Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 7 tháng 2, 2019

Quay về thời tăng vốn

Thứ Hai, 26/3/2018, 12:08
Ngày 19-3-2018 lãi suất tiền đồng qua đêm trên thị trường liên ngân hàng tụt xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm, còn 0,94%/năm nhưng doanh số giao dịch cũng rất thấp, chỉ có 12.700 tỉ đồng theo Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục giảm, kỳ hạn năm năm còn 3,28%/năm. Thậm chí trái phiếu kỳ hạn 15 năm cũng chỉ dao động quanh 4,55%/năm. Một số ngân hàng đã không còn mặn mà đầu tư trái phiếu khi lãi suất thấp như vậy. Thay vào đó họ bắt đầu giảm lãi suất tiết kiệm để hạ giá vốn đầu vào.
Ngân hàng Nhà nước đã rất nỗ lực tạo thanh khoản và nguồn vốn rẻ cho các ngân hàng để các tổ chức tín dụng có thể giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại hiện nay tỉnh táo hơn trước nhiều. Theo một số ngân hàng, tín dụng tăng trưởng khá thấp so với cùng kỳ trong hai tháng qua. Họ không muốn chạy theo số lượng, mà siết chất lượng.
Đại diện một ngân hàng cho biết không ai nói ra, nhưng tất cả đều đang dè chừng chỉ số CPI của quí 1-2018. Ông phân tích “cứ nhìn sự đi lên của giá dầu thô quốc tế là đoán biết được phần nào CPI”. Từ đầu năm đến nay, giá dầu thô thế giới không thể giảm về dưới 60 đô la Mỹ/thùng. Việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu có hạn, hơn nữa Bộ Tài chính vẫn đang kiên trì với đề xuất tăng phí môi trường cho xăng dầu bán lẻ.
Thay bằng đẩy tín dụng, các ngân hàng tập trung vào tìm kiếm nguồn thu khác từ dịch vụ và tháo gỡ nợ xấu, tái cơ cấu nguồn vốn. Giới đầu tư bắt đầu chùn tay khi giải ngân vào cổ phiếu ngân hàng do kế hoạch tăng vốn quá mạnh của hầu hết các tổ chức tín dụng. Ngân hàng ít thì tăng vốn thêm 20-30% so với mức hiện tại, ngân hàng nhiều thì 60-70% đến cả 100% từ chia cổ tức bằng cổ phiếu, chia thưởng, phát hành riêng lẻ cho nước ngoài, bán cổ phiếu quỹ... Cổ đông “ngập” trong cổ phiếu phát hành thêm là ngôn từ được sử dụng phổ biến để khái quát hóa về đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay của hệ thống ngân hàng.
Nhà đầu tư có lý do để lo lắng. Sự tăng vốn quá nhanh và quá mạnh dẫn đến pha loãng giá trị cổ phiếu ngân hàng và hậu quả là các đợt suy giảm thị giá cổ phiếu vốn đã từng diễn ra trong giai đoạn 2007-2008 ngay sau khi VN-Index đạt đỉnh 1.170 điểm. Nay đỉnh cũ đang quá gần. Chủ tịch hội đồng quản trị một ngân hàng nói thẳng “phải tận dụng cơ hội chứng khoán tăng trưởng để phát hành thêm”. Có vẻ như giới kinh doanh tiền tệ cho rằng sự đi lên của chứng khoán sẽ không thể kéo dài.
Tăng vốn để tăng năng lực tài chính, đảm bảo các chỉ số an toàn theo quy định và còn chuẩn bị thực hiện các chuẩn của Basel II là điều các ngân hàng cần thực hiện. Nhưng lộ trình tăng, phương thức tăng phải phù hợp. Tận dụng cơ hội thị giá cổ phiếu ngân hàng cao là hợp lý, nhưng ngay cả sự hợp lý cũng phải có mức độ. Ít nhất lãnh đạo của hai ngân hàng lớn là Vietcombank và BIDV đã lên tiếng “cổ phiếu ngân hàng dường như đang vượt quá giá trị thực tại và phản ánh cả giá trị tiềm năng trong 4-5 năm tới”. Tốc độ tăng giá cổ phiếu gây áp lực lên ban điều hành và quan trọng hơn nó đang vượt tốc độ gia tăng lợi nhuận thực của ngân hàng.
Sáu tháng qua (từ tháng 10-2017) đến nay cổ phiếu Vietcombank tăng từ 37.000-38.000 đồng lên 74.000 đồng (giá đóng cửa ngày 20-3-2018), tức tăng 95%. Cùng thời gian trên cổ phiếu BIDV leo dốc một mạch từ 20.000 đồng lên 42.500 đồng, tăng 112,5%. Một phó tổng giám đốc của BIDV nhận xét tốc độ tăng của cổ phiếu BID là “không tưởng” vì theo ông, lợi nhuận ròng của ngân hàng giai đoạn 2018-2019 lạc quan lắm cũng chỉ có thể đạt 25-30%/năm.
Trong khi đó, chứng khoán đã không cho thấy sự tăng trưởng của các cổ phiếu doanh nghiệp sản xuất. Cổ phiếu những ông lớn sản xuất hàng tiêu dùng như VNM, Sabeco, Đường Quảng Ngãi, hay phân phối như MWG, FPT, dược phẩm, phân bón, nông nghiệp... từ đầu năm đến nay đều giảm. EPS của những doanh nghiệp như SAB, VNM, MWG đều đạt gần 8.000 đồng/cổ phiếu, gấp 4 lần EPS của VCB hay BID.
Trên sàn UpCom, cổ phiếu của các tổng công ty như Tổng công ty Dược (DVN), Tổng công ty Lâm nghiệp (VIF), Tổng công ty Dệt - May (VGT), Tổng công ty Thép (TVN)... thị giá chỉ từ mười mấy đến tầm hai mươi ngàn đồng. Khó có thể tin tưởng sự khởi sắc của chứng khoán sẽ bền vững nếu các doanh nghiệp sản xuất không nhận được dòng tiền đầu tư và giúp các doanh nghiệp này huy động vốn, giảm vay ngân hàng.
Sự bất hợp lý không thể tồn tại mãi và sự luân chuyển của dòng tiền cuối cùng cũng sẽ đậu lại ở những cổ phiếu mà người sở hữu chúng có thể yên tâm nắm giữ trong nhiều năm. Tâm lý “đánh nhanh thắng nhanh” và có phần chụp giật thời gian qua không phải không ngự trị đây đó trên thị trường chứng khoán. Khác với nhiều năm trước, thời của những “đội lái” giữa ban ngày ban mặt, chứng khoán giờ đây xuất hiện không ít những chiêu “thổi giá” mà ngay cả những quan chức kinh nghiệm của cơ quan quản lý cũng như giới quan sát phải “ngả mũ” vì sự “chuyên nghiệp” của chúng. Chỉ là “cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra” và thời điểm nào mà thôi.

Hải Lý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét