Tìm kiếm Blog này

Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2020

Bao nhiêu tiền thì đủ để đầu tư chứng khoán?

Tự do tài chính luôn là mơ ước của nhiều người. Có rất nhiều kênh đầu tư kiếm lời, hiện thực hóa giấc mơ đó. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin đề cập đến đầu tư chứng khoán.
Để trả lời cho câu hỏi trên tiêu đề, hãy lấy hai ví dụ thực tế như sau:
1. Một giám đốc doanh nghiệp, phân bổ cả 30 tỷ tài sản đầu tư vào cổ phiếu, không may bị thua lỗ 50% và chỉ còn lại 15 tỷ. Mất 15 tỷ nhưng ít nhất ở vị thế hiện tại, các nhu cầu tài chính của anh ta cũng đã được đáp ứng đầy đủ từ mua nhà, mua xe, chu cấp cho gia đình. Mất 15 tỷ chắc chắn sẽ rất tiếc nuối, nhưng với 15 tỷ còn lại vẫn thừa sức chu toàn cho những nhu cầu căn bản nhất của gia đình anh ta trong tương lai.
2. Tuy nhiên, nếu một nhân viên văn phòng đi làm được 3 năm, tích lũy được tầm 300 triệu, đầu tư với cùng chiến lược và cũng bị thua lỗ 50% thì tài sản chỉ còn lại 150 triệu. Ở giai đoạn này, khả năng cao anh ta đang có rất nhiều dự định như lập gia đình, mua xe, mua nhà, rồi lo cho tương lai con cái. Với 150 triệu còn lại, hầu như những mục tiêu quan trọng như thế đều trở nên rất xa vời và thậm chí còn để lại áp lực tâm lý cực kỳ lớn.
Xét trên khía cạnh tâm lý đầu tư, khi những khoản đầu tư rơi vào thua lỗ lớn (ít nhất là trong ngắn hạn bởi các yếu tố nhất thời như dịch Covid-19 vừa rồi), thì người đã tích lũy chu toàn cho các mục tiêu căn bản trong cuộc sống sẽ đỡ bị áp lực hơn rất nhiều so với những người còn nhiều mục tiêu tài chính quan trọng phụ thuộc vào khoản đầu tư này. Điều này đồng nghĩa, người chưa tích lũy nhiều sẽ dễ gặp áp lực lớn hơn và có khả năng cắt lỗ sớm hơn những người đã an tâm về vấn đề tài chính. Việc cắt lỗ diễn ra liên tục sẽ bào mòn tài sản và dẫn đến trạng thái vô sản rất nhanh chóng!
Tóm lại, tích sản càng nhiều thì mới chịu được rủi ro càng cao. Sau đây là 5 cấp độ tích sản được đúc kết từ hàng nghìn khách hàng của chúng tôi và những kênh đầu tư phù hợp của từng nhóm. Vậy bạn đang ở đâu trong 5 cấp độ này?
Đầu tư dù nhỏ hay lớn nhất định bạn cần phải trang bị kiến thức, nắm bắt thông tin thị trường, cài app 24hmoney để cập nhật 24/7
Nhóm 1 - Thu nhập trung bình
Đây là cấp độ tích sản thấp nhất. Về mặt định lượng, nhóm này có thu nhập dưới 15 triệu/tháng và dễ bắt gặp ở các bạn độc thân, mới đi làm từ 1 - 3 năm hoặc người làm các công việc tay chân thu nhập thấp. Đối với mức thu nhập như vậy, hầu như chỉ đủ đáp ứng được các nhu cầu cơ bản như ăn uống, thuê nhà, mua sắm thiết yếu, đó là chưa kể phải có trách nhiệm chăm lo cho người thân.
Với tỷ lệ tiết kiệm thấp hơn 25% thì thặng dư mỗi tháng chưa tới 4 triệu, đây là một mức tương đối thấp và phần lớn được để dành cho các nhu cầu bất ngờ trong cuộc sống như đau bệnh, đám tiệc, chu cấp cho người thân. Thế nên mức độ tích lũy tương đối bị giới hạn, làm khoảng 3 năm mà không chi tiêu gì lớn thì cũng tích lũy chưa tới 150 triệu. Đây là nhóm dễ bị cuốn vào những khoản vay ngắn hạn với lãi suất cao khi có một nhu cầu chi tiêu lớn bất ngờ.
Thế nên ở giai đoạn này, những cú sốc như mất việc, hay tai nạn sẽ tạo một gánh nặng rất to lớn và chi phí phát sinh có thể lớn hơn cả 150 triệu nói trên. Nên việc bảo toàn và gia tăng tài sản một cách ổn định thông qua các kênh GỬI TIẾT KIỆM nên là ưu tiên hàng đầu. Thêm vào đó, có thể cân nhắc tới các công cụ phòng vệ như BẢO HIỂM, để có thể nhận được những khoản tiền hỗ trợ khi bất trắc xảy ra.
Nhóm 2 - Chi tiêu quá mức
Đây là nhóm bắt đầu có thu nhập gia tăng nhờ vào thâm niên công việc, hoặc xây dựng thêm các nguồn thu nhập “tay trái”. Thu nhập đã bắt đầu vượt mốc 15 triệu/tháng, tuy nhiên áp lực chi phí cũng gia tăng theo một cách nhanh chóng bởi các nhu cầu phát triển mối quan hệ trong cuộc sống, cũng như chi tiêu cho các mục tiêu mới phát sinh như chi phí kết hôn, chi tiêu cho con cái, trả nợ vay mua nhà, mua xe. Thế nên, đặc trưng đáng chú ý nhất của nhóm này là tỷ lệ tiết kiệm dưới 25% (thu nhập 20 triệu, nhưng để dành chưa tới 5 triệu).
Nếu để ý, nhóm này có thu nhập vượt trội hơn so với nhóm 1, nhưng về cơ bản thặng dư mỗi tháng vẫn chưa thể gia tăng vì áp lực của nhiều loại chi phí mới trong cuộc sống. Tuy nhiên vì đã có thời gian tích lũy dài hơn, nên tổng tài sản đã bắt đầu chạm mốc quanh con số 500 triệu – 1 tỷ. Phân nữa trong số này đã có thể sẵn sàng để dịch chuyển lên những loại hình đầu tư có lợi suất và rủi ro cao hơn gửi tiết kiệm.
Tuy nhiên, bởi các áp lực định phí mới phát sinh tương đối lớn như trả nợ vay mua tài sản, chi phí cho con cái, chi phí phát triển mối quan hệ, nên với quy mô tài sản chưa đủ lớn như vậy, nhu cầu bảo vệ tài sản vẫn phải được duy trì. Lúc này những loại tài sản có rủi ro cao hơn gửi tiết kiệm, nhưng vẫn tạo ra sự phòng vệ tài sản ổn định như TRÁI PHIẾU lại là một lựa chọn mới phù hợp.
Nhóm 3 - Tích lũy tiết kiệm
Sau một thời gian tiếp tục gia tăng thu nhập và bước lên những vị trí cao hơn trong công việc, đồng thời các áp lực chi phí có nói tới ở nhóm 2 bắt đầu không gia tăng, hoặc thậm chí có thể suy giảm khi mà các khoản chi trả nợ vay mua tài sản giảm dần theo dư nợ, cũng như chi tiêu cho con cái giảm dần khi chúng bắt đầu độc lập và có nghề nghiệp riêng. Lúc này tỷ lệ tiết kiệm sẽ gia tăng dần và vượt lên trên mốc 25%. Tổng tài sản tích lũy lúc này cũng đã đạt quanh 3 tỷ, nhưng vẫn chưa vượt mốc 5 tỷ.
Với thặng dư (của cá nhân hoặc cả gia đình) trung bình quanh 8 – 10 triệu/tháng, cũng như các nhu cầu cơ bản như mua nhà, mua xe, chăm lo cho con cái đã dần được hoàn thành, đây là thời điểm mà sự phụ thuộc vào các khoản tiền nhàn rỗi giảm dần. Và điều này cũng làm cho nền tảng chấp nhận rủi ro tăng lên và những người thuộc nhóm 3 đã có thể dịch chuyển lên các phân lớp tài sản rủi ro hơn như CỔ PHIẾU.
Tuy nhiên, so với trái phiếu, để dịch chuyển lên cổ phiếu nhà đầu tư cần phải có một thời gian đủ lâu (ít nhất 1 – 3 năm) để có thời gian tìm hiểu về các phương pháp đánh giá cơ hội đầu tư cũng như làm quen với sự biến động tương đối lớn của phân lớp này (+/- 7% mỗi ngày). Thế nên ở giai đoạn trung gian như vậy, QUỸ ĐẦU TƯ CỔ PHIẾU là một lựa chọn khá phù hợp bởi rủi ro đầu tư đã được tiết giảm tương đối nhờ sự đa dạng hóa của danh mục nhiều cổ phiếu cũng như có sự hỗ trợ của các chuyên gia quản lý quỹ.
Nhóm 4 - Gia tăng tài sản
Đây thường là nhóm bước vào độ tuổi trung niên. Ở giai đoạn này, về kinh nghiệm và thâm niên trong nghề đã ở mức độ chuyên gia và thu nhập cũng đã ở mức cao tương xứng, hầu như con cái đã có công việc ổn định, các nhu cầu cơ bản như mua nhà, mua xe đã được hoàn thành và các áp lực tài chính liên quan cũng không còn nữa. Ở những giai đoạn này nhu cầu nghỉ dưỡng, kết nối bạn bè cũ và du lịch xa bắt đầu phát sinh, nhưng bởi sự suy giảm của các loại chi phí trước đó mà thặng dư hàng tháng cũng không bị ảnh hưởng quá lớn.
Lúc này, tổng tài sản đã bắt đầu vượt lên trên con số 5 tỷ, tài sản đầu tư cũng đạt quanh 2 – 3 tỷ. Lúc này vấn đề thu nhập không còn là vấn đề lớn vì cơ bản chỉ cần để 2,5 tỷ vào một kênh đầu tư 8% thì mỗi năm cũng đã có 200 triệu, tương đương gần 17 tr/tháng. Đây là một nguồn thu nhập thụ động rất ổn định bên cạnh nguồn thu nhập chính từ công việc.
Với quy mô tài sản đầu tư lớn, thu nhập cao và đa dạng đủ để đáp ứng các chi phí phát sinh khi có bất trắc xảy ra, đây là giai đoạn mà nhu cầu gia tăng tài sản nhanh chóng thông qua các phân lớp tài sản rủi ro cao hơn như BẤT ĐỘNG SẢN và CỔ PHIẾU được hình thành. Đây cũng là lúc mà các biến động lớn ngay cả của những cổ phiếu đơn lẻ cũng không tạo áp lực quá nhiều đối với nhà đầu tư, và điều này giúp hạn chế trường hợp dễ hoảng loạn và phải cắt lỗ nhiều lần.
Nhóm 5 – Tài chính bền vững
Sau thời gian dài tích lũy từ thu nhập và tài sản gia tăng dần, giá trị tài sản đầu tư bắt đầu vượt mốc 5 tỷ (lúc này tổng tài sản đã có thể chạm mốc 10 tỷ hoặc hơn thế nữa). Nhóm này thường đã đạt được các vị rất cao trong công việc, hoặc đã tách ra làm chủ doanh nghiệp riêng của mình. Chỉ cần đơn giản đầu tư 5 tỷ vào một kênh lợi suất 8%/năm thì mỗi tháng đã có một dòng thu nhập thụ động hơn 30 triệu. Với thu nhập này thì ngay cả không đi làm vẫn có thể đáp ứng được phần lớn các nhu cầu cơ bản, thậm chí có thể đạt được một mức sống tương đối cao.
Đây là giai đoạn mà chúng ta thường gọi là “tự do tài chính”. Người nhóm 5 thường bắt đầu vượt ra khỏi những ranh giới “cơm, áo, gạo tiền”, cũng như lo toan cho con cái, và bắt đầu tìm đến những giá trị tâm linh – tinh thần, cũng như những kế hoạch từ thiện – hỗ trợ cộng đồng.
Tiền không còn là vướng bận quá lớn, nên ở giai đoạn này sự biến động ở các kênh tài sản hầu như không tác động nhiều đến tâm lý của nhóm này như ở các nhóm thấp hơn. Lúc này bên cạnh các kênh đầu tư có nhắc tới trước đó, người nhóm 5 đã có thể phân bổ tài sản vào những kênh tài chính rủi ro hơn như PHÁI SINH hoặc tài trợ vốn cho các hoạt động KINH DOANH KHỞI NGHIỆP.

Bạn thuộc nhóm nào?

Việc nhận biết được mức độ tích sản ở từng nhóm sẽ cho bạn cơ sở để xác định được phân lớp tài sản rủi ro cao nhất mà mình có thể phân bổ vào. Việc đầu tư vào các loại tài sản quá rủi ro so với nền tảng chấp nhận rủi ro dựa trên quy mô tài sản hiện có là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại trong quá trình tích sản bền vững.

Bên cạnh năng lực tích sản, vẫn còn nhiều yếu tố tác động tới việc chọn phân lớp tài sản đầu tư phù hợp nói chung cũng như cách thức xây dựng một danh mục đầu tư chi tiết nói riêng.

Nguyễn Nhật Tiến

Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2020

24 mẹo đối nhân xử thế cần ghi nhớ, phải tự trở nên lớn mạnh mới có thể chống lại mọi phong ba

Trên đời này có nhiều chuyện, bạn phải hiểu rõ rồi mới có thể trở nên mạnh mẽ, mạnh mẽ rồi mới có thể chống lại mọi phong ba.


1. Định luật im lặng: có những lúc bạn bắt buộc phải im lặng để được lắng nghe nhiều hơn.

2. Kẻ kiệm lời thường luôn nghĩ nhiều hơn.

3. Tránh xa những người vừa gặp đã khiến bạn thấy khó chịu.

4. Cảnh giác với người mà tất cả mọi người đều nghĩ là người tốt.

5. Bớt tiếp xúc với những người suốt ngày đeo bám nịnh nọt bạn, đằng sau nịnh nọt lúc nào cũng là một mục đích khác.

6. Đừng tin tưởng những kẻ không bao giờ chịu tin tưởng người khác.

7. Rất nhiều khi, cấp trên nổi giận không phải vì anh ta/cô ta không khống chế được bản thân, đấy là "mánh khóe" của họ.

8. Khi bạn quyết tâm sống mà không đắc tội bất cứ ai, thì thực ra bạn đã đang đắc tội tất cả mọi người rồi.

9. Nhất định đừng đưa ra quyết định vào buổi tối, ngủ một giấc đã, đợi hôm sau dậy tỉnh táo sáng suốt rồi hãy quyết.

10. Nếu có ai đó không thể hòa nhập được với những người xung quanh, thì người đó hoặc là thiên tài, hoặc là bị điên.

11. Muốn phán đoán về một con người, hãy xem các câu hỏi của người đó, chứ đừng nhìn đáp án họ đưa ra.

12. Người thấy rõ tất cả nhưng im lặng không vạch trần, thực ra cũng không phải âm mưu thâm sâu gì cả, chỉ là ngại phiền phức mà thôi.

13. Người không đăng bài trên mạng xã hội, chưa chắc đã là một người trầm tĩnh, có khi chính người đó lại đóng vai lắm lời trong đám bạn của mình.

14. Trong quá trình yêu đương, hãy để ý đến những điều vụn vặt, nhỏ nhặt trong cuộc sống, xem đối phương xử lý thế nào, nghe những lời vô ý của họ, nghe những gì họ nói khi cáu giận... bạn sẽ thấy được bản chất của một con người.

15. Định luật 20-80 là thật đó, trên thế giới này luôn chỉ có 20% mọi người suy nghĩ, 80% còn lại thì bị giam cầm trong rất nhiều loại xiềng xích vô hình.

16. Các mối quan hệ luôn chỉ có giá trị thêm hoa trên gấm, giúp bạn phát triển hơn khi đang thành công sẵn, còn khi khó khăn thì đừng mong mỏi nhiều. Bởi vì cái gốc của mạng lưới quan hệ đó chính là giá trị của bạn. Quan hệ sẽ không bao giờ là cái vốn để khiến bạn thành công cả.

17. Nhìn cách một người đánh giá về những người khác, là có thể đoán được đó là con người như thế nào. Những người luôn thật lòng tán thưởng cái tốt của người khác thường sẽ không thể là người xấu.

18. Trang cá nhân của một người luôn cho thấy các mà họ muốn mọi người nghĩ về họ.

19. Người thông minh nhất luôn là người giỏi che giấu cái giỏi của mình nhất.

20. Nam sinh nữ tướng, một đời phú quý. Nếu gặp nam giới có ngoại hình dịu dàng như con gái, bạn nên chủ động kết bạn. Người như thế thường có gen di truyền và xuất thân không tệ, làm gì cũng có quý nhân giúp đỡ.

21. Đánh giá của kẻ địch hay đối thủ về chúng ta, thường luôn là đánh giá gần với sự thật nhất.

22. Sở dĩ bạn cảm thấy có thể hiểu rõ về một con người, là vì ở người đó có bóng dáng chính bạn của ngày xưa.

23. Người thực sự ưu tú luôn thích âm thầm nỗ lực. Ngược lại, kẻ càng gióng trống khua chiêng thì thực ra ngày nào cũng là ngày bắt đầu, mãi không thấy tiến lên.

24. Một người thấy bài viết hay là nhấn like, nhất định là người biết ơn cuộc sống, vui vẻ cổ vũ người khác, trong cuộc sống cũng luôn nhận được hồi đáp tốt đẹp.
Thu Thuỷ

Tư duy nào sẽ giúp một người bình thường trở thành tỷ phú?

Các nhà kinh tế học nhìn vào những thứ đang diễn ra và cố kiểm soát chúng. Tuy nhiên, đó lại là tư duy cản trở bạn trở nên giàu có. Tiền bạc chạy từ người cố giữ nó sang người dám mạo hiểm.
Việc bạn học cách sử dụng tiền từ ai và như thế nào là yếu tố quyết định. Vì sao 20% người giàu chiếm 80% tài sản của thế giới? Chỉ cần một từ có thể giải thích gốc rễ vấn đề này: "Khan hiếm" - khái niệm biểu thị mối quan hệ giữa tính có hạn của nguồn lực kinh tế và tính vô hạn của nhu cầu xã hội về hàng hóa và dịch vụ.
Đó là lý do các chuyên gia kinh tế tìm cách để quản lý tài chính, khiến họ không dám mạo hiểm và khó trở nên giàu có.
Nhà kinh tế học là người quản lý những gì đang tồn tại và diễn ra. Ngay từ định nghĩa này, bạn có thể thấy vì sao sinh viên hay giảng viên các ngành kinh tế lại có những người không trở nên giàu có.
Nguyên nhân là bởi họ luôn muốn cân bằng những gì đang có, ít khi nào nghĩ đến việc tạo ra nhiều hơn. Lý do thứ hai là khi họ có cơ hội, dựa vào những gì được dạy ở trường lớp, họ lo lắng về cái được và mất, không dám mạo hiểm, hay còn gọi là "chi phí cơ hội".
Quản lý là một kỹ năng tốt và cần thiết, nhưng kinh tế thế giới vốn không thực hiện bước tiến lớn chỉ với cách cân bằng mọi yếu tố.
Trong khoảng 300 năm qua, nhờ có những nhà đầu tư, kinh doanh mạo hiểm, tài chính thế giới đã có sự thay đổi chóng mặt. Một nền kinh tế tuyệt vời không phải là một sản phẩm của quản lý tuyệt vời. Một nền kinh tế tuyệt vời là một sản phẩm của phát minh, đổi mới và khám phá.
Nếu bạn vẫn còn đang mơ hồ, hãy lấy thử ví dụ minh họa. Nếu hỏi một nhà kinh tế học giỏi khoảng 1 thế kỷ trước, thử tiên đoán về tình hình tài chính ngày nay, với dân số toàn cầu mới nhất, bạn nghĩ họ sẽ nói gì? Họ chắc chắn sẽ không biết sự tồn tại của Internet – thứ ảnh hưởng quan trọng đến tình trạng kinh tế hiện nay.
Đấy chính xác là quy luật đang vận hành, các nhà kinh tế học đang ra quyết định dựa vào những gì đang sẵn có, họ cho rằng ngày mai cũng sẽ giống hôm nay. Nhưng đâu có ai biết trước được tương lai?
Ai đang giảng dạy về tiền bạc?
Triệu phú và tỷ phú nổi tiếng được coi là những nhân tài đặc biệt. Nhưng họ cũng chỉ là con người bình thường. Thứ tạo nên sự khác biệt là họ biết tập trung vào thứ giúp kiếm ra nhiều tiền và cách sử dụng tiền sau khi thành công.
Những người thành đạt thường chia sẻ về cách họ làm giàu bằng những quy tắc, đường đi sao cho đơn giản nhất. Thế nhưng chúng ta đã bị nhồi nhét quá nhiều bởi những luồng thông tin sai lệch, khó có thể thay đổi và những kiến thức này thường đến từ trường học.
Trường học dạy về kinh tế, không phải về tiền bạc.
Có sự khác biệt sự giảng dạy kinh tế và tiền bạc. Kinh tế học nghiên cứu về sự "khan hiếm", tiền bạc nghiên cứu về giá trị và cách tạo ra giá trị. Mọi người đang cố tìm hiểu về tiền bạc thông qua các bài giảng về kinh tế. Một khi đã bị ảnh hưởng bởi ý tưởng về sự "khan hiếm" này, bạn khó lòng thay đổi tư duy về tiền bạc.
Đây là lý do vì sao các tỷ phú chúng ta thấy thường là tự thân lập nghiệp, dừng việc học sớm hoặc sinh ra trong một gia đình giàu có, nơi có tư duy tiền bạc khác biệt và có hiệu quả.
Sự hiểu biết của bạn phản ánh kết quả việc bạn lắng nghe ai. Những nhà kinh tế học giảng dạy về tiền bạc và bạn sẽ có tư duy tài chính giống hệt họ. Giới truyền thông thường khi phỏng vấn những nhà triệu phú hay tỷ phú, họ sẽ chỉ được hỏi về bản thân và ý kiến chứ ít khi được xin lời khuyên về tài chính.
Nếu có một cuộc tranh cãi giữa nhà kinh tế và một tỷ phú, chắc chắc nhà kinh tế sẽ thắng bởi họ logic hơn, nhưng hãy nhìn vào thực tế, họ vẫn đang làm thuê để giúp các nhà tỷ phú trở nên giàu có hơn.
Các nhà kinh tế nghiên cứu và viết báo cáo tài chính nhưng điều đáng nói ở đây rằng chính báo cáo này là thứ khiến chúng ta giới hạn bản thân, thận trọng quá mức. Cũng giống như cuộc thi chạy 1 dặm trong 4 phút, mới đầu khi không ai hoàn thành được việc này, các nhà khoa học sẽ ngay lập tức cho rằng cơ thể người không đủ thế chất để đáp ứng.
Có một câu chuyện về hiện tượng này. Một giáo sư đưa ra đề bài cho lớp và nói: "Các giáo sư khác đều đã thử và không giải được", các sinh viên cũng bắt tay và làm nhưng dần bỏ cuộc. Giáo sư sau đó đi ra ngoài, một cậu sinh viên đến muộn vào lớp và ngay lập tức giải được câu hỏi dù cậu không phải là một trong những sinh viện giỏi nhất.
Tư duy để trở nên giàu có
Hãy nghĩ về số lần trong một ngày bạn nghe những từ như không đủ, quá tệ, cần thiết, không có, thiếu thốn, tệ hại… Những từ này liên quan mật thiết với khái niệm "khan hiếm" và phản ảnh tư duy của bạn về tài chính.
Vậy đâu là những từ giúp mọi người trở nên giàu có? Đó là "dồi dào, dư thừa, giàu có..." – tư duy mọi thứ đều vô hạn. Tại trường lớp, mọi người thừa được dạy rằng nguồn tài nguyên có hạn, người khác nhiều lên thì ai đó sẽ vơi bớt đi. Nhưng hoàn toàn không phải vậy.
Vì vậy, hãy cứ nghĩ lớn đi. Thế giới có nhiều tài sản, tiền bạc chờ đợi ai biết giải quyết các vấn đề. Nếu bạn tìm ra giải pháp, bạn có quyền sở hữu chúng. 

An Phương

Ở đời hễ gặp 6 điều sau nhất định phải nói KHÔNG, bởi đó là khởi nguồn của nhiều đen đủi, tai ương khó lường

Tăng Quốc Phiên, một Nho gia nổi tiếng của Trung Quốc từng nói: "Hành sự không được cảm tính, nói năng không được tùy miệng".
Người thông minh và khôn ngoan luôn biết nói những lời tốt đẹp, hành xử tinh tế để đem lại thiện cảm cho người xung quanh. Lời có giá trị thì nói càng nhiều càng tốt, ngược lại, những điều không cần thiết thì đừng nên nói vẫn hơn.
Nói dai, nói dài thành ra nói dại. Không làm chủ được lời nói của mình thì rất dễ rước họa vào thân. Chính vì thế, khi cần học cách im lặng thì đừng vội vàng lên tiếng, nhớ lấy 6 điều tuyệt đối không nói sau đây, bạn sẽ thu lợi cả đời.
1. Không buộc tội, không dùng lời ác độc để nói về thiếu sót và khuyết điểm của người khác
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, người ta rất dễ rơi vào tình trạng “quá tải thông tin” mà không kịp chắt lọc hay xác thực kỹ càng. Từ những hiểu biết bề ngoài đó, nếu bạn dùng để đánh giá hay nhận xét một cách cảm tính về một con người hoặc sự việc nào đó sẽ rất dễ phạm sai lầm.
Miệng lưỡi thế gian là con dao sắc bén nhất, giết người mà không cần đổ máu. Mỗi lời ác ý nói ra đều vô tình hoặc cố ý để lại những dấu vết cho cả người nghe lẫn chính mình. Ác ý chê bai hay đâm chọc vào khuyết điểm của người khác như một trò tiêu khiển, đưa chuyện giữa bạn bè cũng khiến chúng ta gánh thêm “khẩu nghiệp” vào người.
Bên cạnh đó, mỗi người đều có những vấn đề nhạy cảm riêng, là “cấm kỵ” không nên đụng chạm tới, bạn cũng đừng nên tùy tiện phát ngôn, tránh làm tổn thương lòng tự trọng của họ, gây rạn nứt mối quan hệ.
2. Không nói lời thị phi, tạo scandal
Có câu nói rằng: “Người thêu dệt thị phi chính là kẻ thị phi”.
Đã là thị phi thì chủ yếu toàn tin đồn vô căn cứ, nói nhăng nói cuội, thêm mắm dặm muối… Chỉ những ai rảnh rỗi không có gì làm, thiếu bản lĩnh và tài năng mới đi nói xấu sau lưng người khác, đưa điều những chuyện thị phi.
Người hay bàn luận thị phi thì sớm muộn tâm hồn cũng dần dần bị vẩn đục. Họ có thể nói xấu người khác trước mặt bạn thì cũng có thể nói xấu bạn trước mặt người khác. Do đó, mọi người sẽ chẳng bao giờ muốn xây dựng quan hệ thân thiết hay trao lòng tin tưởng cho một người nổi tiếng “miệng rộng”.
Miệng lưỡi thế gian là con dao sắc bén nhất, giết người mà không cần đổ máu. Mỗi lời ác ý nói ra đều vô tình hoặc cố ý để lại những dấu vết cho cả người nghe lẫn chính mình. Ác ý chê bai hay đâm chọc vào khuyết điểm của người khác như một trò tiêu khiển, đưa chuyện giữa bạn bè cũng khiến chúng ta gánh thêm “khẩu nghiệp” vào người.
3. Không cãi nhau, tranh chấp với người khác biệt quan điểm, môi trường sống
Sau cuộc cãi vã, dù ai là người thắng cũng sẽ làm tổn thương tình cảm đôi bên. Do vậy, một người thông minh sẽ chọn cách thông minh trong cư xử và hành động thay vì cứ "cãi nhau". Nếu bạn đúng, không cần phải cãi; nếu bạn sai, lại càng không nên cãi.
Người xưa đã có câu rằng: “Đạo bất đồng bất tương vi mưu.”
Câu này có xuất xứ trong Luận Ngữ, có thể hiểu nghĩa như là: Nếu hai người có tư tưởng, quan niệm khác nhau thì không cùng nhau bàn luận trao đổi được. Nếu cứ cố chấp mà cưỡng ép nhau thì ắt sẽ gây ra đại họa, đau khổ và bất hạnh đến nhau.
4. Không nói quá thẳng thắn, trực diện "sát thương" đối phương
Một lời nói thật khó nghe có giá trị hơn ngàn lời nói dối nịnh nọt. Thế nhưng, người khôn ngoan thực sự luôn chọn cho mình cách thể hiện sự thật bằng những phương pháp tinh tế và mềm mại, nói không với những điều có thể đụng chạm tới sĩ diện và lòng tự ái của người khác.
Thay đổi cách nói chuyện từ trực tiếp sang uyển chuyển hơn, bạn vẫn có thể truyền đạt ý tốt và lời thật lòng của mình, mà lại giữ được thể diện cho đối phương. Như vậy, người nghe sẽ tiếp nhận sự nhận xét, đánh giá một cách tích cực hơn. Một mặt khác, họ cũng thấy biết ơn khi bạn đã trân trọng cảm xúc của họ lên hàng đầu.
Quả thật, nói chuyện chính là một môn nghệ thuật. Con người ta ai mà chẳng muốn nghe những lời hay ý đẹp. Thế nên các cụ cũng dạy rằng, “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”
Phương thức khi nói không quá trực tiếp, huỵch toẹt, mang nặng cảm xúc chỉ trích sẽ giúp người khác muốn nghe và nghe lọt tai hơn. Có như vậy, lời nói mới đạt tới giá trị giao tiếp đích thực của nó.
Quả thật, nói chuyện chính là một môn nghệ thuật. Con người ta ai mà chẳng muốn nghe những lời hay ý đẹp. Thế nên các cụ cũng dạy rằng, “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.”
5. Không nói những điều hàm hồ, nông cạn
Một lời nói ra giống như bát nước đổ đi. Nó không chỉ ảnh hưởng tới hình tượng, mà còn là sự tín nhiệm và trọng lượng lời nói trong ấn tượng của mọi người xung quanh.
Chẳng phải tự nhiên mà chúng ta có câu, “Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”. Trước khi phát ngôn, nhất định phải suy nghĩ cẩn thận. Những người quen nói lời hàm hồ, nông cạn, nói mà không dùng não, nói xằng nói bậy mà không suy nghĩ cẩn trọng thì sẽ khiến chẳng còn ai muốn đặt lòng tin tưởng hay giao phó trách nhiệm quan trọng. Đây đồng nghĩa với việc mất đi nền tảng lập thân trong xã hội.
Do đó, muốn được người khác nể trọng và kết giao chân thành, lời nói và việc làm phải rõ ràng, dứt khoát, có ý nghĩa và xác thực.
6. Nói không với sự phàn nàn, oán than
Ai cũng có những trách nhiệm phải gồng gánh trên vai, cũng có mệt mỏi, nhọc nhằn của riêng mình. Do đó, lời kêu ca của bạn chỉ làm tăng thêm phiền muộn cho cả đôi bên mà chẳng giải quyết được gì. Lắng nghe tâm sự đôi ba lần còn được, về lâu về dài, ai cũng thấy khó chịu khi luôn trở thành “sọt rác” để bạn trút hết mọi điều tiêu cực trong cuộc sống lên người.
Khi bạn gặp vấn đề khó khăn, thay vì chỉ tập trung vào sai lầm và phàn nàn về nó, hãy đi tìm nguyên nhân thực sự, sau đó đề xuất ra một phương hướng giải quyết. Như vậy, trong lúc trao đổi cùng bạn bè, họ còn có thể chân tình đưa ra một vài lời khuyên. Nếu chỉ ngồi đó để oán than thì không chỉ mọi chuyện bế tắc mà cả những mối quan hệ xung quanh cũng dần dần đi vào ngõ cụt. Chẳng ai có thời gian rảnh rỗi mà suốt ngày ngồi lắng nghe bạn nói chuyện vô nghĩa cả. Thà đổ mồ hôi để đổi lấy kết quả tốt đẹp hơn.

Sống ở đời, thay vì oán than và phàn nàn, hãy nỗ lực.

Phương Thúy

Thứ Hai, 3 tháng 8, 2020

Margin là gì? Khi nào nên sử dụng margin (HIỆU QUẢ)?

Margin là gì?
Margin trong chứng khoán hay còn gọi là đòn bẩy tài chính. Đây là việc công ty chứng khoán cho bạn vay tiền để mua thêm chứng khoán.
Những cổ phiếu trong danh mục hiện tại của bạn sẽ là tài sản đảm bảo cho khoản vay đó.
Giống như cách bạn vay mua nhà, chỉ với 300 triệu đã sở hữu ngay căn nhà 1 tỷ đồng.
Chứng khoán cũng vậy…
Nếu bạn đang có 100 triệu, bạn có thể vay Margin từ công ty chứng khoán thêm 100 triệu để đầu tư vào chứng khoán.
Có nghĩa là…
Bạn sẽ mua được thêm nhiều cổ phiếu để gia tăng lợi nhuận (đồng thời rủi ro cũng tăng tương ứng).
Ví dụ:
Giả sử hiện tại bạn đang sở hữu 10.000 cổ phiếu REE với tổng giá trị 300 triệu VNĐ.
Cơ cấu tài sản ròng của bạn sẽ như sau:
Trước khi dùng Margin (triệu đồng):
– Giá trị cổ phiếu (a)                     300
– Tiền mặt (b)                                    0
Giá trị danh mục (c) = (a) + (b)     300
Nợ margin (d) 0
Tài sản ròng (e) = (c) – (d)            300
Khi đó, mặc dù bạn không còn tiền mặt nhưng công ty chứng khoán sẽ cho bạn vay tiền để mua thêm cổ phiếu.
Hiểu đơn giản, giao dịch margin là giống như 1 giao dịch cho vay cầm cố. Cụ thể:
Công ty chứng khoán cho bạn vay tiền để mua thêm cổ phiếu
Tài sản cầm cố chính là giá trị cổ phiếu hiện có trong danh mục (trong ví dụ trên là 300 triệu cổ phiếu REE)
Cách sử dụng margin:
Trong phần dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết hơn về giao dịch này, cách thức sử dụng, tỷ lệ ký quỹ và những ngưỡng rủi ro quan trọng.
3 ngưỡng Margin quan trọng cần phải biết?
Đầu tiên bạn cần nắm rõ cách tính:
Tỷ lệ ký quỹ MarginCông thức tính Tỷ lệ ký quỹ margin:

Tỷ lệ ký quỹ hiện tại = Tài sản ròng / Giá trị danh mục

Trong đó:

Tài sản ròng là giá trị của lượng cổ phiếu bạn đã mua sau khi đã trừ nợ vay margin (gồm cả gốc và lãi), tính theo giá thị trường hiện tại.

Giá trị danh mục là giá trị của lượng cổ phiếu bạn đã mua từ tiền thực có và tiền nợ vay margin (bao gồm cả gốc và lãi vay).
Ví dụ ở trên:
Nếu bạn sử dụng margin vay thêm 250 triệu để mua tiếp cổ phiếu REE.
Cơ cấu tài sản của bạn sẽ là:
Sau khi vay Margin mua thêm 250 triệu cổ phiếu REE:
– Giá trị cổ phiếu (a)                         550
– Tiền mặt (b) 0
Giá trị danh mục (c) = (a) + (b)       550
– Nợ gốc margin (d1)                         250
– Nợ lãi vay margin (d2) 0
Nợ margin (d) = (d1) + (d2)               250
Tài sản ròng (e) = (c) – (d)               300
Tỷ lệ ký quỹ margin (f) = (e) / (c)   55%

Giả định giá cổ phiếu REE vẫn đang giữ nguyên.
Khi đó, tỷ lệ ký quỹ hiện tại của bạn sẽ là:

Tỷ lệ ký quỹ hiện tại = 300/550 = 55%

Tuy nhiên, bạn cần phải hiểu rằng…
Thứ nhất, giá cổ phiếu luôn biến động mỗi ngày, từ đó giá trị danh mục và giá trị tài sản ròng cũng biến động theo.
Thứ hai, ngoài phần nợ gốc vay margin, mỗi ngày bạn sẽ phải trả lãi vay margin, tương ứng với mức lãi suất khoảng 12 – 14%/năm.
Vì vậy, giá trị tài sản ròng của bạn sẽ biến động mỗi ngày và làm thay đổi tỷ lệ ký quỹ margin.
Tỷ lệ ký quỹ margin càng giảm (càng thấp) thì càng rủi ro.
Khi tỷ lệ ký quỹ nhỏ hơn 50% nghĩa là tài sản ròng của bạn đang thấp hơn số nợ margin mà bạn phải trả.
Để phòng tránh rủi ro tổn thất khi sử dụng margin, bạn nhất định phải biết 3 ngưỡng Margin quan trọng sau đây:
*Margin sau mua
Mặc dù, mỗi mã chứng khoán sẽ có tỷ lệ Margin khác nhau 50%, 60%…
Nhưng không phải lúc nào bạn cũng có thể vay tối đa.
Các công ty chứng khoán thường sẽ quy định giới hạn Tỷ lệ ký quỹ Margin sau mua tối thiểu là 50%.
Điều đó có nghĩa là:
Tỷ lệ Margin hiện tại của bạn đang dưới 50% bạn sẽ không thể vay thêm.
Nếu muốn vay thêm?Bạn phải bổ sung ký quỹ bằng tiền, chứng khoán hoặc bán bớt những cổ phiếu kém hiệu quả nhằm tăng tỷ lệ Margin.
Tiếp tục ví dụ ở trên:
Giả sử giá trị cổ phiếu REE giảm 10%, và
Giả sử lãi vay margin phải trả là 10 triệu đồng (chú ý, mức lãi vay càng lớn nếu thời gian bạn vay càng lâu, lãi suất quy đổi khoảng 12 – 14%/năm)
Khi đó, cơ cấu tài sản của bạn sẽ như sau:
Giá trị cổ phiếu REE giảm 10%:
– Giá trị cổ phiếu (a)                          495
– Tiền mặt (b)                                        0
Giá trị danh mục (c) = (a) + (b)          495
– Nợ gốc margin (d1)                         250
– Nợ lãi vay margin (d2)                      10
Nợ margin (d) = (d1) + (d2)               260
Tài sản ròng (e) = (c) – (d)                 235
Tỷ lệ ký quỹ margin (f) = (e) / (c)        47%

Bạn có thể thấy:
Giá trị cổ phiếu REE chỉ còn 495 triệu (giảm 10% từ mức 550 triệu)
Ngoài phần nợ gốc vay margin 250 triệu, bạn còn phải trả thêm 10 triệu tiền lãi vay
Tỷ lệ ký quỹ khi đó sẽ giảm xuống chỉ còn 47%.
Vậy rủi ro ở đây là gì?*Nếu bạn không vay margin, mức lỗ của bạn sẽ là: 300 triệu x (-10%) = 30 triệu.
Nhưng vì bạn có vay nợ margin để mua cổ phiếu, mức lỗ trên tổng giá trị cổ phiếu tăng thêm. Đồng thời, bạn phải trả thêm cả lãi vay margin.
Vì vậy, mức lỗ của bạn sẽ là:
Lỗ từ cổ phiếu: 550 triệu x (-10%) = 55 triệu.
Nợ từ lãi vay margin: 10 triệu.
Tổng lỗ: 65 triệu.
Hoặc bạn có thể tính nhanh bằng chênh lệch giữa Giá trị tài sản ròng và phần Vốn đầu tư ban đầu của bạn:Cụ thể:
Tổng lỗ khi vay margin = 235 triệu (tài sản ròng) – 300 triệu (vốn ban đầu) = -65 triệu
Bạn có thể thấy, việc sử dụng margin đã làm tăng mức lỗ của bạn lên gấp đôi, từ 30 triệu thành 65 triệu.
Đây là mặt rủi ro của giao dịch margin.
Ở chiều ngược lại, khi giá trị cổ phiếu tăng lên thì mức lãi của bạn cũng tăng lên rất nhiều (cách tính tương tự).
Margin call
Tôi tin là bạn đã nghe nhiều nhưng chưa thực sự hiểu rõ sự nguy hiểm khi sử dụng margin.
Thậm chí người ta từng làm một bộ phim với tựa đề Margin call nói về cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Vậy Margin Call là gì…
Đây là mức tỷ lệ ký quỹ margin tối thiểu bạn phải duy trì.
Ở Việt Nam, ngưỡng Margin Call thông thường là 40%.
Nếu tỷ lệ ký quỹ thấp hơn mức margin call thì sao?
Khi đó công ty chứng khoán sẽ gọi điện, nhắn tin thông báo bạn bổ sung ký quỹ.
Sau 3 ngày, bạn vẫn chưa thực hiện bổ sung. Công ty chứng khoán có quyền bán cổ phiếu của bạn để thu hồi nợ.
Bạn có thể hiểu đơn giản rằng, bạn sẽ bị… siết nợ.
Force sell
Đây là ngưỡng cảnh báo cuối cùng và có lẽ cũng nhiều đau thương nhất.
Nếu bạn theo dõi những phiên thị trường điều chỉnh mạnh, nhiều mã giảm sàn đồng loạt.
Tỷ lệ ký quỹ Margin của nhiều nhà đầu tư cũng sẽ giảm mạnh chạm ngưỡng Force Sell.
…thông thường là 30%
Tại ngưỡng này, nếu bạn không thực hiện bổ sung ký quỹ trong ngày hôm sau…
Công ty chứng khoán sẽ thực hiện bán giải chấp với giá sàn để thu hồi nợ.
——————————
Có nên sử dụng Margin?
Đồng ý việc sử dụng Margin trong chứng khoán có thể cho bạn mức lợi nhuận cao vượt trội.
Nhưng có lẽ bài học từ cuộc khủng hoảng năm 2008…
Hay chính Việt Nam năm 2011 khi lần đầu ban hành quy định về Margin vẫn còn nguyên đó.
Giống như những nhà đầu tư mới tìm hiểu khác…
Tôi thật lòng khuyên bạn không nên sử dụng Margin trong chứng khoán.
Có rất nhiều lý do khiến tôi khuyên bạn nên làm như vậy.
Nhưng sau cùng có 3 điều tôi cho là quan trọng nhất:
1/Bạn là người mới, không có nhiều kinh nghiệm
Qua nhiều năm, tôi chứng kiến không ít nhà đầu tư kinh nghiệm phải trả giá vì quá tự tin sử dụng Margin đòn bẩy cao.
Và khởi đầu, họ đều nói với tôi sẽ chỉ thử một chút…
2/Bạn chỉ nên bắt đầu với Margin khi đã biết cách kiểm soát rủi ro và làm chủ cảm xúc.
Áp lực ký quỹ, trả lãi vay có thể dẫn đến các quyết định sai lầm
3/Thông thường khi bạn đã sử dụng đến Margin, tức tiền thực có là không đủ cho nhu cầu đầu tư.
Nhưng…
Khi sử dụng Margin, công ty chứng khoán yêu cầu bạn đảm bảo mức ký quỹ tối thiểu.
Vô hình chung, bạn luôn phải đối mặt với áp lực cổ phiếu giảm giá thì phải bổ sung ký quỹ như thế nào?
Khi đó việc ra các quyết định sẽ không còn được chính xác.
Mặt khác, thời gian đến hạn cho mỗi khoản vay Margin chỉ vỏn vẹn 3 tháng…
Nếu bạn dùng Margin để đầu tư dài hạn là một sai lầm lớn.
Chưa kể, với mức lãi vay hiện tại tôi tin bạn sẽ phải cân nhắc lại:

*Rủi ro từ thay đổi chính sách MarginThời gian gần đây khi mà VN-Index giảm từ hơn 1.200 về 900 điểm.
Nếu bạn để ý nhiều công ty chứng khoán đã hạ tỷ lệ margin của nhiều mã.
Thậm chí cắt Margin để giảm thiểu rủi ro.
Nếu cổ phiếu bạn đang vay Margin với tỷ lệ 50% bị siết lại còn 60%…
Đồng nghĩa bạn sẽ ngay lập tức phải nộp tiền hoặc bán cổ phiếu để duy trì tỷ lệ ký quỹ mới.
Lời kết
Trong đầu tư, Margin luôn được ví như một con dao hai lưỡi.
Sử dụng Margin có thể giúp bạn kiếm được lợi nhuận lớn chỉ với lượng vốn nhỏ
…Nhưng cũng vì Margin mà thành quả của bạn cũng có thể bị xóa sạch.
Vì thế việc sử dụng đòn bẩy Margin là hết sức mạo hiểm
Nhiều nhà đầu tư giá trị như Warren buffet cũng không ít lần cảnh báo về sự nguy hiểm của việc sử dụng đòn bẩy trong đầu tư.
Nếu bạn muốn khoản đầu tư của mình được đảm bảo, chống chọi qua những giai đoạn xấu của thị trường
Thì lời khuyên tốt nhất là bạn chỉ nên sử dụng tiền mặt để đầu tư.
DUY QUANG