Phản đối Mỹ can thiệp vào Venezuela
Nga và Trung Quốc đang phản đối việc Mỹ công nhận lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido là tổng thống hợp pháp của Venezuela đồng thời cảnh báo Mỹ không được làm nghiêm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị ở đất nước Mỹ La tin này, nơi mà Nga và Trung Quốc đã rót nhiều tỉ đô la đầu tư.
Hôm 24-1, điện Kremlin cho biết trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Venezuela Nicolas Maduro, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ sự ủng hộ dành cho ông Maduro. Ông Putin nói ông mong muốn các phe phái chính trị ở Venezuela đối thoại hòa bình để giải quyết khủng hoảng.
Ông nhấn mạnh: “Sự can thiệp phá hoại từ bên ngoài là một sự vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực cơ bản của luật pháp quốc tế”.
Phát biểu với những người ủng hộ ở thủ đô Caracas hôm 23-1, Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido, một lãnh đạo của phe đối lập, tuyên bố ông là Tổng thống lâm thời Venezuela. Ngay sau đó, Mỹ và vài nước Mỹ Latin lên tiếng ủng hộ ông Guaido.
Bộ Ngoại giao Nga nói rằng sự ghi nhận của Washington dành cho ông Guaido là nhằm gây bất ổn ở Venezuela, có thể dẫn đến hỗn loạn và đổ máu. Moscow kêu gọi phe đối lập tránh trở thành “quân tốt đen trong ván cờ của người khác”.
Bộ Ngoại giao Nga khẳng định: “Chỉ có người dân Venezuela mới có quyền quyết định tương lai của họ”.
Trung Quốc, một nhà đầu tư lớn khác ở Venezuela, cũng bày tỏ lo ngại trước tình hình ở Venezuela và phản đối bất kỳ sự can thiệp quân sự nào từ bên ngoài.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng Bắc Kinh hy vọng Mỹ và Venezuela “sẽ quản lý mối quan hệ của họ dựa trên sự đối xử công bằng, tôn trọng lẫn nhau và không can thiệp vào việc nội bộ của nước khác”.
Hàng chục tỉ đô la đầu tư và nợ vay gặp nguy
Bất ổn chính trị của Venezuela có thể gây rủi ro cho hơn 25 tỉ đô la đầu tư và hàng chục tỉ đô la khoản cho vay khác của Trung Quốc và Nga tại Venezuela.
Margaret Myers, Giám đốc chương trình châu Á và Mỹ Larin ở tổ chức Đối thoại liên Mỹ có trụ sở ở Washington, cho rằng, Trung Quốc sốt sắng trước tình hình bất ổn ở Venezuela vì nước này đã rót nhiều tỉ đô la đầu tư để nắm giữ các tài sản ở nước này.
“Trong ba thập kỷ qua, Vezezuela là một nhân tố trong tính toán an ninh năng lượng của Trung Quốc. Đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục nhìn thấy lợi ích của chính phủ Trung Quốc trong việc duy trì quan hệ với nước này”, Myers nói.
Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Venezuela. Bắc Kinh đã cung cấp các khoản vay liên quan đến năng lượng trị giá 55 tỉ đô la cho Venezuela, theo tính toán của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington. Truyền thông Trung Quốc cho biết tính đến tháng 9 năm ngoái, khoảng 20 tỉ đô la trong số này là nợ quá hạn.
Do không thấy kiếm được nguồn ngoại tệ để trả các khoản nợ này, Caracas buộc phải sử dụng những thùng dầu giá rẻ để cấn nợ nhưng cũng phải chật vật nỗ lực khi giá dầu sụp đổ vào năm 2014.
Phần lớn các khoản vay này do Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cung cấp. Giờ đây, ngân hàng này đang bị chỉ trích ở Trung Quốc vì cho Venezuela vay quá nhiều. Trong khi đó, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đã tìm cách tiếp xúc với phe đối lập ở nước này với hy vọng duy trì quyền lợi của một chủ nợ.
Venezuela cũng là đồng minh quan trọng của Nga, nước đã cung cấp nhiều triệu đô la để củng cố quyền lực của ông Maduro. Trong chuyến thăm Moscow hồi tháng 12 năm ngoái, ông Maduro được ông Putin cam kết hỗ trợ hết sức.
Trong những năm gần đây, Nga và Venezuela ký kết hợp tác nhiều dự án đầu tư và thương mại, chủ yếu liên quan đến phát triển các mỏ dầu khí. Venezuela cũng đang nợ chính phủ Nga hơn 3 tỉ đô la. Khoản nợ này đã được tái cấu trúc vào tháng 11-2017, cho phép chính phủ Maduro có nhiều thời gian hơn để trả nợ. Ngoài ra, Venezuela còn nợ Tập đoàn Dầu khí Rosneft của Nga khoảng 3 tỉ đô la.
Tập đoàn Dầu khí Rosneft và Tập đoàn Dầu khí nhà nước Venezuela (PDVSA) đang hợp tác phát triển 5 dự án dầu mỏ với tổng sản lượng 9 triệu tấn/năm, tương đương 7% tổng sản lượng dầu của Venezuela mỗi năm. Trong 3 quí đầu năm 2018, giá trị kim ngạch thương mại hai chiều giữa Nga và Venezuela đạt 79,4 triệu đô la, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017. Tổng đầu tư của Nga ở Venezuela đã lên đến hơn 4,1 tỉ đô la.
Vẫn chưa rõ liệu Moscow có quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Caracas hay không nếu ông Maduro bị lật đổ và ông Guaido lên nắm quyền. Tuy nhiên, hôm 24-1, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh Nga mong muốn duy trì và cải thiện mối quan hệ hữu hảo với Venezuela.
Tái cấu trúc nợ nếu chính phủ mới lên nắm quyền?
Paul Greer, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư nợ ở các thị trường mới nổi của Công ty Fidelity International, nói: “Câu chuyện rất rõ ràng là sự phản đối trong nước đối với Tổng thống Maduro chưa bao giờ cao hơn như lúc này. Vấn đề bây giờ là chính quyền ông Maduro có thể tồn tại bao lâu và liệu sự ủng hộ của quân đội dành cho ông ấy có được duy trì hay không”.
Trước đây, ông Guaido từng cảnh báo các công ty và chính phủ nước ngoài rằng các khoản đầu tư lớn của họ ở Venezuela cần được phe đối lập phê duyệt. Những thỏa thuận đầu tư được ký kết với chính phủ ông Maduro sẽ không có hiệu lực thi hành về mặt pháp lý.
“Một cú vỡ nợ tức thì của Venezuela rất ít có khả năng xảy ra nhưng điều này không có nghĩa là một hình thức tái cấu trúc nợ nào đó sẽ không được xét đến”, Likka Korhonen, Giám đốc Viện Các nền kinh tế chuyển tiếp thuộc Ngân hàng Trung ương Phần Lan, nhận định.
Ông Korhonen nói thêm: “Thậm chí nếu tái cấu trúc nợ không diễn ra, bất kỳ chính phủ mới nào ở Venezuela cũng sẽ muốn thẩm định lại những thương vụ được ký kết bởi chính phủ tiền nhiệm. Tôi cho rằng đây là kết cục có nhiều khả năng xảy ra nhất nếu có sự thay đổi chính phủ. Công việc thẩm định sẽ được tiến hành cho cả các khoản đầu tư của Nga lẫn Trung Quốc. Chuyện này rất rối rắm nhưng đây là những gì Malaysia đã làm với các thương vụ đầu tư của Trung Quốc sau khi có sự thay đổi chính phủ”.
Dù về mặt pháp lý, rất khó để các nước bội ước những thỏa thuận của chính quyền tiền nhiệm, số phận những khoản vay nợ nước ngoài của Venezuela có khả năng phụ thuộc vào vị quan chức mới được giao quyền kiểm soát ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela.
Trong những tháng gần đây, các quan chức Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã tiến hành nhiều cuộc thảo luận với các chủ nợ của Venezuela về các phương án tốt nhất để ủng hộ và làm việc với một chính phủ mới trong trường hợp ông Maduro bị lật đổ.
Uday Patnaik, Giám đốc bộ phận nợ ở các thị trường mới nổi của Công ty Legal & General Investment Management, cho rằng nếu có sự thay đổi chính phủ xảy ra ở Venezuela, ông tin chính phủ mới sẽ đàm phán tái cấu trúc nợ với các chủ nợ.
Chánh Tài
Theo WSJ, Financial Times
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét