Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2019

Các yếu tố ảnh hưởng đến giá dầu thế giới

Dầu thô là nguồn nguyên liệu quan trọng hàng đầu thế giới. Sự tăng giảm của giá dầu luôn tác động mạnh đến các nền kinh tế thế giới. Đặc biệt là đối với các nước tiêu thụ nhiều dầu như Mỹ, Nhật và các nước có nền kinh tế phụ thuộc vào doanh thu bán dầu như Canada, Nga, Iran, Venezuela, Ả-rập-xê-út.. Vậy điều gì, các yếu tố nào ảnh hưởng đến giá dầu thế giới?
Nguồn cung từ các nước sản xuất dầu có ảnh hưởng trực tiếp đến giá dầu
Cũng giống như các hàng hóa khác, giá dầu chịu ảnh hưởng bởi quy luật cung cầu.
Các nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới trong năm 2019 bao gồm:

1. Mỹ (12.000.000 thùng/ngày).

2. Nga (11.200.000 thùng/ngày).

3. Ả rập Xê út (11.113.710 thùng/ngày).

4. Iraq (4,451,516 thùng/ngày).

5. Iran (3.990.956 thùng/ngày).

6. Trung Quốc (3.980.650 thùng/ngày).

7. Canada (3.662.694 thùng/ngày).

8. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (3.1106.077 thùng/ngày).

9. Kuwait (2.923.825 thùng/ngày).

10. Brazil (2.515.459 thùng/ngày).

Trong số 10 quốc gia trên, mặc dù là những nước có sản lượng sản xuất dầu hàng đầu thế giới, nhưng Mỹ và Trung Quốc cũng là những nước có lượng tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Vì vậy sản lượng của họ chủ yếu sử dụng cho nhu cầu trong nước chứ không xuất khẩu hoặc xuất rất ít. Chính vì vậy mà khi giá dầu tăng thường có ảnh hưởng không tốt cho kinh tế Mỹ và cả Trung Quốc.
Mỹ trước đây là một nước phải nhập khẩu dầu với khối lượng lớn. Mỗi khi giá dầu tăng mạnh khiến kinh tế Mỹ lao đao. Nhưng với sự phát triển của công nghệ khai thác dầu đá phiến, từ năm 2016 trở lại đây, Mỹ đã lần lượt vượt qua các nước sản xuất đầu lớn nhất là Nga và Ả rập Xê út để trở thành số 1 thế giới về sản lượng khai thác dầu.

Vậy nguồn cung dầu trên thế giới bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nào?
1/Các quyết định của OPEC có ảnh hưởng mạnh đến giá dầu thế giới
OPEC là tổ chức các nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới. Các thành viên của OPEC hiện nay bao gồm: Iran, Irag, Ả rập xê ut, Kuwait, UAE, Algierie, Lybia, Nigieria, Angola, Venezuela. Các cựu thành viên: Qatar, Indonexia và Equador. Các thành viên đang dự định tham gia: Canada, Bolivia, Sudan và Syria. Hai nước khác là Nga và Nauy tham gia với tư cách là quan sát viên.
Mục đích của OPEC là đảm bảo thu nhập ổn định cho các quốc gia thành viên và đảm bảo nguồn cung dầu mỏ cho các khách hàng.
Tùy theo tình hình giá dầu thế giới, đôi khi cả yếu tố chính trị, OPEC sẽ đưa ra các quyết định liên quan đến sản lượng khai thác nhằm tăng giảm nguồn cung, từ đó tác động trực tiếp đến giá dầu thế giới. Đôi khi đó còn là cuộc chơi giữa các thế lực. Chẳng hạn như năm 2014, khi công nghệ khai thác dầu đá phiến của Mỹ bắt đầu phát triển thì OPEC đã có các quyết định làm giảm giá dầu để bóp chết các công ty khai thác dầu đá phiến của Mỹ, do công nghiệp khai thác dầu đá phiến đòi hỏi chi phí cao hơn.
Chính vì tầm quan trọng của OPEC đối với giá dầu thế giới mà các nhà đầu tư dầu luôn theo dõi sát sao các quyết định của OPEC.
Bên cạnh đó cũng phải để ý tới các quyết định của các nước sản xuất nhiều dầu mỏ khác nhưng không thuộc OPEC như Nga, Canada, Nauy..
2/Công nghệ và chi phí khai thác dầu đá phiến ảnh hưởng đến giá dầu như thế nào?
Đá phiến dầu là một loại đá trầm tích hạt mịn giàu chất hữu cơ và chứa một lượng lớn kerogen có thể chiết tách các loại hydrocacbon lỏng. Hàm lượng kerogen cũng khác so với dầu thô. Kerogen đòi hỏi cần phải xử lý nhiều hơn để có thể sử dụng được so với dầu thô, các quá trình xử lý tốn nhiều chi phí so với sử dụng dầu thô cả về mặt tài chính và tác động môi trường.
Hiện nay, Mỹ, Trung Quốc, Estonia, Brazil, Đức, Israel và Nga là những nước đang sử dụng công nghệ khai thác dầu đá phiến. Trong đó Mỹ là nước sản xuất nhiều dầu đá phiến nhất với công nghệ ngày càng cao, chi phí ngày càng giảm. Năng lực sản xuất dầu đá phiến của Mỹ đã khiến nước này thay đổi cuộc chơi về giá dầu thế giới. Chính vì vậy mà tình hình công nghệ và chi phí khai thác dầu đá phiến trong tương lai sẽ ảnh hưởng mạnh đến giá dầu thế giới.
3/Tình hình thiên tai, chiến tranh và thời tiết tác động đến nguồn cung dầu
Một cuộc chiến tranh ở Trung Đông sẽ có nguy cơ làm giảm nguồn cung dầu. Khi chiến tranh, các nhà máy khai thác và chế biến dầu có thể bị phá hủy hoặc gián đoạn hoạt động, năng lực vận chuyển dầu cũng sẽ bị hạn chế. Ví dụ như vụ tấn công nhà máy dầu lớn nhất Ả rập xê út tháng 9 năm 2019 của nhóm phiến quân Houthi bằng máy bay không người lái đã làm giá dầu tăng vọt. Nhưng khi Ả rập xê ut tuyên bố, họ sẽ nhanh chóng khôi phục lại nhà máy và tăng sản lượng lại như cũ, đồng thời xuất kho dầu dự trữ thì giá dầu bắt đầu giảm mạnh.
Tương tự, một cơn bão lớn hoặc động đất sóng thần có thể phá hủy các nhà máy lọc dầu khiến giảm nguồn cung.
4/Ảnh hưởng của triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới tới giá dầu
Khi kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh thì nhu cầu về dầu thô tăng làm giá dầu tăng. Ngược lại nếu các dự báo đưa ra cho thấy triển vọng kinh tế thế giới trong giai đoạn tới không tốt thì các nhà đầu tư cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ giảm. Điều này sẽ phản ánh vào giá dầu theo quan hệ cung cầu.
Biểu đồ dưới đây cho thấy, khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra vào năm 2008 thì ngay lập tức tác động mạnh đến giá dầu thô. Giá dầu rơi từ đỉnh 147$/thùng tháng 7/2008 xuống còn 33$/thùng vào 1/2009.
5/Sự phát triển của các nguồn năng lượng mới thay thế
Trong bối cảnh nguồn tài nguyên dầu mỏ, khí thiên nhiên, than đá ngày một cạn kiệt, các nguồn năng lượng mới như: quang năng, phong năng, thủy năng, năng lượng sinh học đang là giải pháp xanh mà con người hướng đến.
Các nước đi đầu trong ngành nhiên liệu sinh học như Mỹ, Brazil, EU, Canada đã có những bước tiến vượt bậc trong việc sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học thay thế cho nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ, than đá. Cụ thể, Mỹ dự kiến đến năm 2022, nhiên liệu tái tạo phục vụ giao thông ở Mỹ mỗi năm phải đạt tới 36 tỷ Gallon (1gallon = 3,785 lít). Liên minh Châu Âu (EU) thực hiện mục tiêu thay thế 10% nhiên liệu dùng trong vận tải bằng các nhiên liệu tái tạo. Canada yêu cầu trong xăng phải có 5% các nhiên liệu có thể tái tạo. Tại Brazil có tới 90% các ô tô mới được đã được lắp thiết bị sử dụng xăng ethanol và hướng tới cung cáp 64 tỷ lít nhiên liệu xanh vào năm 2019.
Tại Đông Nam Á, thị trường nhiên liệu sinh học dành cho ôtô năm 2011 đã tăng lên hơn 1,78 tỷ USD -theo Oil price (25/9/2012). Hiện nay, tỷ lệ nhiên liệu sinh học chiếm khoảng 1,8% tổng thị trường nhiên liệu dành cho ôtô và dự kiến sẽ tăng lên 3,3% vào năm 2017, với giá trị thị trường khoảng 4,3 tỷ USD.
Sự phát triển của các nguồn năng lượng thay thế sẽ góp phần làm giảm áp lực về giá của các loại nhiên liệu hóa thạch đang có xu hướng tăng cao như hiện nay.
6/Ảnh hưởng của đồng đô la Mỹ tới giá dầu mỏ

Với vị thế siêu cường kinh tế của Mỹ, đồng USD là một đồng tiền mạnh và đóng vai trò là tiền tệ thanh toán của thế giới. Giá dầu thô cũng được trao đổi và biểu thị bằng USD. Do vậy giữa giá dầu và giá trị của đồng đô la Mỹ có mối tương quan nghịch. Khi đồng đô la mất giá thì mặc nhiên dầu tăng giá tính theo USD và ngược lại.
Tuy nhiên đó chỉ là ảnh hưởng riêng lẻ và bề ngoài của đô la Mỹ lên giá dầu. Trong nhiều trường hợp, các yếu tố luôn có các tác động chéo qua lại với nhau. Vì vậy đòi hỏi các nhà đầu tư phải phân tích sâu hơn để nắm rõ bản chất vấn đề. Chẳng hạn nếu đồng USD suy yếu do nền kinh tế Mỹ bị suy giảm sẽ tác động xấu lên kinh tế thế giới. Khi triển vọng kinh tế toàn cầu không tốt sẽ tác động ngược trở lại làm giá dầu giảm.
7/Ảnh hưởng của hoạt động đầu cơ tích trữ dầu

Ngày nay hoạt động đầu cơ đã phát triển đến một mức độ rất cao. (Xem: Đầu cơ là gì?). Bất kể hàng hóa nào được giao dịch thả nổi trên thị trường thì đều có khả năng bị đầu cơ. Hoạt động đầu cơ khiến cho giá cả tăng cao bất thường mà không phản ánh nhu cầu và giá trị thực của hàng hóa tại thời điểm đó.
Điển hình là hoạt động đầu cơ vào giai đoạn trước năm 2008 khiến giá dầu tăng lên đến đỉnh điểm vào tháng 7/2008. Chỉ sau khi khủng hoảng kinh tế nổ ra vào năm 2008 thì người ta mới nhận ra nhu cầu về dầu sẽ không cao đến như vậy. Ngay lập tức giá dầu đã rớt xuống mức 33$/thùng vào tháng 1/2009.
Tác giả: Phạm Khương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét