Tìm kiếm Blog này

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2016

Nên từ chối ra sao khi bạn thân nhờ vả?

Nên từ chối ra sao khi bạn thân nhờ vả?

Chana R Schoenberger




Hỏi: Một người bạn đề nghị tôi trở thành khách hàng của công ty mới của cô ấy. Tôi muốn ủng hộ, nhưng tôi không nghĩ giá cả của cô ấy là phù hợp với giá trị sản phẩm. Tôi cũng không nghĩ mô hình kinh doanh của cô ấy là bền vững.
Đâu là ranh giới về lương tâm giữa việc làm một người bạn và làm một khách hàng phải giá quá cao cho một dịch vụ bạn không cần đến? Liệu có cách nào khiến tôi có thể giúp cô ấy cải thiện công việc kinh doanh mà không phải làm khách hàng mua sản phẩm, dịch vụ của cô ấy?
Đáp: Việc bắt đầu kinh doanh là vô cùng vất vả và thường khiến con người ta phải đặt sự kiêu hãnh lại phía sau và yêu cầu sự giúp đỡ.
Cũng dễ hiểu khi một doanh nhân mới vào nghề lại tìm đến những người cô ấy quen biết để yêu cầu họ làm khách hàng.
Điều này khiến nhiều người bị khó xử khi họ không thực sự muốn tham gia, nhưng không biết phải giải thích ra sao.
“Tôi không nghĩ tình bạn bao gồm cả trách nhiệm đóng góp một cách phí phạm tiền bạc đối với công việc kinh doanh không hiệu quả của nhau, nhưng tôi nghĩ rằng một người bạn tốt và một thành viên đáng tin cậy của cộng đồng nên hỗ trợ những người xung quanh,” Barak Richman, một doanh nhân và giáo sư luật ở Đại học Duke, viết trong email.
Các nguồn lực của một doanh nhân rất quan trọng đối với sự thành công của họ, và trong số các nguồn lực bao gồm cả quan hệ bạn bè và đồng nghiệp.
Những người khởi nghiệp cần nguồn lực tài chính - vốn, thông tin, doanh số bán hàng, cũng như sáng kiến, phản hồi và sự ủng hộ tinh thần, Richman nói.
Sẽ tốt hơn nếu bạn khéo léo giải thích vì sao bạn không muốn làm khách hàng, thay vì lảng tránh câu hỏi.
Phản hồi một cách rõ ràng về các dịch vụ và giá cả của chúng cũng rất có ích với các doanh nhân.
Nếu dịch vụ của cô ấy quá đắt và gây nguy hiểm cho cả công việc kinh doanh, cô ấy nên biết sớm hơn là muộn.
Hãy nghĩ về điều này như là một phần của quy trình mà các doanh nhân khi khởi nghiệp phải trải qua nhằm cải thiện sản phẩm và giá cả. Bạn có thể đóng vai trò này trong công ty của bạn mình.
“Hầu hết các doanh nghiệp đều tiến bộ theo thời gian, và nhiều người có thể vượt qua các thử thách ban đầu trong thị trường nhờ sự giúp đỡ của người khác,” Richman nói.
Nếu bạn bè của bạn không thể nghe sự thật từ bạn và những người quanh mình, cô ấy sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc đời.
Hãy nói với cô ấy rằng bạn muốn trở thành khách hàng của cô ấy, nhưng dịch vụ của cô ấy quá đắt.
Sau đó hãy giải thích với cô ấy về mối lo của bạn trước mô hình kinh doanh của cô ấy.
Dù cô ấy có nghe lời khuyên của bạn hay không, cả hai vẫn có thể tiếp tục mối quan hệ bạn bè, miễn là cô ấy không cảm thấy bị xúc phạm.
Và nếu cô ấy xem lời khuyên của bạn là một sự xúc phạm, có lẽ cô ấy không đủ bản lĩnh để làm một doanh nhân.

Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Capital.

Làm gì để về hưu trước lúc 40 tuổi?

Làm gì để về hưu trước lúc 40 tuổi?
Megan Snedden


Image copyright Other
Ước mơ được về hưu như một mục tiêu của nhiều thập niên làm việc là một việc, nhưng về hưu vào tuổi 40 lại là việc khác.
Điều tưởng như không thể thì lại có thể xảy ra, ít nhất đối với những người về hưu sớm và hưởng cuộc sống tốt đẹp sau một số năm làm một nghề lương cao nhưng phải làm cật lực đồng thời sống thanh đạm hoặc phải gắng làm một nghề được hậu đãi nhưng không thích thú gì.
Vì sao phải tự hành hạ mình như vậy chỉ vì muốn leo cao trong nghề nghiệp ở công ty khi còn trẻ? Ông Jason Hull, chuyên gia kế hoạch tài chính, nói rằng những người làm như vậy là vì họ nghĩ cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn một khi họ không phải sống trong khuôn khổ của một việc làm.
Bạn có nghĩ là bạn đã có điều để biến giấc mơ về hưu sớm thành sự thật? Để bắt đầu, có nhiều điều phải xem xét.
“Điều cuối cùng mà bạn muốn làm là không để làm việc 50 năm rồi bỗng dưng hết sạch tiền khi 90 tuổi. Giống như Paris Hilton đột nhiên không còn một xu; bà không biết phải làm gì nữa,” Hull nói.
Dưới đây là cách mà một số người đã về hưu được ngay từ khi còn sung sức và những trải nghiệm đáng học hỏi từ họ.
Vắt sức làm việc để tiết kiệm
 Hai năm trước đây trước khi về hưu Jeremy Jacobson, nay 41 tuổi, làm việc 80 tiếng một tuần với nghề nghiệp nghề kỹ sư. Nhưng hơn 10 năm trước, ở tuổi 28, khi đi nghỉ lần đầu ở Philippines, ông mới hiểu ra là mình muốn ra khỏi guồng chạy đua ngán ngẩm ở công ty.
“Trong một thời gian dài tôi đã đi theo con đường mà xã hội vạch ra, chỉ đi theo khuôn khổ mà người khác vẽ ra,” Jacobson, người Seattle, Washington, nói. “Sự đắm chìm vào công việc đã phủ mờ ước mong… được sống thực sự. Nếu ta vứt bỏ cam kết làm việc 60-80 tiếng/tuần thì ta thấy mở ra cơ hội trở lại trạng thái như đứa trẻ và khám phá các cơ hội mới.”
Thế là ông và vợ (bà Winnie, quản lý dự án ở một công ty máy tính) mưu tính bỏ việc bằng cách tiết kiệm hơn 70% tiền lương hàng năm, nghĩa là khoảng 100.000 USD.
Họ làm như vậy trong khoảng 10 năm bằng cách giảm mạnh việc chi tiêu. Giảm đến mức chỉ chi tiêu 24.000 USD một năm và chuyển phần thu nhập còn lại vào quỹ tiết kiệm có lãi xuất và vào đầu tư.
Đôi vợ chồng tính họ cần 25 lần tiền chi tiêu hàng năm để chu cấp lâu dài cho lối sống mới của họ, Jacobson nói. Họ cũng tính tới những khoản chi tiêu có thể thấy trước được như để nuôi dậy đứa con trai lúc này mới 5 tháng tuổi và lập quỹ tiền học đại học cho con mình.

Ngày nay vợ chồng Jacobsons sống ở những nơi như Thái Lan, Mexico và Đài Loan là quê hương của Winnie (33 tuổi), và phần lớn thời gian trong năm họ là đi du lịch, đến đâu thuê nhà hoặc căn hộ ở đó. Khi con họ đủ lớn, họ dự định dạy học nó ở nhà và tiếp tục du lịch.
Về hưu ở ngoài 30 tuổi theo kiểu triệu phú

Image copyright Other Image caption Mười năm trước, khi lập kế hoạch về hưu Brenton Hayden đã sống trong xe hơi của mình. Kể từ khi về hưu vào tháng 9, Brenton Hayden (30 tuổi) chỉ nhàn nhã xem bóng đá Mỹ và ung dung ăn trưa cùng vợ.
Trước đây với tư cách là cựu giám đốc thực thi của Renters Warehouse, một công ty quản lý bất động sản trên mạng, anh nói anh có thể về hưu ở tuổi 27, đó là mục tiêu ban đầu.
Nhưng rồi anh phải làm thêm một vài năm nữa để có nhiều tiền hơn. Và quả là như vậy, anh đã bán doanh nghiệp này vào tháng Chín năm 2015 với giá 10 triệu USD.
“Tôi bắt đầu sống phần còn lại của đời mình khi còn trẻ thay vì về hưu lúc già, và chỉ mường tượng phải quay lại làm việc nếu tôi hết tiền,” Hayden nói, anh sống ở Florida và Minnesota.
Điều then chốt, anh nói, là luôn đổi mới cuộc sống của mình và phải kiên trì.
Khi anh lập kế hoạch về hưu, cách đây 10 năm, anh chỉ sống trong xe ô tô sau khi bị mất việc hai lần trong vòng 6 tháng.
Vào thời điểm đó, anh tính toán cần bao nhiêu tiền khi về hưu và bắt đầu tìm việc trong các ngành nào mà họ trả nhiều lương để anh có thể tiết kiệm được nhanh.
Anh đã bắt đầu kinh doanh bất động sản vào năm 2007 với 3.000 USD mà bố mình cho vay, và ăn mì qua ngày, được bao nhiêu tiền thì đổ vào kinh doanh.
“Ta phải biết ta định làm gì và tránh cái gì và ta phải kiên định đam mê đó. Để đạt được mục đích, ta sẽ gặp phải những thách thức. Sẽ có nhiều khó khăn nhưng ta có khả năng vượt qua,” Hayden nói.
Anh sẽ làm gì khi đang nghỉ hưu?
Vào lúc này, anh đang đầu tư cho các dự án mà anh đam mê như cải tiến máy giặt công cộng tự động ở Minnesota là nơi anh sống một phần thời gian trong năm.
Về lâu dài, Hayden ước mơ mua một nhà ở Ý và sống cùng gia đình một phần thời gian trong khi du lịch các nơi khác ở Châu Âu.
Đi du lịch thế giới

Image copyright Other Image caption Vợ chồng Billy và Akaisha Kaderli sống kiểu sống mà họ gọi là “National Geographic” ở những nơi hẻo lánh, họ về hưu từ 25 năm trước khi họ mới 38 tuổi. Đi du lịch là một lý do lớn mà nhiều người muốn về hưu sớm.
Sống ở Panajachel, Guatemala, cặp vợ chồng Billy và Akaisha Kaderli sống kiểu sống mà họ gọi là “National Geographic” trong một làng dân Maya ven Hồ Atitlan, họ về hưu từ 25 năm trước, khi cả hai mới 38 tuổi. Họ luôn trên đường du lịch, cho dù là sống trong xe caravan hay căn hộ ở những nơi hẻo lánh.
“Trước đây chúng tôi không để ai biết kế hoạch về hưu vì không muốn việc thiếu lòng tin của ai đó làm chúng tôi phải xét lại kế hoạch,” Akaisha Kaderli nói. “Việc đó là khó khăn nhưng chúng tôi có được tự do.”
Trước kia, khi Billy còn làm nghề mua bán cổ phiếu ở Aptos, California, và Akaisha làm thư ký thì cặp đôi này cũng mở cửa hàng ăn Pháp-California.
Họ gần như không gặp nhau nhưng họ đã dành dụm được hàng nghìn đô la. Khi họ rời bỏ cuộc sống làm việc chán ngán thì họ đã tiết kiệm ở ngân hàng được 500.000 USD.
Cặp đôi này đến thẳng vùng Caribe sống sáu tháng và cuối cùng sống ổn định ở Chapala, Mexico bốn năm. Điều thích nhất khi đã hưu trí là có thời gian nhiều tháng để khám phá một vùng hoặc một đất nước. Họ cũng đã sống ở Nevis và đi thuyền buồm từ Grenada tới Venezuela.
Tiếp tục đầu tư chứng khoán, Billy Kaderli nói rằng tiền của họ đã tăng 8% một năm và nay họ còn khá giả hơn cả lúc mới về hưu.
“Thời gian là tài sản tốt nhất để tiền của chúng ta sinh sôi nảy nở, và tôi khuyên bạn bắt đầu ngay từ bây giờ bởi vì nó không phải điều gì khó hiểu,” ông nói.
Qua đó cặp vợ chồng này nói họ đã thấu hiểu tầm quan trọng của việc học hỏi trong cuộc sống, đảm bảo tự chủ và tiếp tục thích nghi với hoàn cảnh xung quanh.
“Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ quãng 25 năm qua của chúng tôi để đổi lấy bất kỳ một khoản tiền nào vì những con người chúng tôi đã được gặp và những nơi chúng tôi đã được thấy. Đó là một cuộc sống phong phú,” ông nói.

Mua nhà càng to càng khổ!

Mua nhà càng to càng khổ! 

Kate Ashford
Image copyright Getty
Năm năm trước, Christopher Charles bán ngôi nhà ở Kansas tại Mỹ và chuyển gia đình vào một nhà lớn hơn, tốt hơn gần đó.
Gia đình nghĩ rằng việc có nhiều không gian sẽ tốt hơn, với chất liệu xây dựng mới hơn và môi trường sống tốt gần trường hơn cho con cái, khi đó một đứa 10 tuổi, một đứa 13.
Ngôi nhà mới cũng có giá trị gấp ba lần so với giá của nhà cũ.
Trước khi mua nhà to hơn, Charles đã hoạch định ngân sách cho khoản trả nợ thế chấp ngân hàng tăng lên dựa trên thu nhập của mình, gồm tiền lương và các khoản trợ cấp thuế, nhưng lại không tính đến các chi phí khác: vật tư, công cụ để sửa chữa, đồ nội thất và thiết bị để lấp đầy không gian, và các khoản nâng cấp đắt đỏ hơn do diện tích lớn hơn.
Bên cạnh đó, còn có các chi phí thời gian, bao gồm việc làm vườn, dọn dẹp và bảo trì.
"Tất nhiên là bạn có thể thuê người làm một số việc đó, nhưng rất tốn kém," Charles, 35 tuổi, nói, đồng thời cho biết chăm sóc vườn mới là việc vô cùng tốn thời gian.
"Các sân lớn hơn khá nhiều, và việc cắt cỏ, tỉa tót rất nhiều áp lực vì các hộ gia đình xung quanh đều có sân đẹp."
Nhìn lại, Charles nói rằng ông lẽ ra nên chọn một ngôi nhà khác.
"Lời khuyên của tôi là không mua nhà lớn nhất và đẹp nhất có thể," ông nói.
"Số tiền và thời gian bạn tiết kiệm có thể được sử dụng để nâng cấp hoặc thậm chí tốt hơn - đầu tư."
Image copyright Thinkstock
Tuy nhiên, rất nhiều người mơ về một ngôi nhà lớn hơn.
Kết quả khảo sát đối với người Mỹ trưởng thành cho thấy 43% trong số họ thích những ngôi nhà lớn hơn căn nhà họ đang sống, theo trang web bất động sản Trulia.
Trong khi đó, hai phần ba người Anh hy vọng sẽ được dọn vào một ngôi nhà lớn hơn, theo báo cáo Step-up của Post Office Mortage.
"Đó là một hiện tượng rất bình thường trong bất kỳ thị trường bất động sản nào," Svenja Gudell, trưởng kinh tế gia của trang web bất động sản Zillow cho biết.
"Bạn khởi đầu với một ngôi nhà nhỏ hơn vì nhu cầu của bạn nhỏ hơn. Sau một thời gian, bạn có đứa con thứ hai, hoặc thứ ba, và bạn muốn có một cái sân lớn hơn. Cuộc sống thay đổi, vì vậy nhu cầu nhà của bạn cũng thay đổi."
Nếu bạn khao khát cải thiện không gian sống, dưới đây là một vài điều cần lưu ý:

Mua một ngôi nhà lớn đòi hỏi sự tìm tòi cặn kẽ

"Những ai muốn có nhà lớn hơn sẽ phải nghiên cứu về chi phí di chuyển, chẳng hạn như thuế đăng ký chủ quyền nhà, chi phí pháp lý, các chi phí khảo sát và các chi phí vận hành một ngôi nhà lớn hơn," Lawrence Hall từ trang mạng nhà đất ở Anh, Zoopla.co.uk, nói.
"Điều đó bao gồm khoản thanh toán thế chấp, hoá đơn gas điện, cũng như chi phí bảo hiểm tăng thêm." Và tất nhiên, bạn sẽ phải đối mặt với các loại thuế tài sản mà thường sẽ cao hơn khi bạn có một ngôi nhà lớn hơn.
Image copyright Thinkstock

Bạn cần chuẩn bị trong bao lâu?

Bạn sẽ cần thời gian để bán đi căn nhà hiện tại của mình và cần đủ thời gian để để mua một toà nhà lớn hơn, có thể mất từ sáu đến 12 tháng hoặc lâu hơn, tùy thuộc vào nơi bạn sống.
Nhưng bạn cũng nên dành thời gian trước khi bạn bắt đầu quá trình này để chắc chắn rằng bạn thực sự có khả năng chi trả cho việc mua và dọn vào sống ở một nơi lớn hơn.
"Ý tưởng mua nhà lớn hơn nghe thì có vẻ lãng mạn - có nhiều không gian hơn, nhiều nơi chứa đồ hơn, và không gian sống không còn quá gò bó," Monica Ma, từ trang web bất động sản Trulia, nói.
"Nhưng người tiêu dùng cũng nên xem xét các chi phí đi cùng với một không gian lớn hơn."

Làm ngay bây giờ:

Tính toán các con số.
Nếu bạn đã sở hữu một căn nhà, thì bạn đã nhận thức được các chi phí của việc duy trì một ngôi nhà, từ các hóa đơn tiện ích cho đến bảo trì.
Nhưng một số các chi phí của một ngôi nhà lớn hơn có thể làm bạn ngạc nhiên.
"Bỗng nhiên bạn có một lối đậu xe lớn hơn nhiều, vì vậy bạn có thể phải thuê người dọn tuyết cho bạn, và bạn cần có một người làm vườn tại vì bạn không thể tỉa nổi sân vườn lớn mà bạn đang có," Gudell nói.
Tuổi của ngôi nhà cũng tác động đến chi phí bảo trì. Một số nhà cũ cần bảo trì thường xuyên hơn.
"Có thể có chi phí bổ sung mà bạn đã không tính đến, như thay các máy nước nóng hoặc thay mái nhà," Gudell nói.
Image copyright Thinkstock
Lưu ý tới các chi phí giao dịch.
Thật không may việc bán nhà hiện tại để mua nhà mới không phải là miễn phí.
Các thương vụ này đi kèm với chi phí môi giới, phí thế chấp và chi phí di chuyển. Hãy xem xét xem liệu bạn có ở lại trong ngôi nhà mới đủ lâu để cảm thấy chi phí phải chi trả là xứng đáng hay không.
"Nếu bạn không dự định ở lâu, tôi nghĩ bạn nên ở lại ngôi nhà hiện tại của bạn và chăm chút kỹ lưỡng cho nó hơn," Gudell nói.
Hãy suy nghĩ về giá trị căn nhà khi bạn cần bán lại.
Ở một số thành phố của Mỹ, những ngôi nhà nhỏ hơn ở gần các khu đô thị hơn được bán nhanh hơn so với những ngôi nhà lớn hơn ở các vùng ngoại ô.
Vì vậy, nếu bạn đang tính đến việc chuyển đến một ngôi nhà ở ngoại ô, việc bán lại có thể sẽ rất mất thời gian. Hãy chắc chắn rằng ngôi nhà bạn sắp mua có những đặc điểm sẽ thu hút người mua, chẳng hạn như gần trường học tốt, gần các tuyến giao thông công cộng và nằm trong dân cư tử tế.
Tiền dự phòng cho những điều bất ngờ.
Dù bạn đã chuẩn bị kỹ lưỡng mấy đi nữa, bạn vẫn sẽ không thể lường trước được những chi phí nào sẽ đổ lên đầu mình.
"Chúng tôi đã bị bất ngờ trước nhu cầu cho một hệ thống lọc nước trị giá 5300 đôla," Andy Walker, 48 tuổi, người chuyển từ một ngôi nhà nhà rộng 102 mét vuông tại Toronto, Canada, đến một ngôi nhà rộng 274 mét vuông ở Florida, nói.
Chăm sóc vườn cũng là một vấn đề đối với Walker, người điều hành hai doanh nghiệp và phải thuê người giúp.
"Tôi tốn 60 đôla một tháng để thuê người cắt cỏ, 35 đôla mỗi tháng để trị mối mọt và phun thuốc côn trùng, bên cạnh một khoản 45 đôla cho việc bón phân và chăm sóc cây," ông nói.
"Chúng tôi trồng cọ ở sân trước và nếu chúng sẽ chết một cách dễ dàng nếu không được chăm tốt. Khi đó thì chi phí thay thế sẽ lên đến 300-600 đôla." Điều đó chưa bao gồm hàng rào trị giá 5000 đôla để giữ cho vật nuôi và đứa con trai hai tuổi của họ khỏi đi lạc ra bờ hồ lân cận - nơi là nhà của một con cá sấu.

Những việc có thể để lại làm sau:

Hãy kiên nhẫn với việc trang trí. Chỉ vì bạn tăng gấp đôi không gian của bạn không có nghĩa là bạn phải tăng gấp đôi đồ nội thất của bạn ngay lập tức.
"Chúng tôi sống năm đầu tiên trong các phòng trống rỗng, vì chúng tôi [không thể] kham nổi việc mua sắm nội thất mới," Walker nói. "Chúng tôi vẫn không có bàn đầu giường."
Hãy coi chừng lạm phát lối sống.Một ngôi nhà lớn hơn cũng không nhất thiết phải đi kèm với một chiếc xe đẹp hơn hay những kỳ nghỉ sang trọng hơn. Nếu bạn sử dụng địa chỉ mới của bạn như là một cái cớ để vung tiền vào những thứ lớn hơn và tốt hơn, bạn có thể tìm khiến mình bị lâm vào cảnh khó khăn về tài chính.
Hãy cân nhắc khôn ngoan. Hãy cân nhắc chi phí của việc nâng cấp
Bạn không nhất thiết lúc nào cũng phải di chuyển để có được không gian mình muốn.
"Trong một số trường hợp, bạn nên chọn ở lại và cải thiện căn nhà đang ở, làm tăng giá trị hiện tại của nó lên," Hall nói.
"Việc tìm hiểu kỹ về chi phí của các công trình xây dựng và giá trị của một ngôi nhà cũng là điều cần thiết."
Thêm vào đó, việc nâng cấp nhà hiện ở sẽ khiến bạn tiếp tục ở lại được nếu bạn yêu thích cộng đồng và các khu vực xung quanh.
"Tuy nhiên... đôi khi việc nâng cấp một căn nhà cũ có thể tốn sức, tốn thời gian hơn và tốn nhiều tiền hơn so với việc di chuyển đến một ngôi nhà lớn hơn," Ma nói.
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Capital.

Bạn sẽ thọ bao nhiêu tuổi?


Bạn sẽ thọ bao nhiêu tuổi?
David Spiegelhalter BBC Future



Thống kê về tuổi thọ trung bình cho thấy những thay đổi trong xã hội, những sự kiện diễn ra trên toàn cầu và xu hướng lão hóa trong tương lai.
Khi nói về tuổi thọ, chúng ta thường nghĩ đến tuổi thọ trung bình - nhưng những con số trung bình có thể không chính xác.
Ví dụ như trong Kinh Thánh, Thi thiên chương 90, theo nội dung ghi trong phiên bản của King James, viết "tuổi tác chúng ta thọ được 70", dù chỉ cho đến gần đây, con người mới đủ may mắn để sống đến độ tuổi đó.
Một số nhân vật lịch sử đã sống qua độ tuổi này, như Augutus Ceasar, thọ 75 tuổi, hoặc Michelangelo, thọ 88 tuổi.
Từ thời Hy Lạp cổ đại, nhiều ý kiến đã cho rằng số năm tuổi là bội số của 7, ví dụ như tuổi 49 hoặc 63, được cho là những năm nhiều rủi ro nhất của đời người.
Năm 1689, một mục sư ở Breslau, Silesia (giờ đây là thành phố Wroclaw, Ba Lan) đã tổng hợp một bảng thống kê tuổi thọ.
Những con số này sau đó đã được chuyển đến tay ông Edmond Halley, Anh quốc, người sau đó dùng chúng để hồi năm 1693 đưa ra bảng ước tính đầu tiên về cơ hội sống thọ tới một độ tuổi nhất định.
Không có bằng chứng nào cho thấy rủi ro tăng lên ở tuổi 49 hay 63, và cũng không giống như kinh thánh, tuổi thọ tối đa trong bảng thống kê của Halley lên đến 84 tuổi.
Ông cho rằng con người có 2% cơ hội sống thọ đến tuổi này. Và dường như để chứng minh cho điều này, bản thân Halley sống thọ đến 85 tuổi.

Thọ đến 64 Tuổi thọ con người bị tác động nhiều từ số lượng những người chết trước tuổi trưởng thành. Bởi tính tổng thể thì tuổi trung bình bị thấp đi, nhưng những người sống thì sẽ thọ hơn.
Paul McCartney viết bài 'Khi tôi 64 tuổi' khi chỉ mới 16. Thời đó, 64 tuổi được cho là đã già.
Tuy nhiên khi xem xét tỷ lệ sống sót từ giai đoạn sơ sinh đến 16 tuổi, sau đó từ 16 tuổi đến 64 tuổi, chúng ta có thể thấy sự thay đổi trong nhiều thập niên qua.
Thống kê của Human Mortality Database cho thấy trong năm 1841, 31% trẻ em sinh ra ở Anh và xứ Wales chết trước tuổi 16.
Tuy nhiên gần 50% những người sống sót qua độ tuổi này có khả năng thọ tới 64 tuổi.
Khi nhóm The Beatles thu âm bài 'Khi tôi 64 tuổi' vào năm 1966, có khoảng 2,5% trẻ em chết trước tuổi 16.
Những bé gái sống qua tuổi này có 85% cơ hội thọ đến 64 tuổi, trong khi ở nam tỷ lệ này thấp hơn, 74%, do phong cách sống kém lành mạnh thường thấy ở nam giới.
Đến năm 2009, tỷ lệ trẻ em chết trước tuổi 16 là 1% và 92% phụ nữ có khả năng sống thọ tới 64, trong khi tỷ lệ này ở nam giới là 87%.
Điều này dẫn đến tuổi thọ trung bình ở nữ giới là 82 và nam giới là 78.

Những sự kiện quốc tế Tuổi thọ trung bình còn mang tính lịch sử. Bên cạnh hai cuộc Thế chiến, cuộc hành quân của Napoleon sang Moscow, khiến 400.000 người thiệt mạng, đã làm giảm tuổi thọ trung bình đi 23 tuổi.
Dịch cúm ở Pháp năm 1918-1919 giảm tuổi thọ trung bình ở nữ giới đi 10 năm, trong khi HIV giảm tuổi thọ trung bình tại Nam Phi từ 63 tuổi trong năm 1990 xuống còn 54 tuổi trong năm 2010.
Nếu như trong năm 1970, Việt Nam có tuổi thọ trung bình là 48 thì giờ đây con số này là 75.
Anh quốc và xứ Wales đã phải tốn gần một thế kỷ, từ 1894 đến 1986, để đạt đến mức này.
Chúng ta cũng có thể thấy tác động của chênh lệch giàu nghèo trong một quốc gia.
Ví dụ như năm 1901, tuổi thọ trung bình của đàn ông da mầu tại Hoa Kỳ là 32. Có đến 43% đàn ông da đen chết trước tuổi 20.
Trong khi đó đối với đàn ông da trắng, tuổi thọ trung bình là 48 và chỉ 24% chết trước tuổi 20.
Sau 100 năm trải qua các phong trào dân sự, khoảng cách tuổi thọ vẫn còn đó, dù đã giảm đi nhiều, từ 16 năm xuống 5 năm.

Xu hướng lão hóa Chúng ta được biết là dân số toàn cầu đã đạt đến 7 tỷ người và đang tăng lên nhanh chóng.
Chúng ta cũng có thể ước tính tuổi thọ trung bình của những người sinh ra ngày nay.
Các thống kê cho thấy đàn ông sinh ra ở Anh và xứ Wales có thể sống đến 90 tuổi, trong khi con số này ở phụ nữ là 94.
32% nam giới và 39% nữ giới được ước tính sống thọ đến 100 tuổi vào năm 2112.
Những con số này khá thú vị, nhưng cũng gây tranh cãi.
Có điều chắc chắn rằng trẻ em của tương lai sẽ phải trông nom rất nhiều người già.
Thống kê của Liên Hiệp Quốc ước tính số người trên tuổi 60 sẽ tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ 2007 - 2050.
Việc tuổi thọ trung bình tăng lên và tỷ lệ sinh đẻ giảm xuống đồng nghĩa với việc ngày sẽ càng có ít người trẻ tuổi hơn.
Sẽ có hơn 2 tỷ người trên 60 tuổi trên toàn cầu vào năm 2050, và 400 triệu người trên 80 tuổi.
Thế nhưng cuộc sống của những người già này sẽ ra sao?
Thi thiên chương 90 viết "nếu mạnh khỏe thì sống đến tám mươi; song sự kiêu căng của nó bất quá là lao khổ và buồn thảm, vì đời sống chóng qua, rồi chúng tôi bay mất đi."
Đó không phải là một bức tranh về tuổi già có thể khiến chúng ta cảm thấy phấn khởi.
Vì sao chúng ta cố tìm cách sống thọ hơn, để rồi ngồi mỗi ngày ở góc phòng, nghe tiếng TV inh ỏi và không hiểu những người đến thăm đang gào lên những gì bên tai?
Thực tế không đến nỗi như vậy: Vào năn 2008, những người đàn ông Anh ở tuổi 65 được ước tính có khả năng sống thêm 17 năm, trong đó có 10 năm được miêu tả là sức khỏe từ 'tốt' đến 'rất tốt'.
Phụ nữ ở tuổi 65 được dự đoán là có thể sống thêm 20 năm, trong đó có 11 năm được xem là có 'sức khỏe tốt'.
Bản gốc bài viết đã được đăng trên BBC Future

Ta tin vào tôn giáo vì sợ chết?

bbc.com

Ta tin vào tôn giáo vì sợ chết? - BBC Tiếng Việt
Jonathan Jong Đại học Coventry



Image copyright iStock
Cái chết sắp không còn là điều kiêng kị. Trong những năm gần đây, người ta ngày càng cởi mở hơn trong việc đối thoại về cái chết, ở cả trong nhà và những nơi công cộng. Ví dụ, có những tiệm cà phê được mở ra đầu tiên là ở Thuỵ Sỹ vào năm 2004 và sau đó đã lan ra khắp thế giới, nơi mà người ta có thể đến ngồi ăn bánh ngọt, uống cà phê và nói về nỗi sợ hãi cái chết của mình.
Việc chúng ta ngần ngại nói về cái chết thường bị cho là do sợ hãi, và vì sợ nên chúng ta thường tránh nghĩ đến điều này.
Tuy nhiên cũng chỉ có ít bằng chứng cụ thể cho thấy con người thực sự sợ chết. Vậy lo lắng về cái chết ở mức thế nào thì gọi là bình thường?
Các nghiên cứu dựa trên kết quả khảo sát cho thấy chúng ta thường lo lắng bị mất những người mình yêu thương hơn là phải đối mặt với cái chết. Những nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng chúng ta lo lắng về quy trình chết, như là cảm giác đau đớn hay sự cô đơn, hơn là chính cái chết.

Chúng ta thực sự có sợ chết không? Nói chung, khi được hỏi liệu có sợ chết hay không, phần lớn chúng ta đều nói là không. Một số ít những người tỏ ra lo lắng quá nhiều về cái chết còn bị cho là có tâm lý bất bình thường và được khuyên nên đi điều trị.
Mặt khác, việc có ít người nói là sợ chết cũng có thể là do tâm lý thường tình của chúng ta, vốn ít khi muốn thừa nhận nỗi sợ hãi của mình.
Dựa trên giả thiết này, các nhà tâm lý xã hội học từ 30 năm qua đã nghiên cứu những tác động về mặt xã hội và tinh thần của con người khi đối mặt với cái chết
Trong hơn 200 cuộc thử nghiệm, các cá nhân đã được yêu cầu tưởng tượng mình đang hấp hối.
Nghiên cứu đầu tiên được thực hiện đối với các thẩm phán cấp thành phố tại Hoa Kỳ.
Những người này được yêu cầu định ra mức tiền thế chân để cho một người bị tình nghi là gái mại dâm trong một tình huống giả định được tại ngoại hầu tra.
Trung bình những thẩm phán từng đối mặt với cái chết trước đây đưa ra mức yêu cầu tiền thế chân cao hơn, 455 đô la, so với những người chưa từng đối mặt với cái chết, 50 đôla.
Kể từ đó, nhiều tác động của cái chết đã được nhận thấy giữa các nhóm nghiên cứu từ nhiều nước.

Mối liên hệ giữa nỗi sợ chết và niềm tin tôn giáo Bên cạnh việc làm chúng ta trở nên khắc nghiệt hơn, suy nghĩ về cái chết cũng khiến chúng ta có thành kiến hơn nhiều hơn trước những chủng tộc, tôn giáo và các nhóm tuổi khác.
Khi tổng hợp lại, hàng chục nghiên cứu này cho thấy khi nghĩ tới cái chết, con người ta thường cảm thấy gắn bó chặt hơn với những nhóm mà họ thuộc về, đến nỗi trở nên kỳ thị những người khác biệt mình.
Việc nghĩ đến cái chết cũng tác động tới niềm tin về chính trị lẫn tín ngưỡng của chúng ta.
Một mặt, nó làm cho chúng ta càng bị phân cực: Những người theo tư tưởng tự do thì càng tự do hơn, trong khi những người bảo thủ càng trở nên bảo thủ hơn.
Những người theo tín ngưỡng thì càng bấu víu vào niềm tin của mình hơn, trong khi những người vô thần thì càng trở nên vô thần hơn.
Mặt khác, những nghiên cứu này cũng cho thấy việc nghĩ về cái chết cũng đẩy chúng ta gần hơn đến niềm tin vào tôn giáo theo những cách vô ý thức.
Và khi suy nghĩ về cái chết đủ mạnh, thì cả những người theo tư tưởng tự do lẫn bảo thủ thường ủng cho những tư tưởng và những ứng viên bảo thủ.
Một số nhà nghiên cứu nói đây có thể là nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi trên trường chính trị của Hoa Kỳ sau sự kiện 11/9.
Thế nhưng vì sao cái chết khiến chúng ta trở nên khắc nghiệt, bảo thủ và tin vào tôn giáo hơn?
Một số người cho rằng việc nghĩ về cái chết khiến chúng ta thèm muốn sự bất tử hơn.
Nhiều tôn giáo nói đến sự bất tử trong sách vở. Tuy nhiên, sự gắn kết của chúng ta với quốc gia hay với những nhóm chủng tộc nào đó có thể mang lại sự bất tử một cách đầy biểu tượng. Những nhóm này cũng như phong tục, tập quán của họ sẽ tồn tại lâu hơn chúng ta.
Việc bảo vệ những chuẩn mực về văn hoá có thể làm tăng cảm giác thuộc về một nhóm cụ thể nào đó của chúng ta, khiến chúng ta trở nên khắc nghiệt hơn với những người vi phạm những chuẩn mực này - thái độ của các thẩm phán với gái mại dâm là một ví dụ.

Giấc mơ được bất tử Các nhà nghiên cứu cũng nhận ra rằng việc nghĩ về cái chết sẽ làm tăng mong muốn được nổi tiếng hoặc có con cái, cả hai đều liên quan đến sự bất tử mang tính biểu tượng. Chúng ta đều muốn được trở nên bất tử thông qua di sản trong công việc và qua việc để lại DNA của mình trên cõi đời.
Khi được hỏi, chúng ta ít khi thừa nhận, thậm chí là ngay cả với bản thân mình, rằng mình sợ cái chết.
Chúng ta cũng không nghĩ rằng việc nghĩ về cái chết có tác động lan rộng đến thái độ của chúng ta trong xã hội.
Nhưng khả năng suy nghĩ nội tâm của chúng ta cũng có giới hạn.
Chúng ta thường không thể phán đoán trước rằng mình sẽ cảm giác thế nào hay hành xử ra sao trong những viễn cảnh tương lai, và chúng ta cũng thường không hiểu nổi vì sao mình lại cảm giác hay hành xử theo những cách nhất định.
Vậy vì sao chúng ta lại có những nỗ lực trở nên cởi mở hơn về cái chết thông qua những cuộc đối thoại?
Khó để giải thích được điều này!
Việc nhắc đến cái chết nhiều hơn trong trí tưởng tượng của chúng ta ở cả những chốn riêng tư lẫn nơi công cộng có thể làm chúng ta trở nên nghiệt ngã hơn, nhiều thành kiến hơn, theo kết quả một số nghiên cứu.
Nhưng có lẽ chúng ta chịu những tác động tiêu cực này là do lâu nay vẫn không quen với việc nghĩ và nói về cái chết.
Trong trị liệu về tâm lý, việc khiến bệnh nhân đối mặt với điều làm họ lo lắng, chẳng hạn như một vật thể, một con vật, hay thậm chí một ký ức nào đó, sẽ giúp họ giảm bớt nỗi sợ hãi.
Tương tự, việc phá vỡ sự im lặng trước những điều kiêng kỵ sẽ giống như việc tiêm chủng cho tâm lý, giúp chúng ta mạnh mẽ hơn trước cái chết.
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Future.

Tính bầy đàn làm con người ngu xuẩn?

Tính bầy đàn làm con người ngu xuẩn? - BBC Tiếng Việt

Michael Bond
Image copyright iStock
Tầng trệt của một quán bia ở London có lẽ không phải là nơi mà hầu hết các chuyên gia tâm lý sẽ chọn để tổ chức một cuộc thử nghiệm về cách thức con người ta đưa ra quyết định. Thế nhưng với Daniel Richardson, nó là nơi hoàn toàn lý tưởng.
Là một nhà nghiên cứu tại University College London, ông rất quan tâm đến cách mà con người bị tác động bởi những người xung quanh - ví dụ như việc quan sát quyết định của người khác làm ảnh hưởng đến quyết định của chính chúng ta.
Để thử nghiệm điều này, ông cần một bối cảnh trong đời thực, nơi mà con người ta gặp gỡ và giao tiếp, thay vì một phòng thí nghiệm nơi mà họ thường bị cách ly.
Tối hôm đó, khoảng 50 người chúng tôi đã có mặt tại câu lạc bộ Phoenix Arts ở Soho để tham gia vào thí nghiệm của Richardson.
Không khí nơi khá vui nhộn.

Ảnh hưởng tâm lý

Richardson đứng trước mặt chúng tôi, xắn tay áo như thể đang trình diễn trên sân khấu. Tuy nhiên mọi thứ đều là một phần của một thí nghiệm khoa học nghiêm túc.
Mỗi chúng tôi vào xem một trang web được thiết kế nhằm phục vụ cuộc nghiên cứu này, trong đó cho phép chúng tôi di chuyển một dấu chấm phía trên màn hình cảm ứng.
Dấu chấm của mỗi người sẽ hiện lên trên một màn hình lớn hơn ở phía trước căn phòng.
Như vậy, tất cả suy nghĩ của chúng tôi sẽ được trình chiếu ra cho tất cả mọi người, trong đó có cả Richardson.
Khi tất cả mọi người di chuyển dấu chấm trên màn hình cá nhân của mình, những dấu chấm trên màn hình lớn giống như một đàn ong giận dữ.
Khi chúng tôi đã bắt đầu thạo thao tác, ông bắt đầu hỏi câu hỏi đầu tiên: “Bạn đã bao giờ gian lận khi làm một bài kiểm tra nào đó chưa?”
Những người trả lời ‘không’ di chuyển dấu chấm của mình sang bên trái, và những người trả lời ‘có’ di chuyển dấu chấm của họ sang bên phải.
Image copyright Getty
Ban đầu chúng tôi đưa ra câu trả lời một cách riêng lẻ, và các dấu chấm được ẩn đi trên màn hình lớn. Sau đó, chúng tôi trả lời theo nhóm.
Richardson muốn biết là sự khác biệt này liệu có dẫn đến những kết quả khác nhau không. Liệu chúng tôi có trung thực hơn khi trả lời một mình và liệu chúng tôi có thay đổi câu trả lời của mình trước tác động của người khác hay không?
Phần chính của cuộc thử nghiệm bắt đầu, và chúng tôi bắt đầu được hỏi ý kiến về những chủ đề khác nhau.
“Anh quốc có nên rời EU không?” Richardson hỏi.
Hầu hết các dấu chấm đều chạy qua bên trái, tức ‘không’.
“Các cuộc đình công của công nhân tàu điện ngầm cần bị pháp luật cấm đoán.” Các dấu chấm bay loạn xạ vì chúng tôi đã tìm kiếm câu trả lời mà số đông có thể chấp nhận.
“Người đi mua ăn cho bạn bè cần được chia phần nhiều hơn.” Cũng một chút hỗn độn trước khi các dấu chấm thi nhau chạy sang bên trái.
Thế nhưng liệu có bao nhiêu người trong chúng ta tỏ ra lưỡng lự nếu những dấu chấm này được ẩn đi?
Đáng tiếc là kết quả cuối cùng không được tiết lộ cùng đêm đó (bởi chúng sẽ được dùng như một phần trong bài luận lấy bằng tiến sỹ).
Thế nhưng Richardson nghĩ rằng chúng sẽ giúp chúng ta thấy được tác động nguy hiểm của tính bầy đàn.
Khi ở trong một nhóm, con người ta thường đưa ra những quyết định nặng về mặt định kiến và kém thông minh hơn so với lúc đưa ra quyết định một mình.
“Khi con người ta tương tác, họ lại đồng ý với nhau và từ đó đưa ra những quyết định tệ hơn,” ông nói.
“Họ không chia sẻ thông tin, họ chỉ chia sẻ định kiến. Chúng tôi đang tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến điều này và từ đó tìm ra cách để đưa ra một quyết định tốt hơn trong tập th

Hiệu ứng 'sự khôn ngoan của đám đông'

Nghiên cứu của Richarson về sự hùa theo tiếp nối những nghiên cứu về tâm lý đã diễn ra suốt 60 năm qua.
Hồi thập niên 1950, nhà tâm lý học tại Harvard, Solomon Asch, đã chỉ ra rằng con người ta thường hùa theo quyết định của số đông ngay cả khi quyết định đó sai rõ ràng, và ngay cả khiến họ phải đi ngược lại lý trí của mình.
Cũng trong thời gian đó, Read Tuddenham từ Đại học California chỉ ra rằng các sinh viên của ông sẽ đưa ra những câu trả lời quái gở đối với những câu hỏi đơn giản, ví dụ như các bé trai có tuổi đời trung bình là 25 năm - khi mà họ nghĩ rằng những người khác đã có cùng câu trả lời.
Tính bầy đàn hoàn toàn đối lập với hiệu ứng ‘sự khôn ngoan của đám đông’ - khi mà ý kiến của số đông thường giúp đưa ra những câu hỏi hoặc dự đoán chính xác hơn là ý kiến cá nhân.
Điều này chỉ xảy ra khi mà các cá nhân trong đám đông đó đưa ra quyết định một cách độc lập.
Điều này chỉ hiệu quả khi có sự độc lập rõ ràng giữa các cá thể trong đám đông, và hiệu quả nhất khi đó là đám đông có các thành viên đa dạng. Trong một nhóm có nhiều điểm tương đồng, các thành viên có cùng nhân dạng và nhu cầu đoàn kết sẽ vượt lên trên tất cả.
Vì vậy, khi Richardson đưa ra bức hình của một con cá heo sát thủ và hỏi chúng tôi về cân nặng của nó, ông nên dựa vào mức độ trung bình ở tất cả các câu trả lời của từng cá nhân, thay vì dựa vào những dấu chấm trên màn hình lớn.
Đó là nói về mặt lý thuyết. Những dữ liệu từ cuộc thí nghiệm sẽ giúp Richardson và các sinh viên của ông kiểm tra lý thuyết này và tìm hiểu sâu hơn về việc sự diện của người khác sẽ tác động đến suy nghĩ của chúng ta ra sao.
Ông đã để lại cho chúng tôi một suy nghĩ xa hơn về mạng xã hội: “Chúng ta nghĩ về Internet như là một siêu xa lộ thông tin. Thế nhưng nó không phải là vậy, nó là một siêu xa lộ những thành kiến. Twitter và Facebook là những công cụ chia sẻ thông tin tuyệt vời, nhưng vì chúng ta đang chia sẻ những định kiến của mình, nó khiến chúng ta trở nên ngu xuẩn hơn.”
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Future.