Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2022

Bạch cầu ái toan và viêm thực quản bạch cầu ái toan

Viêm thực quản do bạch cầu ái toan là bệnh mới nổi và cũng từng coi là tình trạng hiếm gặp nhưng hiện nay ngày càng phổ biến, do sự xâm nhập bất thường bạch cầu ái toan vào niêm mạc thực quản, gây ảnh hưởng chức năng cấu trúc thực quản-có thể tiến triển làm giảm đường kính và hẹp thực quản. Cần đánh giá cẩn thận các trường hợp bệnh nhân nuốt khó để phát hiện bệnh và bắt đầu điều trị sớm cho người bệnh.
1. Phân loại và chức năng bạch cầu
Bạch cầu gồm có 3 loại chính: bạch cầu hạt, tế bào lymphobạch cầu đơn nhân. Bạch cầu hạt là các tế bào bạch cầu có các hạt nhỏ chứa protein. Có ba loại tế bào bạch cầu hạt:
Bạch cầu ái kiềm: Chúng chiếm ít hơn 1% tế bào bạch cầu trong cơ thể và thường xuất hiện với số lượng tăng sau một phản ứng dị ứng.
Bạch cầu ái toan: Đây là bạch cầu chịu trách nhiệm đáp ứng với nhiễm trùng mà ký sinh trùng gây ra.
Bạch cầu trung tính: Chúng đại diện cho phần lớn các tế bào bạch cầu trong cơ thể. Chúng hoạt động như những “lao công thu gom rác”, giúp bao quanh và tiêu diệt vi khuẩn và nấm có thể có trong cơ thể.
2.Bạch cầu ái toan là gì?
Hình ảnh bạch cầu ái toan
Eosinophils là một trong những thành phần của bạch cầu được sản sinh từ tủy xương và là một trong những tế bào có vai trò thúc đẩy tiến trình viêm, đặc biệt các phản ứng viêm dị ứng.
Do vậy, một số lượng lớn eosin có thể tích tụ trong các mô như là thực quản, dạ dày, ruột non và đôi khi trong máu khi những cá nhân đó phơi nhiễm với yếu tố dị nguyên. Các dị nguyên mà gây nên viêm thực quản EE này vẫn chưa biết rõ, chỉ biết các dị nguyên ấy đi vào do việc hít hoặc nuốt vào.
Bạch cầu ái toan nói riêng và các loại bạch cầu nói chung đều có những đặc điểm sau:Có khả năng thay đổi hình dạng, xuyên qua vách giữa các tế bào để di chuyển tới những nơi cần bạch cầu.
Có khả năng chuyển động bằng chân giả (giống amip) với tốc độ 40 mm/phút.
Khi có những chất do mô viêm sản xuất hoặc do vi khuẩn tạo ra hoặc có những chất hoá học đưa từ ngoài vào cơ thể, thu hút bạch cầu ái toan hoặc xua đuổi bạch cầu ra xa hơn.
Thực bào: Có khả năng nuốt các vật lạ xâm nhập vào cơ thể.
Bạch cầu ái toan- thành phần quan trọng của hệ miễn dịch
Mặc dù bạch cầu ái toan là một phần của hệ thống miễn dịch, tuy nhiên không phải lúc nào phản ứng của chúng cũng tốt đối với cơ thể. Đôi khi, chúng là một phần của các tình trạng như dị ứng thực phẩm, viêm trong các mô của cơ thể.
Bạch cầu ái toan di chuyển trong hệ tuần hoàn cùng với các hồng cầu
3. Thực quản là gì? Thực quản nằm ở đâu?
Thực quản là đoạn đầu của ống tiêu hóa dẫn thức ăn từ hầu đến dạ dày, dài khoảng 25cm, tương đối di động, dính với các tạng xung quanh bằng các cấu trúc lỏng lẻo, có hình dẹt vì các thành áp sát vào nhau và có hình ống khi nuốt thức ăn.
Phía trên thực quản nối với hầu ngang mức đốt sống cổ 6, phía dưới thông dạ dày ở tâm vị, ngang mức đốt sống ngực 10. Thực quản nằm ở phía sau khí quản, đi xuống vùng trung thất sau, nằm ở phía sau tim và trước động mạch chủ ngực, xuyên qua cơ hoành vào ổ bụng, nối với dạ dày.
Vị trí của thực quản trong lồng ngực
4.Viêm thực quản là gì?
Viêm thực quản là tình trạng mà lớp niêm mạc thực quản bị tổn thương và dẫn đến viêm. Viêm thực quản có một số nguyên nhân: nguyên nhân hay gặp nhất là trào ngược acid (acid reflux) dẫn đến cảm giác nóng tại vùng họng, mặc dù trào ngược acid có thể gây ra loét trên lớp trong của thực quản.
Các nguyên nhân khác hiếm gặp hơn là do virus (herpes simplex), nấm (candida), thuốc (tetracycline), chạy tia xạ (điều trị ung thư phổi). Các thầy thuốc tin rằng viêm thực quản tăng eosin là một loại viêm thực quản gây ra do dị ứng giống hen phế quản, hoặc sốt, viêm mũi dị ứngviêm da cơ địa (atopic dermatitis) thậm chí một số dị nguyên khác.
Hình ảnh nội soi của thực quản bình thường
5.Viêm thực quản do bạch cầu ái toan là gì?
Viêm thực quản do bạch cầu ái toan (VTQDBCAT) là tình trạng thâm nhiễm bạch cầu ái toan tại thực quản gây ra các triệu chứng lâm sàng.
6.Viêm thực quản do bạch cầu ái toan được tìm ra như thế nào?
Đây là một bệnh lý mới chỉ thật sự được sự quan tâm trong khoảng 20 năm gần đây. Ca bệnh đầu tiên được tác giả Landres mô tả trong y văn năm 1978 là một trường hợp bệnh nhân ban đầu chẩn đoán co thắt tâm vị sau đó phát hiện tình trạng dày lên của lớp cơ ở thực quản và kết quả mô bệnh học cho thấy có sự thâm nhiễm của bạch cầu ái toan.
Trong khoảng thời gian từ 1989 - 1994 lần lượt có thêm một vài nghiên cứu báo cáo một loạt ca bệnh ghi nhận những trường hợp với triệu chứng nuốt khó nhưng không có tắc nghẽn, kết quả đo pH thực quản bình thường và khi sinh thiết thấy số lượng bạch cầu ái toan trong niêm mạc thực quản tăng.
Năm 1995, Kelly và cs. đã báo cáo một số bệnh nhi có tình trạng thâm nhiễm bạch cầu ái toan ở thực quản không đáp ứng với các phương pháp điều trị trào ngược bao gồm cả thuốc và phẫu thuật Nissen nhưng thuyên giảm triệu chứng khi sử dụng chế độ ăn nghiêm ngặt bao gồm các acid amin theo công thức.
Viêm thực quản do bạch cầu ái toan gây ảnh hưởng đến vận động thực quản (Nguồn ảnh: mayoclinic.org)
7.Viêm thực quản do bạch cầu ái toan có phổ biến không?
Tỷ lệ mắc VTQDBCAT thay đổi theo khu vực trong đó tỉ lệ mắc theo khuyến cáo của Hội tiêu hóa châu Âu năm 2017 dao động từ 13-49/100.000 dân và tỉ lệ mắc mới hàng năm dao động tử 1 - 20/100.000 dân. Tỉ lệ gặp ở người lớn có triệu chứng tại thực quản khi nội soi đường tiêu hóa trên là 7% và tỉ lệ này có thể tăng lên 23% ở nhóm bệnh nhân có triệu chứng nuốt khó và 50% ở nhóm bệnh nhân có nuốt nghẹn với thức ăn.
Tại khu vực châu Á, Nhật là quốc gia đầu tiên báo cáo ca bệnh năm 2006 sau đó ngày càng nhiều ca bệnh được ghi nhận tại một số nước khác...Theo một nghiên cứu tổng quan vé VTQDBCAT ở châu Á, từ năm 1980 đến 2015,có 25 nghiên cứu với 217 bệnh nhân được báo cáo ở các quốc gia Nhật Bản, Hån Quốc, Trung Quốc và Ả Rập Xê Út.
Các nghiên cứu dịch tễ, lâm sàng và mô bệnh học đều cho thấy nam giới có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn và tỉ lệ nam:nữ là 3:1. Các nghiên cứu tập trung vào triệu chứng điển hình của VTQDBCAT là nuốt khó và nuốt nghẹn với thức ăn cũng cho thấy tỷ lệ nam giới chiếm đa số.
Tuổi trung bình phát hiện mắc bệnh lý này ở người lớn từ 30 - 50 tuổi và độ tuổi phát hiện không có liên quan đến tiến triển của các triệu chứng. Tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy thời gian trung bình từ khi bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng đến khi chẩn đoán ra bệnh khá muộn, từ 4,2 - 4,8 năm.
8.Tăng bạch cầu ái toan ở thực quản có thể gặp trong những bệnh lý nào?
Bình thường, niêm mạc thực quản có thể có một số tế bào lympho nhưng không có bạch cầu ái toan. Khi có tình trạng viêm do dị ứng, tế bào biểu mô của lớp niêm mạc sẽ tăng sản và bắt đầu xuất hiện bạch cầu ái toan. Tình trạng xuất hiện bạch cầu ái toan ở lớp biểu mô thực quản được gọi là tăng bạch cầu ái toan ở thực quản.
Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào kết quả mô bệnh học, không thể khẳng định chẩn đoán VTQDBCAT. Tình trạng này còn có thể gặp trong các bệnh lý khác tại thực quản như trào ngược dạ dày thực quản (GERD), tăng bạch cầu ái toan do đáp ứng với thuốc ức chế bơm proton (proton pump inhibitor responsive esophageal eosinophilia - PPI REE), co thắt tâm vị hoặc một số bệnh lý ngoài thực quản như bệnh Celiac,Crohn, nhiễm trùng, hội chứng tăng bạch cầu ái toan, tăng nhạy cảm với thuốc, viêm mạch, pemphigus, các bệnh lý mô liên kết, thải ghép....
Năm 2007, trong đồng thuận đầu tiên trên thế giới về VTQDBCAT chưa nêu được rõ ràng định nghĩa của bệnh lý này nhưng đến đồng thuận thứ hai ra đời năm 2011, VTQDBCAT được định nghĩa là bệnh lý thực quản mạn tính do cơ chế miễn dịch/kháng nguyên đặc trưng bởi các triệu chứng liên quan đến rối loạn chức năng thực quản và tình trạng viêm với sự xuất hiện chủ yếu của bạch cầu ái toan trên mô bệnh học. Định nghĩa này vẫn được đồng thuận trong các khuyến cáo tiếp theo của Hội Tiêu hóa Mỹ năm 2013 và Hội Tiêu hóa châu Âu năm 2017.

ThS.BS Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét