Tìm kiếm Blog này
Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017
Thu xếp cuối đời
Trong chuyện ngụ ngôn của La Fontaine, một người nông dân già sắp chết kêu con cái đến và dặn rằng không được bán miếng ruộng vì có một kho tàng được chôn đâu đó trong miếng đất. Con cái do đó đào xới quanh năm và trở nên giàu có. Câu kết luận là "sự làm việc mới là kho báu". Đấy là một lối thu xếp cuối đời đơn giản nhất, có thể là ý nghĩa nhất. Có lẽ cũng vì vậy mà những nhà tỷ phú ở Mỹ không để phần lớn tài sản lại cho con cái.
Tuy nhiên trên thực tế, ở Mỹ, một xứ nhiều luật lệ và rất nhiều luật sư, người già sắp ra đi còn phải quyết định, thu xếp nhiều thứ để "ra đi êm thắm", vừa ý mình, đồng thời để lại di sản (estate), những nguồn lợi cho người thừa kế, ít gây rắc rối, gánh nặng cho con cái, mà bị đánh thuế càng ít càng tốt. Ví dụ, nếu chẳng may trước khi ra đi cần phải chăm sóc lâu dài như tắm rửa, ăn uống, tại nhà mình hoặc trong viện, ở Mỹ có thể rất đắt đỏ. Những ai từng nghĩ đến mua bảo hiểm "săn sóc dài hạn" (Long-term Care Insurance) từ lúc mình còn mạnh giỏi thì đây là một biện pháp kịp thời. Sau đây là một số giấy tờ người già ở Mỹ nên chuẩn bị. Ở Việt Nam chắc đơn giản hơn, nhưng thu xếp trước vẫn hơn. Nếu không thu xếp trước, con cái hay người phối ngẫu có thể bị đặt trong tình trạng khó giải quyết.
Chỉ thị trước về săn sóc sức khoẻ (Advance Health Care Directive) (AHCD).
Đây là một tài liệu có tính cách pháp lý trong đó chúng ta chỉ định một người khác quyết định thay thế mình về các vấn đề sức khoẻ lúc mình không còn khả năng, không đủ tỉnh táo để tự quyết định cho chính mình. Còn gọi là “Di chúc [cho lúc còn] sống” (Living Will), hay “Giấy uỷ quyền lâu dài về chăm sóc sức khoẻ” hay uỷ quyền săn sóc sức khoẻ” (Durable Power of Attorney for Health Care or Health Care Proxy).
Mục đích:
- Tránh cho người thân phải quyết định khó khăn lúc đang vào hoàn cảnh bối rối.
- Quyết định có dùng ống thông khí quản (tracheal intubation), máy thở (ventilator, respirator), nuôi bằng ống thông vào bao tử (ống có thể đi qua mũi và xuống thực quản để vào dạ dày [nasogastric tube] hay đi trực tiếp vào dạ dày qua một lỗ nhân tạo từ ngoài da bụng vào dạ dày [gastrostomy tube]), dùng thuốc giảm đau, hiến tặng bộ phận cơ thể (organ donation), trong lúc người bệnh mê man, không tỉnh táo.
- Nếu không có giấy này, bác sĩ, toán cấp cứu (EMT), nhà thương, những người đang tập sự y khoa ở Mỹ sẽ tự động áp dụng theo quy chế những biện pháp có khi "anh dũng" (heroic measures) để hồi sinh bệnh nhân, mặc dù có dấu hiệu bệnh nhân đã chết ở mức não (brain dead). Gia đình có thể phải quyết định và ý mỗi người sẽ mỗi khác, và sau này sẽ có thể có những trách móc, hiềm khích, ân hận trong con cái, hay giữa con cái và người cha hay mẹ còn sống sót.
- Ở Mỹ mỗi tiểu bang có mẫu hơi khác nhau, nhưng mẫu của bang này vẫn hiệu lực cho bang khác. Bác sĩ có thể cung cấp mẫu này. Người ta khuyên người nào trên 18 tuổi cũng nên làm, lúc mình đang còn tỉnh táo, chỉ cần hai ba người chứng, không cần phải thị thực. Có thể thay đổi bất cứ lúc nào nếu mình đổi ý.
POLST:
Hiện nay, ở một số tiểu bang, còn áp dụng một tài liệu gọi là "Y lệnh về các chữa trị để giữ bệnh nhân sống" (POLST=Physicians Orders for Life Sustaining Treatment) thay thế cho "lệnh không hồi sinh" hay DNR (Do Not Resuscitate) hay DNR trước đây.
Trước đây lúc bác sĩ ghi y lệnh vào hồ bệnh nhân DNR có nghĩa là nhân viên điều trị sẽ không can thiệp nếu tai biến gì xảy ra đe doạ tính mạng bệnh nhân (như nghẹt thở, tim đập rối loạn, heart attack, stroke) vì bệnh nhân đã tỏ ý muốn như vậy lúc còn tỉnh táo hay gia đình đã quyết định như vậy. Tuy nhiên, có thể bệnh nhân đã hiểu lầm nghĩ rằng nếu một khi dùng máy thở thì sẽ phải dùng máy thở suốt đời còn lại, trong lúc có hoàn cảnh chỉ cần đặt ống thở, dùng máy thở trong một giai đoạn để giúp vượt qua khó khăn nhất thời, sau đó sẽ tự thở được. Trường hợp này, DNR sẽ ngăn cản nhân viên bệnh viện không dùng ống thở và máy thở mặc dù có thể cứu bệnh nhân qua cơn khó khăn được.
POLST là y lệnh, của bác sĩ ký, sau khi bàn luận với bệnh nhân về những gì có thể xảy ra và những biện pháp mà người cấp cứu có thể áp dụng cho bệnh nhân, áp dụng cho những người mắc một bệnh có thể chết bất cứ lúc nào. Những người khác không thay đổi POLST được. Nếu không có POLST, toán cấp cứu y tế (Emergency Medical Team, EMT) theo quy định phải áp dụng các biện pháp CPR (bóp tim, bơm phổi để hồi sinh), giữ bệnh nhân còn sống bằng mọi cách, giữ bệnh nhân sống cho đến khi bàn giao cho phòng cấp cứu. Nếu có POLTS, EMT mới có cơ sở pháp lý để không làm những việc trên.
Ngoài ra, nên nghĩ đến những giấy tờ khác như:
Giấy uỷ quyền về tài chính (Durable Power Attorney for Finances):
Chỉ định người thay thế mình quyết định về tiền bạc (sử dụng tiền ở nhà băng lúc cần, giới hạn là bao nhiêu nếu có giới hạn, quyết định buôn bán, cho mướn bất động sản, cổ phiếu/stocks, trả nợ cho mình...), lúc mình vắng mặt hoặc bất lực không thể quyết định được.
Di chúc (Last Will and Testament)
Di chúc quyết định tài sản/ di sản được chia ra như thế nào, có thể viết tay hay dùng mẫu on-line. Người ta khuyên nếu trị giá trên 100,000 đô la hay tài sản phức tạp nên nhờ luật sư xem lại và hướng dẫn. Một người “thi hành di chúc” (will executor) sẽ được chỉ định và việc phân phối tài sản sẽ qua sự giám sát của toà án gọi là "probate court".
Trust:
Nếu muốn tránh thủ tục rườm rà, tốn kém của probate court, người ta có thể lập nên một cái "living trust" (trust= tín thác, uỷ thác), là một thực thể riêng biệt sở hữu hết tài sản của mình, do mình kiếm soát (trustee) cho đến khi mình không còn tỉnh táo hay chết, thì qua tay của một người khác do mình chỉ định (successor trustee). Trong revocable trust, bản thân có thể thay đổi, điều khiển bất cứ phần nào của trust. Trong irrevocable trust (không thể đảo ngược), muốn thay đổi phải cho những người thừa kế (beneficiary) biết. Có những trút đặt biệt đễ dành tiền cho từ thiện, dành tiền bảo hiểm trả (ínsurance trust), dành tiền cho đời cháu mà không qua đời con (generation skipping trust). Những chuyện này thuộc lãnh vực của luật sư, ở đây chúng ta chỉ nhắc sơ qua mà thôi.
Trên đây là những điều áp dụng ở Mỹ. Luật pháp mỗi nơi mỗi khác. Tuy nhiên chúng ta có thể nghĩ đến những biện pháp đơn giản hơn như:
- Tụ họp con cháu và dặn dò rành mạch ý muốn của mình.
- Gia đình cũng nên tế nhị thăm dò ý muốn của cha mẹ, người thân của mình về việc hậu sự.
- Chỉ định một người nào đó quyền quyết định về săn sóc cho mình lúc bệnh trạng tới cuối đường.
- Viết rõ ràng ý muốn của mình trên giấy trắng mực đen, ký tên có người chứng (di chúc).
- Soạn sẳn các giấy tờ nhà đất, ngân hàng, bảo hiểm thu xếp có thứ tự và giao cho người tín cẩn lúc cần thiết.
- Hỏi ý luật sư nếu cần.
Chúc quý vị thính giả may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 20 tháng 12 năm 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét