Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

Cách nghe nhạc cổ điển

Hầu như ai cũng có thể đến với nhạc cổ điển nếu “kiên trì” thực hiện lời khuyên của những người đam mê loại hình nghệ thuật này.
1/ Gọi tên cảm xúc
Vì tiêu đề hay ca từ trong các nhạc phẩm cổ điển ít khi nói lên điều gì hữu ích nên người nghe cần phải xác định được cảm xúc mà đoạn nhạc đang miêu tả. Khi nghe, bạn hãy tự hỏi mình: Bản nhạc này nói về cái gì? Nó rộn rã tiếng cười hay tràn ngập niềm khắc khoải, nỗi hoài cổ thiết tha, sự cay đắng, hay cơn cuồng nộ? Tôi luôn cố gắng tìm ra một từ để đặt tên cho cảm xúc đó. Tôi thích chất hài hước của Prokofiev và chất bi kịch trong tác phẩm Winterreise của Schubert. Về những cảm xúc hướng nội, chưa có bản nào vượt qua bản ballade số 4 của Chopin.
2/Mường tượng
Ở đây, trí tưởng tượng đóng vai trò chủ đạo. Bước đầu, có lẽ cách trải nghiệm tốt nhất là nghe các nhà soạn nhạc của trường phái ấn tượng. Nhiều người cho rằng các bức vẽ của Monet và Renoir có sức gợi tức thì; tương tự như vậy, nhiều người cũng giật mình trước các âm sắc trong nhạc của Ravel và Debussy. Khi nghe, tôi thường nhắm mắt lại và cố gắng hình dung ra các chuyển động hoặc hoạt cảnh được miêu tả trong bản nhạc.
Tin tưởng vào gu nghệ thuật của mình
Trong quá trình khám phá nhạc cổ điển, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng, trong nhạc cổ điển cũng tồn tại những thị hiếu khác nhau, như sự khác nhau giữa nhạc pop và nhạc rock vậy. Vì vậy hãy tin tưởng vào trực giác của mình. Hãy tìm một đoạn nhạc mà bạn ưa thích rồi nghe nó. Hãy tìm ra nhà soạn nhạc hay trường phái âm nhạc mà bạn thích hay không thích. Điểm mấu chốt ở đây là hãy biến âm nhạc trở thành thứ âm nhạc của riêng bạn. Bạn có thể chỉ thích Chopin, Beethoven và không đồng ý với những đam mê của bạn bè hay với tôi về các bản giao hưởng của Brahms hay những nhạc phẩm kéo dài tới ba tiếng đồng hồ của Messiaen.
3/Kiên nhẫn, kiên nhẫn, kiên nhẫn
Nhạc cổ điển đòi hỏi nhiều thời gian thẩm thấu hơn so với đa phần các loại nhạc khác. Theo kinh nghiệm của tôi, những nhạc phẩm xuất sắc nhất cũng đòi hỏi người nghe phải nghe từ sáu lần trở đi mới hiểu được. Tôi đã mất nhiều năm trằn trọc mới có thể hiểu – chưa nói đến chuyện thích – các bản tứ tấu mà Beethoven sáng tác lúc cuối đời. Nhưng bây giờ thì chúng nằm trong danh sách những nhạc phẩm yêu thích của tôi. Nếu bạn gặp một nhạc phẩm nào mà bạn không hiểu, hãy cứ kiên trì nghe đi nghe lại. Cái cảm giác day dứt khi chưa hiểu được bản nhạc có thể cũng là một dấu hiệu tốt đấy.

Trang Bùi tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét