng x 0,3% = 325.500 đồng. Cho nên Mức phí 0,35% lúc đặt riêng lẻ trong giờ giao dịch chỉ mang tính tạm thời tạm tính. Vì Hệ thống của Công ty Chứng khoán làm sao biết được là cuối cùng thì hết ngày hôm nay mình mua bán chính xác thành công tổng giá trị bao nhiêu đâu. Cứ phải hết ngày mới có số và bắt đầu tính được.
– Cạnh tranh giữa các Công ty Chứng khoán và cách Đặt Mức phí: đây chính là Giá của Dịch vụ nên có tính nhạy cảm cao và cũng là mũi nhọn cạnh tranh giữa các Công ty Chứng khoán hiện nay. Ví dụ: nếu bạn đã là khách lớn (VIP) giả dụ > 1 tỷ tiền mặt nộp vào ngay thì đi đâu hầu như bạn cũng sẽ được đề nghị mức phí thấp 0,15% (Nếu bạn tới mức này rồi mà chưa được mức phí đó thì nên đề nghị). Rồi như nhiều bên để khuyến khích khách tự Giao dịch trên Phần mềm hoặc Web Online của Công ty thì đã đưa hẳn mức Phí cao thấp ở phần này (Gọi điện đặt lệnh chả hạn thì Công ty sẽ phải bố trí thêm người để nhận lệnh sẽ tốn thêm chi phí người).
Trong hình: Thông báo của SSI về các mức phí sẽ áp khi bạn giao dịch đây. Mức phí khi Online sẽ là duy nhất 0,25% (Link gốc ảnh)
Như hình ở trên thì SSI lại chơi chiến thuật khác HSC ở chỗ họ chỉ áp mức phí mặc định là 0,25% cho tất cả các giao dịch Online khách tự mua bán, còn nếu các giao dịch nhờ Môi giới nhập hay Gọi tổng đài đặt sẽ theo mức phí như trên hình.
– Sở giao dịch Chứng khoán cũng tham gia thu Phí Giao dịch: một cách gián tiếp thông qua Công ty Chứng khoán là 0,03%. Tức là nếu như mình mua bán như ở trên mức phí là 0,3% ngay hôm đó thì mức phí mà Công ty Chứng khoán thực thu được (Gọi là Phí ròng) chỉ là 0,27%, còn 0,03% thì phải chuyển lại cho Sở. Mặc định luôn là 0,03%, kể cả Công ty có đặt phí 0,15% hay 0,35% hay 0,4% thì phí Sở vẫn thế – 0,03%.
– Danh sách Mức áp dụng hiện tại tại các Công ty Chứng khoán lớn hiện tại để các bạn tham khảo hoặc Bảng Phí Môi giới cổ phiếu các Công ty Chứng khoán lớn – Google Sheet:
Trong hình: Bảng Phí Môi giới ở 1 số Công ty Chứng khoán lớn. Nhìn chung mặt bằng cũng sàn sàn nhau. Không chênh nhau là mấy (Link gốc ảnh)
2. Phí Lưu ký Chứng khoán Đây là loại Phí đánh vào việc nắm giữa lâu dài các Chứng khoán. Nhìn chung mức Phí này rất nhỏ. Trung bình nếu bạn cầm 1.000 cổ phiếu VNM có giá trị khoảng 145 triệu đồng thì 1 tháng bạn phải trả 1 khoản nhỏ là 300 đồng.
3. Thuế thu nhập từ chuyển nhượng Chứng khoán – 0,1% Giá trị Bán
Theo quy đinh mới nhất thì từ ngày 01/01/2015 Phần Thuế liên quan tới việc Chuyển nhượng Chứng khoán chỉ có duy nhất 1 mức thuế chung là 0,1%. Và mức thuế này sẽ chỉ đánh vào Người bán ra, còn Người mua sẽ không phải chịu. Tức là 1 vòng Mua Bán thì sẽ có thêm đầu bán phải chịu thêm thuế 0,1%.
Trong hình: Một tài khoản mở tại OCS có ghi mức Phí tạm tính với Lệnh bán 200 MWG giá 172.5 (Link gốc ảnh)
Trong hình nói là màn hình giao dịch cho tài khoản mở tại OCS. Mức phí áp dụng tại Công ty này là 0,15%. Tạm tính trong ngày luôn là 0,25%. Thông tin Lệnh bán 200 MWG giá 172.5 cho biết là Tổng giá trị bán là 200 x 172.500 = 34.500.000 đồng. Nếu mức Phí Giao dịch tạm tính là 0,25% thì giá trị Phí tạm tính sẽ là 34.500.000 đồng x 0,25% = 86.250 đồng và vẫn thấp hơn cái Phí tạm tính trong hình 120.750 đồng. Làm phép chia ngược lại: 120.750 đồng / 34.500.000 đồng = 0,35%. Như vậy Phí tạm tính ở đây được hiểu là bao gồm cả Phí giao dịch bán tạm tính 0,25% + Thuế 0,1%. Còn Tiền giao dịch dự kiến về nếu khớp thành công 34.379.250 chính là = 34.500.000 đồng – 120.750 đồng.
4. Thuế Cổ tức tiền Mặt – 5% Giá trị Cổ tức tiền mặt thực nhận
Như đúng tên gọi của nó đây là loại Thuế đánh vào toàn bộ các cổ đông được nhận cổ tức tiền mặt được trả từ các Công ty. Cách thu thuế của Cục thuế cũng khá đơn giản, chỉ cho phép Công ty Niêm yết thực trả cho cổ đông 95%, còn 5% họ thu ngay từ đầu Công ty Niêm yết. Ví dụ:
Trong hình: Thông báo Trả cổ tức tiền mặt đợt 2 / 2016 của VNM (Vinamilk). Với tỉ lệ là 20% vào ngày 22/05/2017 (Link gốc ảnh)
Trong hình thì VNM – Vinamilk công bố trả cổ tức bằng tiền mặt đợt 2/2016, Tỷ lệ trả là 20%/mệnh giá tức 01 cổ phiếu nhận được 2.000 đồng, ngày chốt danh sách để được hưởng là 05/05/2017 còn ngày thanh toán là 22/05/2017. Giả sử bạn đang sở hữu 1.000 cổ phiếu VNM và vẫn cầm lâu dài thì đợt này sẽ được nhận số tiền cổ tức sẽ là: 1.000 cổ phiếu x 2.000 đồng = 2.000.000 đồng. Tuy nhiên theo quy định của Luật thì bạn sẽ bị đánh thuế 5%, nên thực ra chỉ nhận được đúng 95% là 2.000.000 đồng x 95% = 1.900.000 là số tiền thực nhận cổ tức của bạn. Còn số tiền còn lại 100.000 đồng thì VNM sẽ thay mặt bạn để chuyển trả về cho Cục thuế Tp. Hồ Chí Minh (Nơi VNM đóng trụ sở). Và đương nhiên số tiền 1,9 triệu đồng kia sẽ chuyển thẳng vào Tài khoản Chứng khoán của bạn (không phải làm thêm thủ tục gì).
5. Các loại Phí Thuế khác (Không thường xuyên)
Hiện nay vẫn còn rất nhiều loại Phí và Thuế khác nhưng đây là các trường hợp không xuất hiện thường xuyên, tùy trường hợp cụ thể. Ví dụ: Phí Ứng trước Tiền bán Chứng khoán,Phí thuế liên quan đến cho nhận, thừa kế số Chứng khoán, Phí Giao dịch ngoài sàn, Phí Chào mua Công khai, Phí Dịch vụ Tin nhắn SMS (Có nơi thu, Có nơi không thường 8.800 đồng / tháng), Phí mua thiết bị bảo mật trong giao dịch trực tuyến (Token) (Ngày nay ít người dùng), …
Bui Hiep – Tháng 5/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét