Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

3 lý do khiến nhạc giao hưởng dù tuyệt vời nhưng vẫn kén người nghe

Không phải ngẫu nhiên mà nhạc giao hưởng lại được ưu ái tôn vinh là “bà chúa của vương quốc âm nhạc”. Hình thành từ thập niên 30 của thế kỷ 18 bởi nhạc sĩ thiên tài người Áo J.Haydn, nhạc giao hưởng là một sự kết hợp đầy ma mị của rất nhiều loại nhạc cụ lớn nhỏ và có âm sắc khác nhau, được biểu diễn trong một phòng hòa nhạc lớn. Nội tại thể hiện ra từ nhạc giao hưởng bao hàm những biểu cảm phong phú và đa dạng, từ chất trữ tình cho đến chất anh hùng ca, từ quần chúng hóa cho đến hàn lâm, từ niềm lạc quan yêu đời cho đến nét bi thương.
Khi mới bắt đầu tìm hiểu về nhạc giao hưởng, bạn sẽ được nghe nhắc nhiều đến những cái tên như J.Haydn, Mozart, L.V.Beethoven, cùng các tác phẩm trường tồn theo thời gian như các bản giao hưởng Es-dur (số 39), G-moll (số 40), C-dur (số 41), Anh hùng ca - số 3, Định mệnh - số 5, Đồng quê - số 6 và Niềm vui số 9… đây là những tác giả và tác phẩm đỉnh cao thuộc trường phái âm nhạc cổ điển Viên. Về sau này, nhạc giao hưởng tiếp tục phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ 19, 20, với sự sáng tạo của các thiên tài thế hệ sau như Schubert, Traicovsky, Berlioz, List…
Trên con đường phát triển, âm nhạc giao hưởng từ châu Âu đã lan tỏa đến khắp các châu lục khác và giờ đây đã không còn mới mẻ và xa lạ. Tuy nhiên, nhạc giao hưởng vẫn là thể loại kén thính giả bởi rất nhiều lý do.
1. Đòi hỏi người nghe phải am hiểu và có kiến thức nhất định
Như đã nói, nhạc giao hưởng là sự kết hợp của nhiều loại nhạc cụ riêng biệt và phong phú, vì vậy đòi hỏi người nghe phải có chút kiến thức nhất định để phân biệt và thấu hiểu. Hơn nữa, việc nghe nhạc cổ điển phụ thuộc rất nhiều vào bản sắc văn hóa và trình độ văn hóa của từng dân tộc. Ví dụ như đối với dân tộc Việt Nam từ xa xưa đã quen với âm nhạc theo kiểu hát để nói lên tâm tư tình cảm đời thường của mình (hát ả đào, hò, vọng cổ…) cùng với những nhạc cụ giản đơn (như trống, phách, đàn cò, đàn kìm…) nên việc tiếp cận với một nền âm nhạc mang văn hóa lâu đời và nhiều phức tạp phương Tây là một điều không dễ dàng.
2. Đòi hỏi sự tĩnh lặng khi thưởng thức 

Nếu như ở các buổi biểu diễn khác, người nghe có thể thoải mái nhún nhảy lắc lư theo điệu nhạc hoặc vô tư chuyện trò trong buổi diễn, thì ngược lại, để thưởng thức một chương trình nhạc giao hưởng, thính giả phải giữ im lặng hoàn toàn, tập trung vào màn trình diễn chỉ hấp dẫn về phần nghe nhiều hơn phần nhìn. Hơn nữa, việc lên ngôi và xuất hiện không ngừng của những dòng nhạc hiện đại như Rock, EDM, hoặc sự lên ngôi của các thế hệ ca sĩ thần tượng ngoại hình lung linh… phần nào khiến nhạc giao hưởng trở nên khó tiếp cận và ít hấp dẫn hơn.
3. Muốn nghe nhạc giao hưởng là rất khó
Kể cả khi bạn đã có niềm say mê với nhạc giao hưởng rồi, thì việc muốn tìm nghe nhạc giao hưởng cũng rất khác. Có rất ít chương trình nhạc giao hưởng được biểu diễn trong một năm, và nếu có thì giá vé cũng khá cao nếu không muốn nói là “trên trời”, đặc biệt là ở Việt Nam.


Vietnam Airlines

Cách nghe nhạc cổ điển

Hầu như ai cũng có thể đến với nhạc cổ điển nếu “kiên trì” thực hiện lời khuyên của những người đam mê loại hình nghệ thuật này.
1/ Gọi tên cảm xúc
Vì tiêu đề hay ca từ trong các nhạc phẩm cổ điển ít khi nói lên điều gì hữu ích nên người nghe cần phải xác định được cảm xúc mà đoạn nhạc đang miêu tả. Khi nghe, bạn hãy tự hỏi mình: Bản nhạc này nói về cái gì? Nó rộn rã tiếng cười hay tràn ngập niềm khắc khoải, nỗi hoài cổ thiết tha, sự cay đắng, hay cơn cuồng nộ? Tôi luôn cố gắng tìm ra một từ để đặt tên cho cảm xúc đó. Tôi thích chất hài hước của Prokofiev và chất bi kịch trong tác phẩm Winterreise của Schubert. Về những cảm xúc hướng nội, chưa có bản nào vượt qua bản ballade số 4 của Chopin.
2/Mường tượng
Ở đây, trí tưởng tượng đóng vai trò chủ đạo. Bước đầu, có lẽ cách trải nghiệm tốt nhất là nghe các nhà soạn nhạc của trường phái ấn tượng. Nhiều người cho rằng các bức vẽ của Monet và Renoir có sức gợi tức thì; tương tự như vậy, nhiều người cũng giật mình trước các âm sắc trong nhạc của Ravel và Debussy. Khi nghe, tôi thường nhắm mắt lại và cố gắng hình dung ra các chuyển động hoặc hoạt cảnh được miêu tả trong bản nhạc.
Tin tưởng vào gu nghệ thuật của mình
Trong quá trình khám phá nhạc cổ điển, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng, trong nhạc cổ điển cũng tồn tại những thị hiếu khác nhau, như sự khác nhau giữa nhạc pop và nhạc rock vậy. Vì vậy hãy tin tưởng vào trực giác của mình. Hãy tìm một đoạn nhạc mà bạn ưa thích rồi nghe nó. Hãy tìm ra nhà soạn nhạc hay trường phái âm nhạc mà bạn thích hay không thích. Điểm mấu chốt ở đây là hãy biến âm nhạc trở thành thứ âm nhạc của riêng bạn. Bạn có thể chỉ thích Chopin, Beethoven và không đồng ý với những đam mê của bạn bè hay với tôi về các bản giao hưởng của Brahms hay những nhạc phẩm kéo dài tới ba tiếng đồng hồ của Messiaen.
3/Kiên nhẫn, kiên nhẫn, kiên nhẫn
Nhạc cổ điển đòi hỏi nhiều thời gian thẩm thấu hơn so với đa phần các loại nhạc khác. Theo kinh nghiệm của tôi, những nhạc phẩm xuất sắc nhất cũng đòi hỏi người nghe phải nghe từ sáu lần trở đi mới hiểu được. Tôi đã mất nhiều năm trằn trọc mới có thể hiểu – chưa nói đến chuyện thích – các bản tứ tấu mà Beethoven sáng tác lúc cuối đời. Nhưng bây giờ thì chúng nằm trong danh sách những nhạc phẩm yêu thích của tôi. Nếu bạn gặp một nhạc phẩm nào mà bạn không hiểu, hãy cứ kiên trì nghe đi nghe lại. Cái cảm giác day dứt khi chưa hiểu được bản nhạc có thể cũng là một dấu hiệu tốt đấy.

Trang Bùi tổng hợp