Tìm kiếm Blog này

Thứ Ba, 10 tháng 5, 2022

6 bài tập thể dục cho mắt dễ làm mà hiệu quả cao: Giảm ngay khô mỏi vì nhìn máy tính cả ngày



Do thường xuyên tiếp xúc với màn hình máy tính, điện thoại, hiện tượng khô mỏi mắt ngày càng trở nên phổ biến. Tuy hiện tượng này không quá nguy hiểm nhưng để lâu không chữa trị sẽ chuyển thành bệnh mãn tính, gây giảm thị lực nghiêm trọng.
Nước mắt rất cần thiết để bảo vệ bề mặt nhãn cầu và duy trì thị lực. Khi chúng ta nháy mắt, nước mắt sẽ dàn đều trên bề mặt nhãn cầu giúp bôi trơn, giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn mắt, rửa trôi các dị vật trong mắt để đảm bảo sạch sẽ.
Khi mất cân bằng giữa tiết nước mắt và thoát đi của nước mắt, triệu chứng khô mỏi sẽ xuất hiện. Theo thời gian, nếu không kịp thời điều tiết và chữa trị, chúng sẽ khiến sức khỏe mắt suy giảm nghiêm trọng.
Do đó, dân văn phòng nên chú ý bảo vệ sức khỏe cho đôi mắt của mình. Tham khảo ngay các bài tập cho mắt và các thay đổi thói quen sau đây để giảm triệu chứng khô mỏi.
6 bài tập thể dục cho mắt



1.Thư giãn cơ mắt
Nhắm chặt hai mắt và giữ nguyên trong 3 giây sau đó nhẹ nhàng mở mắt để thư giãn các cơ xung quanh vùng mắt. Lặp lại động tác khoảng 10 lần.
2. Đảo mắt hai bên
Giữ nguyên đầu, sau đó từ từ đánh mắt qua trái rồi lại qua phải. Lặp lại khoảng 10 nhịp mỗi lần, 2-3 lần/ngày.
3. Đảo mắt lên - xuống
Giữ nguyên đầu, sau đó từ từ đưa mắt nhìn lên trên và giữ lại khoảng 3 giây, rồi lại đưa mắt nhìn xuống dưới và tiếp tục giữ khoảng 3 giây. Thực hiện khoảng 10 nhịp mỗi lần, lặp lại 3 lần/ngày.
4. Thư giãn mắt bằng bàn tay
Xoa mạnh hai bàn tay vào nhau khoảng 10-15 giây để sinh nhiệt, sau đó nhắm mắt và nhẹ nhàng áp lòng bàn tay lên vùng mắt tầm 30 giây. Hít thở sâu và thư giãn, có thể lặp lại vài lần khi nhức mỏi mắt.
5. Di chuyển mắt theo hình tròn
Bài tập thể dục cho mắt này thực hiện khá đơn giản, giữ nguyên đầu, nhắm mắt và từ từ xoay tròn mắt theo chiều kim đồng hồ rồi lại xoay ngược lại, xoay mỗi chiều 10 lần, ngày làm 2-3 lần. Hỗ trợ chống mỏi mắt và giúp cơ mắt linh hoạt.
6. Nhắm mắt và thư giãn
Nên nhắm và thả lỏng vùng mắt và toàn bộ cơ thể trong khoảng 3-5 phút sau mỗi giờ làm việc để thư giãn hoàn toàn.
Thói quen để bảo vệ mắt mỗi ngày
Bên cạnh việc thực hiện các bài tập trên thường xuyên, bạn cũng cần bảo vệ sức khỏe cho mắt từ việc thay đổi những thói quen hàng ngày.
1. Bổ sung dưỡng chất cần thiết cho mắt
Để giúp đôi mắt khỏe mạnh từ bên trong, nên bổ sung các dưỡng chất như Lutein và zeaxanthin, axit béo omega-3, Axit Gamma-Linolenic… Điều này sẽ giúp bảo vệ võng mạc và thủy tinh thể tốt hơn khi bị ánh sáng xanh tấn công.




Ảnh minh họa: Internet

2. Giữ khoảng cách an toàn với màn hình
Đối với máy tính, khoảng cách an toàn nhất từ mắt đến màn hình là khoảng 50-60cm, mắt cao hơn tâm màn hình từ 10-20cm, bàn phím cách mắt 30-40cm.
Đối với smartphone hay ipad, khoảng cách an toàn giữa mắt và màn hình là khoảng 30-40cm.
Nên sử dụng ở không gian có đầy đủ ánh sáng, tránh để ánh sáng chiếu trực tiếp vào màn hình gây chói mắt, giữ tư thế ngồi thẳng lưng, tay đặt bên bàn, khuỷu tay song song với mặt đất.
3. Hạn chế ánh sáng xanh tác động lên mắt
Nên sử dụng loại màn hình có độ phân giải cao, màn hình led để chống ánh sáng xanh, đồng thời kết hợp với các phần mềm giảm bớt tác hại từ ánh sáng xanh.
4. Áp dụng quy tắc 20:20:20
Quy tắc 20:20:20 có nghĩa là mỗi 20 phút nhìn vào máy tính, nhìn ra xa 20 feet (khoảng 6m) trong 20 giây. Mỗi 1-2 giờ làm việc trước máy tính nên để mắt thư giãn trong 5-10 phút để giảm mệt mỏi cho đôi mắt.

(Tổng hợp)
Phương Thuý - T/K: Thương Phạm
Theo Trí thức trẻ

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2022

Cách tính phần trăm (%) dễ, chính xác nhất

Trong các dạng phép tính toán thì tính phần % là dạng toán phổ biến, thường xuyên xuất hiện trong rất nhiều lĩnh vực cuộc sống hàng ngày, hay thậm chí bạn cũng cần sử dụng khi tính toán trên Excel. Tính phần trăm % trên Excel không phải sử dụng các hàm Excel, mà chỉ là phép tính thông thường. Vậy làm sao để tính phần trăm nhanh nhất, và cũng cần chính xác nhất. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn đọc cách tính toán giá trị phần trăm chính xác nhất.
Nếu muốn tính phần trăm luôn mà không phải đọc những công thức tính % phức tạp bạn chỉ cần nhập giá trị cần tính tương ứng vào công cụ tính dưới đây:
1. Tính tỷ số phần trăm
Tính tỷ lệ phần trăm trên tổng số là bài toán tính % thường gặp nhất trong các phép toán tính phần trăm. Để tính phần trăm của 1 nhân tố trong số nhiều nhân tố, bạn chỉ cần lấy số lượng nhân tố cần tính, chia cho tổng số nhân tố, rồi nhân với 100 là ra.
Ví dụ tính % của a và b:
Tỷ số phần trăm của a = a/(a+b)*100(%).
Tỷ số phần trăm của b = b/(a+b)*100(%) 
hoặc                       %b = 100 - %a.
Chẳng hạn chúng ta có bài toán kho hàng xuất 25 chiếc áo và 35 chiếc quần. Vậy số lượng xuất áo chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng số hàng đã xuất.
% áo = 25/(25+35)*100 = 41,6%.
% quần = 100 - 41,6 = 58,4%  hoặc
 % quần = 35/(25+35)*100=58,4%.
Tương tự, với nhiều yếu tố hơn chẳng hạn: Lớp có tổng số 50 bạn, số học sinh giỏi là 10 bạn, học sinh khá là 25 bạn, học sinh trung bình là 10 bạn, học sinh yếu kém là 5%, tính số phần trăm học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu kém của lớp.
% h/s giỏi = 10/50 x 100 = 20%
% h/s khá = 25/50 x 100 = 50%
% h/s trung bình = 10/50 x 100 = 20%
% h/s yếu kém = 100 - 20 - 50 - 20 = 10%
hoặc 5/50 x 100 = 10%.
2. Tính phần trăm tăng trưởng để so sánh % chênh lệch
Kiểu tính phần trăm này sẽ tính % chênh lệch giữa 2 giá trị khác nhau. Công thức chung: (b-a)/a x 100 (%). Trong đó, b là số cần so sánh chênh lệch, a là mốc để so sánh.
Ví dụ với bài toán tháng 1 có doanh thu là 357 triệu đồng, doanh thu của tháng 2 là 405 triệu đồng. Tính phần trăm tăng trưởng của tháng 2 với tháng 1.
% tăng trưởng của tháng 2 = (405-357)/357 x 100 = 13,4%.
Số % này có thể là số âm trong trường hợp doanh thu tháng sau thấp hơn tháng trước, ví dụ tháng 1 doanh thu 500 triệu, tháng 2 doanh thu 450 triệu thì ta tính ra % chênh lệch là -10%. Nghĩa là doanh thu tháng 2 tăng trưởng thấp hơn tháng 1 10%
3. Tính phần trăm hoàn thành
Công thức chung: a/b x 100, trong đó, a là con số đã đạt được, b là số mục tiêu cần đạt được.
Ví dụ, năm 2019 Quantrimang.com đặt mục tiêu có được 5.000 bài đăng cho website. Tính đến hết quý 1, số bài đăng đạt được là 1020 bài. Hỏi Quantrimang.com đã hoàn thành bao nhiêu % so với mục tiêu đề ra?
% QTM đã hoàn thành = 1020/5000 x 100 = 20,4%.
Như vậy tính tới hết quý 1, Quantrimang.com hoàn thành 20,4% mục tiêu đề ra.
Nếu hết quý 4 số bài đăng trên Quantrimang.com là 5200 bài, thì % hoàn thành = 5200/5000 x 100 = 104%.
Để biết % hoàn thành là vượt hay kém, bạn chỉ cần so sánh nó với 100%, nếu lớn hơn là vượt mục tiêu, nếu nhỏ hơn là chưa hoàn thành mục tiêu. Như ví dụ ở trên 104%>100%, nghĩa là QTM không chỉ hoàn thành mà còn vượt mục tiêu 4%./
4. Tính phần trăm trong Excel
Trên Excel đã có sẵn công thức tính phần trăm mà bạn không cần phải tính nhẩm hoặc tự tính theo cách thủ công. Người dùng chỉ cần áp dụng công thức tính là được. Cách tính phần trăm trên Excel đã được hướng dẫn khá chi tiết, bạn tham khảo nha.
5. Tính phần trăm tăng/giảm giá tiền
Phần trăm giảm giá
Chẳng hạn mặt hàng A tại siêu thị có giá gốc là 1 triệu 3 trăm nghìn đồng và được giảm giá 7%. Vậy số tiền phải trả để mua mặt hàng A sau khi đã giảm giá là bao nhiêu?
Chúng ta có phép tính số tiền giảm



Vậy số tiền phải trả để mua sau khi đã giảm là 1.300.000 - 91.000= 1.209.000 đồng.

Phần trăm tăng giá
Ví dụ khi mua hàng có giá 270 nghìn đồng, chịu thêm mức thuế VTA là 0.5%. Vậy giá trị thực tế của mặt hàng sau khi tính thuế là bao nhiêu?
Phép tính tăng đã có thuế VAT




Vậy tổng số tiền phải trả là 270.000 + 1.350 = 271.350 nghìn đồng.
6. Tính tiền lãi suất ngân hàng
Ví dụ bạn gửi ngân hàng 213 triệu đồng với kỳ hạn 6 tháng lãi suất 5%. Tính lãi suất hàng tháng nhận được, lãi suất sau 6 tháng gửi ngân hàng.
Lãi suất hàng tháng là



Lãi suất sau 6 tháng gửi là



Trên đây là các kiểu tính phần trăm, với những kiểu tính toán % phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Tùy vào từng trường hợp mà bạn thực hiện cách tính phần trăm khác nhau.

Nguyễn Trang

Những hệ quả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ

Chuyên gia Kathy Bostjancic của công ty tư vấn tài chính Oxford Economics dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm vào tháng Sáu và lãi suất sẽ tăng lên 2,13% vào cuối năm 2022.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, ngân hàng trung ương) bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày 3-4/5 và dự kiến sẽ tăng lãi suất chủ chốt khi các nhà hoạch định chính sách dốc toàn lực để ứng phó với mức lạm phát đang cao kỷ lục tại Mỹ.
Fed dốc toàn lực để kiềm chế lạm phát cao kỷ lục ở Mỹ
Sau khi tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào tháng Ba, Chủ tịch Fed Jerome Powell và các quan chức của ngân hàng trung ương đã phát biểu rằng mức tăng 0,5 điểm phần trăm có thể được công bố khi cuộc họp kéo dài hai ngày kết thúc vào 4/5.
Thách thức đối với Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (cơ quan hoạch định chính sách của Fed - FOMC) là giải quyết áp lực giá cả tăng mà không đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái.
Chuyên gia phân tích Diane Swonk của công ty kiểm toán và tư vấn doanh nghiệp Grant Thornton nhận xét rằng Fed đã phản ứng chậm về lạm phát và giờ đây sẵn sàng hành động tích cực hơn.
Trong tháng Ba, giá tiêu dùng tại Mỹ đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong hơn 40 năm. Mặc dù nền kinh tế đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, nước này ghi nhận tăng trưởng -1,4% trong ba tháng đầu năm. Nếu kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng âm trong quý 2, nước này sẽ chính thức rơi vào suy thoái.
Theo các nhà phân tích, rất khó tránh được nguy cơ suy thoái trong một chu kỳ thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ, đặc biệt là khi lạm phát tăng một phần là do các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của Fed, chẳng hạn như cuộc xung đột ở Ukraine và biện pháp phong tỏa để phòng chống dịch COVID-19 ở Trung Quốc.
Chuyên gia Swonk cho biết: "Nhiều quan chức Fed đã bày tỏ sự hoài nghi của họ về triển vọng ‘hạ cánh mềm’ của đợt điều chỉnh chính sách tiền tệ này.” Bản thân ông Powell đã thừa nhận rằng ngân hàng trung ương sẽ nhanh chóng tăng lãi suất, bao gồm nhiều lần tăng 0,5 điểm phần trăm, nếu cần thiết.
Tại cuộc họp này, FOMC cũng thảo luận về tiến trình giảm lượng trái phiếu nắm giữ khổng lồ được tích lũy trong giai đoạn đại dịch khi Fed bơm tiền để duy trì thanh khoản của nền kinh tế. Động thái này cũng có thể gây xáo trộn thị trường tài chính và kìm hãm hoạt động kinh tế.
Chuyên gia Kathy Bostjancic của công ty tư vấn tài chính Oxford Economics dự đoán Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm vào tháng Sáu và lãi suất sẽ tăng lên 2,13% vào cuối năm 2022 và lên 2,63% vào giữa năm 2023.
Trong một phân tích, bà nhận xét tổng cầu chậm lại và căng thẳng chuỗi cung ứng giảm bớt trong năm 2023 có thể giảm bớt áp lực lạm phát. Hơn nữa, số người gia nhập lực lượng lao động sẽ tăng lên, giúp kìm hãm đà tăng trưởng tiền lương. Chuyên gia này cảnh báo hiện tại, các tín hiệu cho thấy "khả năng suy thoái tương đối thấp” nhưng rủi ro sẽ gia tăng trong 12 tháng tới," đặc biệt là nếu các yếu tố thúc đẩy lạm phát trở nên trầm trọng hơn.
Những hệ quả đa chiều
Tác động của quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed sẽ mang tính lan tỏa trong nhiều lĩnh vực và cả bên ngoài biên giới của Mỹ.
Đầu tiên là chi phí trả nợ cao hơn. Khi lãi suất tăng, người đi vay phải trả nhiều tiền hơn để thanh toán khoản tín dụng và các ngân hàng trở nên khắt khe hơn trong việc cung cấp khoản vay. Điều này đặt ra thách thức cho các công ty và làm chậm quá trình mở rộng kinh doanh sản xuất - đây có thể là tác động tích cực ở những nước đang mong muốn hạ nhiệt hoạt động kinh tế về mức vừa phải. Tuy nhiên, ngược lại, tình trạng này làm tăng áp lực đối với các thị trường mới nổi có mức nợ công cao.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo nhiều quốc gia sẽ cần được giảm nợ hoặc tái cơ cấu nợ sau khi nợ công tăng cao trong đại dịch COVID-19.
Thứ hai là áp lực đối với thị trường tài chính. Viễn cảnh ngân hàng trung ương tích cực tăng lãi suất và hoạt động kinh tế chậm lại đã gây áp lực lớn đối với các thị trường tài chính. Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã giảm trong những tuần gần đây, do lo ngại tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại có nghĩa là người tiêu dùng sẽ giữ tiền mặt thay vì chi tiêu nhiều hơn, làm giảm thu nhập doanh nghiệp trong khi chi phí đi vay lại tăng lên.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã tăng mạnh, với lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên gần 3%, báo hiệu những lo ngại của giới đầu tư về nguy cơ suy thoái có thể xảy ra.
Những lo ngại đó có thể tăng lên nếu các nhà đầu tư cho rằng Fed vẫn chưa hành động đủ nhanh và mạnh trong cuộc chiến chống lạm phát và sẽ phải tăng lãi suất nhanh hơn.
Thứ ba là xu hướng thoái vốn từ các nền kinh tế mới nổi. Khi lãi suất tăng ở Mỹ hoặc các nền kinh tế tiên tiến khác, nhà đầu tư có xu hướng rút tiền ra khỏi các thị trường mới nổi để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn. Điều đó gây áp lực lên các nền kinh tế cần vốn để đầu tư, đồng thời làm suy yếu đồng nội tệ.
Các ngân hàng trung ương ở những quốc gia này có thể ứng phó bằng cách nâng lãi suất cao hơn nhưng điều đó sẽ gây thêm áp lực lên nền kinh tế trong nước.
Năm 2013, khi Fed để ngỏ khả năng chuẩn bị rút lại các chính sách kích thích tiền tệ, gây ra tình trạng “taper tantrum” - thuật ngữ mô tả sự tụt dốc mạnh của thị trường chứng khoán và giá trị đồng tiền các nền kinh tế mới nổi khi nhà đầu tư quốc tế rút vốn. Lần này, Fed đã đưa ra nhiều cảnh báo trước cho các nhà hoạch định chính sách ở các quốc gia đó.
Thứ tư là hạ nhiệt thị trường bất động sản. Fed đã giảm lãi suất xuống 0 khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 3/2020 để tiếp thêm động lực cho thị trường nhà ở vốn đang phát triển mạnh của Mỹ. Giá nhà đã tăng vọt và các công ty xây dựng rất vất vả để bắt kịp nhu cầu, tình hình ngày càng khó khăn hơn khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn và tình trạng thiếu lao động, cả những người có tay nghề và những lao động không có kỹ năng cao.
Đến tháng 3/2022, Fed tăng lãi suất lần đầu tiên trong chu kỳ thắt chặt tiền tệ, lãi suất thế chấp đã bắt đầu tăng và hiện đã lên hơn 5%, góp phần làm giảm nhu cầu và hạ nhiệt giá nhà. Các đơn đăng ký vay thế chấp nhà ở đã tăng chậm lại và doanh số bán nhà bắt đầu giảm trong tháng Ba.
Cuối cùng, nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi, liệu động thái điều chỉnh chính sách lãi suất của Fed có thể thúc đẩy nhiều người Mỹ tham gia thị trường lao động và đưa thị trường việc làm trở lại trạng thái cân bằng hay không.
Tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức thấp 3,6% và các nhà tuyển dụng đang phải vật lộn để lấp đầy những vị trí tuyển dụng còn trống. Đây cũng là lý do khiến tiền lương tăng lên, kéo theo lo ngại về một vòng xoáy tiền lương-giá cả (thuật ngữ kinh tế mô tả hiện tượng lạm phát tăng do mức lương cao hơn) có thể xảy ra./.

Mai Ly

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2022

6 đặc điểm mà người tài giỏi nào cũng sở hữu, nhanh nhanh học "lỏm" được thì sớm muộn gì cũng thành công




Người thông minh, tài giỏi phải là người biết đưa ra quyết định khôn ngoan và quyết định khôn ngoan nhất mà bạn có thể đưa ra trong đời này chính là học hỏi 6 đặc điểm mà người tài giỏi nào cũng sở hữu.
Tài giỏi và thành công là điều mà ai cũng mong muốn nhưng để định nghĩa hay đạt được chúng thì thật sự không đơn giản. Bởi không có gì dễ dàng đạt được chỉ sau một đêm, nhưng xây dựng những thói quen, tính cách tích cực mỗi ngày sẽ giúp bạn có thể chạm tới đỉnh thành công nhanh hơn.
Chính vì thế, hãy bắt đầu học tập 6 đặc điểm được coi là "bất ly thân" của những người tài giỏi để thay đổi chính mình và thay đổi tiền đồ tương lai.
1. Thường xuyên nói "Không"



Theo nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi, mọi thành công đều cần có sự tập trung cao độ. Vì vậy, người thành đạt luôn biết cách nói "Không" với những phiền nhiễu gây ảnh hưởng tới sự nghiệp của họ. Bạn sẽ thấy rất hiếm khi những người này đi chơi, mua sắm hay tán gẫu với bạn bè hàng tối ngoài quán bar…
Ông Csikszentmihalyi cũng từng kể lại, trong quá trình viết cuốn sách "Creativity", ông đã tìm tới rất nhiều người nổi tiếng và thành đạt với mong muốn đưa họ vào cuốn sách của mình. Tuy nhiên, phần lớn họ đều từ chối vì bận bịu với những dự án của riêng bản thân.
Chính tỷ phú nổi tiếng Warren Buffett cũng từng nói: "Sự khác biệt giữa những người thành công và những người rất thành công là những người rất thành công nói "không" với gần như tất cả mọi thứ!".
2. Lạc quan
Sự lạc quan có liên quan rất nhiều đến cách bạn nhìn nhận thế giới.
Đối với những người tài giỏi và thành công, sự lạc quan đến một cách tự nhiên. Họ tập trung vào những gì tốt và hành động với tinh thần vui vẻ. Lạc quan dẫn đến một tư duy tốt hơn mà mọi người cần để hoàn thành mục tiêu của mình.
Nếu bạn luôn bi quan, thì bạn sẽ hạn chế bản thân đạt được mọi thứ có thể. Chỉ cần bạn có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống và mọi thứ, bạn sẽ đạt được bất cứ điều gì.
3. Học hỏi suốt đời



Người tài giỏi không chấp nhận việc để bản thân "giậm chân tại chỗ" - tôi của ngày hôm qua và tôi của ngày hôm nay tuyệt đối không được phép là 2 cá thể giống nhau. Thay vào đó, họ không ngừng nỗ lực trong việc phát triển bản thân, cải thiện công việc, các mối quan hệ cũng như kiến thức, tư duy và cả tinh thần. Thế nên, họ đều nắm bắt được những gì đang diễn ra với thành phố, đất nước và thế giới xung quanh mình cũng như cách mà chúng vận hành. Một ví dụ điển hình cho việc học hỏi suốt đời là việc nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett được tiết lộ đọc khoảng 500 trang sách mỗi ngày.
4. Kiên trì đến lì lợm
Thông minh và sáng tạo là hai yếu tố tạo nên thành công - nhưng chúng không phải yếu tố quan trọng nhất. Theo các nhà khoa học, sự kiên trì tới mức lì lợm mới thực sự là chìa khóa mở cánh cửa bước vào ngôi đền vĩ nhân.
Chuyên gia Daniel Pink trong cuốn "Drive: The suprising truth about what motivates us" (Tạm dịch: Động lực chèo lái hành vi) cho hay, kiên trì tuy là khái niệm khó xác định nhưng lại góp phần quan trọng hơn cả chỉ số IQ trong việc đánh giá sự thành công của một con người.



Các vĩ nhân đặc biệt ở chỗ, họ kiên trì và đam mê theo đuổi những mục tiêu dài hạn. Theo nhà nghiên cứu Howard Gardner, họ yêu thất bại nhiều khi còn hơn cả sự thành công và điều này được kiểm chứng trong chiều dài lịch sử. Isaac Newton, Albert Einstein hay thậm chí Bill Gates, Warren Buffett đã không ít lần vấp ngã trước khi có được sự nghiệp lẫy lừng, vang dội.
Ngoài ra, khi được hỏi chìa khóa thành công là gì thì cả Jack Ma và Bill Gates đều cho rằng từ bỏ chính là một thất bại lớn nhất và người kiên trì đến cùng là những người thành công. Kể cả khi bạn đã cố gắng hết sức nhưng không đạt được mục tiêu của mình thì đó cũng là một thành công. Những người vĩ đại luôn học hỏi nhiều nhất từ những trở ngại, khó khăn. Chìa khóa thành công là sự kiên trì và không ngừng học hỏi từ những sai lầm của bạn.
5. Thích tạo ra may mắn
Những vĩ nhân trên thế giới đều không tin, may mắn chỉ là sự ngẫu nhiên. Thay vào đó, họ luôn cố gắng để tạo ra "may mắn" cho bản thân.
Thực tế, các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra may mắn là điều con người kiểm soát được. Trong cuốn Luck Factor, nhà nghiên cứu Richard Wiseman đã chỉ ra, chính hành động và cách ứng xử hàng ngày sẽ quyết định bạn có may mắn hay không.
Theo ông, những vĩ nhân duy trì các thói quen tốt và biết cách đối nhân xử thế nên họ tạo ra được nhiều cơ hội cho bản thân - thứ mà những người bình thường cho rằng đó là "may mắn". Để kiểm chứng kết luận này, Wiseman thậm chí còn mở lớp học dạy "may mắn" và phân tích kết quả dựa trên sự thay đổi của các học viên trong lớp này. Thật đáng ngạc nhiên, 80% học viên thừa nhận cuộc sống họ vui vẻ và may mắn hơn trước rất nhiều nhờ vào các kĩ năng được rèn luyện và đào tạo.
6. Không bao giờ đổ lỗi cho người khác
Những kẻ thất bại là người đổ lỗi cho người khác về thất bại của bản thân còn người thành công chịu trách nhiệm cho tất cả những thất bại đó. Kẻ thất bại phàn nàn về mọi thứ và chối bỏ những sai lầm do thiếu sót của bản thân, họ đổ lỗi cho cả ba mẹ của mình điều đó khiến họ không đáng tin cậy, không biết rút ra bài học từ những sai lầm. Họ cứ mải mê đổ lỗi mà không biết kiểm điểm lại chính bản thân mình nên thành công càng ngày càng xa họ.
Trong khi đó, người thành công luôn đạt được mục tiêu đề ra vì họ biết thành công phụ thuộc vào nỗ lực, sự kiên trì và mục tiêu của bản thân họ. Đối với những người này, thất bại chính là động lực giúp họ vươn tới thành công.
Thật dễ dàng để thực hiện điều này vì họ đã có những kế hoạch được soạn thảo kỹ lưỡng.
Theo Healthyway và Bakadesuyo
Nguyễn Hồng
Theo Trí thức trẻ