Đoàn kiểm tra gồm đại diện từ Bộ Công Thương, Tài chính và Kế
hoạch Đầu tư sẽ tiến hành kiểm tra tại Công ty Nhôm Toàn cầu Việt
Nam có trụ sở tại Bà Rịa Vũng Tàu vào trung tuần tháng 5/2017.
Nguồn tin riêng cho biết, Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch
và Đầu tư, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu liên quan đến việc
cử đại diện tham gia Đoàn kiểm tra kho nhôm khổng lồ nghi nguồn gốc
Trung Quốc ở Bà Rịa Vũng Tàu.
Bộ Công Thương cho hay việc kiểm tra này là thực hiện theo chỉ đạo của
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhằm làm rõ thông tin về vận
chuyển nhôm có nguồn gốc Trung Quốc vào Việt Nam.
Theo đó, đoàn kiểm tra sẽ tiến hành kiểm tra tại Công ty Nhôm Toàn cầu
Việt Nam có trụ sở tại Bà Rịa Vũng Tàu. Thời gian kiểm tra dự kiến diễn ra
vào trung tuần tháng 5/2017. Đoàn kiểm tra sẽ bao gồm đại diện các Bộ
ngành và địa phương như trên.
Công ty TNHH Nhôm toàn cầu Việt Nam hiện đang gấp rút được xây dựng
với mục tiêu đầu tư nhà máy sản xuất nhôm định hình. Dự án này do hai
người gốc Trung Quốc, quốc tịch Úc là ông Jacky Cheung và ông Wang
Tong góp vốn làm chủ đầu tư.
Theo giấy phép đầu tư do Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa
Vũng Tàu cấp, thời hạn hoạt động của dự án là 37 năm, kể từ năm 2011.
Trong dự án này, ông Jacky Cheung góp vốn gần 500 tỷ đồng, còn ông Wang Tong góp gần 4.500 tỷ đồng. Toàn bộ hàng hóa sản xuất ở nhà máy
này sẽ được xuất khẩu, với quy mô 200.000 tấn/năm.
Hồi năm ngoái, tờ Wall Street Journal đưa tin, kho nhôm khổng lồ phủ bạt
tại Vũng Tàu nhiều khả năng thuộc quyền sở hữu của China Zhongwang,
tập đoàn lớn chuyên về nhôm của Trung Quốc nằm dưới sự quản lý của tỷ
phú Lưu Trung Thiên (Liu Zhongtian).
Ông Lưu nằm trong top những người giàu nhất Trung Quốc với tài sản được
Forbes định giá 3,2 tỷ USD. Lượng tài sản kếch sù của vị này chủ yếu đến
từ kinh doanh nhôm lĩnh vực khiến ông được mệnh danh là "ông trùm".
Năm 2009, tập đoàn China Zhongwang tiến hành IPO, có thêm nguồn lực để
đẩy mạnh kinh doanh. Cùng năm đó, lượng nhôm Trung Quốc xuất sang Mỹ
tăng đột biến lên mức 192.000 tấn, gấp đôi so với 2008. Cũng năm đó theo
số liệu của GTIS, giá nhôm nhập khẩu tại Mỹ giảm tới 30%.
Dòng dịch chuyển bất thường của nhôm đã khiến cơ quan chức năng Mỹ
nghi ngờ. Sau các cuộc điều tra, tập đoàn China Zhongwang cùng nhiều đơn
vị sản xuất nhôm của Trung Quốc đã bị cáo buộc bán phá giá. Năm 2010,
thuế bán phá giá 374% được áp lên mặt hàng nhôm từ Trung Quốc.
Tạp chí Wall Street Joural cho rằng, các công ty nhôm Trung Quốc, trong đó
có tập đoàn của Lưu đã buộc phải tìm cách lách luật. China Zhongwang
vướng phải nhiều nghi vấn về việc xuất nhôm sang các nước thứ ba như
Mexico hay Việt Nam rồi dùng các công ty tại nước sở tại để tái xuất hàng
sang Mỹ hay các thị trường bị áp thuế.
So với mức 374% cho nhôm Trung Quốc, nhôm Việt Nam xuất vào Mỹ chỉ
phải chịu thuế 5%.
Theo nhiều nguồn tin, các công ty nhôm ở Mexico được thành lập bởi bạn
của con trai ông Lưu và được sử dụng như bước đệm để tránh thuế. Nhờ
hiệp định NAFTA, thuế nhập khẩu nhôm từ Mexico vào Mỹ cũng thuộc vào
hàng thấp nhất thế giới.
Theo Wall Street Journal, Tập đoàn China Zhongwang cũng như cá nhân
ông Lưu đã phủ nhận mọi cáo buộc, tuy nhiên việc kho nhôm 500.000 tấn
bỗng dưng biến mất bí ẩn ở Mexico rồi xuất hiện ở Vũng Tàu đã một lần
nữa dấy lên nghi vấn về hành vi trốn thuế của tỷ phú Trung Quốc.
Phương Dung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét