Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 20 tháng 12, 2022

Cách sử dụng ống nghe y tế (2021)

Ống nghe y tế giúp đỡ chúng ta rất nhiều trong việc khám chữa bệnh nhờ khả năng khuếch đại các âm thanh khó nghe thấy được của cơ thể, từ đó phát hiện ra những dấu hiệu bất thường và những triệu chứng của bệnh tật. Tuy nhiên, để khai thác được hiệu quả công dụng này, bạn cần phải hiểu rõ cách sử dụng ống nghe y tế trước tiên. Đây cũng chính là vấn đề mà chúng tôi muốn chia sẻ với bạn trong bài viết này.
Chuẩn bị ống nghe trước khi thăm khám
Chất lượng của việc thính chẩn không chỉ phụ thuộc vào kỹ năng của người khám bệnh mà còn chịu ảnh hưởng rất nhiều từ quá trình chuẩn bị, bao gồm chuẩn bị ống nghe và chuẩn bị cho người bệnh. Trong đó, chuẩn bị ống nghe sẽ giúp quá trình sử dụng luôn hiệu quả và thoải mái, ngay cả khi phải khám bệnh trong thời gian dài.
1/ Chọn ống nghe phù hợp
Chọn ống nghe là một công việc khá phức tạp, nhưng lại có thể đem lại những hiệu quả rất bất ngờ. Một chiếc ống nghe phù hợp sẽ mang lại cho người dùng cảm giác chắc chắn, tự tin và thoải mái khi sử dụng. Ngoài ra, màu sắc và ngoại hình của ống nghe cũng ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng của bệnh nhân và người khám bệnh, góp phần quyết định hiệu quả của quá trình thính chẩn.
Khi lựa chọn ống nghe, bạn nên chú ý thật kĩ 2 vấn đề quan trọng sau:
Loại mặt nghe: ống nghe y tế hiện nay có rất nhiều loại mặt nghe khác nhau, bao gồm ống nghe 1 mặt, ống nghe 2 mặt (1 màng nghe + 1 chuông nghe) và ống nghe 2 màng nghe (1 người lớn + 1 trẻ em). Mỗi loại này sẽ có những thế mạnh và ứng dụng khác nhau, đáp ứng nhu cầu của nhân viên y tế trong tất cả mọi lĩnh vực.
Kích thước mặt nghe: mặt nghe có kích thước lớn thường sẽ sử dụng cho người lớn, mặt nghe kích thước nhỏ hơn thì phù hợp để khám bệnh cho trẻ em. Nếu thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhi, bạn nên lựa chọn những dòng ống nghe có kích thước mặt nghe nhỏ (ống nghe trẻ em) hoặc những dòng ống nghe có cả 2 mặt đều là màng nghe (1 người lớn + 1 trẻ em).
Đây chính là 2 tiêu chí quan trọng nhất khi chọn mua ống nghe y tế. Ngoài ra, bạn cũng nên xem xét những yếu tố khác như thương hiệu, giá thành, màu sắc và chất liệu của ống nghe để lựa chọn được sản phẩm ưng ý nhất. Nếu muốn tìm hiểu thêm về vấn đề này, vui lòng tham khảo bài viết hướng dẫn chọn ống nghe của chúng tôi.Nên dùng mặt nghe kích thước nhỏ khi khám bệnh cho trẻ em
2/ Điều chỉnh quai nghe
Quai nghe là bộ phận tạo ra lực ép lên ống tai khi sử dụng. Nếu lực ép này quá lớn, tai sẽ dễ bị nhức mỏi khi sử dụng ống nghe trong thời gian dài. Ngược lại, nếu lực ép quá nhỏ, khả năng cách âm của ống nghe sẽ giảm sút đáng kể. Do đó, trước khi bắt đầu thăm khám bệnh nhân, bạn nên điều chỉnh góc độ của quai nghe sao cho phù hợp và thoải mái nhất với cấu tạo tai của mình.Nới rộng quai nghe: dùng tay nắm lấy 2 quai nghe sau đó uốn từ từ ra phía ngoài. Thực hiện lại động tác nhiều lần cho đến khi đạt được góc độ phù hợp.
Thu hẹp quai nghe: bắt chéo 2 quai nghe và dùng tay bóp sát phần chạc chữ Y. Thực hiện lại động tác nhiều lần cho đến khi đạt được góc độ phù hợp.
Điều chỉnh góc độ quai nghe
3/ Thay nút tai phù hợp
Hầu hết các ống nghe hiện nay đều đi kèm một bộ nút tai với nhiều kích thước và độ cứng khác nhau. Điều này là do nút tai cũng ảnh hưởng rất lớn lên trải nghiệm của người sử dụng và chất lượng âm thanh của ống nghe. Để bảo đảm hiệu quả khi thính chẩn, bạn nên lựa chọn loại nút tai sao cho phù hợp và thoải mái nhất đối với bản thân mình.
Cách thay thế nút tai: nếu ống nghe của bạn cho phép thay đổi nút tai, bạn có thể rút (hoặc vặn) nút tai cũ ra khỏi quai nghe, sau đó đút (hoặc vặn) nút tai phù hợp vào lại đúng vị trí. Đừng quên cất kĩ những nút tai vừa được thay thế để tránh tình trạng thất lạc khi cần sử dụng lại trong tương lai.
Gắn nút tai vào quai nghe
4/ Đeo ống nghe đúng cách
Trước khi đeo ống nghe, hãy chắc chắn rằng quai nghe và nút tai đang hướng về phía trước, sau đó mới cho nút tai vào trong tai. Tư thế này không chỉ mang lại sự thoải mái tối đa cho người sử dụng mà còn đảm bảo ống tai được bịt kín, ngăn chặn những tạp âm lẫn vào từ bên ngoài
.


5/ Điều chỉnh mặt nghe
Khi sử dụng ống nghe 2 mặt, bạn sẽ phải lựa chọn mặt nghe phù hợp trước khi bắt đầu thăm khám cho bệnh nhân. Việc này sẽ phụ thuộc vào đối tượng bệnh nhân đang tiếp xúc (người lớn hay trẻ em) và âm thanh mà bạn đang cần thính chẩn (tần số cao hay tần số thấp).
Đối với những dòng ống nghe có 2 màng nghe, màng nghe lớn sẽ dùng để khám bệnh cho người lớn và màng nghe nhỏ dùng để khám bệnh cho trẻ em. Những ống nghe này thường sẽ đi kèm với màng nghe đa tần số nên bạn không cần phải lo lắng về việc thiếu đi chức năng của chuông nghe.
Ống nghe 2 màng nghe
Đối với những dòng ống nghe có 1 màng nghe và 1 chuông nghe, màng nghe thường sẽ được dùng để nghe âm thanh tần số cao và chuông nghe để nghe âm thanh tần số thấp.
Ống nghe 1 màng nghe 1 chuông nghe
Cách đổi mặt nghe: xoay mặt nghe cho đến khi nghe tiếng “cạch” báo hiệu đường dẫn âm đã được kết nối, sau đó gõ nhẹ lên mặt nghe đã lựa chọn để kiểm tra xem có âm thanh hay chưa. Xoay 180 độ để chuyển đổi giữa 2 mặt nghe.

Cách đổi mặt nghe trên ống nghe 2 mặt
Cách cầm mặt nghe: kẹp mặt nghe giữa ngón trỏ và ngón giữa của bàn tay. Cách cầm này sẽ giúp bạn tránh dùng áp lực quá mức lên mặt nghe hoặc chà sát vào và vùng màng nghe, những lỗi thường tạo ra các tạp âm không cần thiết.
Hướng dẫn cách thính chẩn bằng ống nghe
1/ Quy tắc thính chẩn cơ bản
Để bảo đảm chất lượng của quá trình thính chẩn, trước tiên bạn cần phải nắm rõ những nguyên tắc cơ bản khi sử dụng ống nghe. Sau đây, mời bạn tham khảo 3 giai đoạn quan trọng nhất khi tiến hành thính chẩn cho một bệnh nhân bất kỳ.
Bước 1: Chuẩn bị môi trường khám
Thực hiện thăm khám trong môi trường yên tĩnh, đầy đủ ánh sáng và nhiệt độ ấm áp. Điều này sẽ khuếch đại chất lượng âm thanh của ống nghe và giúp bạn nghe được cả những âm thanh nhỏ nhất.

Môi trường phù hợp cho việc thính chẩn

Bước 2: Chuẩn bị bệnh nhân
Hướng dẫn bệnh nhân duy trì tư thế tối ưu tùy vào mục đích và vị trí khám. Bộc lộ da trần ở vùng cần thính chẩn, không sử dụng ống nghe trên bề mặt quần áo để hạn chế tạp âm.
Sử dụng ống nghe trực tiếp trên da trần

Bước 3: Tiến hành thính chẩn
Lần lượt áp ống nghe lên những vị trí thính chẩn quan trọng và tập trung nghe âm thanh của cơ thể. Thăm khám bệnh nhân ở tất cả các tư thế nằm ngửa, ngồi và nằm nghiêng trái để nghe được tất cả những âm thanh cần thiết. Nghe lại tất cả các vị trí một lần nữa bằng chuông nghe nếu sử dụng ống nghe 2 mặt.
Tiến hành thính chẩn ở nhiều tư thế khác nhau

Nếu tuân thủ đầy đủ những bước cơ bản này, bạn sẽ có được những kết quả thính chẩn chính xác nhất để đưa ra chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Tuy nhiên, cách sử dụng ống nghe còn tùy thuộc vào từng vùng cơ thể khác nhau và đặc thù riêng của các cơ quan. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ tóm tắt những kỹ thuật thính chẩn phổ biến nhất trong những phần tiếp theo của bài viết này.
2/ Cách sử dụng ống nghe để đo huyết áp
Hiện nay, hầu hết mọi người đều chọn mua máy đo huyết áp điện tử để phục vụ nhu cầu theo dõi huyết áp tại nhà. Tuy nhiên, máy đo huyết áp điện tử lại có nhược điểm là độ chính xác không cao và cần phải được điều chỉnh định kỳ. Do đó, đối với nhân viên y tế, phương pháp đo huyết áp cổ điển với máy đo huyết áp cơ và ống nghe vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu. Sau đây, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cách sử dụng ống nghe y tế để đo huyết áp chính xác nhất cho bệnh nhân.
Bước 1: Dán vòng bịt vòng quanh cánh tay của bệnh nhân, ở phần phía trên khuỷu tay. Vòng bịt cần phải vừa khít, không quá chặt hay quá lỏng.
Bước 2: Đặt màng nghe luồn phía dưới vòng bịt, đè lên trên động mạch cánh tay.
Bước 3: Bơm vòng bịt cho đến khi bạn không còn nghe được tiếng mạch đập, sau đó bơm thêm khoảng 20 – 30 mmHg.
Bước 4: Xả hơi từ từ khỏi vòng bịt đồng thời lắng nghe và tập trung quan sát đồng hồ đo áp suất. Nhịp đập rõ ràng đầu tiên mà bạn nghe thấy sẽ báo hiệu huyết áp tâm thu của bệnh nhân và số đo trên đồng hồ khi nhịp đập dừng lại sẽ tương ứng với huyết áp tâm trương.Cách sử dụng ống nghe để đo huyết áp
3/ Cách sử dụng ống nghe để nghe tim
Khi nói về kĩ năng sử dụng ống nghe, bác sĩ tim mạch có lẽ chính là những người thuần thục nhất. Do đó, phần này chỉ nhằm mục đích hướng dẫn các bạn sinh viên mới bắt đầu sử dụng ống nghe và nhắc lại một số điều cơ bản về nghe tim trong khám bệnh tổng quát.
Khi thính chẩn ở tim, tối thiểu bạn phải nghe được âm thanh ở 4 vị trí cơ bản nhất, sử dụng cả màng nghe và chuông nghe hoặc màng nghe đa tần số để theo dõi được tất cả các khoảng âm thanh khác nhau:
Bờ phải tim (khu vực động mạch chủ): khoang liên sườn thứ hai nằm bên phải xương ức. Bạn có thể nghe rõ nhất âm thanh từ van động mạch chủ tại vị trí này.
Bờ trái tim (khu vực phổi): khoang liên sườn thứ hai bên trái xương ức. Bạn có thể nghe rõ nhất âm thanh từ van phổi trong khu vực này.
Bờ xương ức dưới bên trái (LLSB) (khu vực van ba lá): khoang liên sườn thứ tư bên trái xương ức. Bạn có thể nghe rõ nhất âm thanh từ van ba lá và tiếng tim phải trong khu vực này.
Mỏm tim (Khu vực van hai lá): khoang liên sườn thứ năm trên đường trung đòn. Nghe âm thanh từ van hai lá và tiếng tim trái trong khu vực này là dễ nhất.4 vị trí cơ bản để nghe tiếng tim

Khi thính chẩn ở tim, bạn cần phải chú ý nghe số lượng nhịp tim, loại nhịp tim, nhịp điệu của tiếng tim cũng như những âm thanh đáng lẽ không nên có, ví dụ như tiếng gallop, tiếng thổi, tiếng click giữa tâm thu, tiếng snap mở van. Ban đầu, những âm thanh này sẽ có vẻ như hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên, khi đã nghe tim thành thạo, bạn sẽ dễ dàng phân biệt được chúng khi thăm khám cho bệnh nhân.
Để đạt được hiệu quả tối ưu khi nghe tim, bạn nên chọn mua những dòng ống nghe tim mạch chuyên dụng. Những dòng ống nghe này sẽ được trang bị những công nghệ phù hợp để nghe tiếng tim và có âm thanh tốt hơn rất nhiều so với ống nghe dùng cho khám bệnh tổng quát.
4/ Cách sử dụng ống nghe để nghe tiếng phổi
Nghe âm thanh của phổi sẽ giúp bạn xác định được nhịp, nhịp điệu và chất lượng của hơi thở, phát hiện vật cản trong đường thở cũng như những tiếng cọ báo hiệu viêm màng phổi.
Điều quan trọng nhất trong thính chẩn phổi là phải nhất quán trong quá trình chuẩn bị và thính chẩn bệnh nhân. Việc này sẽ cho phép đánh giá tình trạng phổi chính xác hơn và tăng khả năng phát hiện được những thay đổi khó nghe trong tiếng thở.Bắt đầu nghe từ phía trên xương đòn do nhu mô phổi thường kéo dài đến vị trí này.
Luôn luôn lắng nghe bên trái và bên phải ở cùng một mức trước khi chuyển xuống mức thấp hơn. Bằng cách này, bạn sẽ so sánh được giữa 2 bên phổi, và các bất thường sẽ trở nên rõ ràng hơn.
Khi nghe ở sau lưng, bạn nên hướng dẫn bệnh nhân hơi cuối người về phía trước để bộc lộ rõ vùng tam giác thính chẩn.
Biết rõ về cấu tạo phổi cũng rất quan trọng để giúp bạn thính chẩn đúng vị trí. Dưới đây là những vị trí nghe âm thanh phổi phổ biến nhất. (Nguồn: 3M Littmann)
Những vị trí nghe âm phổi phổ biến
4/ Cách sử dụng ống nghe để nghe âm bụng
Nghe âm bụng là một trong những giai đoạn quan trọng trong quy trình khám bụng cơ bản, bao gồm nhìn, nghe, gõ, sờ. Âm thanh ở bụng sẽ giúp chúng ta đánh giá được tình trạng nhu động ruột và một số bệnh về mạch máu ở vùng này.
Để thính chẩn vùng bụng, bạn sử dụng màng nghe đặt trực tiếp lên da bụng của bệnh nhân. Khu vực nghe là xung quanh rốn. Âm thanh của nhu động ruột thường sẽ giống với tiếng gầm gừ hoặc tiếng càu nhàu, là dấu hiệu cho thấy hệ tiêu hóa của bệnh nhân vẫn còn khỏe mạnh và đang hoạt động bình thường.
Giảm nhu động ruột thường là dấu hiệu của tắc nghẽn hoặc táo bón. Ngược lại, tăng nhu động ruột thường là dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa hoặc dị ứng thức ăn.Những vị trí có thể sử dụng ống nghe để nghe âm bụng (ruột)
5/ Cách sử dụng ống nghe để phát hiện âm thổi
Âm thổi là âm thanh bất thường của mạch máu, thường là dấu hiệu cho thấy động mạch đã bị thu hẹp (do xơ vữa hoặc huyết khối), tạo ra một dòng chảy hỗn loạn. Đây là một âm thanh bất thường, nếu bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, bạn sẽ không thể nghe được bất kỳ âm thổi nào.
Âm thổi có thể được phát hiện bằng cách đặt ống nghe ở cổ (âm thổi động mạch cảnh), rốn (âm thổi động mạch chủ bụng), thận (âm thổi thận), xương đùi, xương chậu và động mạch thái dương.Cách sử dụng ống nghe để phát hiện âm thổi (ĐM cảnh)
Vệ sinh và bảo quản ống nghe
Để tránh tình trạng lây truyền chéo giữa các bệnh nhân, bạn cần phải vệ sinh ống nghe của mình trước/sau mỗi lần thăm khám. Tuy nhiên, nếu vệ sinh không đúng cách, bạn sẽ vô tình khiến cho chất lượng và độ bền của chiếc ống nghe yêu quí giảm sút đáng kể chỉ sau một thời gian ngắn sử dụng.
Sai lầm thường gặp nhất của nhân viên y tế hiện nay chính là sử dụng luôn dung dịch rửa tay sát khuẩn trong bệnh viện để vệ sinh ống nghe. Phương pháp này mặc dù khá tiện lợi nhưng lại rất dễ làm làm hư hỏng các phụ kiện và mặt nghe của ống nghe do tác dụng của các phụ chất có trong dung dịch.
Do đó, đối với những dòng ống nghe hiện nay, bạn nên sử dụng một trong những dung dịch vệ sinh sau để sát khuẩn:
*Nước và xà phòng trung tính
*Cồn 70 độ (alcol)
*Dung dịch tẩy trắng 2% (có thể làm phai màu dây nghe)
Tuyệt đối không rửa hoặc ngâm ống nghe trong bất kỳ loại dung dịch nào. Thay vào đó, hãy vệ sinh ống nghe bằng giẻ lau tẩm cồn, hoặc giẻ lau nhúng trong dung dịch vệ sinh thích hợp

.
Vệ sinh mặt nghe
Vệ sinh dây nghe
Sau khi sử dụng, bạn cũng cần phải bảo quản và cất giữ ống nghe đúng cách để kéo dài tuổi thọ của ống nghe cũng như ngăn ngừa những tốn hại đến chức năng và tính thẩm mỹ. Thông thường, bạn có thể để lại ống nghe vào trong hộp đựng ban đầu hoặc cất vào trong ngăn tủ, ngăn kéo, quan trọng nhất là phải bảo đảm những nguyên tắc sau:Không để ống nghe ở nơi nóng quá hoặc lạnh quá.
Không để ống nghe dưới ánh nắng mặt trời trực tiếp vì phơi nắng liên tục sẽ làm dây nghe bị cứng.
Không để/giữ ống nghe gần dung môi hoặc dầu.
Không đặt vật nặng lên ống nghe vì có thể làm ống nghe cong vênh.
Không bảo quản ống nghe bằng cách gập lại rồi để trong túi.
LECONGHY1999

Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2022

Viêm da cơ địa , căn bệnh "ưa" thời tiết lạnh, khô khiến da ngứa ngáy: Chuyên gia chỉ cách đối phó





Vào mùa đông, bệnh viêm da cơ địa thường diễn biến nặng, lâu, và gây cảm giác khó chịu cho người bệnh.
PGS.TS.BS Hoàng Thị Lâm, Đơn vị Dị ứng Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết viêm da cơ địa là một bệnh dị ứng khiến da người bệnh đỏ và ngứa. Bệnh xảy ra ở hầu hết các đối tượng, kể cả người lớn và trẻ nhỏ. Khi ngứa, bệnh nhân càng gãi thì càng làm bệnh trở nên nặng hơn, thậm chí các vết thương có nguy cơ bị nhiễm trùng. Nguyên nhân là do cơ địa của họ nhạy cảm với điều kiện thời tiết lạnh, khô hanh và độ ẩm tương đối thấp.
Viêm da cơ địa là một bệnh mạn tính nên có thể tái phát bất kỳ khi nào có các yếu tố thuận lợi làm bệnh nhân khó chịu. Bệnh thường khởi phát từ khi bệnh nhân còn nhỏ tuổi, với những đợt tái phát và có thể kéo dài suốt đời.
"Chưa có nghiên cứu nào xác định chính xác nguyên nhân gây ra viêm da cơ địa. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể là các nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ và khiến bệnh trở nên nặng hơn. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể tiếp xúc nhiều dị nguyên, các yếu tố này khiến cho bệnh có thể khởi phát như: Vệ sinh kém, căng thẳng, stress, sức đề kháng yếu, cơ địa nhạy cảm…", PGS Lâm cho hay.
Yếu tố môi trường cũng đóng vai trò quan trọng làm khởi phát bệnh, cụ thể:
- Ô nhiễm môi trường, môi trường công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất tẩy rửa, hóa chất hoặc bụi vải,...
- Yếu tố khí hậu: Bệnh viêm da cơ địa nặng hơn khi giao mùa, hoặc thời tiết lạnh khô làm tình trạng khô da nặng hơn.
Ngoài ra, di truyền cũng là một nguyên nhân của bệnh viêm da cơ địa. Các nghiên cứu cho thấy bệnh viêm da cơ địa chưa xác định được rõ ràng do gen nào đảm nhiệm. Nhưng khoảng 60% người lớn bị viêm da cơ địa có con bị bệnh này, nếu cả bố và mẹ cùng bị bệnh thì con sinh ra có đến 80% cũng bị bệnh viêm da cơ địa. Vì vậy có thể nói, với những người có ông bà, cha mẹ mắc viêm da cơ địa thì thế hệ sau có nguy cơ mắc bệnh hơn nhiều lần, và cao hơn so với những người có cha mẹ bị hen phế quản hay viêm mũi dị ứng. Điều đó cho thấy yếu tố cơ địa dị ứng rất quan trọng trong viêm da cơ địa.
Dấu hiệu của viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa thường thể hiện với các dấu hiệu sau:
- Ngứa ngáy: Đây là triệu chứng đầu tiên dễ nhận thấy gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống sinh hoạt của người bệnh mắc viêm da cơ địa.
- Xuất hiện nổi ban đỏ và mụn nước trên da: Người bệnh viêm da cơ địa sẽ xuất hiện những vùng da dễ bị ảnh hưởng nhất là mặt sau đầu gối, mặt trước khuỷu tay, vùng cổ, ngực, da mặt... gây mất thẩm mỹ.
- Đóng vảy tiết: Người bệnh viêm da cơ địa gãi nhiều khiến vùng da bị tổn thương nứt rách tạo thành các vết vảy tiết có thể gây đau đớn, khó chịu.
Theo PGS Lâm, các biểu hiện khác của viêm da cơ địa có thể xảy ra như viêm da lòng bàn tay, bàn chân: gặp ở 20-80% người bệnh, là dấu hiệu đầu tiên của viêm da cơ địa ở người lớn; Viêm da quanh mi mắt, chàm ở vú; Viêm môi bong vảy.
Các yếu tố thường thấy khiến cho tình trạng viêm da cơ địa tái phát đó là:
- Dị ứng hóa chất: Những hóa chất trong sinh hoạt hoặc trong công nghiệp (chất bảo quản, chất tẩy rửa) khi tiếp xúc vào da khiến cơ thể dị ứng có thể dẫn đến bệnh viêm da cơ địa;
- Ô nhiễm môi trường: Ô nhiễm môi trường, khói bụi, nhiễm bẩn nguồn nước cũng là những nhân tố gây viêm da cơ địa dị ứng;
- Dị ứng thực phẩm: ăn một số loại thực phẩm dễ bị dị ứng như trứng, sữa, cá, đậu nành hay lúa mì...




Viêm da cơ địa rất "ưa" thời tiết lạnh. Ảnh minh họa.

Làm gì khi mắc viêm da cơ địa?
- Không gãi chỗ ngứa: Thay vì dùng móng tay gãi, bạn hãy dùng đầu ngón tay ấn vào chỗ ngứa để cảm thấy bớt khó chịu hơn. Bạn còn có thể cắt móng tay hay đeo bao tay vào ban đêm để tránh làm da bị tổn thương khi vô tình gãi.
- Cần bôi kem dưỡng ẩm: Kem dưỡng ẩm có tác dụng chống khô da và tránh ngứa, hạn chế tái phát. Kem dưỡng ẩm phải được sử dụng hàng ngày và dùng lâu dài sau khi triệu chứng đã được cải thiện.
- Cần mặc quần áo thoải mái: Người bệnh có thể giảm kích ứng cho da bằng cách tránh những bộ quần áo chật và cứng. Vì vậy hãy chọn những trang phục thấm mồ hôi và mềm mại.
- Cần giảm căng thẳng và lo lắng: Stress và những rối loạn khác về mặt tâm lý khác có thể khiến chứng viêm da cơ địa nặng thêm. Bạn cần tìm cách cải thiện sức khỏe tâm lý của mình để bớt tình trạng ngứa da.
Có thể sử dụng các thuốc bôi, thuốc uống chống  như: bôi kem corticoid, kháng sinh. Cho kháng sinh uống để chống tụ cầu trùng vàng trong trường hợp bội nhiễm, thuốc kháng histamin chống ngứa. Tuy nhiên, cần có hướng dẫn chỉ định của các bác sĩ.
- Thuốc uống chữa viêm: Trong những trường hợp nặng, bác sĩ sẽ kê thêm một số loại thuốc có tác dụng chống viêm, giảm dị ứng và giảm các triệu chứng ngứa.
Ngoài ra, để giảm tình trạng đỏ và ngứa da, người bệnh hãy chọn thực phẩm kháng viêm để bổ sung vào thực đơn hàng ngày. Những thực phẩm kháng viêm có thể kể đến là: Cá, đồ lên men, trái cây và rau củ. Những chất này có thể giúp người bệnh kháng viêm rất tốt. Tránh các thực phẩm có thể gây ra bệnh bùng phát viêm da cơ địa như: Trứng, cà chua, đậu nành, một số loại hạt, trái cây họ cam quýt, các sản phẩm từ sữa, các thực phẩm có chứa gluten, các gia vị như vani, đinh hương và quế, trà đen, chocolate, thịt đóng hộp,...
Theo Lê Liên
Trí thức trẻ

Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2022

Lời thề Hippocrate và tiêu chuẩn đạo đức trong ngành Y

Người ta cho rằng Hippocrates (được coi là cha đẻ của Y học phương Tây) hoặc một đệ tử của ông chính là tác giả của lời thề này. Nó được viết bằng tiếng vùng Ionia của Hy Lạp cổ đại (cuối thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên). Học giả cổ điển Ludwig Edelstein đã cho rằng các lời tuyên thệ này được viết bởi các môn sinh phái Pythagore, tuy nhiên thuyết này đã bị nghi ngờ do thiếu bằng chứng xác thực.
Lời thề gốc
- Tôi xin thề trước Apollon thần chữa bệnh, trước Æsculapius thần y học, trước thần Hygieia và Panacea, và trước sự chứng giám của tất cả các nam nữ thiên thần, là tôi sẽ đem hết sức lực và khả năng để làm trọn lời thề và lời cam kết sau đây:
- Tôi sẽ coi các thầy học của tôi ngang hàng với các bậc thân sinh ra tôi. Tôi sẽ chia sẻ với các vị đó của cải của tôi, và khi cần tôi sẽ đáp ứng những nhu cầu của các vị đó.
-Tôi sẽ coi con của thầy như anh em ruột thịt của tôi, và nếu họ muốn học nghề y thì tôi sẽ dạy cho họ không lấy tiền công mà cũng không giấu nghề.
-Tôi sẽ truyền đạt cho họ những nguyên lý, những bài học truyền miệng và tất cả vốn hiểu biết của tôi cho các con tôi, các con của các thầy dạy tôi và cho tất cả các môn đệ cùng gắn bó bởi một lời cam kết và một lời thề đúng với Y luật mà không truyền cho một ai khác.
-Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công.
-Tôi sẽ không trao thuốc độc cho bất kỳ ai, kể cả khi họ yêu cầu và cũng không tự mình gợi ý cho họ; cũng như vậy, tôi cũng sẽ không trao cho bất cứ người phụ nữ nào những thuốc gây sẩy thai. Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết.
-Tôi sẽ không thực hiện những phẫu thuật cắt sỏi mà dành công việc đó cho những người chuyên.
-Dù vào bất cứ nhà nào, tôi cũng chỉ vì lợi ích của người bệnh, tránh mọi hành vi xấu xa, cố ý và đồi bại nhất là tránh cám dỗ phụ nữ và thiếu niên tự do hay nô lệ.
-Dù tôi có nhìn hoặc nghe thấy gì trong xã hội, trong và cả ngoài lúc hành nghề của tôi, tôi sẽ xin im lặng trước những điều không bao giờ cần để lộ ra và coi sự kín đáo trong trường hợp đó như một nghĩa vụ.
-Nếu tôi làm trọn lời thề này và không có gì vi phạm tôi sẽ được hưởng một cuộc sống sung sướng và sẽ được hành nghề trong sự quý trọng mãi mãi của mọi người. Nếu tôi vi phạm lời thề này hay tôi tự phản bội, thì tôi sẽ phải chịu một số phận khổ sở ngược lại.
Phiên bản hiện đại
Lời thề này được viết vào năm 1964 bởi Louis Lasagna, Hiệu trưởng của Trường Y khoa tại Đại học Tufts, và được sử dụng trong nhiều trường y khoa ngày nay.
-Tôi thề phải thực hiện, đến hết khả năng và sự phán đoán của tôi, giao ước này:
-Tôi sẽ tôn trọng những thành quả khoa học của các thầy thuốc đi trước, và sẵn sàng chia sẻ kiến thức của mình cho những người tiếp nối.
-Tôi sẽ ứng dụng, vì lợi ích của người bệnh, tất cả các biện pháp khi cần thiết, tránh sa vào việc điều trị thái quá và điều trị theo chủ nghĩa hư vô.
-Tôi sẽ luôn nhớ rằng nghệ thuật của việc chữa bệnh hay của khoa học, cần sự ấm áp, cảm thông, và sự hiểu biết, điều đó có thể lớn hơn con dao của bác sĩ phẫu thuật hoặc thuốc của người dược sĩ.
-Tôi sẽ không xấu hổ khi nói rằng "Tôi không biết", cũng sẽ không ngần ngại tham vấn ý kiến của các đồng nghiệp khi các kỹ năng của họ cần thiết cho việc phục hồi của bệnh nhân.
-Tôi sẽ tôn trọng sự riêng tư của bệnh nhân, không được tiết lộ các vấn đề của họ. Quan trọng hơn, tôi không thể quyết định được sự sống và cái chết. Trên hết, tôi không thể đóng vai trò của Chúa trời.
-Tôi sẽ luôn nhớ rằng mình không phải điều trị một cơn sốt, hay sự phát triển của khối u, mà là đang điều trị một người đang mắc bệnh, tình trạng bệnh có thể ảnh hưởng đến gia đình người đó và sự ổn định của nền kinh tế. Trách nhiệm của tôi bao gồm những vấn đề liên quan, để chăm sóc đầy đủ cho người bệnh.
-Tôi sẽ tìm mọi cách để phòng bệnh bất cứ khi nào tôi có thể nhưng tôi sẽ luôn luôn tìm kiếm một phương hướng chữa cho tất cả các bệnh.
-Tôi luôn nhớ rằng mình vẫn là một thành viên của xã hội, với những nghĩa vụ đặc biệt cho đồng bào của tôi, tâm trí và thể xác tôi cũng như các bệnh tật.
-Nếu tôi không vi phạm lời thề này, tôi sẽ được tận hưởng cuộc sống mỹ mãn, được tôn trọng khi còn sống và nhớ đến mãi về sau. Tôi sẽ luôn làm việc để giữ gìn các truyền thống của điều mà tôi đã chọn và tôi sẽ có thể trải nghiệm niềm vui của việc cứu chữa những người tìm kiếm sự giúp đỡ của tôi.
12 điều y đức & Lời thề Hippocrate (Bộ Y tế Việt Nam)
Tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế. Ban hành kèm theo quyết định số: 20881BYT-QĐ ngày 06 tháng 11nǎm 1996 của Bộ trưởng Bộ Y tế:
1. Chǎm sóc sức khoẻ cho mọi người là nghề cao quý. Khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ y tế phải nghiêm túc thực hiện lời dạy của Bác Hồ. Phải có lương tâm và trách nhiệm cao, hết lòng yêu nghề, luôn rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức của thầy thuốc. Không ngừng học tập và tích cực nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn. Sẵn sàng vượt qua mọi khó khǎn gian khổ vì sự nghiệp chǎm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
2. Tôn trọng pháp luật và thực hiện nghiêm túc các quy chế chuyên môn. Không được sử dụng người bệnh làm thực nghiệm cho những phương pháp chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu khoa học khi chưa được phép của Bộ Y tế và sự chấp nhận của người bệnh.
3. Tôn trọng quyền được khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân. Tôn trọng những bí mật riêng tư của người bệnh; khi thǎm khám, chǎm sóc cần bảo đảm kín đáo và lịch sự. Quan tâm đến những người bệnh trong diện chính sách ưu đãi xã hội. Không được phân biệt đối xử với người bệnh. Không được có thái độ ban ơn, lạm dụng nghề nghiệp và gây phiền hà cho người bệnh. Phải trung thực khi thanh toán các chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
4. Khi tiếp xúc với người bệnh và gia đình họ, luôn có thái độ niềm nở, tận tình; trang phục phải chỉnh tề, sạch sẽ để tạo niềm tin cho người bệnh. Phải giải thích tình hình bệnh tật cho người bệnh và gia đình họ hiểu để cùng hợp tác điều trị; phổ biến cho họ về chế độ, chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của người bệnh; động viên an ủi, khuyến khích người bệnh điều trị, tập luyện để chóng hồi phục. Trong trường hợp bệnh nặng hoặc tiên lượng xấu cũng phải hết lòng cứu chữa và chǎm sóc đến cùng, đồng thời thông báo cho gia đình người bệnh biết.
5. Khi cấp cứu phải khẩn trương chẩn đoán, xử trí kịp thời không được đùn đẩy người bệnh.
6. Kê đơn phải phù hợp với chẩn đoán và bảo đảm sử dụng thuốc hợp lý an toàn; không vì lợi ích cá nhân mà giao cho người bệnh thuốc kém phẩm chất, thuốc không đúng với yêu cầu và mức độ bệnh.
7. Không được rời bỏ vị trí trong khi làm nhiệm vụ, theo dõi và xử trí kịp thời các diễn biến của người bệnh.
8. Khi người bệnh ra viện phải dặn dò chu đáo, hướng dẫn họ tiếp tục điều trị, tự chǎm sóc và giữ gìn sức khỏe.
9. Khi người bệnh tử vong, phải thông cảm sâu sắc, chia buồn và hướng dẫn, giúp đỡ gia đình họ làm các thủ tục cần thiết.
10. Thật thà, đoàn kết tôn trọng đồng nghiệp, kính trọng các bậc thầy, sẵn sàng truyền thụ kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau.
11. Khi bản thân có thiếu sót, phải tự giác nhận trách nhiệm về mình không đổ lỗi cho đồng nghiệp, cho tuyến trước.
12. Hăng hái tham gia công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, cứu chữa người bị nạn, ốm đau tại cộng đồng; gương mẫu thực hiện nếp sống vệ sinh, giữ gìn môi trường trong sạch.

Sưu tầm

Tại sao con rắn là biểu tượng của ngành y dược?

Giống như mỗi đất nước đều có hình ảnh riêng, mỗi ngành nghề cũng có một biểu tượng của riêng mình. Biểu tượng ngành Y đó là hình ảnh một con rắn quấn mình quanh một cây gậy. Tuy nhiên, ít người biết rằng, đằng sau biểu tượng này là một truyền thuyết đặc biệt.
Truyền thuyết về "ông tổ" ngành y dược
Theo truyền thuyết Hy Lạp, trong thời kỳ loài người còn sống chung với thần linh, ở xứ Thessalie có vị vua Asklepios Esculape, vừa là một minh quân, vừa là một thầy thuốc rất giỏi.
Ông được coi là ông tổ của ngành y dược. Ông đã sớm truyền ngôi lại cho con để có thời gian nghiên cứu y học và luôn tận tâm trong việc chữa bệnh cho mọi người, đặc biệt là dân nghèo.

Thần Esculape được coi là ông tổ của ngành y dược.

Một ngày nọ, Esculape trên đường đi thăm bạn thì gặp một con rắn. Ông đã đưa cây gậy để gạt con rắn nhưng nó lại bám lấy rồi bò lên quấn quanh cây gậy. Esculape đã cầm cây gậy đập xuống đất để giết chết con rắn.
Nhưng khi chuẩn bị bước tiếp, Esculape chợt để ý thấy một con rắn khác bò tới cứu, miệng ngậm một loại thảo dược và giúp con rắn đã chết sống lại. Từ đó, Esculape để tâm tìm kiếm các loại cây cỏ trong núi để chữa bệnh cho con người.
Thần Zeus, chúa tể của các vị thần Hy Lạp cổ đại, sợ Esculape quá tinh thông y học sẽ giúp cho loài người trở thành bất tử nên sai anh em nhà Cyclopes tạo mũi tên sấm sét để trừng phạt.
Nhờ thần Apollon kêu xin, thần Zeus đã tha tội và cho Esculape tham dự vào hàng tinh tú trong chòm sao Nhân mã (Sagittaire). Từ đó, Esculape được xem như thần bổn mệnh của các thầy thuốc.
Thần Esculape lấy vợ là Lampetie và sinh được 2 con gái là Hygie và Panacée, 3 con trai là Thelesphore, Machaon và Podalire. Tất cả 5 người con của ông đều tạo dựng được danh tiếng không kém cha.
Cũng theo truyền thuyết, Hygie đã nuôi rắn thần để chữa bệnh và về sau trở thành nữ thần biểu tượng cho việc giữ gìn sức khỏe con người, do đó môn vệ sinh học được đặt tên là Hygène. Cô con gái thứ hai - Panacée - là nữ thần có khả năng chữa mọi bệnh tật, do đó thuốc chữa bệnh được gọi là Panacée.
Hai người con trai đều tham gia cuộc chiến thành Troy và đã được Homère ca ngợi trong tập trường ca Iliad. Machaon có tài chữa mọi vết thương cho các chiến binh, còn Podalire là một thầy thuốc ngoại khoa tài năng.
Trong nhiều thế kỷ, có thể vào thời kỳ Pindare, đầu thế kỷ thứ 5 TCN, Esculape mới được tôn thờ như một vị thần linh của y học Hy Lạp.
Cũng có lẽ từ thời điểm này, những đền thờ đầu tiên được xây dựng để ghi ơn ông, đồng thời còn được dùng làm nơi khám chữa bệnh. Chữ Esculape về sau đã trở thành danh từ chung để chỉ những người hành nghề y dược.

Biểu tượng của WHO.

Để tưởng nhớ Esculape, hậu thế đã dựng bức tượng của ông, tay cầm chiếc gậy làm bằng cây nguyệt quế và một con rắn quấn xung quanh. Con rắn này có tên là Elaphe longissima, một loài rắn lành có màu sắc đẹp, sống phổ biến ở châu Âu.
Dựa vào truyền thuyết trên, ngành y đã dùng biểu tượng con rắn quấn quanh cây gậy phép của Esculape. Con rắn quấn quanh cây gậy tượng trưng cho sự khôn ngoan, khả năng chữa trị bệnh và kéo dài tuổi thọ.
Về sau này, Tổ chức Y tế Thế giới quyết định lấy hình ảnh con rắn quấn quanh cây gậy là hình ảnh đại diện trong Y học.
Rắn cũng xuất hiện trong biểu tượng của ngành dược. Tuy nhiên, thay vì quấn quanh cây gậy, con rắn sẽ quấn quanh một vật được gọi là chén Hygeia. Nguồn gốc của biểu tượng này có liên quan đến con gái của Esculape là nữ thần Hygie.

Biểu tượng ngành dược.

Cụ thể, chiếc chén này được cho là vật dùng để đựng thuốc của nữ thần Hygie. Sau đó, chén Hygeia đã được sử dụng như một biểu tượng cho những nhà chế thuốc.
Năm 1796, chén Hygeia được xem như chính thức liên quan đến ngành dược khi Hiệp hội Dược học Paris đã phát hành đồng đúc mang biểu tượng này.
Từ đó, chiếc chén được coi như tiêu biểu cho chén nước thuốc, và con rắn là tượng trưng cho việc có thể cứu chữa được. Hội Dược sĩ Hoa Kỳ đã chính thức công nhận chén Hygeia là biểu tượng cho nghề dược từ năm 1964.

Sưu tầm

Thứ Năm, 1 tháng 12, 2022

Các bước dùng chỉ nha khoa đúng cách

Bên cạnh đánh răng và súc miệng, nha sĩ khuyên bạn nên dùng chỉ nha khoa để làm sạch và đánh bật thức ăn mắc kẹt giữa các kẽ răng, giúp giảm lượng vi khuẩn và mảng bám trong miệng một cách hiệu quả. Tuy nhiên, bạn cần dùng chỉ nha khoa đúng cách, vì nếu dùng chỉ nha khoa không đúng có thể gây hại cho răng và nướu.
1. Vì sao phải dùng chỉ nha khoa?
Mảng bám trên răng tích tụ gây ra sâu răng và các bệnh về nướu. Sử dụng chỉ nha khoa (sợi chỉ mỏng dùng trong vệ sinh răng miệng) giúp loại bỏ thức ăn và mảng bám răng giữa các kẽ răng ở các vị trí mà bàn chải đánh răng không thể đánh được. Việc dùng chỉ nha khoa đúng cách mang lại một số lợi ích cho sức khỏe răng miệng như:
Phòng ngừa viêm lợi: các mảng bám ở răng tích tụ lâu ngày là một trong những nguyên nhân gây viêm lợi. Việc dùng chỉ nha khoa đúng cách thường xuyên có thể loại bỏ các mảng bám tích tụ ở đường nướu, vì thế phòng ngừa được viêm lợi.
Phòng ngừa tiểu đường: vi khuẩn tích tụ trong miệng có thể ảnh hưởng đến mức glucose máu.
Phòng ngừa hôi miệng: vi khuẩn tích tụ trong miệng gây hôi miệng khiến bạn cảm thấy mất tự tin khi nói chuyện. Mặc dù, đánh răng và súc miệng có thể loại bỏ vi khuẩn nhưng không hoàn toàn. Các nghiên cứu cho thấy sử dụng chỉ nha khoa có thể cải thiện hơi thở của bạn sau một tuần.
Giảm nguy cơ các bệnh hô hấp: khi ăn uống, vi khuẩn bị tích tụ ở miệng có thể đi xuống cổ họng và vào đường hô hấp. Chỉ nha khoa giúp loại bỏ một số vi khuẩn miệng gây bệnh 
viêm phế quản, viêm phổi.
Ngăn ngừa các bệnh tim mạch: một hệ quả của mảng bám là viêm lợi, chảy máu chân răng. Khi chân răng chảy máu, vi khuẩn có thể đồng thời xâm nhập vào máu và tấn công cơ thể. Hậu quả là dẫn đến các bệnh lý tim mạch hoặc cục máu đông.
Dùng chỉ nha khoa đúng cách giúp bảo vệ răng miệng
2. Có các loại chỉ nha khoa nào?
Chỉ nha khoa có nhiều loại. Tùy thuộc sở thích, khoảng cách giữa các răng và bạn có niềng răng hay cầu răng hay không để chọn loại chỉ nha khoa phù hợp. Hiện nay, có hai dạng chỉ nha khoa chính là:
Chỉ nha khoa dạng cuộn: đó là một sợi nylon mỏng, có thể nằm gọn trong kẽ răng. Chỉ nha khoa này có thể có hương vị hoặc không hương vị, có sáp hoặc không sáp. Nếu các răng của bạn khít, chỉ nha khoa có lớp phủ sáp giúp dễ dàng len vào giữa các kẽ răng hơn.
Tăm chỉ nha khoa: sợi chỉ ngắn được cố định trên một cung nhỏ hình chữ C để cầm.
3. Cách dùng chỉ nha khoa đúng cách?
Để đạt được hiệu quả mong muốn, chúng ta cần dùng chỉ nha khoa đúng cách. Cách xài chỉ nha khoa khá đơn giản phụ thuộc vào loại chỉ nha khoa.
Đối với chỉ nha khoa dạng cuộn, có thể cắt theo ý muốn, cách xài chỉ nha khoa dạng cuộn gồm các bước cụ thể như sau:
Bước 1: Cắt khoảng 45 đến 60 cm chỉ nha khoa. Cách cầm chỉ nha khoa chính xác là quấn chỉ nha khoa xung quanh hai ngón tay giữa và chừa lại khoảng 3 đến 5cm chỉ nha khoa để vệ sinh răng.
Bước 2: Giữ sợi chỉ nha khoa bằng ngón tay cái và ngón trỏ.
Bước 3: Đặt chỉ nha khoa vào giữa hai răng. Nhẹ nhàng lướt sợi chỉ nha khoa lên xuống, chà xát vào cả hai mặt của mỗi kẽ răng để loại bỏ mảng bám và thức ăn thừa. Bạn cần lưu ý, tránh lướt chỉ nha khoa vào nướu, bởi hành động này có thể làm xước hoặc bầm tím nướu răng. Trong trường hợp chỉ nha khoa chạm đến nướu thì bạn cần uốn cong sợi chỉ ở chân răng để tạo thành hình chữ C. Làm như vậy sẽ giúp chỉ nha khoa đi vào khoảng trống giữa nướu và răng.
Bước 4: Lặp lại các bước như trên sang răng khác. Với mỗi kẽ răng, tịnh tiến một đoạn chỉ nha khoa mới và sạch.
Bước 5: Nâng nhẹ sợi chỉ nha khoa ra khỏi kẽ răng, sau đó, sử dụng nước hoặc dung dịch súc miệng sau khi dùng chỉ nha khoa để đảm bảo loại bỏ hoàn toàn thức ăn thừa.
Đối với những người niềng răng, cách xài chỉ nha khoa với mắc cài có thể phức tạp và mất nhiều thời gian hơn. Nên chọn loại chỉ nha khoa được làm bằng sáp, các loại chỉ nha khoa ít bị rách và kẹt trong mắc cài răng. Các bước tiến hành cụ thể như sau:
Bước 1: Cắt khoảng 45 đến 60 cm chỉ nha khoa.
Bước 2: Đứng trước gương để chắc chắn rằng chỉ nha khoa sẽ đến đúng kẽ răng.
Bước 3: Bắt đầu bằng cách luồn chỉ nha khoa giữa răng và dây chính. Cuộn xoắn hai đầu của chỉ nha khoa quanh ngón tay trỏ giúp di chuyển chỉ nha khoa một cách dễ dàng hơn.
Bước 4: Đưa chỉ nha khoa vào giữa hai răng một cách nhẹ nhàng nhất có thể trước khi di chuyển chỉ nha khoa lên xuống dọc theo các mặt của cả hai răng. Khi vệ sinh răng trên, tạo hình chữ U ngược bằng chỉ nha khoa để vệ sinh răng. Tiếp theo là lướt chỉ nha khoa xuống để vệ sinh phía mặt bên của răng còn lại.
Bước 5: Nhẹ nhàng gỡ chỉ nha khoa và cẩn thận tháo sợi chỉ từ phía sau dây. Tránh bật chỉ nha khoa ra khỏi răng vì nó có thể làm đứt chỉ nha khoa.
Bước 6: Chuyển sang hai răng tiếp theo và sử dụng kỹ thuật tương tự cho đến khi vệ sinh xong toàn bộ hàm răng.
3.3. Cách dùng tăm chỉ nha khoa
Với tăm chỉ nha khoa, bạn thực hiện vệ sinh răng theo các bước sau:
Bước 1: Bạn dùng các ngón tay giữ thân cây tăm và cho đầu tăm vào các kẽ răng.
Bước 2: quay đầu tăm lại, dùng đầu nhọn xỉa vào kẽ răng để loại bỏ thức ăn thừa, các mảng bám.
Bước 3: súc miệng nước nước hoặc dung dịch súc miệng để để loại bỏ vi khuẩn và cao răng còn thừa.
Chú ý chọn chỉ nha khoa phù hợp với răng
4. Một số lưu ý khi dùng chỉ nha khoa
Không nên quá tiết kiệm chỉ nha khoa: Nhiều người tiết kiệm chỉ sử dụng một đoạn chỉ ngắn và dùng vệ sinh cho tất cả kẽ răng. Tuy nhiên, việc tiết kiệm chỉ nha khoa không những không làm sạch được các vụn thức ăn và mảng bám trong kẽ răng mà nó còn vô tình gây ra tình trạng hôi miệng.
Không dùng lực quá mạnh: khi dùng chỉ nha khoa quá mạnh tay khiến sợi chỉ cắt vào nướu làm chảy máu và gây tổn thương cho mô mềm. Hậu quả là vi khuẩn có thể dễ dàng xâm nhập ở vị trí tổn thương gây viêm nướu,...
Chọn chỉ nha khoa phù hợp với răng: nên chọn những loại chỉ mềm mịn, vì nếu chọn loại chỉ quá thô, cứng thì khi dùng lâu ngày có thể làm thưa răng.
Như vậy, vệ sinh răng miệng không chỉ gồm đánh răng, súc miệng mà còn liên quan đến việc sử dụng chỉ nha khoa cũng như biết cách dùng chỉ nha khoa đúng cách. Lợi ích của việc dùng chỉ nha khoa không chỉ là giúp loại bỏ vi khuẩn, mảng bám và thức ăn bám giữa các kẽ răng, đồng thời còn làm giảm khả năng bị sâu răng và các bệnh về nướu.

Nguồn tham khảo: healthline.com