Tìm kiếm Blog này

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2018

Những thói quen "nhỏ nhưng có võ" của người thành công

Thành công không hề đến từ may mắn, mà đến từ những gì được suy nghĩ và hành xử mỗi ngày.
Những thói quen nhỏ được rèn luyện qua từng ngày sẽ hun đúc thành phẩm chất đáng quý. Dưới đây là các yếu tố được đúc kết tạo nên sự thành công trong công việc cũng như trong cuộc sống:
1. Cần có niềm tin và tâm trong sáng
Người thành công thường là những người có niềm tin mạnh mẽ.
Tất cả chúng ta về cơ bản đều có cùng một công suất não bộ hoặc cùng một cấu tạo hệ thần kinh. Vậy tại sao một số trong chúng ta lại thành công trong khi số còn lại chỉ ở lại một mức nào đó? Bởi vì những người siêu thành công biết cách tận dụng sức mạnh phi thường trong não bộ và họ có niềm tin mãnh liệt rằng họ có thể làm được những điều phi thường. Niềm tin này cùng với quyết tâm cao độ, giúp họ đạt được những thành tích đỉnh cao mà bạn chưa bao giờ dám mơ tới.
Steve Jobs, người đã sáng tạo thành công các sản phẩm với thương hiệu Apple nổi tiếng đã nói trong bài phát biểu tại lễ tốt nghiệp của Đại học Stanford (Mỹ) vào năm 2005 như sau: "Các bạn cũng cần phải tin vào một số thứ khác như: sự quyết tâm, vận mệnh, cuộc sống, nhân quả hoặc bất cứ cái gì".
Còn trước đó, một câu nói khác của ông được tạp chí Newsweek đăng tin vào năm 2001 là "Tôi muốn đánh đổi sự nghiệp công nghệ của mình chỉ để có được một buổi chiều đàm đạo với Socrates" (Socrates là nhà triết học Hy Lạp nổi tiếng, ông chuyên nghiên cứu nền triết học nỗ lực tìm hiểu vũ trụ thiên nhiên).
Hay như Warren Buffett, một trong những người giàu nhất thế giới đã bác bỏ lối suy nghĩ thành công là dựa vào may mắn. Buffett nhấn mạnh rằng bí mật để thành công chính là sống với một cái tâm trong sáng và lòng chính trực.
Ông giải thích rằng, bạn phải cần tới 20 năm để xây dựng danh tiếng nhưng chỉ mất 5 phút để phá hủy nó. Nếu bạn nghĩ về điều đó, bạn sẽ làm mọi thứ theo cách khác đi. "Khi tuyển người hãy tìm kiếm ba phẩm chất sau: sự chính trực, thông minh và năng lực. Và nếu họ không có phẩm chất đầu tiên, hai điều sau sẽ giết chết bạn".
Cụ thể, "Nếu bạn cố gắng đạt được sự thành công bằng mọi giá, kinh doanh của bạn sẽ phất lên dựa trên sự giả dối, tàn nhẫn và vô đạo đức. Kết quả bạn sẽ thấy, chính sự giả dối, tàn nhẫn và vô đạo đức đó sẽ bám theo bạn trong suốt những năm tháng về sau, việc cắt đuôi chúng khó hơn rất nhiều so với bất kỳ thất bại nào khác mà bạn phải vượt qua.
2. Luôn nhìn nhận sự việc với một thái độ tích cực
Trong muôn vàn khó khăn của cuộc sống thì thái độ sống của mỗi người chính là màng lọc tinh thần mà qua đó ta sẽ có những cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề khác nhau. Người tích cực luôn luôn nhìn cuộc sống bằng lăng kính lạc quan, người tiêu cực lại nhìn bằng con mắt chán chường, bi quan.
Trong khi người có thái độ sống tiêu cực luôn cảm thấy khó khăn, phức tạp khi giải quyết mỗi vấn đề nào đó, luôn tìm lý do để biện minh, chú tâm tới mất mát và nuối tiếc những gì đã cho đi... thì những người có thái độ sống tích cực luôn nghĩ cách tìm ra các giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề. Họ luôn nhìn thấy những điều tốt đẹp ở những người xung quanh và có niềm tin mãnh liệt rằng mọi chuyện sẽ chuyển biến theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Thái độ sống lạc quan này cũng khiến cho người tích cực luôn quan tâm đến những điều đem lại hạnh phúc, sự hài lòng cho bản thân và những người xung quanh. Vì thế, họ nhìn ra được những khả năng, những công việc vượt ra khỏi khuôn khổ, lối mòn sẵn có.
Như nhà thơ, nhà nhân quyền của Mỹ có tên là Maya Angelou đã nói: "Bạn có thể vấp phải nhiều thất bại, nhưng bạn không nên bị đánh bại. Thực tế, việc đối mặt với thất bại có thể cần thiết để bạn biết mình là ai, bạn có thể đứng dậy từ đâu, làm sao bạn vẫn có thể vượt qua để đạt được thành công".
3. Nhận ra thời gian là một món hàng khan hiếm
Thời gian là thứ hữu hạn, người biết nắm bắt thời gian là người có khả năng làm chủ cuộc sống, gặt hái thành công cho chính mình.
Những người có cuộc sống làng nhàng, mờ nhạt thường không nhận ra mình đang làm giàu cho người khác khi say sưa với những trò giải trí, sa đà vào mạng xã hội hay dành thời gian cho những mối quan hệ tiêu cực… Đơn cử như một người chủ video sẽ nhận được 0,003 – 0,5 USD cho mỗi 1.000 lượt xem trên Youtube.com. Thời gian bỏ ra của những người xem càng lớn, thu nhập cho người sản xuất và nhà phát hành càng cao.
Còn những người thành công tập trung để xử lý công việc một cách tận tâm, cố gắng tranh thủ thời gian để làm các việc chứ không phải xem nhẹ các vấn đề để rồi mọi việc cứ trôi qua.
Họ nhận ra rằng điều tốt đẹp chỉ đến khi họ thực sự đầu tư thời gian và công sức vào việc đó, việc ý thức được mỗi ngày trôi qua là một ngày không trở lại khiến cho họ sử dụng thời gian một cách hiệu quả. Nếu ngày hôm nay không có việc gì được thực hiện thì khó có điều thần kỳ nào có thể xảy ra vào ngày mai.
4. Kiểm soát sự thiếu kiên nhẫn, duy trì sự kiên trì
Kiên nhẫn không phải là điều bẩm sinh đã có mà chỉ hình thành thông qua sự rèn luyện. Sự rèn luyện này không hề dễ, nhất là với những con người luôn rượt đuổi trong thời đại gấp gáp ngày nay - truy đuổi thành công, tiền bạc, tình yêu và hạnh phúc...
Những người thành công thường có khuynh hướng quan sát và đánh giá tình huống trước khi chính thức “lâm trận”, đưa ra bất cứ kết luận hay quyết định nào. Họ không vội vàng để rồi làm hỏng việc. Bằng cách kiên nhẫn, quan sát và phân tích, những quyết định của họ thường tự tin, chắc chắn hơn.
Kiên nhẫn không chỉ là một phẩm chất rất cần thiết để hoàn thành mục tiêu đã được đặt ra mà còn là khả năng bước tiếp sau thất bại. Đừng nản lòng khi gặp những trở ngại hay thất bại, vì chúng ở đó để khiến bạn mạnh mẽ hơn.
Jim Ryun – vận động viên điền kinh nổi tiếng của Mỹ đã từng phát biểu: "Động lực là thứ giúp bạn bắt đầu. Thói quen là thứ giữ cho bạn tiếp tục bước tới." Vì vậy hãy rèn luyện những thói quen tốt từng bước một, kiên trì đi tới đích phía trước thay vì dễ dàng bỏ cuộc như những người chỉ làm theo ngẫu hứng.
5. Không chờ đợi cơ hội may mắn mà tạo ra cơ hội đó
Một người thành công sẽ không bao giờ thụ động chờ cơ hội đến với mình mà tất nhiên họ sẽ xông pha tìm kiếm nó. Họ thích sự tươi mới, họ muốn đốt cháy nguồn năng lượng, sức trẻ của mình trong hành trình tìm kiếm những cơ hội dẫu biết rằng nó sẽ rất chông gai, nhiều khó khăn thử thách.
Vì thế để đạt được sự thành công bạn cần phải năng động, linh hoạt, chủ động trong tư duy và hành động. Hãy học cách nắm bắt những nhu cầu của xã hội, chịu khó tìm tòi, khai thác, nghiên cứu những vấn đề mang tính thực tiễn có liên quan đến những mục đích, ước mơ, hoài bão mà bạn hướng đến. Tự tạo cơ hội cho mình là bạn đang chứng tỏ mình là một người thủ lĩnh, có tư chất của một người thành công, bạn đủ sự tự tin, bản lĩnh để sẵn sàng đối mặt trước những khó khăn của công việc.
Mỗi lần tự tạo ra cơ hội cho chính mình là một lần bạn đang thách thức giới hạn của bản thân. Đó là cách bạn trưởng thành, mạnh mẽ và tự tin hơn. Khi biết tạo ra cơ hội cho chính mình và biết nắm bắt cơ hội đó là bạn đang thử sức mình, tôi luyện mình trở nên nghị lực hơn – một yếu tố không thể thiếu của người thành công.
6. Không ngừng học tập và thực hành, chuẩn bị kỹ càng khi bắt tay vào công việc
Những nhà doanh nghiệp thành công luôn cảm nhận có nhiều việc mà bản thân chưa biết hết, họ nhận ra rằng cần phải chăm chỉ tìm hiểu và khám phá, những gì đang có không phải là tối ưu. Chính vì vậy, họ luôn tìm hiểu và chuẩn bị kỹ càng cho sự ra đời của những ý tưởng mới. Điều này cũng giống như việc đi tới đích nhờ có bản đồ định hướng sẽ tốt hơn là phỏng đoán hướng đi.
Việc chuẩn bị kỹ lưỡng không chỉ được thực hiện với sản phẩm mới mà còn cho ngay chính tinh thần của họ. Bởi trên con đường đi tới thành công, có những lúc cảm giác thua cuộc, lo âu sẽ xuất hiện trong tâm trí. Những lúc như vậy, cần nhớ rằng: "Nếu bạn đang đi qua địa ngục rồi, hãy tiếp tục đi tiếp đi" – Winston Churchill.


Ngọc Tú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét