Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2022

Cách sử dụng ống nghe y tế (2021)

Ống nghe y tế giúp đỡ chúng ta rất nhiều trong việc khám chữa bệnh nhờ khả năng khuếch đại các âm thanh khó nghe thấy được của cơ thể, từ đó phát hiện ra những dấu hiệu bất thường và những triệu chứng của bệnh tật. Tuy nhiên, để khai thác được hiệu quả công dụng này, bạn cần phải hiểu rõ cách sử dụng ống nghe y tế trước tiên. Đây cũng chính là vấn đề mà chúng tôi muốn chia sẻ với bạn trong bài viết này.
Chuẩn bị ống nghe trước khi thăm khám
Chất lượng của việc thính chẩn không chỉ phụ thuộc vào kỹ năng của người khám bệnh mà còn chịu ảnh hưởng rất nhiều từ quá trình chuẩn bị, bao gồm chuẩn bị ống nghe và chuẩn bị cho người bệnh. Trong đó, chuẩn bị ống nghe sẽ giúp quá trình sử dụng luôn hiệu quả và thoải mái, ngay cả khi phải khám bệnh trong thời gian dài.
1/ Chọn ống nghe phù hợp
Chọn ống nghe là một công việc khá phức tạp, nhưng lại có thể đem lại những hiệu quả rất bất ngờ. Một chiếc ống nghe phù hợp sẽ mang lại cho người dùng cảm giác chắc chắn, tự tin và thoải mái khi sử dụng. Ngoài ra, màu sắc và ngoại hình của ống nghe cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng của bệnh nhân và người khám bệnh, góp phần quyết định hiệu quả của quá trình thính chẩn.
Khi lựa chọn ống nghe, bạn nên chú ý thật kĩ 2 vấn đề quan trọng sau:
Loại mặt nghe: ống nghe y tế hiện nay có rất nhiều loại mặt nghe khác nhau, bao gồm ống nghe 1 mặt, ống nghe 2 mặt (1 màng nghe + 1 chuông nghe) và ống nghe 2 màng nghe (1 người lớn + 1 trẻ em). Mỗi loại này sẽ có những thế mạnh và ứng dụng khác nhau, đáp ứng nhu cầu của nhân viên y tế trong tất cả mọi lĩnh vực.
Kích thước mặt nghe: mặt nghe có kích thước lớn thường sẽ sử dụng cho người lớn, mặt nghe kích thước nhỏ hơn thì phù hợp để khám bệnh cho trẻ em. Nếu thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhi, bạn nên lựa chọn những dòng ống nghe có kích thước mặt nghe nhỏ (ống nghe trẻ em) hoặc những dòng ống nghe có cả 2 mặt đều là màng nghe (1 người lớn + 1 trẻ em).
Đây chính là 2 tiêu chí quan trọng nhất khi chọn mua ống nghe y tế. Ngoài ra, bạn cũng nên xem xét những yếu tố khác như thương hiệu, giá thành, màu sắc và chất liệu của ống nghe để lựa chọn được sản phẩm ưng ý nhất. Nếu muốn tìm hiểu thêm về vấn đề này, vui lòng tham khảo bài viết hướng dẫn chọn ống nghe của chúng tôi.Nên dùng mặt nghe kích thước nhỏ khi khám bệnh cho trẻ em
2/ Điều chỉnh quai nghe
Quai nghe là bộ phận tạo ra lực ép lên ống tai khi sử dụng. Nếu lực ép này quá lớn, tai sẽ dễ bị nhức mỏi khi sử dụng ống nghe trong thời gian dài. Ngược lại, nếu lực ép quá nhỏ, khả năng cách âm của ống nghe sẽ giảm sút đáng kể. Do đó, trước khi bắt đầu thăm khám bệnh nhân, bạn nên điều chỉnh góc độ của quai nghe sao cho phù hợp và thoải mái nhất với cấu tạo tai của mình.Nới rộng quai nghe: dùng tay nắm lấy 2 quai nghe sau đó uốn từ từ ra phía ngoài. Thực hiện lại động tác nhiều lần cho đến khi đạt được góc độ phù hợp.
Thu hẹp quai nghe: bắt chéo 2 quai nghe và dùng tay bóp sát phần chạc chữ Y. Thực hiện lại động tác nhiều lần cho đến khi đạt được góc độ phù hợp.
Điều chỉnh góc độ quai nghe
3/ Thay nút tai phù hợp
Hầu hết các ống nghe hiện nay đều đi kèm một bộ nút tai với nhiều kích thước và độ cứng khác nhau. Điều này là do nút tai cũng ảnh hưởng rất lớn lên trải nghiệm của người sử dụng và chất lượng âm thanh của ống nghe. Để bảo đảm hiệu quả khi thính chẩn, bạn nên lựa chọn loại nút tai sao cho phù hợp và thoải mái nhất đối với bản thân mình.
Cách thay thế nút tai: nếu ống nghe của bạn cho phép thay đổi nút tai, bạn có thể rút (hoặc vặn) nút tai cũ ra khỏi quai nghe, sau đó đút (hoặc vặn) nút tai phù hợp vào lại đúng vị trí. Đừng quên cất kĩ những nút tai vừa được thay thế để tránh tình trạng thất lạc khi cần sử dụng lại trong tương lai.
Gắn nút tai vào quai nghe
4/ Đeo ống nghe đúng cách
Trước khi đeo ống nghe, hãy chắc chắn rằng quai nghe và nút tai đang hướng về phía trước, sau đó mới cho nút tai vào trong tai. Tư thế này không chỉ mang lại sự thoải mái tối đa cho người sử dụng mà còn đảm bảo ống tai được bịt kín, ngăn chặn những tạp âm lẫn vào từ bên ngoài
.


5/ Điều chỉnh mặt nghe
Khi sử dụng ống nghe 2 mặt, bạn sẽ phải lựa chọn mặt nghe phù hợp trước khi bắt đầu thăm khám cho bệnh nhân. Việc này sẽ phụ thuộc vào đối tượng bệnh nhân đang tiếp xúc (người lớn hay trẻ em) và âm thanh mà bạn đang cần thính chẩn (tần số cao hay tần số thấp).
Đối với những dòng ống nghe có 2 màng nghe, màng nghe lớn sẽ dùng để khám bệnh cho người lớn và màng nghe nhỏ dùng để khám bệnh cho trẻ em. Những ống nghe này thường sẽ đi kèm với màng nghe đa tần số nên bạn không cần phải lo lắng về việc thiếu đi chức năng của chuông nghe.
Ống nghe 2 màng nghe
Đối với những dòng ống nghe có 1 màng nghe và 1 chuông nghe, màng nghe thường sẽ được dùng để nghe âm thanh tần số cao và chuông nghe để nghe âm thanh tần số thấp.
Ống nghe 1 màng nghe 1 chuông nghe
Cách đổi mặt nghe: xoay mặt nghe cho đến khi nghe tiếng “cạch” báo hiệu đường dẫn âm đã được kết nối, sau đó gõ nhẹ lên mặt nghe đã lựa chọn để kiểm tra xem có âm thanh hay chưa. Xoay 180 độ để chuyển đổi giữa 2 mặt nghe.

Cách đổi mặt nghe trên ống nghe 2 mặt
Cách cầm mặt nghe: kẹp mặt nghe giữa ngón trỏ và ngón giữa của bàn tay. Cách cầm này sẽ giúp bạn tránh dùng áp lực quá mức lên mặt nghe hoặc chà sát vào và vùng màng nghe, những lỗi thường tạo ra các tạp âm không cần thiết.
Hướng dẫn cách thính chẩn bằng ống nghe
1/ Quy tắc thính chẩn cơ bản
Để bảo đảm chất lượng của quá trình thính chẩn, trước tiên bạn cần phải nắm rõ những nguyên tắc cơ bản khi sử dụng ống nghe. Sau đây, mời bạn tham khảo 3 giai đoạn quan trọng nhất khi tiến hành thính chẩn cho một bệnh nhân bất kỳ.
Bước 1: Chuẩn bị môi trường khám
Thực hiện thăm khám trong môi trường yên tĩnh, đầy đủ ánh sáng và nhiệt độ ấm áp. Điều này sẽ khuếch đại chất lượng âm thanh của ống nghe và giúp bạn nghe được cả những âm thanh nhỏ nhất.

Môi trường phù hợp cho việc thính chẩn

Bước 2: Chuẩn bị bệnh nhân
Hướng dẫn bệnh nhân duy trì tư thế tối ưu tùy vào mục đích và vị trí khám. Bộc lộ da trần ở vùng cần thính chẩn, không sử dụng ống nghe trên bề mặt quần áo để hạn chế tạp âm.
Sử dụng ống nghe trực tiếp trên da trần

Bước 3: Tiến hành thính chẩn
Lần lượt áp ống nghe lên những vị trí thính chẩn quan trọng và tập trung nghe âm thanh của cơ thể. Thăm khám bệnh nhân ở tất cả các tư thế nằm ngửa, ngồi và nằm nghiêng trái để nghe được tất cả những âm thanh cần thiết. Nghe lại tất cả các vị trí một lần nữa bằng chuông nghe nếu sử dụng ống nghe 2 mặt.
Tiến hành thính chẩn ở nhiều tư thế khác nhau

Nếu tuân thủ đầy đủ những bước cơ bản này, bạn sẽ có được những kết quả thính chẩn chính xác nhất để đưa ra chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Tuy nhiên, cách sử dụng ống nghe còn tùy thuộc vào từng vùng cơ thể khác nhau và đặc thù riêng của các cơ quan. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ tóm tắt những kỹ thuật thính chẩn phổ biến nhất trong những phần tiếp theo của bài viết này.
2/ Cách sử dụng ống nghe để đo huyết áp
Hiện nay, hầu hết mọi người đều chọn mua máy đo huyết áp điện tử để phục vụ nhu cầu theo dõi huyết áp tại nhà. Tuy nhiên, máy đo huyết áp điện tử lại có nhược điểm là độ chính xác không cao và cần phải được điều chỉnh định kỳ. Do đó, đối với nhân viên y tế, phương pháp đo huyết áp cổ điển với máy đo huyết áp cơ và ống nghe vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu. Sau đây, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cách sử dụng ống nghe y tế để đo huyết áp chính xác nhất cho bệnh nhân.
Bước 1: Dán vòng bịt vòng quanh cánh tay của bệnh nhân, ở phần phía trên khuỷu tay. Vòng bịt cần phải vừa khít, không quá chặt hay quá lỏng.
Bước 2: Đặt màng nghe luồn phía dưới vòng bịt, đè lên trên động mạch cánh tay.
Bước 3: Bơm vòng bịt cho đến khi bạn không còn nghe được tiếng mạch đập, sau đó bơm thêm khoảng 20 – 30 mmHg.
Bước 4: Xả hơi từ từ khỏi vòng bịt đồng thời lắng nghe và tập trung quan sát đồng hồ đo áp suất. Nhịp đập rõ ràng đầu tiên mà bạn nghe thấy sẽ báo hiệu huyết áp tâm thu của bệnh nhân và số đo trên đồng hồ khi nhịp đập dừng lại sẽ tương ứng với huyết áp tâm trương.Cách sử dụng ống nghe để đo huyết áp
3/ Cách sử dụng ống nghe để nghe tim
Khi nói về kĩ năng sử dụng ống nghe, bác sĩ tim mạch có lẽ chính là những người thuần thục nhất. Do đó, phần này chỉ nhằm mục đích hướng dẫn các bạn sinh viên mới bắt đầu sử dụng ống nghe và nhắc lại một số điều cơ bản về nghe tim trong khám bệnh tổng quát.
Khi thính chẩn ở tim, tối thiểu bạn phải nghe được âm thanh ở 4 vị trí cơ bản nhất, sử dụng cả màng nghe và chuông nghe hoặc màng nghe đa tần số để theo dõi được tất cả các khoảng âm thanh khác nhau:
Bờ phải tim (khu vực động mạch chủ): khoang liên sườn thứ hai nằm bên phải xương ức. Bạn có thể nghe rõ nhất âm thanh từ van động mạch chủ tại vị trí này.
Bờ trái tim (khu vực phổi): khoang liên sườn thứ hai bên trái xương ức. Bạn có thể nghe rõ nhất âm thanh từ van phổi trong khu vực này.
Bờ xương ức dưới bên trái (LLSB) (khu vực van ba lá): khoang liên sườn thứ tư bên trái xương ức. Bạn có thể nghe rõ nhất âm thanh từ van ba lá và tiếng tim phải trong khu vực này.
Mỏm tim (Khu vực van hai lá): khoang liên sườn thứ năm trên đường trung đòn. Nghe âm thanh từ van hai lá và tiếng tim trái trong khu vực này là dễ nhất.4 vị trí cơ bản để nghe tiếng tim

Khi thính chẩn ở tim, bạn cần phải chú ý nghe số lượng nhịp tim, loại nhịp tim, nhịp điệu của tiếng tim cũng như những âm thanh đáng lẽ không nên có, ví dụ như tiếng gallop, tiếng thổi, tiếng click giữa tâm thu, tiếng snap mở van. Ban đầu, những âm thanh này sẽ có vẻ như hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên, khi đã nghe tim thành thạo, bạn sẽ dễ dàng phân biệt được chúng khi thăm khám cho bệnh nhân.
Để đạt được hiệu quả tối ưu khi nghe tim, bạn nên chọn mua những dòng ống nghe tim mạch chuyên dụng. Những dòng ống nghe này sẽ được trang bị những công nghệ phù hợp để nghe tiếng tim và có âm thanh tốt hơn rất nhiều so với ống nghe dùng cho khám bệnh tổng quát.
4/ Cách sử dụng ống nghe để nghe tiếng phổi
Nghe âm thanh của phổi sẽ giúp bạn xác định được nhịp, nhịp điệu và chất lượng của hơi thở, phát hiện vật cản trong đường thở cũng như những tiếng cọ báo hiệu viêm màng phổi.
Điều quan trọng nhất trong thính chẩn phổi là phải nhất quán trong quá trình chuẩn bị và thính chẩn bệnh nhân. Việc này sẽ cho phép đánh giá tình trạng phổi chính xác hơn và tăng khả năng phát hiện được những thay đổi khó nghe trong tiếng thở.Bắt đầu nghe từ phía trên xương đòn do nhu mô phổi thường kéo dài đến vị trí này.
Luôn luôn lắng nghe bên trái và bên phải ở cùng một mức trước khi chuyển xuống mức thấp hơn. Bằng cách này, bạn sẽ so sánh được giữa 2 bên phổi, và các bất thường sẽ trở nên rõ ràng hơn.
Khi nghe ở sau lưng, bạn nên hướng dẫn bệnh nhân hơi cuối người về phía trước để bộc lộ rõ vùng tam giác thính chẩn.
Biết rõ về cấu tạo phổi cũng rất quan trọng để giúp bạn thính chẩn đúng vị trí. Dưới đây là những vị trí nghe âm thanh phổi phổ biến nhất. (Nguồn: 3M Littmann)
Những vị trí nghe âm phổi phổ biến
4/ Cách sử dụng ống nghe để nghe âm bụng
Nghe âm bụng là một trong những giai đoạn quan trọng trong quy trình khám bụng cơ bản, bao gồm nhìn, nghe, gõ, sờ. Âm thanh ở bụng sẽ giúp chúng ta đánh giá được tình trạng nhu động ruột và một số bệnh về mạch máu ở vùng này.
Để thính chẩn vùng bụng, bạn sử dụng màng nghe đặt trực tiếp lên da bụng của bệnh nhân. Khu vực nghe là xung quanh rốn. Âm thanh của nhu động ruột thường sẽ giống với tiếng gầm gừ hoặc tiếng càu nhàu, là dấu hiệu cho thấy hệ tiêu hóa của bệnh nhân vẫn còn khỏe mạnh và đang hoạt động bình thường.
Giảm nhu động ruột thường là dấu hiệu của tắc nghẽn hoặc táo bón. Ngược lại, tăng nhu động ruột thường là dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa hoặc dị ứng thức ăn.Những vị trí có thể sử dụng ống nghe để nghe âm bụng (ruột)
5/ Cách sử dụng ống nghe để phát hiện âm thổi
Âm thổi là âm thanh bất thường của mạch máu, thường là dấu hiệu cho thấy động mạch đã bị thu hẹp (do xơ vữa hoặc huyết khối), tạo ra một dòng chảy hỗn loạn. Đây là một âm thanh bất thường, nếu bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, bạn sẽ không thể nghe được bất kỳ âm thổi nào.
Âm thổi có thể được phát hiện bằng cách đặt ống nghe ở cổ (âm thổi động mạch cảnh), rốn (âm thổi động mạch chủ bụng), thận (âm thổi thận), xương đùi, xương chậu và động mạch thái dương.Cách sử dụng ống nghe để phát hiện âm thổi (ĐM cảnh)
Vệ sinh và bảo quản ống nghe
Để tránh tình trạng lây truyền chéo giữa các bệnh nhân, bạn cần phải vệ sinh ống nghe của mình trước/sau mỗi lần thăm khám. Tuy nhiên, nếu vệ sinh không đúng cách, bạn sẽ vô tình khiến cho chất lượng và độ bền của chiếc ống nghe yêu quí giảm sút đáng kể chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng.
Sai lầm thường gặp nhất của nhân viên y tế hiện nay chính là sử dụng luôn dung dịch rửa tay sát khuẩn trong bệnh viện để vệ sinh ống nghe. Phương pháp này mặc dù khá tiện lợi nhưng lại rất dễ làm làm hư hỏng các phụ kiện và mặt nghe của ống nghe do tác dụng của các phụ chất có trong dung dịch.
Do đó, đối với những dòng ống nghe hiện nay, bạn nên sử dụng một trong những dung dịch vệ sinh sau để sát khuẩn:
*Nước và xà phòng trung tính
*Cồn 70 độ (alcol)
*Dung dịch tẩy trắng 2% (có thể làm phai màu dây nghe)
Tuyệt đối không rửa hoặc ngâm ống nghe trong bất kỳ loại dung dịch nào. Thay vào đó, hãy vệ sinh ống nghe bằng giẻ lau tẩm cồn, hoặc giẻ lau nhúng trong dung dịch vệ sinh thích hợp

.
Vệ sinh mặt nghe
Vệ sinh dây nghe
Sau khi sử dụng, bạn cũng cần phải bảo quản và cất giữ ống nghe đúng cách để kéo dài tuổi thọ của ống nghe cũng như ngăn ngừa những tốn hại đến chức năng và tính thẩm mỹ. Thông thường, bạn có thể để lại ống nghe vào trong hộp đựng ban đầu hoặc cất vào trong ngăn tủ, ngăn kéo, quan trọng nhất là phải bảo đảm những nguyên tắc sau:Không để ống nghe ở nơi nóng quá hoặc lạnh quá.
Không để ống nghe dưới ánh nắng mặt trời trực tiếp vì phơi nắng liên tục sẽ làm dây nghe bị cứng.
Không để/giữ ống nghe gần dung môi hoặc dầu.
Không đặt vật nặng lên ống nghe vì có thể làm ống nghe cong vênh.
Không bảo quản ống nghe bằng cách gập lại rồi để trong túi.
LECONGHY1999

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2022

Viêm da cơ địa , căn bệnh "ưa" thời tiết lạnh, khô khiến da ngứa ngáy: Chuyên gia chỉ cách đối phó





Vào mùa đông, bệnh viêm da cơ địa thường diễn biến nặng, lâu, và gây cảm giác khó chịu cho người bệnh.
PGS.TS.BS Hoàng Thị Lâm, Đơn vị Dị ứng Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết viêm da cơ địa là một bệnh dị ứng khiến da người bệnh đỏ và ngứa. Bệnh xảy ra ở hầu hết các đối tượng, kể cả người lớn và trẻ nhỏ. Khi ngứa, bệnh nhân càng gãi thì càng làm bệnh trở nên nặng hơn, thậm chí các vết thương có nguy cơ bị nhiễm trùng. Nguyên nhân là do cơ địa của họ nhạy cảm với điều kiện thời tiết lạnh, khô hanh và độ ẩm tương đối thấp.
Viêm da cơ địa là một bệnh mạn tính nên có thể tái phát bất kỳ khi nào có các yếu tố thuận lợi làm bệnh nhân khó chịu. Bệnh thường khởi phát từ khi bệnh nhân còn nhỏ tuổi, với những đợt tái phát và có thể kéo dài suốt đời.
"Chưa có nghiên cứu nào xác định chính xác nguyên nhân gây ra viêm da cơ địa. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể là các nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ và khiến bệnh trở nên nặng hơn. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể tiếp xúc nhiều dị nguyên, các yếu tố này khiến cho bệnh có thể khởi phát như: Vệ sinh kém, căng thẳng, stress, sức đề kháng yếu, cơ địa nhạy cảm…", PGS Lâm cho hay.
Yếu tố môi trường cũng đóng vai trò quan trọng làm khởi phát bệnh, cụ thể:
- Ô nhiễm môi trường, môi trường công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất tẩy rửa, hóa chất hoặc bụi vải,...
- Yếu tố khí hậu: Bệnh viêm da cơ địa nặng hơn khi giao mùa, hoặc thời tiết lạnh khô làm tình trạng khô da nặng hơn.
Ngoài ra, di truyền cũng là một nguyên nhân của bệnh viêm da cơ địa. Các nghiên cứu cho thấy bệnh viêm da cơ địa chưa xác định được rõ ràng do gen nào đảm nhiệm. Nhưng khoảng 60% người lớn bị viêm da cơ địa có con bị bệnh này, nếu cả bố và mẹ cùng bị bệnh thì con sinh ra có đến 80% cũng bị bệnh viêm da cơ địa. Vì vậy có thể nói, với những người có ông bà, cha mẹ mắc viêm da cơ địa thì thế hệ sau có nguy cơ mắc bệnh hơn nhiều lần, và cao hơn so với những người có cha mẹ bị hen phế quản hay viêm mũi dị ứng. Điều đó cho thấy yếu tố cơ địa dị ứng rất quan trọng trong viêm da cơ địa.
Dấu hiệu của viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa thường thể hiện với các dấu hiệu sau:
- Ngứa ngáy: Đây là triệu chứng đầu tiên dễ nhận thấy gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống sinh hoạt của người bệnh mắc viêm da cơ địa.
- Xuất hiện nổi ban đỏ và mụn nước trên da: Người bệnh viêm da cơ địa sẽ xuất hiện những vùng da dễ bị ảnh hưởng nhất là mặt sau đầu gối, mặt trước khuỷu tay, vùng cổ, ngực, da mặt... gây mất thẩm mỹ.
- Đóng vảy tiết: Người bệnh viêm da cơ địa gãi nhiều khiến vùng da bị tổn thương nứt rách tạo thành các vết vảy tiết có thể gây đau đớn, khó chịu.
Theo PGS Lâm, các biểu hiện khác của viêm da cơ địa có thể xảy ra như viêm da lòng bàn tay, bàn chân: gặp ở 20-80% người bệnh, là dấu hiệu đầu tiên của viêm da cơ địa ở người lớn; Viêm da quanh mi mắt, chàm ở vú; Viêm môi bong vảy.
Các yếu tố thường thấy khiến cho tình trạng viêm da cơ địa tái phát đó là:
- Dị ứng hóa chất: Những hóa chất trong sinh hoạt hoặc trong công nghiệp (chất bảo quản, chất tẩy rửa) khi tiếp xúc vào da khiến cơ thể dị ứng có thể dẫn đến bệnh viêm da cơ địa;
- Ô nhiễm môi trường: Ô nhiễm môi trường, khói bụi, nhiễm bẩn nguồn nước cũng là những nhân tố gây viêm da cơ địa dị ứng;
- Dị ứng thực phẩm: ăn một số loại thực phẩm dễ bị dị ứng như trứng, sữa, cá, đậu nành hay lúa mì...




Viêm da cơ địa rất "ưa" thời tiết lạnh. Ảnh minh họa.

Làm gì khi mắc viêm da cơ địa?
- Không gãi chỗ ngứa: Thay vì dùng móng tay gãi, bạn hãy dùng đầu ngón tay ấn vào chỗ ngứa để cảm thấy bớt khó chịu hơn. Bạn còn có thể cắt móng tay hay đeo bao tay vào ban đêm để tránh làm da bị tổn thương khi vô tình gãi.
- Cần bôi kem dưỡng ẩm: Kem dưỡng ẩm có tác dụng chống khô da và tránh ngứa, hạn chế tái phát. Kem dưỡng ẩm phải được sử dụng hàng ngày và dùng lâu dài sau khi triệu chứng đã được cải thiện.
- Cần mặc quần áo thoải mái: Người bệnh có thể giảm kích ứng cho da bằng cách tránh những bộ quần áo chật và cứng. Vì vậy hãy chọn những trang phục thấm mồ hôi và mềm mại.
- Cần giảm căng thẳng và lo lắng: Stress và những rối loạn khác về mặt tâm lý khác có thể khiến chứng viêm da cơ địa nặng thêm. Bạn cần tìm cách cải thiện sức khỏe tâm lý của mình để bớt tình trạng ngứa da.
Có thể sử dụng các thuốc bôi, thuốc uống chống  như: bôi kem corticoid, kháng sinh. Cho kháng sinh uống để chống tụ cầu trùng vàng trong trường hợp bội nhiễm, thuốc kháng histamin chống ngứa. Tuy nhiên, cần có hướng dẫn chỉ định của các bác sĩ.
- Thuốc uống chữa viêm: Trong những trường hợp nặng, bác sĩ sẽ kê thêm một số loại thuốc có tác dụng chống viêm, giảm dị ứng và giảm các triệu chứng ngứa.
Ngoài ra, để giảm tình trạng đỏ và ngứa da, người bệnh hãy chọn thực phẩm kháng viêm để bổ sung vào thực đơn hàng ngày. Những thực phẩm kháng viêm có thể kể đến là: Cá, đồ lên men, trái cây và rau củ. Những chất này có thể giúp người bệnh kháng viêm rất tốt. Tránh các thực phẩm có thể gây ra bệnh bùng phát viêm da cơ địa như: Trứng, cà chua, đậu nành, một số loại hạt, trái cây họ cam quýt, các sản phẩm từ sữa, các thực phẩm có chứa gluten, các gia vị như vani, đinh hương và quế, trà đen, chocolate, thịt đóng hộp,...
Theo Lê Liên
Trí thức trẻ

Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2022

Lời thề Hippocrate và tiêu chuẩn đạo đức trong ngành Y

Người ta cho rằng Hippocrates (được coi là cha đẻ của Y học phương Tây) hoặc một đệ tử của ông chính là tác giả của lời thề này. Nó được viết bằng tiếng vùng Ionia của Hy Lạp cổ đại (cuối thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên). Học giả cổ điển Ludwig Edelstein đã cho rằng các lời tuyên thệ này được viết bởi các môn sinh phái Pythagore, tuy nhiên thuyết này đã bị nghi ngờ do thiếu bằng chứng xác thực.
Lời thề gốc
- Tôi xin thề trước Apollon thần chữa bệnh, trước Æsculapius thần y học, trước thần Hygieia và Panacea, và trước sự chứng giám của tất cả các nam nữ thiên thần, là tôi sẽ đem hết sức lực và khả năng để làm trọn lời thề và lời cam kết sau đây:
- Tôi sẽ coi các thầy học của tôi ngang hàng với các bậc thân sinh ra tôi. Tôi sẽ chia sẻ với các vị đó của cải của tôi, và khi cần tôi sẽ đáp ứng những nhu cầu của các vị đó.
-Tôi sẽ coi con của thầy như anh em ruột thịt của tôi, và nếu họ muốn học nghề y thì tôi sẽ dạy cho họ không lấy tiền công mà cũng không giấu nghề.
-Tôi sẽ truyền đạt cho họ những nguyên lý, những bài học truyền miệng và tất cả vốn hiểu biết của tôi cho các con tôi, các con của các thầy dạy tôi và cho tất cả các môn đệ cùng gắn bó bởi một lời cam kết và một lời thề đúng với Y luật mà không truyền cho một ai khác.
-Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công.
-Tôi sẽ không trao thuốc độc cho bất kỳ ai, kể cả khi họ yêu cầu và cũng không tự mình gợi ý cho họ; cũng như vậy, tôi cũng sẽ không trao cho bất cứ người phụ nữ nào những thuốc gây sẩy thai. Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết.
-Tôi sẽ không thực hiện những phẫu thuật cắt sỏi mà dành công việc đó cho những người chuyên.
-Dù vào bất cứ nhà nào, tôi cũng chỉ vì lợi ích của người bệnh, tránh mọi hành vi xấu xa, cố ý và đồi bại nhất là tránh cám dỗ phụ nữ và thiếu niên tự do hay nô lệ.
-Dù tôi có nhìn hoặc nghe thấy gì trong xã hội, trong và cả ngoài lúc hành nghề của tôi, tôi sẽ xin im lặng trước những điều không bao giờ cần để lộ ra và coi sự kín đáo trong trường hợp đó như một nghĩa vụ.
-Nếu tôi làm trọn lời thề này và không có gì vi phạm tôi sẽ được hưởng một cuộc sống sung sướng và sẽ được hành nghề trong sự quý trọng mãi mãi của mọi người. Nếu tôi vi phạm lời thề này hay tôi tự phản bội, thì tôi sẽ phải chịu một số phận khổ sở ngược lại.
Phiên bản hiện đại
Lời thề này được viết vào năm 1964 bởi Louis Lasagna, Hiệu trưởng của Trường Y khoa tại Đại học Tufts, và được sử dụng trong nhiều trường y khoa ngày nay.
-Tôi thề phải thực hiện, đến hết khả năng và sự phán đoán của tôi, giao ước này:
-Tôi sẽ tôn trọng những thành quả khoa học của các thầy thuốc đi trước, và sẵn sàng chia sẻ kiến thức của mình cho những người tiếp nối.
-Tôi sẽ ứng dụng, vì lợi ích của người bệnh, tất cả các biện pháp khi cần thiết, tránh sa vào việc điều trị thái quá và điều trị theo chủ nghĩa hư vô.
-Tôi sẽ luôn nhớ rằng nghệ thuật của việc chữa bệnh hay của khoa học, cần sự ấm áp, cảm thông, và sự hiểu biết, điều đó có thể lớn hơn con dao của bác sĩ phẫu thuật hoặc thuốc của người dược sĩ.
-Tôi sẽ không xấu hổ khi nói rằng "Tôi không biết", cũng sẽ không ngần ngại tham vấn ý kiến của các đồng nghiệp khi các kỹ năng của họ cần thiết cho việc phục hồi của bệnh nhân.
-Tôi sẽ tôn trọng sự riêng tư của bệnh nhân, không được tiết lộ các vấn đề của họ. Quan trọng hơn, tôi không thể quyết định được sự sống và cái chết. Trên hết, tôi không thể đóng vai trò của Chúa trời.
-Tôi sẽ luôn nhớ rằng mình không phải điều trị một cơn sốt, hay sự phát triển của khối u, mà là đang điều trị một người đang mắc bệnh, tình trạng bệnh có thể ảnh hưởng đến gia đình người đó và sự ổn định của nền kinh tế. Trách nhiệm của tôi bao gồm những vấn đề liên quan, để chăm sóc đầy đủ cho người bệnh.
-Tôi sẽ tìm mọi cách để phòng bệnh bất cứ khi nào tôi có thể nhưng tôi sẽ luôn luôn tìm kiếm một phương hướng chữa cho tất cả các bệnh.
-Tôi luôn nhớ rằng mình vẫn là một thành viên của xã hội, với những nghĩa vụ đặc biệt cho đồng bào của tôi, tâm trí và thể xác tôi cũng như các bệnh tật.
-Nếu tôi không vi phạm lời thề này, tôi sẽ được tận hưởng cuộc sống mỹ mãn, được tôn trọng khi còn sống và nhớ đến mãi về sau. Tôi sẽ luôn làm việc để giữ gìn các truyền thống của điều mà tôi đã chọn và tôi sẽ có thể trải nghiệm niềm vui của việc cứu chữa những người tìm kiếm sự giúp đỡ của tôi.
12 điều y đức & Lời thề Hippocrate (Bộ Y tế Việt Nam)
Tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế. Ban hành kèm theo quyết định số: 20881BYT-QĐ ngày 06 tháng 11nǎm 1996 của Bộ trưởng Bộ Y tế:
1. Chǎm sóc sức khoẻ cho mọi người là nghề cao quý. Khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ y tế phải nghiêm túc thực hiện lời dạy của Bác Hồ. Phải có lương tâm và trách nhiệm cao, hết lòng yêu nghề, luôn rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức của thầy thuốc. Không ngừng học tập và tích cực nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn. Sẵn sàng vượt qua mọi khó khǎn gian khổ vì sự nghiệp chǎm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
2. Tôn trọng pháp luật và thực hiện nghiêm túc các quy chế chuyên môn. Không được sử dụng người bệnh làm thực nghiệm cho những phương pháp chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu khoa học khi chưa được phép của Bộ Y tế và sự chấp nhận của người bệnh.
3. Tôn trọng quyền được khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân. Tôn trọng những bí mật riêng tư của người bệnh; khi thǎm khám, chǎm sóc cần bảo đảm kín đáo và lịch sự. Quan tâm đến những người bệnh trong diện chính sách ưu đãi xã hội. Không được phân biệt đối xử với người bệnh. Không được có thái độ ban ơn, lạm dụng nghề nghiệp và gây phiền hà cho người bệnh. Phải trung thực khi thanh toán các chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
4. Khi tiếp xúc với người bệnh và gia đình họ, luôn có thái độ niềm nở, tận tình; trang phục phải chỉnh tề, sạch sẽ để tạo niềm tin cho người bệnh. Phải giải thích tình hình bệnh tật cho người bệnh và gia đình họ hiểu để cùng hợp tác điều trị; phổ biến cho họ về chế độ, chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của người bệnh; động viên an ủi, khuyến khích người bệnh điều trị, tập luyện để chóng hồi phục. Trong trường hợp bệnh nặng hoặc tiên lượng xấu cũng phải hết lòng cứu chữa và chǎm sóc đến cùng, đồng thời thông báo cho gia đình người bệnh biết.
5. Khi cấp cứu phải khẩn trương chẩn đoán, xử trí kịp thời không được đùn đẩy người bệnh.
6. Kê đơn phải phù hợp với chẩn đoán và bảo đảm sử dụng thuốc hợp lý an toàn; không vì lợi ích cá nhân mà giao cho người bệnh thuốc kém phẩm chất, thuốc không đúng với yêu cầu và mức độ bệnh.
7. Không được rời bỏ vị trí trong khi làm nhiệm vụ, theo dõi và xử trí kịp thời các diễn biến của người bệnh.
8. Khi người bệnh ra viện phải dặn dò chu đáo, hướng dẫn họ tiếp tục điều trị, tự chǎm sóc và giữ gìn sức khỏe.
9. Khi người bệnh tử vong, phải thông cảm sâu sắc, chia buồn và hướng dẫn, giúp đỡ gia đình họ làm các thủ tục cần thiết.
10. Thật thà, đoàn kết tôn trọng đồng nghiệp, kính trọng các bậc thầy, sẵn sàng truyền thụ kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau.
11. Khi bản thân có thiếu sót, phải tự giác nhận trách nhiệm về mình không đổ lỗi cho đồng nghiệp, cho tuyến trước.
12. Hăng hái tham gia công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, cứu chữa người bị nạn, ốm đau tại cộng đồng; gương mẫu thực hiện nếp sống vệ sinh, giữ gìn môi trường trong sạch.

Sưu tầm

Tại sao con rắn là biểu tượng của ngành y dược?

Giống như mỗi đất nước đều có hình ảnh riêng, mỗi ngành nghề cũng có một biểu tượng của riêng mình. Biểu tượng ngành Y đó là hình ảnh một con rắn quấn mình quanh một cây gậy. Tuy nhiên, ít người biết rằng, đằng sau biểu tượng này là một truyền thuyết đặc biệt.
Truyền thuyết về "ông tổ" ngành y dược
Theo truyền thuyết Hy Lạp, trong thời kỳ loài người còn sống chung với thần linh, ở xứ Thessalie có vị vua Asklepios Esculape, vừa là một minh quân, vừa là một thầy thuốc rất giỏi.
Ông được coi là ông tổ của ngành y dược. Ông đã sớm truyền ngôi lại cho con để có thời gian nghiên cứu y học và luôn tận tâm trong việc chữa bệnh cho mọi người, đặc biệt là dân nghèo.

Thần Esculape được coi là ông tổ của ngành y dược.

Một ngày nọ, Esculape trên đường đi thăm bạn thì gặp một con rắn. Ông đã đưa cây gậy để gạt con rắn nhưng nó lại bám lấy rồi bò lên quấn quanh cây gậy. Esculape đã cầm cây gậy đập xuống đất để giết chết con rắn.
Nhưng khi chuẩn bị bước tiếp, Esculape chợt để ý thấy một con rắn khác bò tới cứu, miệng ngậm một loại thảo dược và giúp con rắn đã chết sống lại. Từ đó, Esculape để tâm tìm kiếm các loại cây cỏ trong núi để chữa bệnh cho con người.
Thần Zeus, chúa tể của các vị thần Hy Lạp cổ đại, sợ Esculape quá tinh thông y học sẽ giúp cho loài người trở thành bất tử nên sai anh em nhà Cyclopes tạo mũi tên sấm sét để trừng phạt.
Nhờ thần Apollon kêu xin, thần Zeus đã tha tội và cho Esculape tham dự vào hàng tinh tú trong chòm sao Nhân mã (Sagittaire). Từ đó, Esculape được xem như thần bổn mệnh của các thầy thuốc.
Thần Esculape lấy vợ là Lampetie và sinh được 2 con gái là Hygie và Panacée, 3 con trai là Thelesphore, Machaon và Podalire. Tất cả 5 người con của ông đều tạo dựng được danh tiếng không kém cha.
Cũng theo truyền thuyết, Hygie đã nuôi rắn thần để chữa bệnh và về sau trở thành nữ thần biểu tượng cho việc giữ gìn sức khỏe con người, do đó môn vệ sinh học được đặt tên là Hygène. Cô con gái thứ hai - Panacée - là nữ thần có khả năng chữa mọi bệnh tật, do đó thuốc chữa bệnh được gọi là Panacée.
Hai người con trai đều tham gia cuộc chiến thành Troy và đã được Homère ca ngợi trong tập trường ca Iliad. Machaon có tài chữa mọi vết thương cho các chiến binh, còn Podalire là một thầy thuốc ngoại khoa tài năng.
Trong nhiều thế kỷ, có thể vào thời kỳ Pindare, đầu thế kỷ thứ 5 TCN, Esculape mới được tôn thờ như một vị thần linh của y học Hy Lạp.
Cũng có lẽ từ thời điểm này, những đền thờ đầu tiên được xây dựng để ghi ơn ông, đồng thời còn được dùng làm nơi khám chữa bệnh. Chữ Esculape về sau đã trở thành danh từ chung để chỉ những người hành nghề y dược.

Biểu tượng của WHO.

Để tưởng nhớ Esculape, hậu thế đã dựng bức tượng của ông, tay cầm chiếc gậy làm bằng cây nguyệt quế và một con rắn quấn xung quanh. Con rắn này có tên là Elaphe longissima, một loài rắn lành có màu sắc đẹp, sống phổ biến ở châu Âu.
Dựa vào truyền thuyết trên, ngành y đã dùng biểu tượng con rắn quấn quanh cây gậy phép của Esculape. Con rắn quấn quanh cây gậy tượng trưng cho sự khôn ngoan, khả năng chữa trị bệnh và kéo dài tuổi thọ.
Về sau này, Tổ chức Y tế Thế giới quyết định lấy hình ảnh con rắn quấn quanh cây gậy là hình ảnh đại diện trong Y học.
Rắn cũng xuất hiện trong biểu tượng của ngành dược. Tuy nhiên, thay vì quấn quanh cây gậy, con rắn sẽ quấn quanh một vật được gọi là chén Hygeia. Nguồn gốc của biểu tượng này có liên quan đến con gái của Esculape là nữ thần Hygie.

Biểu tượng ngành dược.

Cụ thể, chiếc chén này được cho là vật dùng để đựng thuốc của nữ thần Hygie. Sau đó, chén Hygeia đã được sử dụng như một biểu tượng cho những nhà chế thuốc.
Năm 1796, chén Hygeia được xem như chính thức liên quan đến ngành dược khi Hiệp hội Dược học Paris đã phát hành đồng đúc mang biểu tượng này.
Từ đó, chiếc chén được coi như tiêu biểu cho chén nước thuốc, và con rắn là tượng trưng cho việc có thể cứu chữa được. Hội Dược sĩ Hoa Kỳ đã chính thức công nhận chén Hygeia là biểu tượng cho nghề dược từ năm 1964.

Sưu tầm

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2022

Các bước dùng chỉ nha khoa đúng cách

Bên cạnh đánh răng và súc miệng, nha sĩ khuyên bạn nên dùng chỉ nha khoa để làm sạch và đánh bật thức ăn mắc kẹt giữa các kẽ răng, giúp giảm lượng vi khuẩn và mảng bám trong miệng một cách hiệu quả. Tuy nhiên, bạn cần dùng chỉ nha khoa đúng cách, vì nếu dùng chỉ nha khoa không đúng có thể gây hại cho răng và nướu.
1. Vì sao phải dùng chỉ nha khoa?
Mảng bám trên răng tích tụ gây ra sâu răng và các bệnh về nướu. Sử dụng chỉ nha khoa (sợi chỉ mỏng dùng trong vệ sinh răng miệng) giúp loại bỏ thức ăn và mảng bám răng giữa các kẽ răng ở các vị trí mà bàn chải đánh răng không thể đánh được. Việc dùng chỉ nha khoa đúng cách mang lại một số lợi ích cho sức khỏe răng miệng như:
Phòng ngừa viêm lợi: các mảng bám ở răng tích tụ lâu ngày là một trong những nguyên nhân gây viêm lợi. Việc dùng chỉ nha khoa đúng cách thường xuyên có thể loại bỏ các mảng bám tích tụ ở đường nướu, vì thế phòng ngừa được viêm lợi.
Phòng ngừa tiểu đường: vi khuẩn tích tụ trong miệng có thể ảnh hưởng đến mức glucose máu.
Phòng ngừa hôi miệng: vi khuẩn tích tụ trong miệng gây hôi miệng khiến bạn cảm thấy mất tự tin khi nói chuyện. Mặc dù, đánh răng và súc miệng có thể loại bỏ vi khuẩn nhưng không hoàn toàn. Các nghiên cứu cho thấy sử dụng chỉ nha khoa có thể cải thiện hơi thở của bạn sau một tuần.
Giảm nguy cơ các bệnh hô hấp: khi ăn uống, vi khuẩn bị tích tụ ở miệng có thể đi xuống cổ họng và vào đường hô hấp. Chỉ nha khoa giúp loại bỏ một số vi khuẩn miệng gây bệnh 
viêm phế quản, viêm phổi.
Ngăn ngừa các bệnh tim mạch: một hệ quả của mảng bám là viêm lợi, chảy máu chân răng. Khi chân răng chảy máu, vi khuẩn có thể đồng thời xâm nhập vào máu và tấn công cơ thể. Hậu quả là dẫn đến các bệnh lý tim mạch hoặc cục máu đông.
Dùng chỉ nha khoa đúng cách giúp bảo vệ răng miệng
2. Có các loại chỉ nha khoa nào?
Chỉ nha khoa có nhiều loại. Tùy thuộc sở thích, khoảng cách giữa các răng và bạn có niềng răng hay cầu răng hay không để chọn loại chỉ nha khoa phù hợp. Hiện nay, có hai dạng chỉ nha khoa chính là:
Chỉ nha khoa dạng cuộn: đó là một sợi nylon mỏng, có thể nằm gọn trong kẽ răng. Chỉ nha khoa này có thể có hương vị hoặc không hương vị, có sáp hoặc không sáp. Nếu các răng của bạn khít, chỉ nha khoa có lớp phủ sáp giúp dễ dàng len vào giữa các kẽ răng hơn.
Tăm chỉ nha khoa: sợi chỉ ngắn được cố định trên một cung nhỏ hình chữ C để cầm.
3. Cách dùng chỉ nha khoa đúng cách?
Để đạt được hiệu quả mong muốn, chúng ta cần dùng chỉ nha khoa đúng cách. Cách xài chỉ nha khoa khá đơn giản phụ thuộc vào loại chỉ nha khoa.
Đối với chỉ nha khoa dạng cuộn, có thể cắt theo ý muốn, cách xài chỉ nha khoa dạng cuộn gồm các bước cụ thể như sau:
Bước 1: Cắt khoảng 45 đến 60 cm chỉ nha khoa. Cách cầm chỉ nha khoa chính xác là quấn chỉ nha khoa xung quanh hai ngón tay giữa và chừa lại khoảng 3 đến 5cm chỉ nha khoa để vệ sinh răng.
Bước 2: Giữ sợi chỉ nha khoa bằng ngón tay cái và ngón trỏ.
Bước 3: Đặt chỉ nha khoa vào giữa hai răng. Nhẹ nhàng lướt sợi chỉ nha khoa lên xuống, chà xát vào cả hai mặt của mỗi kẽ răng để loại bỏ mảng bám và thức ăn thừa. Bạn cần lưu ý, tránh lướt chỉ nha khoa vào nướu, bởi hành động này có thể làm xước hoặc bầm tím nướu răng. Trong trường hợp chỉ nha khoa chạm đến nướu thì bạn cần uốn cong sợi chỉ ở chân răng để tạo thành hình chữ C. Làm như vậy sẽ giúp chỉ nha khoa đi vào khoảng trống giữa nướu và răng.
Bước 4: Lặp lại các bước như trên sang răng khác. Với mỗi kẽ răng, tịnh tiến một đoạn chỉ nha khoa mới và sạch.
Bước 5: Nâng nhẹ sợi chỉ nha khoa ra khỏi kẽ răng, sau đó, sử dụng nước hoặc dung dịch súc miệng sau khi dùng chỉ nha khoa để đảm bảo loại bỏ hoàn toàn thức ăn thừa.
Đối với những người niềng răng, cách xài chỉ nha khoa với mắc cài có thể phức tạp và mất nhiều thời gian hơn. Nên chọn loại chỉ nha khoa được làm bằng sáp, các loại chỉ nha khoa ít bị rách và kẹt trong mắc cài răng. Các bước tiến hành cụ thể như sau:
Bước 1: Cắt khoảng 45 đến 60 cm chỉ nha khoa.
Bước 2: Đứng trước gương để chắc chắn rằng chỉ nha khoa sẽ đến đúng kẽ răng.
Bước 3: Bắt đầu bằng cách luồn chỉ nha khoa giữa răng và dây chính. Cuộn xoắn hai đầu của chỉ nha khoa quanh ngón tay trỏ giúp di chuyển chỉ nha khoa một cách dễ dàng hơn.
Bước 4: Đưa chỉ nha khoa vào giữa hai răng một cách nhẹ nhàng nhất có thể trước khi di chuyển chỉ nha khoa lên xuống dọc theo các mặt của cả hai răng. Khi vệ sinh răng trên, tạo hình chữ U ngược bằng chỉ nha khoa để vệ sinh răng. Tiếp theo là lướt chỉ nha khoa xuống để vệ sinh phía mặt bên của răng còn lại.
Bước 5: Nhẹ nhàng gỡ chỉ nha khoa và cẩn thận tháo sợi chỉ từ phía sau dây. Tránh bật chỉ nha khoa ra khỏi răng vì nó có thể làm đứt chỉ nha khoa.
Bước 6: Chuyển sang hai răng tiếp theo và sử dụng kỹ thuật tương tự cho đến khi vệ sinh xong toàn bộ hàm răng.
3.3. Cách dùng tăm chỉ nha khoa
Với tăm chỉ nha khoa, bạn thực hiện vệ sinh răng theo các bước sau:
Bước 1: Bạn dùng các ngón tay giữ thân cây tăm và cho đầu tăm vào các kẽ răng.
Bước 2: quay đầu tăm lại, dùng đầu nhọn xỉa vào kẽ răng để loại bỏ thức ăn thừa, các mảng bám.
Bước 3: súc miệng nước nước hoặc dung dịch súc miệng để để loại bỏ vi khuẩn và cao răng còn thừa.
Chú ý chọn chỉ nha khoa phù hợp với răng
4. Một số lưu ý khi dùng chỉ nha khoa
Không nên quá tiết kiệm chỉ nha khoa: Nhiều người tiết kiệm chỉ sử dụng một đoạn chỉ ngắn và dùng vệ sinh cho tất cả kẽ răng. Tuy nhiên, việc tiết kiệm chỉ nha khoa không những không làm sạch được các vụn thức ăn và mảng bám trong kẽ răng mà nó còn vô tình gây ra tình trạng hôi miệng.
Không dùng lực quá mạnh: khi dùng chỉ nha khoa quá mạnh tay khiến sợi chỉ cắt vào nướu làm chảy máu và gây tổn thương cho mô mềm. Hậu quả là vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập ở vị trí tổn thương gây viêm nướu,...
Chọn chỉ nha khoa phù hợp với răng: nên chọn những loại chỉ mềm mịn, vì nếu chọn loại chỉ quá thô, cứng thì khi dùng lâu ngày có thể làm thưa răng.
Như vậy, vệ sinh răng miệng không chỉ gồm đánh răng, súc miệng mà còn liên quan đến việc sử dụng chỉ nha khoa cũng như biết cách dùng chỉ nha khoa đúng cách. Lợi ích của việc dùng chỉ nha khoa không chỉ là giúp loại bỏ vi khuẩn, mảng bám và thức ăn bám giữa các kẽ răng, đồng thời còn làm giảm khả năng bị sâu răng và các bệnh về nướu.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2022

Định luật Murphy – tại sao chúng ta luôn gặp xui xẻo vào những lúc tồi tệ nhất

Ngày quên mang khóa cửa thì không có ai ở nhà, quên mang ô thì trời mưa, đứng xếp hàng tính tiền thì máy bị hỏng… Nếu người Việt có thành ngữ: “họa vô đơn chí” thì người Mỹ cũng có “Định luật Murphy” (Murphy’s Law) vô cùng thông dụng.




Khi chuyên gia tên lửa Edward A. Murphy thất bại trong một thí nghiệm tưởng chừng không thể sai sót chỉ vì một nhầm lẫn cực hy hữu, ông đã phải thốt lên: nếu một điều xấu CÓ THỂ xảy ra, nó SẼ xảy ra! (Anything that can go wrong, will go wrong). Thế là định luật Murphy ra đời và sau vài tháng trở nên cực kỳ nổi tiếng trong ngành kỹ thuật vũ trụ.

Định luật Murphy còn được gọi là “định luật bánh bơ”, bởi Edward A. Murphy đã dùng hiện tượng “bánh mì phết bơ” để chứng minh ra nó vào năm 1949. Hãy tưởng tượng, nếu bạn đánh rơi miếng bánh sandwich thơm ngon có trét bơ lên một mặt. Chắc chắn trong đa số lần, miếng bánh của bạn sẽ rơi úp mặt có bơ (mặt ngon nhất) xuống đất.
Định luật bánh bơ: nếu có thể, sai sót sẽ luôn xảy ra
Nhiều người đã bật cười khi lần đầu biết đến thí nghiệm “bánh bơ”. Nhưng đó chỉ là một trong số vô vàn tiền đề vui nhộn chứng minh định luật Murphy. Hãy ngẫm lại, có phải rất nhiều lần bạn thấy như mình cứ bị vận xui bất ngờ “chộp” lấy. Những tình huống này đều đã được kiểm chứng có tuân theo định luật Murphy. Chẳng hạn:
+ Hết 6 ngày trong tuần bạn đều mang theo ô mặc dù trời tạnh ráo. Buổi sáng cuối tuần tươi đẹp, trời đang xanh trong bỗng đổ mưa to, còn bạn thì ở ngoài đường, diện bộ đồ đẹp nhất và… quên mang dù!
+ Bạn xếp hàng tính tiền trong siêu thị, thấy hàng bên cạnh tính nhanh hơn liền bỏ sang hàng đó. Ngờ đâu bạn vừa sang, máy tính tiền của hàng này bỗng bị hỏng và bạn tiếp tục… chờ.
+ Nếu có một ống nghiệm rơi ra từ giá đỡ thì nó thường chứa mẫu vật quan trọng nhất.
+ Bạn thường quên chìa khóa cửa vào ngày mà mọi người khác không có ở đó.
+ Máy chiếu thường hỏng vào ngày diễn ra buổi thuyết trình.
Định luật Murphy khẳng định: “Nếu có hai hay nhiều cách để làm một điều gì đó, và một trong những cách này có thể dẫn đến thảm họa, thì mọi người thường chọn cách đó”.
Có thể hiểu là: việc xấu có khả năng xảy ra cao hơn! Hay nói cách khác: nếu 1 việc có khả năng sai sót nó sẽ xảy ra vào thời điểm bất ngờ nhất.
Việc xấu có xác suất xảy ra cao
Nguyên tắc Murphy cảnh báo, nếu không muốn tình huống xấu xảy ra, hãy hạn chế sai sót hết mức có thể (chẳng hạn, luôn mang theo dù). Bởi chỉ cần có khả năng, việc xấu có rất nhiều cơ hội trở thành hiện thực.
Không ít nhà khoa học phủ nhận định luật Murphy và khẳng định đó chỉ là kết quả của việc chọn lọc ký ức: ta thường nhớ lâu hơn những gì không tốt nên cảm thấy chúng thường xảy ra hơn, thế thôi! Để chứng minh Murphy sai, họ đã nỗ lực tính toán, thử nghiệm bằng mọi lý thuyết trong tất cả các lĩnh vực nhưng đều thất bại. Thật ngạc nhiên, kết quả cho thấy tình huống xấu luôn có xác suất xảy ra cao hơn. Chỉ riêng trường hợp “bánh bơ”, dù lặp lại thí nghiệm bao nhiêu lần thì hết 90% số lần mặt có bơ sẽ úp xuống.
Mặt khác, nhiều người còn nhầm tưởng Murphy là định luật mang nghĩa tiêu cực. Thực ra, luật Murphy là nguyên tắc cực kỳ giá trị và hữu ích:
+ Một mặt, giúp dự đoán tất cả tình huống xấu có khả năng xảy ra. Khoa học đã chứng minh, cảm giác mất kiểm soát là nhân tố quyết định tạo ra căng thẳng. Nhờ tiên liệu trước, ta chuẩn bị tâm lý đối mặt với tình huống xấu nhất có thể.
+ Mặt khác, giúp đề ra biện pháp để khắc phục, giảm bớt hoặc ứng phó với tình huống xấu đã tiên liệu. Như trong trường hợp Murphy, thí nghiệm của ông thất bại vì lắp ngược một cảm biến. Như vậy, khả năng lắp theo hai chiều của cảm biến (If there are two or more ways to do something…) đã khiến tình huống xấu hơn xảy ra. Bằng cách thiết kế lại để cảm biến chỉ cài được theo một chiều, Murphy không bao giờ mắc phải sai lầm cũ nữa.
Luật của Murphy: không chỉ là thành ngữ
Sau khi công bố, rất nhiều người vẫn xem Murphy là định luật “ngốc nghếch”, thường được dùng như thành ngữ “nói cho vui” chỉ thời điểm gặp xui xẻo.
Đến khi bước ngoặt xảy ra năm 1995, bài viết “Tumbling toast, Murphy’s Law and the fundamental constants” của Robert Mathews đăng trên tập san Eurpean Journal of Physics đã khẳng định: luật Murphy có thật. Bằng những khái niệm và định luật cơ học như moment ngẫu lực, lực hấp dẫn, gia tốc trọng trường, lực rơi tự do…; nghiên cứu của Robert cho thấy, luật Murphy là quy luật không thể tránh khỏi của vũ trụ.
Định luật Murphy cuối cùng đã được viết ra trong một phương trình:
Trong đó, P M là xác suất xảy ra tình huống xấu. K M là hằng số Murphy. F là tần số. U là tính cấp bách, C chỉ tính phức tạp của vấn đề, I là tầm quan trọng của kết quả. Các thông số C, U, I và F có thang điểm từ 1-10. Điền đầy đủ thông số vào phương trình và bạn sẽ có xác suất của tình huống xấu nhất có thể xảy ra cho vấn đề cụ thể. Kết quả này mang đến cho Robert Mathews giải Ig Nobel Vật Lý năm 1996.
Trên cơ sở công thức Murphy, năm 2003, giải Ig Nobel Cơ khí một lần nữa vinh danh Edward A. Murphy cùng 2 nhà khoa học quá cố khác – John Paul Stapp và George Nichols – những đồng sự giúp ông chứng minh Luật Murphy. Mãi 54 năm sau khi công bố, định luật Murphy mới được công nhận.
Hãy đón đầu những bất ngờ khó chịu
Từ ngày công bố, kể cả những thời điểm chưa tìm ra công thức Murphy, Luật Murphy vẫn rất phổ biến trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ, một môi trường vốn khắc nghiệt và không khoan nhượng với sai lầm.
NASA cũng tin dùng luật Murphy như kim chỉ nam để tránh những thiếu sót “tưởng chừng không thể mắc phải”. Ai có thể tin được chỉ một mẩu dây điện sờn lại khiến tên lửa LockMart Titan 4 nổ tung năm 1998, và sự nhầm lẫn khó tin giữa đơn vị đo mét với đơn vị đo của Anh khi thiết kế đã làm tàu thăm dò Mars Climate Orbite của NASA đâm sầm xuống Hỏa năm 1999. Oái oăm thay, rất nhiều sai lầm tương tự xảy ra trước đó nhưng không được chú ý vì hậu quả không đáng kể. Nếu sớm áp dụng lý thuyết Murphy, hẳn NASA phải thiết kế sao cho tiết giảm tối đa trường hợp có thể sai sót, đặc biệt với tình huống có xác xuất Murphy cao.
Đến nay, luật Murphy không chỉ phổ biến trong các ngành công nghiệp kỹ thuật đòi hỏi độ an toàn cao mà còn biến thể thành nhiều nguyên tắc cho các lĩnh vực khác như: luật Murphy trong khoa học, luật Murphy trong tình yêu, luật Murphy trong kinh tế….

Một số nguyên tắc Murphy cho cuộc sống:


Tinh thần Murphy nhắc ta hãy cẩn trọng một cách vui vẻ. Mỗi người đều có thể mắc sai lầm nên hãy cẩn thận hết mức có thể. Quan tâm đến sai sót trong quá khứ để bớt đi nhiều lầm lẫn trong tương lai. Và nếu một điều xấu có khả năng xảy ra, nó hiển nhiên sẽ xảy đến, nên đừng chỉ chăm chăm tin tưởng vào lộ trình đầu tiên đã vạch sẵn. Suốt quá trình thực hiện công việc, cần liên tục đánh giá hiện tại, hoạch định cẩn thận cho tương lai và linh hoạt ứng biến với môi trường luôn thay đổi.

Như Murphy – sau khi công bố Định luật – từng nói: “Tôi không có ý bôi đen cuộc đời mà chỉ muốn các bạn đề phòng thường xuyên. Một khi đã đề phòng cẩn thận ta sẽ tránh được nhiều tình huống không vui. Thế thôi!”.

Nguồn: STINFO

Bí quyết giao dịch DU KÍCH giúp Day Trader nâng cao lợi thế so với “tay to”

Quân đội Hoa Kỳ được coi là một trong những lực lượng chiến đấu đáng gờm nhất trên thế giới. Tuy nhiên, họ đã phải chịu bất lợi to lớn trước chiến thuật chiến tranh rừng rậm ở miền Bắc Việt Nam…



Nhà giao dịch riêng lẻ, như bạn và tôi, được gọi là nhà giao dịch cá nhân. Chúng ta có thể là những nhà giao dịch bán thời gian hoặc toàn thời gian, nhưng chúng ta không làm việc cho một công ty và chúng ta cũng không quản lý tiền của người khác.
Nhà giao dịch cá nhân chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ của khối lượng giao dịch trên thị trường
Mặt khác, sẽ có các nhà giao dịch được gọi là nhà giao dịch tổ chức như các ngân hàng đầu tư ở Phố Wall, các công ty tự doanh, các quỹ tương hỗ và các quỹ phòng hộ. Hầu hết giao dịch của họ dựa trên các thuật toán máy tính tinh vi và có tần suất giao dịch cao. Hiếm khi con người can dự vào hoạt động giao dịch trong ngày đối với các tài khoản lớn này. Dù ở bất kỳ hình thức nào, các nhà giao dịch tổ chức đều có nguồn tiền lớn và có thể gây ra ảnh hưởng tới thị trường.
Bạn có thể hỏi: “Làm thế nào một nhà giao dịch cá nhân như bạn và tôi, đến sau trong trò chơi này, lại có thể cạnh tranh được với các nhà giao dịch tổ chức và giành chiến thắng?”



Gót chân Asin của hầu hết các nhà giao dịch tổ chức là họ bắt buộc phải giao dịch, trong khi các nhà giao dịch cá nhân có thể tự do giao dịch hoặc đứng ngoài thị trường. Các ngân hàng phải hoạt động trên thị trường và giao dịch khối lượng lớn cổ phiếu ở hầu hết mọi ngưỡng giá. Còn một nhà giao dịch cá nhân có thể thoải mái chờ đợi những cơ hội tốt nhất xuất hiện.
Thật không may, phần lớn các nhà giao dịch cá nhân lại bỏ qua lợi thế tuyệt vời này bởi giao dịch quá nhiều. Một cá nhân nhỏ lẻ muốn thành công trước những người khổng lồ nhất định phải phát triển tính kiên nhẫn và loại bỏ lòng tham. Vấn đề của những người thua lỗ không phải là quy mô tài khoản mà là sự thiếu kỷ luật tự giác, giao dịch quá mức và không biết cách quản lý tiền.



Tôi luôn gắn nét tương đồng của nhà giao dịch cá nhân với đánh du kích. Đánh du kích là lối tiếp cận đặc biệt trong quân sự, trong đó một nhóm nhỏ của lực lượng tham chiến, chẳng hạn như người từ tổ chức bán quân sự hoặc dân thường có vũ trang, sử dụng các chiến thuật tấn công chớp nhoáng, như mai phục, phá hoại, đột kích và tổ chức chiến tranh nhỏ lẻ để đối chọi lại lực lượng quân sự lớn, truyền thống với khả năng di động kém hơn. Quân đội Hoa Kỳ được coi là một trong những lực lượng chiến đấu đáng gờm nhất trên thế giới. Tuy nhiên, họ đã phải chịu bất lợi to lớn trước chiến thuật chiến tranh rừng rậm ở miền Bắc Việt Nam. Ví dụ khác ở thời kỳ trước đó là các phong trào kháng chiến ở châu Âu chống Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai.
Giao dịch du kích, như chính thuật ngữ thể hiện, bạn cần ẩn nấp, chờ cơ hội để nhảy vào và thoát ra khỏi cánh rừng tài chính trong thời gian ngắn nhằm tạo ra lợi nhuận nhanh chóng, đồng thời vẫn giữ rủi ro ở mức tối thiểu. Bạn không cần đánh bại hoặc thông minh hơn các ngân hàng đầu tư. Bạn chỉ đơn giản là chờ đợi cơ hội để đạt được mục tiêu lợi nhuận hàng ngày.
Là nhà giao dịch cá nhân, bạn có một lợi thế khác biệt so với các nhà giao dịch tổ chức ở chỗ bạn có thể thoát khỏi vị thế thua lỗ của mình nhanh chóng. Tôi sẽ thảo luận kỹ hơn ở phần sau, bạn phải xác định kế hoạch thoát ra nếu cổ phiếu giao dịch chống lại bạn. Một nhà giao dịch mới nên bắt đầu giao dịch với một lô tiêu chuẩn gồm 100 cổ phiếu. Một trăm cổ phiếu sẽ mang rủi ro thấp, theo đó cũng đem phần thưởng thấp cho người giao dịch, điều quan trọng là bạn bắt đầu. Nhà giao dịch mới nên bắt đầu với giao dịch 100 cổ phiếu. Nếu giá chạm điểm dừng lỗ, thực sự không có lý do gì để bào chữa cho việc mình không thể thoát ra. Ngay cả đối với một cổ phiếu không thanh khoản (cổ phiếu khó bán) được giao dịch với khối lượng rất thấp, bán 100 cổ phiếu cũng không là vấn đề.
Ngược lại, các nhà giao dịch tổ chức có thể mở một vị thế lên đến 1.000.000 cổ phiếu. Phải mất một thời gian để xử lý một vị thế lớn như vậy, không phải trong một lần nhấp chuột (hoặc một lần nhấn phím tắt, nhanh hơn nhiều so với nhấp chuột như phần lớn các nhà giao dịch năng động sử dụng), hơn nữa còn có thể gây ra tổn thất đáng kể. Nhà giao dịch trong ngày với quy mô nhỏ hơn nhiều có thể thoát khỏi giao dịch thua lỗ của họ với một khoản lỗ rất nhỏ. Trên thực tế, một nhà giao dịch trong ngày giỏi có thể chịu tổn thất chỉ bằng vài xu. Vì vậy, bạn phải học cách khai thác một trong những lợi thế khổng lồ này của mình. Và điều này có nghĩa là bạn phải thoát ra khi cổ phiếu giao dịch chống lại bạn.
Là một nhà giao dịch cá nhân, bạn kiếm được lợi nhuận từ sự biến động trên thị trường. Nếu thị trường đi ngang bình lặng, bạn sẽ không kiếm được tiền; chỉ những nhà giao dịch tần suất cao mới kiếm được tiền trong trường hợp này. Do đó, bạn cần tìm những cổ phiếu sẽ có những bước tăng hoặc giảm nhanh một cách tương đối dễ đoán. Ngược lại, các nhà giao dịch tổ chức giao dịch với tần suất cao độ và sẽ thu được lợi nhuận từ những biến động giá nhỏ bé, hoặc đôi khi được gọi là tình huống giá không dịch chuyển lớn (choppy price action).
Điều cực kỳ quan trọng là tránh xa các cổ phiếu đang được các nhà giao dịch tổ chức giao dịch khối lượng lớn. Là một nhà giao dịch cá nhân, bạn phải hoạt động trong vùng dành cho các nhà giao dịch cá nhân. Bạn sẽ không giao dịch cổ phiếu mà các nhà giao dịch cá nhân khác không giao dịch hoặc không tìm kiếm. Điểm mạnh của chiến lược giao dịch trong ngày là các nhà giao dịch cá nhân khác cũng đang sử dụng chúng. Càng được nhiều nhà giao dịch sử dụng các chiến lược này càng hiệu quả. Khi lượng người nhận diện một tín hiệu đông đảo hơn, họ sẽ mở vị thế tại thời điểm đó nhiều hơn. Điều này có nghĩa là cổ phiếu sẽ tăng lên nhanh hơn. Người ta càng mua nhiều, giá sẽ di chuyển càng nhanh. Đây là lý do tại sao nhiều nhà giao dịch vui vẻ chia sẻ chiến lược giao dịch trong ngày của họ. Nó không chỉ giúp các nhà giao dịch khác có lợi nhuận cao hơn mà còn tăng số lượng nhà giao dịch sử dụng các chiến lược này. Không có lợi ích nào trong việc che giấu hoặc giữ bí mật các phương pháp này.

Happylife

24 thói quen tài chính sau sẽ có lợi cho bạn đến suốt đời

Tiết kiệm không phải vì nghèo, 24 thói quen tài chính sau sẽ có lợi cho bạn đến suốt đời. Nói theo cách đánh trận, tiết kiệm chính là “thủ”, đầu tư là “công”. Hai việc trong ngoài đều hợp nhất cùng phát triển, làm giàu sẽ không khó!



1. Lập thói quen để tiền sinh hoạt dự bị
Mục đích của tiền sinh hoạt dự bị chính là để ứng phó cho những tình huống khẩn cấp xảy ra bất ngờ trong cuộc sống, nên để dành dư dả khoản từ 3 – 6 tháng tiền sinh hoạt phí.
2. Tiền “bảo mệnh” tuyệt đối không được lấy ra đầu tư
Số tiền được dùng làm sinh hoạt phí từ 3 – 5 năm tới được gọi là “tiền bảo mệnh”. Tuyệt đối không được làm liều dùng nó để đầu tư hết. Bình thường nhiều người sẽ đem nó gửi tiết kiệm, mặc dù tiền lời ít, nhưng an toàn cho cả nhà là tất cả.
3. Mỗi tháng tính toán tiết kiệm tiền
Đừng mơ màng nghĩ đến việc “chỉ một đêm liền giàu”. Người ta tích lũy tài phú đều là tính theo từng giờ, từng ngày. Mỗi tháng nên đề ra kế hoạch tích lũy một phần từ tiền thu nhập, số tiền còn lại dùng để làm sinh hoạt phí và đầu tư.
4. Hiệu quả của tích lũy và đầu tư đều song hành
Nếu không tích lũy, tuyệt đối sẽ không thể trở thành người giàu được. Tiết kiệm là thói quen tốt, nhưng không chỉ chờ có dư mới bỏ ống heo, mà nên có kế hoạch hợp lý.
Nói theo cách đánh trận, tiết kiệm chính là “thủ”, đầu tư là “công”. Hai việc trong ngoài đều hợp nhất cùng phát triển, làm giàu sẽ không khó!
Nhưng nên nhớ, thời gian là tiền bạc, nên sớm trân trọng học cách tích lũy và đầu tư càng sớm càng tốt.
5. Lấy “tiền nhàn rỗi” đi đầu tư
Số tiền dư dả, không cần dùng đến, cũng không nằm trong kế hoạch tiết kiệm hay sinh hoạt phí, vậy hãy dùng nó để đầu tư. Dù có lỗ, cũng không ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Nhưng trước tiên hãy nên chọn những loại hình đầu tư ổn định, mang tính an toàn cao.
6. Bảo toàn tiền vốn
Nguyên tắc thứ nhất của đầu tư, chính là tuyệt đối không được làm ăn lỗ vốn; nguyên tắc thứ hai trong đầu tư, chính là nhất định phải kiên trì làm theo nguyên tắc thứ nhất, không được làm mất tiền vốn.
Có thể bảo toàn tiền vốn đã xem như là biết kiếm tiền.
7. Mỗi tờ tiền đều phải dùng hợp lý
Hiện tại, dân số bùng nổ ngày càng đông đúc, giá nhà, giá xe, giá hàng hóa và vật phẩm tiêu dùng ngày càng tăng, kiếm tiền thật sự không dễ dàng. Thế nên, đừng tùy tiện tiêu tiền vô ích. Nếu đã kiếm tiền không dễ, hãy học cách tiêu tiền cũng “không dễ”.
Trước khi muốn mua sắm cái gì, hoặc muốn đầu tư vào đâu, nên cân nhắc thật cẩn thận rồi đưa ra một lựa chọn sáng suốt.



8. Tiết kiệm tiền là tất yếu, nhưng sống cũng là điều tất nhiên
Trong cuộc sống, tiết kiệm là điều tất yếu để góp phần làm giàu, nhưng tiền đề là chúng ta phải bảo đảm được chất lượng và nền tảng cơ bản của cuộc sống. Đừng cố nhét ống tiết kiệm cho “heo” ăn rồi bản thân cả ngày lại không dám ăn cái gì.
Có người tiết kiệm đến nỗi cả năm ăn thịt cá chỉ được vài lần, làm vậy chỉ tổ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Tiền cần xài đúng chỗ thì hãy xài, tiền không cần xài mới dùng tiết kiệm.
9. Tuyệt đối không lãng phí
Bạn mua món đồ đó, lý do là vì “cần”, chứ đừng vì “đẹp” hoặc “đang giảm giá”. Trước khi bỏ tiền ra mua cái gì nên đắn đo suy nghĩ trước, đừng vì một phút thích thú nhất thời mà lãng phí rồi mua về lại không dùng tới.
Học lối sống tối giản, kiểm soát “bản năng thiên tính” thích mua sắm, bạn sẽ dư được một khoảng tiền lớn.
10. Tiền lãi
Số tiền lãi thu được sau khi đầu tư chính là số vốn mới trong mắt những người giàu có. Hãy tận dụng nó một cách khoa học và đúng đắn.
11. Dựa vào “nguồn thường thức” kiếm tiền
Nếu bạn có một ánh mắt quan sát tốt và bộ óc phân tích sắc sảo, hãy tập trung tìm sự bất biến trong những thứ đang biến hóa để đưa ra lựa chọn đầu tư phù hợp với thị trường.
12. Nền tảng của đầu tư
Nhiệt tình và thời gian là chất xúc tác trực tiếp để đầu tư thành công. Bạn không thể chỉ nhìn cái lợi trước mắt, hãy xem xét đến lợi nhuận của cả hiện tại và tương lai, đừng cố chấp mạo hiểm chọn đầu tư những sản phẩm bản thân không nắm chắc chỉ vì muốn đặt cược tất cả vào món lợi lớn.
13. Theo đuổi tri thức
Trong sách có chứa ngàn vàng, hãy đọc nó và học hỏi những điều bạn chưa thấy được từ cuộc sống. Từ những kiến thức đó, bạn sẽ thu hoạch được trí tuệ, có trí tuệ mới dễ theo đuổi tài phú. Chúng ta phải luôn không ngừng học hỏi những kiến thức về đầu tư tài chính.



14. Tin tức chính là sự giàu có
Hãy luyện cho bản thân có một khả năng dự đoán, thu thập tin tức, phân tích tin tức và quyết định vấn đề nhanh và chắc.
15. Không đầu tư theo xu hướng
Rất nhiều người thấy cái gì hot thì chạy theo, mà không hề có kiến thức thực sự về đầu tư tài chính, cái có chỉ là suy nghĩ chạy theo xu hướng mù quáng để đầu cơ trục lợi.
Một doanh nhân sáng suốt có thể một thân một mình đối mặt với những biến hóa của thị trường, đầu tư cái gì do họ quyết định, mà không phải do số đông!
16. Tích lũy nguồn nhân lực
Dù là ai đi nữa, chỉ dựa vào sức lực một người không thể nào gầy dựng lên một cơ nghiệp to lớn được. Chính vì vậy, hãy lựa chọn nguồn nhân lực có lợi cho mình.
17. Học hỏi từ người giàu
Thường xuyên nghiên cứu “bí kíp làm giàu” của những người thành công nhờ vào nỗ lực tự thân mà thành. Học hỏi cái cách mà họ tư duy và hành động, đồng thời tham khảo kinh nghiệm thành công mà họ từng trải qua.
Nên nhớ, hãy ghi nhận ý tưởng, kỹ năng đầu tư của họ trong đầu và sử dụng chúng.
18. Thành không kiêu, bại không nản
Đầu tư tuyệt đối là chuyện không biết trước kết quả, bất kể bạn thành hay bại, phải luôn giữ bình tĩnh để phân tích vấn đề, sau đó đưa ra quyết định có lợi nhất cho mình.
19. Tập trung vào thị trường toàn cầu
Ngoài việc tìm kiếm cơ hội đầu tư trong nước, bạn cũng có thể lựa chọn thử thách chính mình tìm kiếm sự mới mẻ ở môi trường nước ngoài.
20. “Kiểm tra định kì” tài phú gia đình
Đây là quá trình kiểm duyệt lại mọi nguồn tiền cả thu vào và xuất ra: nguồn thu nhập, tài sản hiện có, rủi ro đầu tư, số nợ nếu có… để kiểm soát, điều chỉnh và đưa ra biện pháp giải quyết hợp lý, kịp thời.
21. Cho đi cũng là một dạng đầu tư
Trên thế giới có 2 loại người: Loại thứ nhất có thể điều khiển cho dòng tiền cá nhân lưu chuyển linh hoạt giữa các mối quan hệ rồi dùng phương thức khác quay về với mình. Loại thứ hai lại bị loại thứ nhất trong vô hình trung “bắt tiền” đi mất.



Người giàu chính là loại người đầu tiên, họ dám chi số tiền lớn để gặp mặt, để tiếp đãi, để giao tiếp với ai đó. Nhưng họ sẽ nhận được lợi nhuận cao hơn nhiều so với số tiền đã bỏ ra.
22. Bạn bè hỏi mượn tiền, chỉ giúp ngặt không giúp nghèo
Rất nhiều đôi bạn bè trở mặt với nhau chỉ vì một chữ tiền, thế nên đừng vì nghĩa khí nhất thời mà đối mặt mâu thuẫn về sau. Nếu cho mượn “lắm lần” như thế lỡ sau này không đòi được, vừa mất tiền vừa mất bạn thì biết làm sao?
23. Đừng bỏ “trứng gà” vào cùng một giỏ
Đừng cố chấp đầu tư một thứ duy nhất. Đầu tư đa dạng không chỉ có thể phân tán rủi ro còn giúp bạn kiếm được nhiều tiền hơn.
24. Học “tính toán tinh vi”
“Tính toán tinh vi” ý muốn đề cập đến sự nhạy cảm với số liệu tiền bạc, có năng lực tính toán tốt sẽ dễ kiểm soát tiền vốn, rủi ro và đưa ra phán đoán có lợi cho bản thân.

Theo Cafebiz

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2022

Thuốc hay từ cây lưỡi rắn

Con rắn là một dược liệu quý từ lâu đời đã được sử dụng làm thuốc chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Trên thực tế, có những loại cây mang tên con vật này cũng có tác dụng phòng chữa nhiều bệnh. Nhân năm Quý Tỵ sắp đến, xin giới thiệu đến bạn đọc về cách dùng cây lưỡi rắn - xà thiệt làm thuốc.
Cây lưỡi rắn còn có tên khác là nọc sởi, xương cá, vương thái tô, đơn đòng, xà thiệt thảo, mai hồng. Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây, thu hái vào mùa hè thu khi có hoa. Dùng tươi hoặc khô. Cây lưỡi rắn chứa chất corymbosin, scandosid, asperulosid, asperglavcid, acid geniposidic và một số chất khác. Theo Đông y, cây lưỡi rắn có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Dùng chữa rắn cắn, sốt rét.




Cây lưỡi rắn (xà thiệt thảo).

Cách dùng xà thiệt thảo làm thuốc:
Chữa rắn cắn: Khi bị rắn cắn lập tức buộc garô phía trên vết cắn để nọc khỏi lan theo hệ tuần hoàn; dùng sợi tóc kéo căng gạt qua gạt lại trên bề mặt vết cắn để làm bật phần ống nọc còn cắn vào da thịt. Hút máu qua giác hút hay ống hút. Lấy 1 nắm cây lưỡi rắn (khoảng 100g) rửa sạch, nhai nuốt lấy nước, bã còn lại đắp lên vết cắn. Sau 5 - 7 phút có thể cởi bỏ garô. Sau 2 - 3 giờ uống lại nước sắc cây lưỡi rắn 1 lần.
Chữa sốt rét: Cây lưỡi rắn 6g, mã tiên thảo (cỏ roi ngựa) 6g, thường sơn 6g. Sắc uống.




Cây lưỡi rắn hoa trắng (bạch hoa xà thiệt thảo).

Cỏ lưỡi rắn hoa trắng
Cỏ lưỡi rắn hoa trắng còn có tên bạch hoa xà thiệt thảo. Tên khoa học: Hedyotis diffusa Willd. Cỏ lưỡi rắn và bạch hoa xà thiệt thảo tương đối giống nhau. Nhưng có điểm khác biệt là bạch hoa xà thiệt thảo ít phân cành hơn. Lá mọc đối, gốc và đầu lá nhọn, dài 1-3,5cm, rộng 1-3mm. Hoa mọc đơn độc hoặc đôi ở kẽ lá, hoa màu trắng, cuống hoa ngắn. Bộ phận dùng làm thuốc là toàn cây, thu hái vào mùa hè thu khi có hoa. Dùng tươi hoặc khô. Cây bạch hoa xà thiệt thảo cũng chứa một số chất như trong cây cỏ lưỡi rắn, ngoài ra còn có stigmasterol, B-sitosterol, sitosterol-o-glucose… Theo Đông y, bạch hoa xà thiệt thảo vị ngọt hơi đắng, tính hàn; vào kinh vị, đại tràng và tiểu tràng, được dùng ở nước ta để chữa rắn cắn, chữa sởi, đậu… Ở Trung Quốc, dùng làm thuốc chữa viêm họng, viêm amidan, viêm đường tiết niệu, viêm vùng chậu; chữa phế nhiệt, hen suyễn; hỗ trợ ung thư dạ dày trực tràng, ung thư gan thời kỳ đầu.
Cách dùng bạch hoa xà thiệt thảo làm thuốc:
Lợi mật, bảo vệ gan: Bạch hoa xà thiệt thảo 10g, hạ khô thảo 10g, cam thảo 5g. Sắc uống trong ngày.
Trị rắn cắn: Bạch hoa xà thiệt thảo 20g (tươi 60g). Sắc với 200ml rượu. Gạn nước chia uống 3 lần. Bã đắp vào vết rắn cắn.
Chữa sỏi mật, viêm ống mật: Bạch hoa xà thiệt thảo 30g, nhân trần 30g, kim tiền thảo 30g. Sắc uống trong ngày.
Chữa viêm thận cấp: Bạch hoa xà thiệt thảo 15g, xa tiền thảo 15g, bạch mao căn 30g, chi tử 9g, tô diệp 6g. Sắc uống.
Trị ho do viêm phổi: Bạch hoa xà thiệt thảo tươi 40g, trần bì 8g. Sắc uống.
Chữa viêm amidan cấp: Bạch hoa xà 12g, xa tiền thảo 12g. Sắc uống.

TS. Nguyễn Đức Quang

Phân biệt giữa bạch hoa xà với bạch hoa xà thiệt thảo

Rất nhiều người thường nhầm lẫn giữa hai vị thuốc bạch hoa xà và bạch hoa xà thiệt thảo. Đây lại là những vị thuốc thường được sử dụng trong y học cổ truyền. Do vậy, cần phân biệt kỹ trước khi dùng. Xin giới thiệu để bạn đọc hiểu rõ về hai loại cây này.

1. Bạch hoa xà

Vị thuốc bạch hoa xà, là rễ và lá của cây bạch hoa xà (Plumbago zeylanica L.), họ đuôi công (Plumbaginaceae). Bạch hoa xà là loại cây thảo, chỉ cao độ 50 – 70cm. Thân ít nhiều bị hóa gỗ, khúc khuỷu, có đốt và có khía dọc. Lá so le, dài 5 – 7cm, rộng 3 – 5cm, hình trứng hay bầu dục thuôn, mép lượn sóng, đầu lá nhọn, mặt trên màu lục, mặt dưới trắng nhạt, cuống lá như ôm vào thân. Cụm hoa mọc thành bông ở ngọn, gồm nhiều hoa màu trắng, đài hoa hình trụ có cạnh rõ, phủ đầy lông tuyến dính. Hoa màu trắng, 5 cánh hình trứng ngược. Cây được trồng làm cảnh và làm thuốc ở nhiều nơi, chủ yếu ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ nước ta.


Bạch hoa xà có các thành phần flavonoid, phenol, triterpen, các hợp chất plumbagin 0,91%, chitranon, zeylenon, matrinon…; axít hữu cơ: acid palmitic, linoleic… Bạch hoa xà trên thực nghiệm có tác dụng chống viêm, ức chế nhiều chủng vi khuẩn: tụ cầu vàng, trực khuẩn than, trực khuẩn đại tràng, trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn mủ xanh…; còn có tác dụng kháng nấm: Penicillium canadense, Penicillium notatum, tác dụng chống đông máu, chống bệnh bạch cầu lympho, chống khối u, chống sự làm tổ của trứng. Do đó, bạch hoa xà cấm dùng cho phụ nữ có thai. Và do vị thuốc này có độc tính mạnh nên chủ yếu chỉ được dùng ngoài. Sau đây là một số cách dùng bạch hoa xà làm thuốc
Chữa đinh nhọt, tràng nhạc, phong hủi, lở ngứa: lấy lá tươi hay rễ non, giã nát, đắp vào chỗ bị bệnh, cũng có thể lấy rễ tươi, giã nát, băng vào chỗ bị chai chân với thời gian khoảng 2 giờ. Lưu ý: lá và rễ của cây này dễ gây rộp da nên khi đắp cần gói thuốc trong miếng vải gạc rồi băng bên ngoài, khi có cảm giác nóng thì bỏ ra.
– Chữa thấp khớp, đau đớn, nhức mỏi: chỉ lấy phần thân trên mặt đất, bỏ hết lá, rửa sạch, phơi khô, thái mỏng, sao vàng vàng, ngâm rượu (100g dược liệu với 500ml rượu 35 độ) trong 2 – 3 tuần lễ, uống ngày 2 lần, mỗi lần 20ml trước bữa ăn.
Có thể dùng rễ bạch hoa xà ngâm rượu để xoa bóp khi bị đau nhức xương. Ngoài ra có thể dùng rượu ngâm rễ bạch hoa xà để chữa hắc lào, ghẻ lở.

2. Bạch hoa xà thiệt thảo



Cây bạch hoa xà thiệt thảo (Hedyotis difusa Will.), họ cà phê (Rubiaceae) là loài thân thảo, chỉ cao độ 20-25cm. Thân vuông màu nâu nhạt. Lá mọc đối, hình mác, thuôn, đầu lá nhọn, dài 1 – 1,3cm, rộng 1 – 3mm, gốc và đầu lá nhọn, có gân giữa nổi rõ. Hoa màu trắng, có cuống, có 4 cánh, ống tràng dài 1,5mm, mọc đơn độc hoặc đôi một ở kẽ lá. Bạch hoa xà thiệt thảo mọc hoang ở nhiều nơi trong nước ta, thu hái vào mùa hạ, nhổ toàn cây, rửa sạch đất cát, phơi khô, khi dùng sao qua là được. Trong cây chủ yếu chứa iridoid: asperulosid, scandosid, feruscandosid…, các axít: asperulosidic, oleanolic, p. coumaric… Stigmasterol, beta – sistosterol…
Trên thực nghiệm, bạch hoa xà thiệt thảo có tác dụng ức chế hiện tượng gây đột biến do aflatoxin B1 tạo nên, khi dùng chủng vi khuẩn Samonella tiphymorium TA 100. Còn có tác dụng chống viêm, đặc biệt ức chế mạnh tế bào ung thư lympho, tế bào ung thư bạch cầu hạt và bạch cầu đơn nhân, với nồng độ 0,5 – 1g dược liệu/ml, còn có tác dụng ức chế tế bào báng ehrlich và tế bào carcinom. Do đó, người ta thường dùng bạch hoa xà thiệt thảo phối hợp với cây bán chi liên (Scutenlaria barbata) để trị ung thư.
Theo y học cổ truyền, bạch hoa xà thiệt thảo có vị ngọt đắng, tính hàn, quy kinh vị, đại tràng, tiểu tràng, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu u, tán ứ, lợi thấp. Có thể dùng liều 15- 60g, sắc uống. Một số cách dùng bạch hoa xà thiệt thảo làm thuốc:
Trị các bệnh thận cấp tính, nước tiểu có albumin: bạch hoa xà thiệt thảo 15g, bạch mao căn 30g, chi tử 9g, tô diệp 6g, sắc uống.
Chữa sỏi mật: bạch hoa xà thiệt thảo, kim tiền thảo, nhân trần mỗi thứ 30g, xa tiền tử 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
Trẻ em bị sốt cao, co giật: bạch hoa xà thiệt thảo tươi, khoảng 30g, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt, uống mỗi lần 1 thìa canh, ngày 2-3 lần.

Cây lưỡi rắn

Ngoài ra, cần tránh nhầm lẫn giữa cây bạch hoa xà thiệt thảo với cây lưỡi rắn, còn gọi là cây xương cá hay cây vương thái tô [Hedyotis corymbosa (L.) Lamk.] vì chúng cùng chi (Hedyotis), lại cùng họ cà phê (Rubiaceae). Về hình thái thực vật trông hao hao giống nhau, cũng là loài cỏ, độ cao tương tự nhau, thân cũng vuông, lá cũng mọc đối, hoa cũng màu trắng… Chỉ khác là cụm hoa của lưỡi rắn mọc ở kẽ lá thành xim, gồm 2 – 5 hoa. Khác với bạch hoa xà thiệt thảo, cây lưỡi rắn chủ yếu dùng trị rắn cắn: sau khi xử lý vết rắn cắn, như garô, nặn máu…, dùng 100g cây tươi giã nát, lấy nước cốt uống, bã đắp vào vết thương. Có thể dùng cây này nấu nước rửa vết thương, mụn nhọt…

GS.TS. Phạm Xuân Sinh-Nguồn : Sức Khỏe Đời Sống

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2022

Xài tiền khó hơn kiếm tiền?

Nếu như kiếm tiền là việc rất khó, thì xài tiền, lại càng khó hơn. Nếu không, thì doanh nhân vĩ đại trong thế kỷ trước, vua thép Andrew Carnegie, đã chẳng phải thốt lên: "Chết trong sự giàu có là một cái chết đáng hổ thẹn". Hội nhập toàn cầu, liệu ta có nên hội nhập cả cái văn hóa nhà giàu đáng nể trọng và cái cách xài tiền đầy trí tuệ của những người giàu thế giới?




Khi người Trung Quốc nói "không"

Chuyện kiếm tiền, đương nhiên là rất khó, cho dù kiếm bằng cách nào đi chăng nữa. Thế nhưng, khi kiếm tiền vượt qua ngưỡng của những nhu cầu tiêu dùng cho bản thân, gia đình và cộng đồng nhỏ xung quanh mình, thì việc ứng xử với một "núi" tiền lại là một thách thức không nhỏ đối với những người giàu và những người rất giàu.

Một câu chuyện điển hình là cách đây không lâu, khi hai trong số những người giàu nhất thế giới là Bill Gates và Warren Buffet khởi xướng chiến dịch "Giving Pledge" (tạm dịch là "Cam kết cho đi") nhằm kêu gọi các tỉ phú Mỹ dành phần lớn số tài sản của mình để góp phần thay đổi xã hội thông qua con đường từ thiện; họ đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ những "đồng nghiệp".

Đến nay, đã có hơn 70 tỉ phú Mỹ tham gia chiến dịch "cho đi" này. Những món tiền trị giá hơn một nửa hoặc gần như trọn vẹn tài sản của những doanh nhân thành đạt lần lượt được hiến tặng vì mục đích xã hội. Thế nhưng, khi bước chân sang Trung Quốc - quốc gia đông dân nhất thế giới với hàng loạt hiện tượng "siêu giàu" đang nổi lên, công cuộc thuyết phục của hai người đàn ông huyền thoại này lại không được dễ dàng như thế.

Bởi không phải tỉ phú Trung Quốc nào được mời tham dự "buổi tiệc lớn" của hai ông cũng sẵn sàng hay tỏ ra hào hứng với lời mời. "Sợ bị xin tiền" - đó là bình luận phổ biến nhất trên báo chí khi tường thuật lại cuộc thuyết phục chưa thành của Bill Gates và Warren Buffet tại Trung Quốc.

Rõ ràng quan niệm về cách xài tiền ở một quốc gia Á Đông khác xa so với nước Mỹ. Người Á Đông thường vẫn mong muốn tích lũy tài sản của mình, nhất là tài sản hữu hình, cho con cháu của họ. Và vì thế, triết lý "vì xã hội" đã không thuyết phục được nhà giàu mới tại Trung Quốc.

Liệu có chăng sự khác biệt về mặt suy nghĩ giữa nhà giàu phương Đông và phương Tây? Vì sao những người Á Đông, vốn sống duy tình, rất hay thương người nghèo khó, rất có nghĩa đồng bào, lại có vẻ chưa sẵn lòng cho việc trao đi như những người Âu Mỹ, vốn sống duy lý nhiều hơn?

Tại sao người giàu xứ người lại sẵn lòng tham gia vào sứ mệnh thay đổi thế giới bằng hoạt động từ thiện của mình? Phải chăng việc xài tiền cũng cần một triết lý và cả trí tuệ?

"Vì người" là cách... vì mình khôn ngoan nhất



Gần một trăm năm trước, với tâm niệm rằng, những gì mà mình có được đều từ cộng đồng thì cũng nên quay trở lại phục vụ cộng đồng, vua thép Andrew Carnegie đã gây xôn xao thế giới khi tuyên bố: "Cái chết trong sự giàu có là một cái chết đáng hổ thẹn".

Để minh chứng cho việc này, ông đã hiến 90% tài sản của mình cho để kiến tạo xã hội. Điều này cùng với truyền thống làm từ thiện lâu nay của các tỷ phú Mỹ, đã làm thay đổi cái nhìn về cách xài tiền, định nghĩa lại sự giàu có và góp phần hình thành nên văn hóa người giàu của nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.

80 năm sau khi Carnegie qua đời, Warren Buffett chia sẻ: "Ngày tôi còn trẻ, rất nghèo, tôi đọc được tuyên ngôn của vua thép và không dứt ra được khỏi ý tưởng về ý nghĩa của tiền tài và cách hiến tặng của cải. Đến khi tôi trở nên giàu có, tôi hoàn toàn thấm thía cách nghĩ của ông và quyết tâm đi theo con đường này, và cùng những người bạn của tôi cổ vũ cho phong trào sử dụng tiền của để kiến tạo xã hội.

Con cái chúng ta, thì chúng ta phải có trách nhiệm, nhưng chỉ được phép cung cấp cho chúng đủ điều kiện để có thể thực hiện điều mà chúng muốn, chứ không được phép làm cho chúng không làm gì cả trên đống của cải mà chúng ta để lại".

Nghĩa là, thay vì cố gắng kiếm tiền để rồi cuối đời mới viết di chúc cho người khác sử dụng núi tiền khổng lồ của mình, những tỉ phú thế kỷ 21 như Warren Buffet lại muốn tự sử dụng hết và sử dụng một cách khôn ngoan toàn bộ số tiền mà mình đã vất vả cả đời mới kiếm được trước khi "ra đi". Tức là "cho khi còn sống", chứ không phải là "cho khi đã chết".

Thậm chí ngày nay, nhà giàu họ còn có xu hướng muốn "cho khi còn trẻ". Chẳng hạn, tỷ phú Mark Zuckerberg, nhà sáng lập của Facebook, đã cam kết cho đi hơn một nửa trong tổng số tài sản 17,5 tỷ USD của mình dù ông ấy chỉ mới đang ở độ tuổi "hai mấy".

GS Jason Franklin ở ĐH New York đã chia sẻ thêm về phong trào này: "Một người làm từ thiện khi về già vì ông ấy muốn con cháu mình có một thế giới mới tươi đẹp hơn, còn những người trẻ cho đi tài sản của họ để chính họ sẽ được hưởng một thế giới mới tươi đẹp hơn".

Dẫu phải cần thêm một thời gian nữa để "tư duy từ thiện mới" này có thể lan tỏa mạnh mẽ và rộng khắp thế giới, nhưng "đoàn quân" của những tỷ phú này đang ngày càng đông lên, với những cam kết đóng góp ngày một nhiều hơn. Và những thay đổi mà họ tạo ra cho thế giới ngày một rõ nét hơn, rộng lớn hơn... Và không thể không thừa nhận rằng họ cũng đã góp phần thay đổi cái nhìn còn pha nhiều thành kiến mà người ta thường dành cho "giới nhà giàu".

Nhiều người vẫn cho rằng, sự giàu có đồng nghĩa với tội lỗi. Không đúng! Tiền bạc thực ra chỉ là vật trung tính, bản thân nó không tốt cũng chẳng xấu. Tốt hay xấu không nằm ở đồng tiền, mà nằm ở cách kiếm tiền và cách xài tiền.

Kiếm tiền bằng cách này là xấu, kiếm tiền bằng cách kia thì tốt. Xài tiền vào việc này là xấu, xài tiền vào việc kia thì tốt. Và tổng những gì mà mình kiếm được cho mình thì luôn bằng với tổng những gì mà mình mang lại hay gây ra cho người khác. Đó cũng là lý do vì sao người ta thường hay nói rằng, "đằng sau một gia tài khổng lồ có thể là một cống hiến lớn, hay là một tội ác lớn, hay là cả hai".

Những đồng tiền kiếm được chỉ được xem là "sạch sẽ" nếu như kiếm bằng cách mang lại giá trị gì đó cho người khác và không gây hại gì cho ai cả. Và nếu như trách nhiệm xã hội lớn nhất của doanh nhân là cùng doanh nghiệp của mình mang đến cho xã hội những sản phẩm, dịch vụ hữu ích và vô hại, thì trách nhiệm xã hội của người giàu sẽ là gì nếu như không phải là biết cách sử dụng số tiền mà mình có sao cho ý nghĩa nhất, có lợi nhất cho mình và cho cả tương lai của xã hội!?

Ở các nước phát triển, các hoạt động văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế, môi sinh, dân sinh... chỉ dùng một phần từ ngân sách quốc gia. Một phần không nhỏ họ dùng nguồn quỹ vận động từ các doanh nhân hiến tặng.

Trường ĐH Harvard lừng danh là một ví dụ, từ các tòa nhà, thư viện, phòng thí nghiệm, đến học bổng, kinh phí nghiên cứu khoa học, hầu như đều dựa rất nhiều vào nguồn tiền dồi dào do các doanh nhân, doanh nghiệp, các nhà khoa học, nhà hảo tâm đóng góp.
Có người ghi tên mình vào tòa nhà, đóng dấu ấn của mình vào phòng thí nghiệm hay đặt tên một quỹ học bổng để vinh danh dòng họ của mình. Nhưng cũng có người chỉ lặng lẽ trao tặng để tìm kiếm niềm hạnh phúc riêng cho bản thân mình với suy nghĩ "thi ân bất cần báo"...

Những người kiếm tiền một cách tử tế mà trở nên giàu có bậc nhất thế giới thì hẳn là trí tuệ và tầm nhìn của họ cũng đáng nể trọng. Vậy điều gì khiến họ thương người hơn cả thương mình? Nhưng có thật như vậy không? Hay họ thấm nhuần phương châm: "Vì người" là cách... vì mình khôn ngoan nhất.

Và chia sẻ triết lý của nhà bác học lỗi lạc, nhà hiền triết, nhân vật có ảnh hưởng bậc nhất trong thế kỷ 20 Einstein: "Chỉ có một cuộc đời sống để phục vụ người khác mới là một cuộc đời đáng sống". Họ đã mưu cầu hạnh phúc cho bản thân mình và gia đình mình bằng cách tạo ra hạnh phúc cho những người quanh mình, cho xứ sở mình và cho cả đồng loại của mình.

Và lựa chọn của riêng mình...

Một khi đã là triệu phú hay tỷ phú thì điều quan trọng không hẳn là "kiếm được" hay "đạt được" cái gì cho mình, mà là "mang lại" hay "để lại" cái gì cho xã hội và sẽ đi vào lịch sử như thế nào.

Di sản của nhà giàu sẽ là gì nếu tiền bạc của mình chỉ để "vinh thân phì gia"!? Sẽ quý giá biết bao khi di sản của nhà giàu là những giá trị vô hình (sự phát triển về văn hóa, khoa học, giáo dục...). Hay những giá trị hữu hình mà đồng tiền của họ đã tạo ra (trường học, bảo tàng, thư viện, bệnh viện, các công trình văn hóa, nghệ thuật, lịch sử có giá trị...).

Thực tế cho thấy, một khi đã đạt tới đỉnh cao thì, dù muốn hay không, tên tuổi cũng sẽ được hay bị lưu truyền. Khi đạt đỉnh cao quyền lực, cả ngàn năm sau người ta sẽ nhắc đến như là một "minh quân" hay một "bạo chúa"? Khi đạt đỉnh cao về tiền tài, người đời sẽ nhớ đến như một "trọc phú" hay một "người kiến tạo tương lai"?... Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào sự lựa chọn của mỗi người khi còn sống.

Đó là một lựa chọn không hề dễ dàng, nhưng là một lựa chọn đầy thú vị. Thú vị không phải vì chuyện đúng, sai, phải, trái, mà đơn giản là mỗi người tự biết sẽ dùng cuộc đời của mình vào việc gì, dùng tiền của mình vào việc gì, muốn sống lặng lẽ và ra đi lặng lẽ, hay sống mãi với đời từ những giá trị mà mình đã tạo ra và để lại...

Giản Tư Trung

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2022

Từng cháy tài khoản, mất 1 triệu USD vì “all in – full margin”, Nhà sáng lập FinPeace chia sẻ bí kíp giúp nhà đầu tư “né” những cú sập trên thị trường




Nhiều năm sau, khi có nhiều trải nghiệm hơn, ông Tuấn Anh nhận thấy những ai đầu tư chứng khoán kiểu “all in full margin” thì về dài hạn gần như chắc chắn sẽ thua, bất kể trước đó họ đã thắng được bao nhiêu tiền.
Thời gian gần đây, “call margin” là một từ khoá được khá nhiều người quan tâm trên thị trường chứng khoán. Khi cổ phiếu liên tục lao dốc, áp lực bán giải chấp không chỉ kích hoạt ở nhà đầu tư cá nhân mà còn ở nhiều lãnh đạo doanh nghiệp.
Hàng trăm triệu cổ phiếu bất động sản chất sàn nhưng không ai mua cũng là nguồn cơn tạo nên hiệu ứng bán lan diện rộng trên toàn thị trường thời gian qua.
Ngay cả những “tài khoản lớn” của doanh nghiệp cũng không tránh khỏi cơn lốc “call margin” càn quét, thì rõ ràng nhà đầu tư nhỏ lẻ ưa đòn bẩy cũng thiệt hại khá nặng nề. Vậy kinh nghiệm nào rút ra sau những đợt bị buộc bán giải chấp cổ phiếu?
Cháy tài khoản vì “all in full margin”
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Nhà sáng lập FinPeace, người từng có 16 năm chinh chiến trên thị trường nhớ lại những câu chuyện “call margin” của mình trong quá khứ. Ông Tuấn Anh cũng là một trong những người đầu tiên bị bán giải chấp trên TTCK Việt Nam.
Thời điểm 2007, thị trường chứng khoán lên như “diều gặp gió” và cứ mua là thắng. Dù mới chập chững bước chân vào thị trường, song ông từng mạnh tay vay margin để mua lượng lớn cổ phiếu của một công ty chứng khoán và thành công chốt lời ở vùng đỉnh 300.000 đồng.
“Nếu chỉ dừng lại ở đó thì không có gì đáng nói. Sang đến năm 2008, khi cổ phiếu chứng khoán này liên tục trồi sụt xuống 50.000 nghìn, tôi lại ham hố “bắt đáy” bằng toàn bộ số vốn của mình. Tuy nhiên, cổ phiếu vẫn không ngừng đà rơi khi tiếp tục giảm giá xuống còn 25.000 đồng, tôi quyết định tất tay - “all in full margin” vào cổ phiếu chứng khoán này”, ông Nguyễn Tuấn Anh kể lại.
Kết quả, ông bị cháy tài khoản và mất toàn bộ tài sản khi đó có được, khoảng 1 triệu USD. Do từng trải qua nên ông Tuấn Anh hiểu cảm giác bị “call margin” là rất xót xa. Bởi dùng margin khi thị trường lên sẽ rất thích vì nó có thể giúp mình đi nhanh hơn, song lúc thị trường đi xuống thì quả thực là quá khốc liệt.


Nhiều năm sau, khi có nhiều trải nghiệm hơn, ông Tuấn Anh nhận thấy những ai đầu tư chứng khoán kiểu “all in full margin” thì về dài hạn gần như chắc chắn sẽ thua, bất kể trước đó họ đã thắng được bao nhiêu tiền.
Lý do vì sao? Đó là bởi thời gian không đứng về phía các nhà đầu tư như vậy. Chuyên gia cho rằng muốn đầu tư thành công thì trước hết thời gian phải đứng ở phía bạn.
Thế nào là thời gian không đứng về phía mình? Ông Tuấn Anh đặt ra giả thiết, nếu xác suất chỉ 1 trong những ngày tiếp theo cổ phiếu giảm là tài khoản của bạn bị cháy, điều đó có nghĩa là thời gian không đứng về phía bạn.
Thế nào là thời gian đứng về phía bạn? Đó là nếu xác suất thị trường tăng trong những ngày tiếp theo thì mình giàu lên, tài khoản tăng, còn thị trường không tăng hoặc giảm mình cũng không sao cả. Đấy mới là thời gian đứng về phía bạn, là công thức đúng của đầu tư.
Làm sao để tránh bị “call margin”?
Bàn về những cổ phiếu bất động sản bị “call margin” trong thời gian gần đây, dưới vai trò là nhà quản lý quỹ hoặc CTCK thì việc chất lệnh bán sàn là điều bắt buộc để bảo vệ quyền lợi cho công ty của mình. Dù có thể hiểu rõ chất lệnh bán ồ ạt cũng chưa chắc có người mua, song cũng không thể rút lệnh vì các CTCK khác có thể chồng lệnh bán ra.
Đứng dưới vai trò nhà đầu tư, ông Tuấn Anh cho rằng thời gian tới, khi các cổ phiếu bất động sản này được “giải cứu” và được vớt hết giá sàn, nhiều người sẽ có tâm lý FOMO lao vào bắt đáy khi nghĩ cổ phiếu có thể bật tăng trở lại sau thời gian chiết khấu mạnh. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng trường hợp này “cửa thua” vẫn là 50/50, bởi hết chất sàn không có nghĩa là cổ phiếu có thể bật tăng trở lại.
Margin là con dao hai lưỡi, nếu bạn làm đúng nó sẽ giúp bạn đi nhanh hơn. Tuy nhiên nếu bạn làm sai thì có thể mất tất cả. Do đó, để tránh tình trạng bị “call margin”, ông Tuấn Anh đưa ra bốn cách phổ biến.
Thứ nhất , giữ tiền phòng ngừa trong tài khoản margin, tránh full margin để khi thị trường diễn biến xấu có thể đưa tiền vào để đảm bảo ngưỡng an toàn cho danh mục.
Thứ hai , đa dạng hoá danh mục, có nghĩa không bỏ trứng vào một giỏ. Theo đó, danh mục đầu tư đúng cần có mục tiêu rõ ràng, dòng tiền ổn định và ngưỡng rủi ro phù hợp.
Thứ ba , cắt lỗ đúng lúc. Trên thực tế, những cổ phiếu như PDR, NVL trước khi có chuỗi giảm sàn liên tiếp, mất thanh khoản đã có những tín hiệu kỹ thuật khá xấu. Đơn cử khi quan sát trên đồ thị có thể thấy những mã này đã có tín hiệu phá vỡ đáy, vỡ đường trendline trên đỉnh và vỡ kênh giảm. Khi có ba tín hiệu này, nhà đầu tư cần thực hiện nguyên tắc cắt lỗ để tránh trường hợp cổ phiếu mất thanh khoản không bán được.
Thứ tư , tránh giao dịch cổ phiếu có biên độ thấp bằng margin tại những sàn có tính thanh khoản thấp như HNX, UPCOM để tránh việc cổ phiếu “sập sàn” nhưng không thể bán ra.

Hạ Anh
Nhịp sống thị trường

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2022

Bí quyết tiêu tiền của tỷ phú Lý Gia Thành giúp người trẻ trở nên giàu có

Tỷ phú Lý Gia Thành có xuất thân trong một gia đình nghèo khó. Ông được mệnh danh là “Superman” ở Hồng Kông (Trung Quốc) nhờ sự thông minh và thành đạt của mình. Ở tuổi 91, ông đang sở hữu khối tài sản hơn 29,4 tỷ USD và là một trong số những người giàu nhất Hồng Kông.



Để trở nên thành công như vậy chắc hẳn vị tỷ phú này phải có bí quyết chi tiêu khoa học và đầu tư đúng cách. Mà theo chia sẻ của ông, 5 nguyên tắc chi tiêu sau đây sẽ giúp người trẻ trở nên giàu có hơn.



5 chiếc hộp chi tiêu mỗi tháng. Ảnh: VH.

Đặt giả sử, tiền lương của bạn khoảng 2.000 Nhân dân tệ, tương đương khoảng 7 triệu đồng/tháng. Hãy thử chia thành 5 phần như sau:



30% thu nhập, tức là 2,1 triệu đồng/tháng

Đây là khoản tiền để phục vụ cho những nhu cầu cá nhân. Do đó, mỗi ngày bạn chỉ nên tiêu khoảng 70.000 đồng. Bạn có thể chuẩn bị bữa sáng với trứng và sữa. Bữa trưa với phần cơm văn phòng và bữa tối hãy tự chuẩn bị ở nhà để đảm bảo dinh dưỡng với đầy đủ rau và trái cây và trước khi đi ngủ nên uống 1 cốc sữa.



Khoản thứ hai là 20% tức 1,4 triệu đồng

Đã bao giờ bạn nghĩ mình sẽ có một quỹ riêng để đầu tư cho việc quan hệ này hay chưa? Theo vị tỷ phú này thì hầu hết mọi người đều đặc biệt tiêu tiền cho những cuộc ăn chơi. Tuy nhiên, một tháng bao nhiêu là đủ thì không bao giờ kiểm soát. “Đã bao giờ bạn nghĩ sẽ mời người bạn giỏi hơn mình ăn tối để học hỏi hay chưa, tôi tin rằng có đến 80% mọi người đều chưa đầu tư vào các mối quan hệ chất lượng”, vị tỷ phú này chia sẻ. Khoản này dùng để mở rộng mối quan hệ, để phục vụ cho việc phát triển những mối quan hệ quan trọng. Trong đó, 350.000 đồng bạn có thể sử dụng là tiền nạp điện thoại. Và nên nhớ, người bạn chọn để chiêu đãi phải là người nhiều tiền hơn bạn, tư tưởng tiến bộ hơn bạn, giỏi hơn bạn, và sẽ cảm kích nếu bạn nhiệt tình khoản đãi họ. Duy trì việc này 2 lần 1 tháng thì 1 năm sau chắc chắn những người mà bạn giao thiệp sẽ đem lại cho bạn rất nhiều điều như danh vọng, sức ảnh hưởng, hình tượng “hàng xảng”.

Lấy cảm hứng từ câu nói, “quan hệ là tiền tệ”, ông Thành cho biết khi bạn có càng nhiều mối quan hệ chất lượng thì bạn cơ hội thành công của bạn càng nhanh chóng. Bạn có càng nhiều sự giúp đỡ thì bạn càng dễ dàng để thành công. Hãy dành thời gian và tiền bạc để xây dựng những mối quan hệ với những người xuất sắc và giỏi hơn bạn. Họ sẽ giúp đỡ bạn phát triển nhanh hơn, họ sẽ mở rộng những mối quan hệ cho bạn và sẽ giúp bạn xây dựng được nền tảng cho sự nghiệp của mình.



Khoản tiền thứ 3, chi tiêu cho học tập

Nếu bạn muốn trở nên giàu có và thành công thì nhất định bạn phải đọc sách. Hãy nghiêm túc đọc những cuốn sách mà mình đã bỏ tiền ra để mua, bởi tiền không phải là giấy. Mỗi khi đọc xong một cuốn sách nào, bạn cũng nên biến chúng thành ngôn ngữ của mình để truyền đạt và chia sẻ lại với những người khác nhằm đề cao uy tín và năng lực đánh giá của bản thân.Khoản tiền thứ ba, 15% tức 1,05 triệu đồng dùng cho mục đích học tập. Theo chia sẻ của vị tỷ phú này thì bạn nên dành từ 80.000 đồng-350.000 đồng để mua sách. Bởi theo ông, 90% người giàu nhất thế giới đều đọc sách mỗi ngày. Ví dụ như gia độc người Do Thái, dân tộc có nhiều thành công và hạnh phúc nhất thế giới thì trung bình mỗi người đọc trên 60 quyển sách mỗi năm. Ở Nhật, một đất nước bận rộn thì con số này là 10-20 cuốn mỗi năm. Còn ở Trung Quốc là 4,66 cuốn mỗi năm. Tuy nhiên ở Việt Nam, người Việt lại đọc chưa tới 1 cuốn sách một năm.

Số tiền còn lại, bạn nên dành để tham gia các khóa học bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng mềm. Qua những khóa học, bạn không những trau dồi thêm kiến thức mà còn có cơ hội gặp gỡ nhiều người, mở rộng mối quan hệ của mình.



Khoản tiền thứ tư, 10% thu nhập, tương đương 700.000 đồng.

Số tiền này hãy dùng nó cho mục đích du lịch. Theo ông Thành, chúng ta trưởng thành lên nhờ tiếp thu những kinh nghiệm từ quá trình trải nghiệm không ngừng. Do đó, bạn đừng quên tự thưởng cho mình ít nhất 1 chuyến du lịch mỗi năm để mở mang kiến thức và trưởng thành hơn. Kỉ niệm và kinh nghiệm sau mỗi chuyến đi sẽ giúp bạn có thêm năng lượng, lòng nhiệt thành để sống học tập và làm việc.



Và cuối cùng, khoản tiền thứ năm 25% thu nhập, tức 1,75 triệu đồng.

Mục đích của khoản tiền này là dùng để đầu tư. Ban đầu khi còn ít vốn, bạn có thể học cách kinh doanh một mặt hàng nào đó. Bên cạnh lợi nhuận thì điều mà việc này đem lại cho bạn là kinh nghiệm và sự khéo léo trong làm ăn. Khi số vốn trong tay đã dư giả, bạn có thể bắt đầu các kế hoạch đầu tư lâu dài. Theo chia sẻ của tỷ phú Lý Gia Thành, việc bỏ vốn ra để đầu tư, kinh doanh sẽ giúp bạn gầy dựng được một tương lai vững chắc. Bất luận sau này xảy ra biến cố gì thì với những khoản đầu tư ấy bạn vẫn có thể có được một cuộc sống chất lượng mà không phải lo toan quá nhiều.

Bạn nên thực hành cách chi tiêu này trong thời gian ít nhất 1 năm. Nếu năm thứ 2, thu nhập hàng tháng của bạn vẫn giữ nguyên hoặc bị sụt giảm thì bạn nên nhìn lại các kế hoạch chi tiêu và đầu tư của mình. Và ông cũng lưu ý rằng, đầu tư cũng đòi hỏi phải học hỏi và tìm hiểu kĩ lưỡng kẻo tiền mất tật mang.

Theo Nhịp cầu đầu tư