NH TMCP Quốc tế (VIB) cho biết tất cả giao dịch liên quan đến tiền ảo đều không được chấp nhận qua hệ thống của VIB như nộp rút tiền, chuyển khoản, giao dịch thẻ nhằm mục đích trực tiếp hoặc gián tiếp mua, bán tiền ảo bitcoin, ethereum... với các đối tượng, sàn kinh doanh tiền ảo như Remitano, Binomo. Các giao dịch có liên quan đến tiền ảo nếu được phát hiện sẽ bị từ chối thực hiện và xử lý theo quy định của pháp luật.
Nhiều ngân hàng thương mại đã có biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo.
Tại NH TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank), chỉ thị về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo và đánh bạc trực tuyến tại NH này cũng được ban hành. Cụ thể, PVcomBank không thực hiện các giao dịch liên quan đến rửa tiền và tài trợ khủng bố; không cung ứng dịch vụ thanh toán, thực hiện giao dịch thẻ, cấp tín dụng qua thẻ, chuyển tiền quốc tế cho các khách hàng liên quan tới hoạt động kinh doanh tiền ảo, đánh bạc trực tuyến và các hành vi đánh bạc bất hợp pháp khác…
"Yêu cầu này được PVcomBank áp dụng trên toàn hệ thống để rà soát, ngăn chặn đối với các giao dịch tiền ảo tại NH" - đại diện NH này cho biết.
NH Public Bank Việt Nam cũng khuyến cáo khách hàng không thực hiện giao dịch, hoạt động liên quan tới tiền ảo. NH này cũng yêu cầu cán bộ, nhân viên của NH không tham gia hoạt động mua bán, trao đổi, đầu tư và kinh doanh Bitcoin, các loại tiền ảo tương tự khác; cũng như không sử dụng bất kỳ dịch vụ nào của NH để phục vụ cho các giao dịch liên quan đến tiền ảo.
Đại diện một số NH thương mại cho biết những giao dịch liên quan đến tiền ảo, Bitcoin… có thể được phát hiện thông qua nghiệp vụ chuyên môn của bộ phận chống rửa tiền, quản lý rủi ro của từng NH. Dù vậy, việc kiểm soát phát hiện, ngăn chặn và rà soát, báo cáo giao dịch tiền ảo cũng gặp khó khăn.
Chẳng hạn, NH thương mại là trung gian thanh toán, thực hiện các lệnh thanh toán theo yêu cầu của chủ tài khoản trên cơ sở đánh giá rủi ro giao dịch theo quy định. Đồng thời, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn, quy định cụ thể về tiền ảo và hoạt động kinh doanh tiền ảo như dấu hiệu phát hiện giao dịch liên quan đến tiền ảo, danh sách các loại tiền ảo, sàn giao dịch, mã giao dịch và các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tiền ảo…
Như Báo Người Lao Động đã nhiều lần phản ánh, thời gian qua hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo, đặc biệt là hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và có thể gây rủi ro rất lớn đối với tổ chức, cá nhân tham gia. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ thị về yêu cầu tăng trưởng quản lý các hoạt động liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.
Theo Thái Phương
Người lao động
Cuối tháng 7.2018, chỉ trong vòng khoảng 10 ngày, diễn biến giá trên thị trường tiền ảo đã có sự gia tăng đột biến. Chỉ trong vòng vài ngày, đồng Bitcoin từ mức giá hơn 6.000USD/BTC đã tăng lên mức 8.000USD và thậm chí có lúc cán mốc 8.400USD.
Tạo tin đồn… để thổi giá?
Nếu quan sát lại một cách kĩ càng, có thể thấy từ khoảng ngày 20-31.7.2018, giá các đồng tiền ảo nói chung và đồng Bitcoin nói riêng đã tăng phi mã tại các sàn giao dịch trên thế giới. Theo tính toán, chỉ trong vài ngày, đồng Bitcoin tăng giá tới 40% cho dù tính chung so với thời cao điểm tháng 12.2017 vẫn còn mất giá đến gần 60%. Tuy nhiên, sự hồi phục đầy bất ngờ này cũng giúp cho tổng giá trị thị trường tiền ảo đạt xấp xỉ 300 tỉ USD trong đó giá trị đồng Bitcoin chiếm 2/3.
Trong những ngày đó, những “tin tốt” được đồn đại ra bên ngoài là Ủy ban Chứng khoán Mỹ có khả năng sẽ thông qua một quyết định thành lập quỹ ETF về tiền ảo vào đầu tháng 8 thay vì các loại tiền ảo cứ phải sống “ngoài vòng pháp luật” tại nền kinh tế lớn nhất thế giới. “Tin tốt” thứ hai là quỹ đầu tư lớn nhất thế giới BlackRock (Mỹ) đã thành lập một nhóm nghiên cứu về tiền ảo và công nghệ blockchain. “Tin tốt” thứ ba là tổ chức thẻ tín dụng MasterCard vừa lấy được một bằng sáng chế cho phép giao dịch đồng Bitcoin trên thẻ tín dụng. Và “tin tốt” thứ tư: Chuỗi cửa hàng càphê lớn nhất hành tinh StarBucks cho phép thanh toán bằng đồng Bitcoin…
Nhưng cuối cùng, những tin tốt ấy chỉ là những lời đồn. Đầu tháng 8, thông tin StarBucks cho phép thanh toán bằng Bitcoin đã được làm rõ chỉ là tin giả (fake news). Quyết định của Ủy ban Chứng khoán Mỹ cũng chả thấy đâu. Còn việc MasterCard lấy được sáng chế hay quỹ BlackRock nghiên cứu và triển khai như thế nào vẫn còn mù mờ. Khi sự lạc quan tan biến dần theo những lời đồn và tin giả, thì giá tiền ảo nói chung và Bitcoin nói riêng trên các sàn giao dịch cũng đi xuống ngay từ những ngày đầu tháng 8.
Cho đến những ngày trung tuần tháng 8 này, khi các tin xấu bắt đầu xuất hiện nhiều hơn từ các định chế tài chính, ngân hàng và một số chính phủ khẳng định rằng Bitcoin khó có cửa để trở thành một phương tiện thanh toán trong nền kinh tế thế giới, thì thị trường tiền ảo còn lao dốc thảm hại hơn.
Mất nhiều hơn…
Còn nhớ, trong đợt tăng giá đột biến cuối tháng 7.2018, đồng Bitcoin từ mức khoảng 6.000USD/BTC tạo được “thành quả” tăng 40%. Nhưng rất nhanh sau đó, giá Bitcoin đã rời khỏi mức đỉnh 8.400USD/BTC. Tuy nhiên từ đó đến nay, cuộc lao dốc ngày càng sâu hơn. Tính đến thời điểm 11 giờ sáng ngày 14.8 (giờ Việt Nam), giá Bitcoin có lúc tuột khỏi ngưỡng 6.000USD, và giá trị của toàn thị trường tiền ảo trên sàn coinmarketcap.com chỉ còn 192 tỉ USD với dữ liệu thống kê của hơn 1.830 đồng tiền ảo thay vì ở mức xấp xỉ 300 tỉ USD như những ngày cuối tháng 7.
Nhưng vấn đề quan trọng nhất không phải là giá trị thị trường lên xuống ra sao mà chính là con sóng lên xuống theo tin đồn đó đã cuốn theo bao nạn nhân chạy theo nó. Tất nhiên trong cuộc chơi này, về cơ bản là có hai phía. Phía những kẻ tạo hoặc tung tin đồn có thể bán ra các đồng tiền ảo ở mức giá tăng đột biến trong vài ngày cuối tháng 7 nhằm thu lợi. Còn phía những người chạy theo tin đồn, vốn đa phần chơi nhỏ lẻ thì khó tránh được thiệt hại.
Cách tạo tin đồn để “thổi giá” như thế cũng chẳng phải chiêu lạ gì, chỉ khác là nó được tạo ra trên thị trường tiền ảo thay vì các thị trường quen thuộc khác là đất đai hay chứng khoán. Tại Việt Nam, dạng tạo tin đồn thổi giá này đã lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong hàng chục năm qua trên thị trường nhà đất và chứng khoán, hậu quả dường như tất yếu rơi vào những người lao theo vào thời điểm cuối con sóng vì mua vào với giá cao nhưng không kịp thoát ra.
Cứ nhìn vào “cái bẫy” được lập trên thị trường tiền ảo cuối tháng 7 vừa qua thì rõ. Đến thời điểm giữa tháng 8 này, số điểm tăng 40% trước đó đã hoàn toàn bị các tin đồn “thổi” bay, thậm chỉ còn “ăn thâm” vào giá trị trước đó. Điển hình là giá đồng Bitcoin có thời điểm còn giảm xuống dưới mức 6.000USD/BTC (giá thấp nhất thời điểm cuối tháng 7 trước khi diễn ra đợt sóng tăng đột biến).
"Cái bẫy" Asama Mining đã sập
Trong khi vụ lừa đảo đầu tư vào máy đào tiền ảo của Sky Mining vẫn chưa được xử lí thì những ngày qua một "cái bẫy" khác đã sập xuống với tên gọi Asama Mining. Asama Mining kêu gọi các nhà đầu tư với những gói từ 100USD đến 10.000USD. Mỗi 1USD của nhà đầu tư sẽ nhận được 1 đồng Asama Coin tiền ảo có giá trị tương đương 1USD. Chiêu thức của Asama Mining cũng giống như Sky mining là hứa hẹn lãi suất từ 0,5-2,5%/ngày và có thể nhận đến 300% lãi suất sau 12 tháng. Đồng Asama Coin cũng được Cty này hứa hẹn có thể mua được nhà, đất, xe cộ... và có thể chuyển đổi sang đồng Bitcoin. Ngày 6.8 vừa qua, Asama Mining đã lập ra sàn Asamaexchange.com để cho nhà đầu tư giao dịch. Tuy nhiên những ngày qua, lãnh đạo của Asama Mining cũng đột nhiên biến mất như trường hợp ở Sky Mining, các nhà đầu tư nghi ngờ bị lừa nên bán tháo đồng Asama Coin nhưng cũng không bán được.
Bởi sàn Asamaexchange.com, trên thực chất chỉ lập cho có. Những ngày qua, trang chủ của sàn hiện lên bảng giao dịch đồng Tether (USDT), khi bấm chuột vào sẽ trỏ sang sàn quốc tế Coinmarketcap.com khiến nhiều người lầm tưởng đồng Tether là đồng Asama Coin. Trên thực tế nếu tra cứu trên sàn Coinmarketcap.com không có cái tên Asama Coin trong danh sách hơn 1.830 đồng tiền ảo. Có nghĩa là đồng tiền ảo Asama Coin do Cty này tự đẻ ra chứ không được công nhận trong cộng đồng tiền ảo quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét