Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2018

7 dấu hiệu nhận biết nguy cơ đột quỵ não

Bệnh đột quỵ là gì?
Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là một trong những căn bệnh nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Đột quỵ não là tình trạng máu và oxy đột ngột ngưng trệ lên não, dẫn đến các tế bào não sẽ chết chỉ sau vài phút. Bệnh nhân có thể bị liệt, hôn mê thậm chí tử vong tùy thuộc vào diện tích não bị ảnh hưởng và mức độ trầm trọng của tổn thương. Vì vậy, nhận biết sớm và xử lý kịp thời các dấu hiệu của đột quỵ não là vô cùng quan trọng.
Nguyên nhân gây đột quỵ

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến đột quỵ, nhưng phổ biến nhất là tình trạng mỡ trong máu cao kéo dài, từ đó hình thành các mảng xơ mỡ động mạch. Đây có thể là hậu quả của thói quen sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá, ít vận động... Các mảng xơ mỡ đóng ở thành mạch máu, ngày càng dày lên làm lòng mạch hẹp dần lại, máu ứ lại và đóng thành cục máu đông gây tắc mạch tại chỗ hoặc di chuyển làm tắc động mạch ở nơi khác. Bên cạnh đó, các bệnh lý tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, căng thẳng trong công việc… cũng có thể gây đột quỵ.
Có 2 dạng đột quỵ thường gặp hiện nay
- Dạng thứ nhất là đột quỵ do thiếu máu cục bộ: bệnh thường gặp sau một cơn đau hoặc cục máu đông có thể hình thành trong các mạch máu của não, hoặc trong mạch máu dẫn đến não, hay trong các mạch máu ở những nơi khác của cơ thể đi đến não; những cục máu đông chặn lưu lượng máu đến các tế bào của não, dạng này chiếm tỉ lệ cao trên 80% các ca đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
- Dạng thứ hai là đột quỵ do xuất huyết não: xảy ra do một mạch máu não bị vỡ, kết quả là máu thấm vào mô não, gây tổn thương cho các tế bào não, phổ biến nhất của dạng này là kết hợp giữa huyết áp cao với chứng phình động mạch não, hay dị dạng mạch máu não bẩm sinh, do rối loạn đông máu hoặc bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc chống đông.
Hậu quả, biến chứng của đột quỵ não

Cơn đột quỵ có thể gây ra khuyết tật tạm thời hoặc vĩnh viễn, tùy thuộc vào phần não bị ảnh hưởng và thời gian não bị thiếu lưu thông máu. Các biến chứng có thể bao gồm:
+ Liệt vận động: Theo thống kê, có khoảng 90% người bị liệt vận động (liệt nửa người, liệt tay chân, liệt mặt) sau tai biến mạch máu não. Di chứng này gây khó khăn cho bệnh nhân trong sinh hoạt hàng ngày. Đồng thời khi phải nằm lâu một chỗ, bệnh nhân thường gặp biến chứng nguy hiểm như: lở loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, viêm đường hô hấp… dễ gây nhiễm trùng, thậm chí tử vong. Bệnh nhân cần phải phục hồi vận động sau tai biến mạch máu não nếu không sẽ phải phụ thuộc gần hoàn toàn vào sự chăm sóc, giúp đỡ của người khác.
+ Rối loạn nhận thức: Tỉ lệ gặp rối loạn nhận thức ở bệnh nhân sau tai biến mạch máu não khoảng hơn 60%. Đây là một trong những biến chứng nặng nề nhất dẫn đến sa sút trí tuệ. Bệnh nhân bị rối loạn nhận thức có các biểu hiện như: hay quên, suy giảm trí nhớ, đầu óc lơ mơ không tỉnh táo, mất khả năng định hướng không gian, thời gian, không nhận biết được người thân, gia đình của mình và không hiểu được lời người khác nói…
+ Khó khăn trong việc nói hoặc nuốt: Một cơn đột quỵ có thể gây ra kém kiểm soát các cơ di chuyển miệng và cổ họng, nuốt hoặc ăn khó khăn, rối loạn ngôn ngữ. Các biểu hiện rối loạn ngôn ngữ khá đa dạng như: nói ngọng, nói lắp, âm điệu bị biến đổi,… khó diễn đạt, thậm chí là không nói được.
+ Tiểu tiện không tự chủ: Bệnh tai biến làm cho hệ thống thần kinh bị tổn thương, từ đó gây rối loạn cơ tròn (nơi điều khiển hoạt động đại/tiểu tiện). Ngoài ra, rối loạn cảm giác và nhận thức cũng khiến bệnh nhân không kiểm soát được tình trạng tiểu tiện.
+ Rối loạn tâm lý: Phần lớn bệnh nhân sau tai biến suy giảm hoặc mất khả năng tự chăm sóc, phải nhờ cậy vào người thân. Điều đó khiến người bệnh cảm thấy tự ti, mặc cảm, dễ dẫn đến trầm cảm. Sự quan tâm của người thân, cộng đồng để chia sẻ những khó khăn, giải tỏa tâm lý cho người bệnh là vô cùng quan trọng.
+ Rối loạn thị giác: Theo các chuyên gia, rối loạn thị giác có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn. Bệnh nhân có biểu hiện mắt nhìn mờ một bên hoặc cả hai bên, mù một phần hoặc toàn bộ, quầng hoặc đau mắt. Nếu không được chữa trị và phục hồi ở giai đoạn sớm thì càng ngày bệnh nhân sẽ càng khó hi vọng thấy lại ánh sáng ở bên mắt đó.
7 dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ sắp tới

Để ngăn chặn những nguy cơ và hạn chế hậu quả do các cơn đột quỵ gây ra, việc nhận biết chính xác dấu hiệu cảnh báo đột quỵ để đưa nạn nhân đi cấp cứu trong "giờ vàng" là vô cùng cần thiết. Dưới đây là 7 dấu hiệu cảnh báo đột quỵ bạn không nên bỏ qua:
1. Dấu hiệu ở mặt: Quan sát khuôn mặt người bệnh có biểu hiện thiếu cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường, nếp mũi, má bên yếu bị rũ xuống. Đặc biệt khi người bệnh nói hoặc cười thì sẽ thấy rõ dấu hiệu méo miệng và thiếu cân xứng trên mặt.
2. Dấu hiệu ở tay, chân: Cảm giác của người bị đột quỵ là tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác ngay cả trong những sinh hoạt đơn giản hàng ngày. Chân tay cảm giác nặng trĩu, đi lại khó khăn, động tác nhấc chân lên rất khó hoặc không thực hiện được, nhiều trường hợp vấp ngã hoặc đứng không vững.
3. Dấu hiệu qua giọng nói: Người bị đột quỵ có thể gặp triệu chứng nói ngọng bất thường, môi lưỡi bị tê cứng, miệng mở khó, phải gắng sức thì mới nói được, nói không rõ ràng, phải gắng hết sức khi nói nhưng cũng khó diễn đạt được điều muốn nói.
4. Dấu hiệu qua nhận thức: Biểu hiện rối loạn trí nhớ rõ rệt, không nhận thức được mọi việc, tai bị ù đi không nghe được rõ.
5. Dấu hiệu ở thần kinh: Người bệnh cảm thấy nhức đầu dữ dội. Đây là triệu chứng nặng và khá phổ biến của bệnh đột quỵ, nhất là người bệnh có tiền sử bị đau nửa đầu.
6. Dấu hiệu thị lực: Mắt mờ một bên hoặc cả hai bên, vì người thân xung quanh không nhận biết được dấu hiệu này nên hỏi rõ bệnh nhân, nếu có tình trạng này nên đưa người bệnh đi cấp cứu ngay.
7. Dấu hiệu đau: Ngoài đau đầu dữ dội người bệnh còn có biểu hiện đau thắt ngực, tim đập nhanh, cảm giác rất khó chịu.
Đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng là một trong những dấu hiệu của đột quỵ
3 câu hỏi xác định đột quỵ
Khi gặp tình trạng một người nào đó đang đi thì ngã quỵ xuống, bạn nên giúp họ ngồi hoặc đứng dậy, trở về trạng thái bình thường. Sau đó, hãy yêu cầu họ thực hiện 3 hành động sau:
- Hãy yêu cầu người đó cười để biết tình trạng miệng méo ra sao.
- Hãy yêu cầu họ nói một câu ngắn và đơn giản để biết dấu hiệu nhận thức của người bệnh và giọng nói của họ.
- Hãy yêu cầu họ giơ tay lên xem mức vận động ở tay có bình thường không.
Đây là 3 yêu cầu cũng là cách để kiểm tra xem hệ thần kinh của người bệnh có hoạt động bình thường hay không. Người bị đột quỵ sẽ không có sự nhận biết bình thường để thực hiện 3 yêu cầu đó, từ mức vận động thấp nhất là mỉm cười đến vận động nhiều hơn là nói, và vận động nhiều hơn nữa là giơ hai tay lên. Nếu người được hỏi không thực hiện được 1 trong 3 yêu cầu thì xem như đó là dấu hiệu của đột quỵ, cần đưa người đó đến bệnh viện kịp thời.

Ngô Hoàng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét