Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2020

Các thuật ngữ chứng khoán cần nhớ khi thị trường thất bát

Khi thị trường tài chính biến động mạnh, Wall Street sử dụng những thuật ngữ riêng để mô tả các yếu tố quan trọng tại thời điểm khó khăn và không chắc chắn đó. Dưới đây là một số thuật ngữ phổ biến nhất và ý nghĩa của chúng.
-Thị trường giá xuống (Bear Market): Khi chỉ số chứng khoán, trái phiếu hoặc giá hàng hóa giảm và liên tục lao dốc, nó được xem là đang ở trong thị trường giá xuống hay thị trường “con gấu”. Thông thường, mức giảm từ 20% trở lên của chỉ số chứng khoán được dùng làm tiêu chuẩn để xác định thị trường giá xuống.
Thuật ngữ này thường được sử dụng trái ngược với thị trường giá lên hay thị trường “con bò”, hàm ý chỉ sự tăng giá mạnh. Thị trường giá xuống dài nhất trong lịch sử Mỹ xảy ra trong giai đoạn Đại suy thoái, trong thời gian đó, chỉ số Dow Jones giảm liên tục trong bốn năm.
-Bong bóng (Bubble): Khi giá cả cổ phiếu, nhà ở hay các tài sản khác tăng lên đột ngột không thể giải thích được, đó được gọi là bong bóng. Chắc chắn, sau đó bong bóng sẽ nổ và giá sẽ lao dốc không phanh.
Bong bóng tài chính nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ gần đây chính là bong bóng bất động sản và là tác nhân chính trong cuộc khủng hoảng năm 2008.
-Hiệu chỉnh kỹ thuật (Correction): Hiệu chỉnh kỹ thuật xảy ra khi cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa hay chỉ số thị trường đảo chiều xu hướng ít nhất 10%, trước khi tiếp tục xu hướng tăng/giảm dài hạn trước đó.
Vào tháng 08/2015, hầu hết các chỉ số của thị trường Mỹ đảo chiều, trong đó có S&P 500, chỉ số này đã lao dốc từ mức 2,100 xuống 1,870 trong chưa đầy 2 tuần trước khi tiếp tục xu hướng tăng dài hạn.
-Cú nảy mèo chết (Dead cat bounce): Có lẽ đây là thuật ngữ hay nhất trong kho từ vựng của Wall Street. Cú nảy mèo chết liên quan đến cú bật tăng tạm thời của giá cổ phiếu sau một đợt sụt giảm mạnh.
Cụm từ này bắt nguồn từ “khái niệm hài hước rằng ngay cả một con mèo đã chết cũng sẽ nảy nhẹ nếu rơi từ độ cao đủ lớn”, theo Merriam-Webster.



Nguồn: Flickr

-Phòng ngừa rủi ro (Hedge): Trong đầu tư, phòng ngừa rủi ro đề cập đến hành động thực hiện các khoản đầu tư có xu hướng bù đắp tổn thất có thể xảy ra, hay nói cách khác là để giảm thiểu rủi ro.
Ví dụ, nếu một cổ đông của công ty X lo ngại rằng giá cổ phiếu có thể giảm, anh ấy sẽ phòng ngừa rủi ro bằng cách mua vào quyền chọn bán. Quyền chọn này cho phép nhà đầu tư bán một số lượng cổ phiếu của công ty ở mức giá cụ thể tại một thời điểm đã được xác định trước. Hợp đồng quyền chọn giúp nhà đầu tư hạn chế tổi thiểu khoản lỗ nếu giá cổ phiếu của công ty X lao dốc.
-Giá trần/giá sàn (Limit Up/Limit Down): Năm 2012, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (Securities & Exchange Commission - SEC) đã phê duyệt những thay đổi trong quy định để giải quyết biến động bất thường của thị trường.
Cụ thể, giá trần/giá sàn (thường được viết tắt là LULD), đảm bảo rằng cổ phiếu không giao dịch ra ngoài khoảng giá đã cho trước bằng cách thiết lập mức giá cao nhất và thấp nhất cho phép. Các tham số này được xác định bằng cách cộng trừ một tỷ lệ phần trăm nhất định vào giá tham chiếu.
Giá tham chiếu thường là trung bình giá của các giao dịch diễn ra trong vòng 5 phút cuối phiên.
-Thanh khoản (Liquidity): Thị trường được coi là có thanh khoản khi những người tham gia có thể mua bán cổ phiếu một cách nhanh chóng mà không ảnh hưởng đánh kể đến giá của chứng khoán đó.
Thanh khoản giảm xuất hiện khi giao dịch trở nên khó khăn hơn do sự mất cân đối về số lượng người mua và bán hay do biến động giá cả. Một cổ phiếu không thể mua hay bán mà không có sự thay đổi lớn về giá được xem là không thanh khoản.
-Lệnh gọi ký quỹ (Margin call): Một số nhà đầu tư có thể sử dụng tài khoản ký quỹ, tài khoản này cho phép các nhà đầu tư vay tiền từ một công ty môi giới để mua chứng khoán. Các khoản vay của nhà đầu tư được thế chấp bằng chứng khoán của họ đã mua hay bằng tiến mặt.
Nhưng nếu giá của chứng khoán giảm hơn một mức nhất định, điều này có thể xảy ra ở thị trường giá xuống hay trong quá trình hiệu chỉnh kỹ thuật, các công ty môi giới có thể thực hiện lệnh gọi ký quỹ yêu cầu khách hàng gửi thêm tiềm mặt hay lấy thêm chứng khoán làm tài sản thế chấp cho khoản vay của họ.
Nếu bạn không đáp ứng các yêu cầu, công ty có thể bán các cổ phiếu hay những loại chứng khoán khác trong tài khoản của bạn mà không cần thông báo trước.

Công cụ ngắt mạch thị trường (Marketwide circuit breaker): Khi thị trường chứng khoán lao dốc đột ngột, công cụ ngắt mạch sẽ được kích hoạt.
Nếu S&P 500 giảm 7% (mức 1) hoặc 13% (mức 2) trước 3:25 chiều so với giá đóng cửa ngày hôm trước, giao dịch sẽ ngừng hoạt động trên tất cả các sàn giao dịch chứng khoán và tương lai.
Một sự sụt giảm cùng mức độ như trên sau 3:25 chiều sẽ không kích hoạt tạm dừng giao dịch.
Nếu S&P 500 giảm từ mức 20% trở lên so với giá đóng cửa hôm trước, giao dịch sẽ ngừng hoạt động trong toàn bộ thời gian còn lại của ngày.
-Quá mua/Quá bán (Overbought/oversold): Khi giá của một cổ phiếu tăng vọt, một người nào đó tin rằng có thể có sự điều chỉnh, có thể lập luận rằng cổ phiếu đó đã đi vào vùng "quá mua".
Khi một cổ phiếu hoặc nhiều cổ phiếu trong một thị trường sụt giảm mạnh và đột ngột, một số người có thể suy đoán rằng cổ phiếu hoặc thị trường có thể phục hồi. Khi đưa ra một dự đoán như vậy, người ta sẽ nói rằng cổ phiếu hoặc thị trường đang trong trạng thái "quá bán".

-Bán hoảng loạn (Panic selling): Khi các nhà đầu tư đột nhiên kết luận rằng thị trường sẽ bị giảm giá nhanh chóng, họ có thể rơi vào trạng thái bán hoảng loạn. Họ chấp nhận bán giảm giá mạnh với một lượng lớn cổ phiếu mà không cần phải phân tích xem liệu hành động này có hợp lý hay không.
Khi các nhà đầu tư bắt đầu bán hoảng loạn, một kịch bản quen thuộc sẽ diễn ra trên thị trường: đám đông cùng bán cổ phiếu sẽ dẫn đến giá sụt giảm rất sâu.
Bán hoảng loạn thường mở đầu cho những đợt sụp đổ lớn của thị trường, đáng chú ý là cuộc Đại suy thoái năm 1929 và ngày Thứ Hai đen tối năm 1987.
-Ưa thích rủi ro/Phòng ngừa rủi ro (Risk-on/risk-off): Trong đầu tư, một số tài sản, chẳng hạn như cổ phiếu, được coi là mang nhiều rủi ro hơn các loại tài sản khác, chẳng hạn như vàng. Trong thời kỳ thị trường hỗn loạn, một số nhà đầu tư có thể áp dụng chiến lược "phòng ngừa rủi ro", nghĩa là họ bán tài sản nhiều rủi ro của mình để mua những tài sản ít rủi ro hơn.
Theo chiến lược "ưa thích rủi ro", điều ngược lại là đúng: các nhà đầu tư mua tài sản rủi ro hơn trong khi bán những tài sản ít rủi ro. Ví dụ, khi các nhà đầu tư cảm thấy thị trường mạnh và đang trong xu hướng tăng, triển vọng thị trường khi đó là tích cực và có thể tạo ra một môi trường ưa thích rủi ro.
Ngược lại, khi các yếu tố cho thấy thị trường đang suy thoái và triển vọng tiêu cực có thể mang lại một môi trường phòng ngừa và e ngại rủi ro.
-Tài sản trú ẩn an toàn (Safe haven): Thuật ngữ tài sản trú ẩn an toàn có thể khiến các nhà ngữ pháp rối trí, bởi vì thiên đường vốn là một nơi an toàn. Vì vậy, khái niệm "tài sản trú ẩn an toàn" là dư thừa. Tuy nhiên, điều đó không thể ngăn cản các môi giới và nhà đầu tư sử dụng thuật ngữ này, đặc biệt là khi thị trường lao dốc.
Khoản đầu tư được mô tả là tài sản trú ẩn an toàn khi nó không khiến nhà đầu tư mất tiền trong quá trình thị trường lao dốc. Nói cách khác, đây là những tài sản cần được nhắm đến khi theo đuổi chiến lược "phòng ngừa rủi ro".
Các loại chứng khoán và khoản đầu tư khác được coi là tài sản trú ẩn an toàn có thể thay đổi theo thời gian, ví dụ như Trái phiếu Chính phủ Mỹ, đồng Yên Nhật và vàng.
Đôi khi các chuyên gia không đồng ý về việc liệu một khoản đầu tư nhất định có nên được coi là tài sản trú ẩn an toàn hay không.
Cuối cùng, điều quan trọng đối với các nhà đầu tư cần nhớ rằng không có khoản đầu tư nào được đảm bảo là an toàn tuyệt đối.
-Bán tống bán tháo (Sell-off): Một đợt bán tháo xảy ra khi giá cổ phiếu, trái phiếu hoặc chứng khoán khác giảm mạnh; những người tham gia thị trường cùng nhau bán số lượng lớn những chứng khoán với giá thấp để ngăn chặn tổn thất từ ​​việc giảm giá trong tương lai.
-Biến động (Volatility): Khi một cổ phiếu, hàng hóa hoặc chỉ số dao động mạnh trong một khoảng thời gian ngắn; trạng thái này được giới chuyên môn gọi là biến động (volatility).
-Chỉ số VIX (CBOE Volatility Index) của Sàn giao dịch hàng hóa Chicago đo lường mức độ biến động dự kiến ​​của thị trường chứng khoán Mỹ bằng cách đo lường kỳ vọng của các nhà đầu tư về trạng thái của thị trường chung.

Phòng Tư vấn Vietstock (Theo The Motley Fool)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét