Tìm kiếm Blog này

Thứ Sáu, 27 tháng 7, 2018

Thượng viện Mỹ: Đã đến lúc chấm dứt kinh tế cưỡng bức của Trung Quốc

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang, Thượng viện Mỹ hôm thứ Ba (24/7) đã tổ chức một phiên điều trần để đánh giá về hoạt động kinh tế cưỡng bức do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) triển khai và nước Mỹ nên làm gì để chống lại.



Thượng nghị sĩ Cộng hòa Cory Gardner và Thượng nghị sĩ Dân chủ Ed Markey tại phiên điều trần về Trung Quốc tại Thượng viện Mỹ hôm 24/7. (Ảnh: (Samira Bouaou/The Epoch Times)
Mở đầu phiên điều trần với chủ đề “Thách thức từ Trung Quốc: Kinh tế Cưỡng bức là Công cụ Nhà nước”, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Cory Gardner – Chủ tịch Tiểu ban Đối Ngoại chuyên về Đông Á, Thái Bình Dương và Chính sách An ninh mạng Quốc tế, đã giải thích nội dung cơ bản của phiên điều trần: “Theo chiến lược an ninh quốc gia nhiều thập kỷ qua, chính sách của Mỹ bắt nguồn từ niềm tin rằng việc ủng hộ sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự hội nhập của nước này vào trật tự quốc tế thời hậu chiến tranh sẽ tự do hóa Trung Quốc. Ngược lại với hy vọng của chúng ta, Trung Quốc đã mở rộng quyền lực của họ trên cơ sở gây tổn hại chủ quyền của các nước khác”.
Ông Gardner nói rằng mục đích của buổi điều trần này là để “xác định các công cụ mà Mỹ có để chống lại sự phát triển đáng lo ngại đặt ra bởi sự trỗi dậy không hòa bình của Trung Quốc”.
Những quan ngại về chế độ Trung Quốc xuất phát từ cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Thượng nghị sĩ Dân chủ Edward Markey cũng đã chỉ ra rằng “Trung Quốc ngày càng sẵn sàng bẻ cong và phá vỡ các quy tắc lâu đời”. Ông Markey tuyên bố: “Điều này phải chấm dứt”.
Theo Thượng nghị sĩ Markey, các quy tắc mà Mỹ đặt ra trên toàn cầu trong bối cảnh các cuộc chiến tranh tàn phá thế giới đã tạo ra “một sân chơi bình đẳng cho tất cả các nước”.
“Không may, chính quyền Trung Quốc đang thực thi các hoạt động cưỡng bức khắp thế giới cả về mặt kinh tế, chính trị và quân sự, đe dọa thay thế sân chơi bình đẳng này”, ông Markey nhấn mạnh.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Gardner nhắc lại dịp ông tới thăm Trung Quốc và gặp một số doanh nghiệp Mỹ hồi năm 2015, những doanh nghiệp này khi đó vẫn nói: “Chỉ cho Trung Quốc thêm chút thời gian để xem liệu các cải cách của họ sẽ hiệu quả hay không”.
Theo ông Dan Blumenthal, Giám đốc Nghiên cứu Châu Á tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, một trong hai nhân chứng tham gia phiên điều trần hôm 24/7, kỷ nguyên cải cách và mở cửa tại Trung Quốc đã diễn ra từ hơn 10 năm trước. Hiện nay, các ngân hàng nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước và các mối quan hệ liên kết của họ với các quan chức ĐCSTQ là điều thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc.
Ông Ely Ratner, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Nghiên cứu của Trung tâm An ninh Mỹ mới, một nhân chứng khác tham gia điều trần, đã đề xuất các sáng kiến “táo bạo, đổi mới và mang tính lưỡng đảng” để “giảm thiểu hoạt động cưỡng bức kinh tế của Trung Quốc”.
Phiên điều trần tại Thượng viện hôm 24/7 cuối cùng đã đưa ra một số khuyến nghị, trong đó có các nội dung chủ yếu sau:
– Giới hạn cấp thị thực du học cho những trẻ em Trung Quốc là con của đảng viên cấp cao của ĐCSTQ;
– Phù hợp với các đối tác Châu Âu, Mỹ cấm các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tồi tệ nhất tiếp cận thị trường Mỹ. (các doanh nghiệp Trung Quốc bị cấm tiếp cận thị trường Mỹ là các đơn vị thường xuyên tham gia vào việc chuyển giao công nghệ cưỡng bức);
– Thực hiện các chiến dịch thông tin bằng tiếng Trung nhắm mục tiêu bên trong Trung Quốc để cho người dân Trung Quốc biết về các mạng lưới bao che tham nhũng tồn tại giữa ĐCSTQ và các doanh nghiệp nhà nước trọng yếu;
– Các hạm đội tàu toàn cầu hộ tống, ép ngư dân và các tàu khai thác dầu của Trung Quốc phải về các khu vực mà họ được quyền hợp pháp thực hiện các hoạt động kinh tế của họ;
– Tăng cường hợp tác không gian mạng và mối quan hệ kinh tế với Đài Loan, trong đó có việc nhanh chóng ký Hiệp định Đầu tư Song phương;
– Xây dựng Chiến lược An ninh Kinh tế Quốc gia toàn diện;
– Tăng cường tính cạnh tranh của người Mỹ, nước Mỹ bằng việc tiếp tục hỗ trợ thúc đẩy đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, xây dựng các chính sách nhập cư và thị thực chiến lược và đầu tư vào giáo dục và nhiều ưu tiên khác;
– Tái cấu trúc phiên bản thế kỷ 21 của Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ – USIA (USIA được lập ra nhằm cung cấp thông tin cho công chúng nước ngoài phù hợp với lợi ích Mỹ);
– Cung cấp nguồn lực và lệnh cho Bộ Quốc phòng phát triển các phương tiên vượt “Tường lửa” của Trung Quốc và giúp cho công dân Trung Quốc dễ dàng hơn trong việc tiếp cận mạng lưới internet toàn cầu.
Ông Frank Tian Xie, giáo sư kinh tế tại Trường Đại học Nam Carolina Aiken cho rằng đã đến lúc cao điểm để Thượng viện Mỹ tổ chức các cuộc điều trần như này, vì thế giới hiện nay đang thức tỉnh và đã nhận ra rằng “ĐCSTQ là mối đe dọa cho mọi lĩnh vực, từ hòa bình khu vực, tới trật tự kinh tế và thương mại thế giới, trong đó có WTO, cũng như tới dân chủ, nhân quyền, tự do v.v…”.
Ông Frank Tian Xie cũng tin rằng cuộc chiến tranh thương mại của chính phủ Trump với chế độ Trung Quốc sẽ làm suy yếu vị thế tài chính của ĐCSTQ và đem đến những thay đổi hiệu quả cho xã hội Trung Quốc.

Xuân Thành (Theo Epoch Times)

Thứ Tư, 18 tháng 7, 2018

Khi đồng đô la lên giá

Trong tuần này, nhiều phần thì Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ sẽ tăng lãi suất với hậu quả trước mắt là đồng Mỹ kim lại lên giá so với các ngoại tệ khác. Các nền kinh tế đang phát triển mà vay mượn quá nhiều bằng tiền Mỹ sẽ bị ảnh hưởng trước tiên.
Nguyên nhân
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Như nhiều người chờ đợi, tuần này Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể tăng lãi suất làm Mỹ kim sẽ lên giá so với các ngoại tệ khác, sau khi đã lên giá từ hai năm qua. Từ mươi ngày qua, Việt Nam lên cơn sốt vì đồng bạc Việt Nam sụt giá mạnh so với đô la Mỹ và đã có lúc vượt qua ngưỡng 23 ngàn đồng mới ăn một Mỹ kim. Vì vậy, kỳ này, thưa ông, Diễn đàn Kinh tế đề nghị ông trình bày về nguyên nhân và hậu quả của việc Mỹ kim lên giá.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Sau khi Ngân hàng Trung ương Mỹ nâng lãi suất ngắn hạn 25 điểm bách phân tức là 0,25% cách nay một năm, hầu hết mọi người đều chờ đợi là lãi suất tại Mỹ sẽ tăng sau kỳ họp tuần này của Ủy ban Tiền tệ và Tín dụng Hoa Kỳ, gọi tắt là FOMC. Lý do cơ bản là kinh tế Mỹ hồi phục nhanh hơn và thất nghiệp giảm mạnh sau khi thống kê lao động được công bố hôm Thứ Sáu đầu tháng. Lý do quan trọng hơn vậy là Tổng thống Tân cử Donald Trump sẽ áp dụng chính sách kinh tế có nội dung tăng chi, giảm thuế và thậm chí bảo hộ mậu dịch để giữ việc làm cho nhân công Mỹ nên nhiều phần thì lạm phát sẽ tăng với hậu quả là trong năm tới, lãi suất tại Hoa Kỳ còn tăng nữa, ít ra là hai lần. Kết cục thì việc Mỹ kim lên giá từ năm 2014 sẽ còn tiếp tục và đấy là vấn đề cho nhiều nước chứ không chỉ có Việt Nam.
Lý do quan trọng là Tổng thống Tân cử Donald Trump sẽ áp dụng chính sách kinh tế có nội dung tăng chi, giảm thuế và thậm chí bảo hộ mậu dịch để giữ việc làm cho nhân công Mỹ...
              Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyên Lam: Nhưng thưa ông, dù có sản lượng kinh tế lớn nhất vì bằng với gần một phần tư sản lượng toàn cầu, vì sao đồng bạc Mỹ lại có thể gây nhiều ảnh hưởng như vậy cho các nước?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ là ta nên cẩn thận khi theo dõi và nhận định chuyện này vì tính trật là lại mất tiền! Tôi còn nhớ là sau vụ khủng hoảng tài chính năm 2008 và Hoa Kỳ liên tục hạ lãi suất tới sàn rồi bơm tiền ào ạt, nhiều người, kể cả tại Hoa Kỳ, vội nói đến ngày tàn của tư bản chủ nghĩa và vai trò của kinh tế Hoa Kỳ trong khi nhiều xứ hưởng lợi nhờ đô la rẻ như bèo. Từ giữa năm 2013, khi Ngân hàng Trung ương Mỹ thông báo quyết định họ gọi là “vuốt nhọn chính sách tiền tệ” là giảm dần việc bơm tiền và có khi tăng lãi suất, thì người ta thấy Mỹ kim lên giá. Khi ấy, chương trình chuyên đề của chúng ta đã cảnh báo việc đó. Rằng kinh tế Hoa Kỳ có thể bị suy trầm nhưng so với nhiều khối tiền tệ khác như Âu Châu hay Nhật Bản, thì Mỹ kim vẫn là ngoại tệ đáng tin cậy hơn cả, hoặc ít tệ nhất để bảo vệ giá trị tài sản của mình và nếu tưởng tiền Mỹ rẻ mà đi vay thả dàn thì sẽ khốn khi đô la lên giá. Ta nên nhớ lại chuyện xưa để khỏi lầm chuyện sau nầy khi thiên hạ cứ nói đến ngày tàn của nước Mỹ!
Vị trí đồng Mỹ kim
Nguyên Lam
: Nếu vậy, thưa ông, ta trở lại chuyện xưa, là vì sao Mỹ kim lại ngự trị trong luồng giao dịch toàn cầu khiến các nước bị chấn động mỗi khi đồng bạc xanh lên hay xuống giá?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ là chúng ta phải trở ngược lên một năm Thân, cách nay 72 năm, thì mới hiểu vì sao Mỹ kim trở nên một ngoại tệ dự trữ của toàn cầu, rồi sau mỗi khi thăng trầm thì thiên hạ lại mất tiền và oán Mỹ! Trước khi Thế chiến II chấm dứt vào năm 1945 thì từ năm 1944, Hoa Kỳ và các đồng minh Tây phương đã xây dựng lại một kiến trúc tài chính quốc tế khác để tránh loại biến động tài chính và khủng hoảng kinh tế đã góp phần gây ra chiến tranh. Đó là Hội nghị tại Bretton Woods và sự ra đời của các định chế tài chính toàn cầu như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế hay Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế là tiền thân của Ngân hàng Thế giới ngày nay. Hội nghị ấy quy định rằng ngoại tệ của các nước không còn giàng giá vào vàng, tức là từ bỏ chế độ “kim bản vị”, mà neo giá vào tiền Mỹ theo tỷ lệ nhất định giữa đồng đô la Mỹ và vàng. Đại lược là 35 Mỹ kim ăn một troy ounce, khoảng 31 gram vàng.
... đồng Mỹ kim vẫn là ngoại tệ phổ biến nhất vì được sử dụng trong hơn 85% nghiệp vụ giao dịch ngoại hối của thế giới, 39% các khoản nợ toàn cầu và tiền Mỹ nằm trong hơn 63% của dự trữ ngoại tệ của các nước.
               Nguyễn-Xuân Nghĩa

Sau đó, cách nay đúng 70 năm, kế hoạch viện trợ Marshall của Mỹ nhằm tái thiết Âu Châu từ năm 1947 đã bơm tiền Mỹ vào việc phục hồi Âu Châu. Khi ấy, là cường quốc ít bị thiệt hại về chiến tranh, Hoa Kỳ là đầu máy tái thiết các nước và Mỹ kim trở thành ngoại tệ phổ biến nhất, đến độ các nước Âu Châu còn phát hành công khố phiếu để vay tiền mà là trái phiếu yết giá bằng tiền Mỹ. Người ta gọi đó là “Đô la Âu châu”, hay Euro-Dollar!
Tháng Tám năm 1971, khi bội chi gia tăng một phần vì phí tổn của cuộc chiến tại Việt Nam, Hoa Kỳ từ bỏ chế độ giao hoán thiết lập từ Hội nghị Bretton Woods, là hết giàng Mỹ kim vào vàng như trước, và gây chấn động nặng khiến nhiều người lại nói đến ngày tàn của nước Mỹ và thiên hạ chẳng xài đô la mất giá nữa. Sự thật không như vậy vì vụ khủng hoảng dầu khí sau đó vẫn khiến các nước cần đô la mua dầu vì dầu thô của xứ Saudi Arabia lại giàng giá vào Mỹ kim và dẫn tới sự xuất hiện của đồng “Đô la Dầu hỏa” hay Petro-Dollar, được các nước trao đổi với nhau và sau cùng vẫn lại gửi vào ngân hàng Mỹ để kiếm lời cho an toàn.
Nguyên Lam: Khi ông nhắc lại bối cảnh lâu dài như vậy thì ta mới thấy ra vị trí khác thường của đồng bạc xanh. Nhưng ông có nói đến vụ khủng hoảng tài chính năm 2008 khiến nhiều người lầm tưởng là tư bản chủ nghĩa bị khủng hoảng và tiền Mỹ mất luôn vị trí thống trị. Sự thể diễn biến ra sao mà ngày nay, và tuần này, xứ nào cũng lo rằng Mỹ kim lại tăng giá?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Người ta lầm khi cho rằng khủng hoảng tài chính bùng nổ tại Mỹ với sự sụp đổ của các tập đoàn đầu tư Bear Sterns vào Tháng Ba rồi Lehman Brothers vào Tháng Chín năm 2008. Thật ra, cả Âu Châu lẫn Hoa Kỳ có chính sách bơm tiền và vay mượn dễ dãi, nhất là các ngân hàng Âu Châu vay mượn bằng tiền Mỹ, và thổi lên trái bóng gia cư địa ốc. Bên trong khối tiền này là nhiều khoản nợ xấu được gói kín như trong kén nợ mà xấu chừng nào thì chẳng ai biết. Khủng hoảng tài chính manh nha từ năm 2007 tại Âu Châu rồi mới bùng nổ dữ dội tại Hoa Kỳ. Khi ấy, Ngân hàng Trung ương Mỹ lại đẩy lui nạn ách tắc tín dụng của các ngân hàng với biện pháp tiền tệ dễ dãi làm Mỹ kim sụt giá. Rồi vì tiền Mỹ quá rẻ trong sự trì trệ của khối kinh tế Âu-Mỹ-Nhật, tư bản chảy vào các nước đang phát triển để kiếm lời. Tức là người ta vay nhau vẫn bằng đô la tưởng rẻ như bèo. Khi Mỹ kim lên giá chầm chậm từ hai năm qua thì các nước lỡ vay quá nhiều bắt đầu hụt hơi. Chuyện hôm nay là tiền Mỹ sẽ tăng giá mạnh và nhiều nước đang phát triển sẽ thiếu Mỹ kim để trả nợ và lâm khủng hoảng!
Nguyên Lam: Sau khi nhắc lại khung cảnh ngày trước, xin ông tổng kết cho bức tranh ngày nay và vị trí của đồng Mỹ kim trong luồng giao dịch toàn cầu để thính giả của chúng hiểu được vì sao mà nhiều nước sẽ khổ khi đô la lên giá.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Dù lâu lâu thiên hạ lại nói Hoa Kỳ sắp bị khủng hoảng, đồng Mỹ kim vẫn là ngoại tệ phổ biến nhất vì được sử dụng trong hơn 85% nghiệp vụ giao dịch ngoại hối của thế giới, 39% các khoản nợ toàn cầu được yết giá bằng Mỹ kim và tiền Mỹ nằm trong hơn 63% của dự trữ ngoại tệ của các nước. Trong hoàn cảnh hiện nay, khi kinh tế Âu Châu, Tầu và Nhật đều gặp khó khăn thì người ta thấy rằng lưu giữ tài sản bằng tiền Mỹ là cách an toàn nhất. Nghịch lý ở đây là thiên hạ vẫn cần tiền Mỹ trong khi thế giới lại lo rằng với việc ông Donald Trump là Tổng thống Tân cử thì Hoa Kỳ sẽ trôi vào giai đoạn bất trắc. Điều bất trắc thật ra là thiên hạ sẽ thiếu đô la và kinh tế thế giới thiếu thanh khoàn để giải quyết nhu cầu chi dụng!
Rủi ro
Nguyên Lam: Một cách cụ thể, thưa ông, các nước sẽ gặp những rủi ro gì khi Mỹ kim lên giá?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Rủi ro ấy không đồng đều vì tùy hoàn cảnh từng nước căn cứ trên ba yếu tố là có khối dự trữ ngoại tệ nhiều hay ít, mắc nợ bằng Mỹ kim cao hay thấp và có trương mục vãng lai hay cán cân chi phối bằng ngoại tệ bị thiếu hụt hay không và người ta so sánh ba yếu tố ấy căn cứ trên Tổng sản lượng của từng nước. Trên cơ sở đó, hiện nay, các nước như Venezuela, Turkey, Chile, và Ai Cập đang bị nguy nhất trong tám nước sẽ bị rủi ro, sau đó mới là cảnh ngộ ngặt nghèo của sáu bảy nước khác, trong đó có Hy Lạp, Angentina, Mexico, Peru và cả Việt Nam nữa vì mắc nợ quá nhiều mà dự trữ ngoại tệ chưa đủ dầy! Nhưng ngoài mười mấy quốc gia đó, chính là kinh tế Trung Quốc mới đáng ngại hơn cả và tuần này khi thiên hạ nói đến việc Mỹ kim lên giá là thị trường cổ phiếu Thượng Hải rơi rớt thê thảm.
Nguyên Lam: Thưa ông, Trung Quốc có sản lượng kinh tế đứng hàng thứ nhì thế giới và bề gì họ vẫn có dự trữ ngoại tệ trị giá hơn ba ngàn tỷ Mỹ kim thì vì sao tình hình lại đáng ngại nhất khi Mỹ kim lên giá?
Kể từ năm 2014 dự trữ ngoại tệ của Bắc Kinh hao hụt mất một phần tư, từ gần bốn ngàn tỷ thì chỉ còn hơn ba ngàn. Bây giờ, khi tiền Mỹ lên giá thì dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc càng bị bào mỏng hơn.
                  Nguyễn-Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thật ra, Trung Quốc lâm thế kẹt khi tưởng đã thành đại gia kinh tế. Thứ nhất, họ vẫn giàng giá đồng bạc vào tiền Mỹ và khi Mỹ kim lên giá thì từ 18 tháng nay, họ phá giá, là ấn định tỷ giá đồng Nguyên thấp hơn so với tiền Mỹ khoảng 12% kể tử đầu năm 2014. Tưởng là tiền rẻ sẽ giúp xuất khẩu để kích thích sản xuất nhưng họ bị hậu quả bất lường là nạn tẩu tán tư bản, là doanh nghiệp tìm tiền Mỹ đầu tư ra ngoài. Để tránh tình trạng đó, Bắc Kinh ra biện pháp trái ngược là bán Mỹ kim nhằm giữ giá đồng Nguyên cho cao thì lại càng mất ngoại tệ. Kể từ năm 2014 dự trữ ngoại tệ của Bắc Kinh hao hụt mất một phần tư, từ gần bốn ngàn tỷ thì chỉ còn hơn ba ngàn. Bây giờ, khi tiền Mỹ lên giá thì dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc càng bị bào mỏng hơn. Vậy mà tuần trước, Bắc Kinh vẫn bị Tổng thống Tân cử Donald Trump đả kích là lũng đoạn hối đoái khi phá giá đồng bạc và cảnh báo rằng Hoa Kỳ sẽ có biện pháp trả đũa. Hậu quả là làm đồng Nguyên càng sụt giá và nạn tẩu tán tư bản càng tăng.
Kết luận ở đây là Ngân hàng Trung ương Mỹ chưa tăng lãi suất thì việc thị trường dự báo đồng đô la Mỹ còn lên giá khiến Trung Quốc càng lúng túng. Thay vì áp dụng chính sách ngoại hối ổn định, họ cố can thiệp, khi nâng khi hạ giá đồng bạc và rơi vào tư thế còn vất vả hơn nữa, đó là mắc tội lũng đoạn hối đoái để tìm lợi thế thương mại. Cách nay đúng 15 năm, Bắc Kinh được Hoa Kỳ chấp nhận cho gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO kể từ ngày 11 Tháng 12 năm 2001. Khi ấy, họ được điều kiện đặc miễn dù nền kinh tế chưa hội đủ tiêu chuẩn gọi là kinh tế thị trường. Chuyện đặc miễn ấy nay phải chấm dứt sau 15 năm mà Bắc Kinh vẫn can thiệp vào thị trường thì sẽ bị gần 160 thành viên WTO còn lại khiếu nại và trừng phạt về tội lũng đoạn. Đúng lúc ấy, Mỹ kim lại lên giá thì Trung Quốc càng rơi vào cảnh lưỡng nan khó xử!
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn kỳ này.

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2018

Tỷ giá USD/VND và ám ảnh phá giá Nhân dân tệ ba năm trước

Diễn biến đồng Nhân dân tệ gần đây gợi lại cú sốc tỷ giá USD/VND ba năm về trước...
Sau khi xuất mạnh trở lại nửa sau tháng 6 vừa qua, cán cân thương mại kỳ nửa đầu tháng 7 này dự kiến sẽ được cập nhật hôm nay (18/7)
Không phải đến lúc này, mà từ cuối tháng 5/2018 đồng Nhân dân tệ đã liên tục giảm giá. Đợt cao điểm nối tiếp từ 7/6 vừa qua. Tỷ giá USD/VND cũng bắt đầu biến động từ lúc đó đến nay.
Thêm một lần nữa tỷ giá USD/VND cho thấy sự nhạy cảm, nhất là trong một thế giới ngày càng có nhiều xáo trộn.
Một sự lặp lại
Tất nhiên, biến động tỷ giá USD/VND gắn với những yếu tố khác nhau, đặc biệt sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất và nêu định hướng đẩy nhanh và tần suất nâng lãi suất dày lên trong năm nay; nhà đầu tư nước ngoài liên tiếp bán ròng mạnh và kéo dài trên thị trường chứng khoán...
Song song, diễn biến phá giá liên tiếp đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc ám ảnh về cú sốc từng xẩy ra ba năm trước (tháng 8/2015).
Ngày 11, 12 và 13/8/2015, Trung Quốc liên tiếp phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ, giảm lần lượt 1,9%, 1,6% và 1,1%. Lập tức tỷ giá USD/VND biến động mạnh và Ngân hàng Nhà nước đã phải liên tiếp can thiệp, cũng như tạo bước ngoặt lớn của chính sách điều hành.
Trước thời điểm này, tỷ giá USD/VND vận động khá êm ả trong "giới hạn" như một cam kết cố định mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra - cả năm tăng không quá 2%.
Nhưng từ sự cố phá giá đồng Nhân dân tệ, cũng như thời điểm đó FED thúc đẩy lộ trình tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phải hai lần nới rộng biên độ tỷ giá từ biến động tăng/giảm 1% lên 2% và lên 3%; tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND với USD cũng liên tiếp tăng mạnh; tỷ giá USD/VND giao dịch trên các thị trường cũng có một bước tăng tới khoảng 3% so với đầu năm…
Nay, những tác động bên ngoài nói trên đang lặp lại, dù tính chất và mức độ khác nhau. Trong đó, chuỗi phá giá liên tiếp đồng Nhân dân tệ đang nổi bật.
Như trên, từ tháng 5/2018, căng thẳng quan hệ thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc lên cao, đồng Nhân dân tệ đã bắt đầu có chuỗi giảm giá liên tục.
Ngày 7/6, Mỹ chính thức đánh thuế đối với hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc, đồng Nhân dân tệ chính thức giảm mạnh cho đến nay.
Đến ngày 13/7, tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PboC) công bố đã ở mức 6.693, so với mức tỷ giá ngày 7/6 (thời điểm bắt đầu áp thuế) là 6.3888, tức giảm tới 4,8%. Nhưng nếu nhìn cả quá trình, so với thời điểm 16/4/2018, ngày lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cán ngưỡng 3%/năm, tỷ giá này cũng mất giá khoảng 5,42%.
Mức độ có hạn
Qua các dấu mốc trên, diễn biến của đồng Nhân dân tệ gắn chặt với diễn tiến cuộc chiến thương mại lớn nhất lịch sử giữa Mỹ và Trung Quốc. Nó giống như một "vũ khí" được sử dụng trong cuộc chiến này.
Việt Nam và tỷ giá USD/VND, không phải bình thông đáy nhưng ảnh hưởng có thể gợi lại ám ảnh ba năm về trước. Tuy nhiên, sau những gì đang thể hiện, và trước mắt, mức độ lần này được dự báo là có hạn.
Trong một phân tích chuyên đề đầu tuần này về cuộc chiến thương mại Mỹ và Trung Quốc, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank đề cập đến hai tình huống đáng chú ý.
Đó là, ngoài biện pháp áp thuế quan, Trung Quốc có thể phá giá đồng Nhân dân tệ hoặc bán tháo số trái phiếu Chính phủ Mỹ trị giá khoảng 1.200 tỷ USD mà Trung Quốc đang nắm giữ.
"Biện pháp nào cũng có thể có tác dụng nhưng mức độ hữu dụng là có hạn", phân tích trên đưa ra nhận định.
Diễn giải cụ thể hơn, hiện nay, đồng Nhân dân tệ chưa được tự do chuyển đổi, nên sự biến động mạnh của đồng tiền này không thể ngẫu nhiên xảy ra vào thời điểm hiện tại. Chính sách này giúp khắc phục được phần nào thiệt hại do chính sách thuế quan bảo hộ thương mại của Mỹ gây ra.
Tuy nhiên, theo nhận định của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank, nếu làm vậy, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với hai vấn đề phức tạp khác.
Thứ nhất, với việc sử dụng biện pháp chính sách tiền tệ này, Trung Quốc lôi kéo xung khắc thương mại Mỹ - Trung Quốc sang cả lĩnh vực tiền tệ, mà ở đây khả năng bùng phát chiến tranh tiền tệ còn tiềm tàng hơn và dễ xảy ra hơn cả chiến tranh thương mại.
"Xưa nay, chính sách tiền tệ của Trung Quốc luôn như là cái gai trong con mắt của Mỹ. Ở Mỹ hiện đã có một số luật lệ nhằm trừng phạt mạnh mẽ Trung Quốc nếu Mỹ quy kết Trung Quốc "thao túng tiền tệ". Chiến tranh tiền tệ sẽ làm "rung chuyển" toàn bộ mối quan hệ giữa hai nước, chứ không chỉ ảnh hưởng tiêu cực như xung khắc thương mại hiện tại. Do vậy, Trung Quốc không thể không tính đến điều này", phân tích chuyên đề trên lập luận.
Thứ hai, đồng nội tệ không thể bị phá giá một cách vô hạn. Bởi nếu đồng nội tệ bị mất giá quá mức sẽ ảnh hưởng tới uy tín của quốc gia trên thị trường quốc tế, cũng như an ninh chính trị và ổn định xã hội.
Bản phân tích trên dẫn tính toán từ chuyên gia của Deutsche Bank cho rằng, nếu xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thì xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ giảm khoảng 78 tỷ USD, trong khi xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc giảm khoảng 13 tỷ USD. Để bù đắp lại, Trung Quốc phải phá giá đồng nội tệ ít nhất 18% - mức độ được cho là Trung Quốc không thể và không dám làm.
Trên phương diện giá trị trái phiếu Chính phủ Mỹ, nếu Trung Quốc, với tư cách là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, bán tháo thì họ có thể làm cho tình hình tài chính và chính trị của Mỹ trở nên mất ổn định, gây khó khăn cho tăng trưởng kinh tế Mỹ. Khi đó, Mỹ sẽ mất thêm nhiều nguồn lực và thời gian để đối phó và khắc phục hậu quả, nhưng không phải bị gây khó đến mức không thể khắc phục được.
Trong khi đó, nếu Trung Quốc càng bán ồ ạt trái phiếu Chính phủ Mỹ, thì điều phản tác dụng đối với họ càng rõ. Bởi vì, điều đó khiến lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ sẽ sụt giảm, kéo theo giá trị khối lượng mà Trung Quốc đang nắm giữ cũng giảm; đồng thời Trung Quốc cũng sẽ mất dần hiệu lực của một công cụ gây áp lực chính trị và tài chính đối với Mỹ.
"Vì vậy, Trung Quốc có thể sẽ áp dụng mọi biện pháp ở mức độ nhất định nhằm tạo hiệu ứng cộng hưởng", Trung tâm Nghiên cứu của Maritime Bank nhận định.
Tỷ giá USD/VND trong kiểm soát ?
Với Việt Nam, trong bối cảnh trên, thị trường đã thấy Ngân hàng Nhà nước sớm chủ động đẩy mạnh các nhịp điều tiết từ đầu tháng 6 vừa qua, gián tiếp giảm áp lực đối với tỷ giá USD/VND.
Nhà điều hành đưa ra thông điệp, nhanh chóng cụ thể hóa các bước hành động qua yết giá, thực hiện bán ra ngoại tệ với giá rất thấp so với trần biên độ.
Những phiên đầu tuần này, tỷ giá USD/VND đã tương đối ổn định, cũng như hạ nhiệt trên thị trường tự do. Trên thị trường liên ngân hàng, giá USD giao dịch đã tăng khoảng 1,5% so với đầu năm - mức nằm trong kiểm soát, ít nhất là so với trần biên độ hiện nay.
Tuy nhiên, trong một thế giới đang có nhiều biến động mạnh hơn, tỷ giá USD/VND sẽ có những thay đổi linh hoạt hơn, ngay cả về chính sách điều hành.
Còn nội tại, so với ba năm về trước, nguồn lực và mức độ sẵn sàng can thiệp biến động tỷ giá của Việt Nam đã khác. Quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia đã được nâng lên hơn 63,5 tỷ USD. Cán cân thương mại đã xuất siêu mạnh so với nhiều năm trở lại đây.
Sau hướng nhập siêu xuất hiện trong tháng 5 và nửa đầu tháng 6, kỳ thống kê nửa sau tháng 6 vừa qua đã cho thấy xuất siêu mạnh trở lại. Và dự kiến hôm nay (18/7), kỳ cập nhật cán cân thương mại nửa đầu tháng 7 sẽ được công bố.

MINH ĐỨC

Thứ Năm, 12 tháng 7, 2018

Bơm tiền và lạm phát

Nhiều bạn không tin không có lạm phát xẩy ra khi nhà nước bơm ra 1,2 triệu tỷ Việt Nam đồng (VNĐ), vậy chúng ta cùng thử làm 1 bài toán số học xem sao?
Tổng số tiền mặt trong nền kinh tế quốc dân bằng 5,5 triệu tỷ VNĐ tương đương 240 tỷ Đô La Mỹ (USD), giả sử tỷ giá là 23.000 VNĐ ăn 1USD.
Năm 2017 nhà nước bơm tiền thêm 1,2 triệu tỷ VNĐ tương đương 52 tỷ USD.
Bài toán trở nên cân bằng không lạm phát khi nhà nước kiếm đủ số tiền 52 tỷ USD để trung hòa với số tiền VN bơm ra là 1,2 triệu tỷ, nếu không kiếm đủ thì lạm phát.
Số liệu thống kê ước tính năm 2017
*Lượng kiều hối ước tính cả năm 2017 là 5,5 tỷ USD.
*Nhập siêu 6 tháng đầu năm 2,7 tỷ USD, cả năm ước tính là 5,5 tỷ USD.
*Vay nước ngoài ODA 4,3 tỷ USD.
*6 tháng đầu năm 2017 đầu tư FDI vào Việt Nam 20 tỷ USD, ước cả năm 40 tỷ USD.
*1 năm khoảng 11 tỷ USD ra khỏi Việt Nam (3 tỷ mua nhà, 7 tỷ đi du học, 1 tỷ đi du lịch)
*1 ngày chính phủ VN trả nợ gốc lãi vay 1.000 tỷ VNĐ, vậy 1 năm trả 16 tỷ USD.
Vậy ta có thể tính ra tổng số USD ra vào Việt Nam:

5,5 -5,5 + 4,3 + 40 -11 -16 = 17,3 tỷ USD.

Chênh lệch với số đô 52 tỷ là 34,7 (52 -17,3). Tức còn thiếu hụt 34,7 tỷ USD.
Ta có thể tính giá trị thực của USD sau khi nhà nước bơm ra 1,2 triệu tỷ VNĐ:
*Tổng lượng tiền mặt: 
(5.500.000.000.000.000+1.200.000.000.000.000)
*Tổng lượng USD:
257,3 tỷ (240 +17,3).
Tỷ giá thực tế USD năm 2017 bằng:
6.700.000.000.000.000 : 257.300.000.000 = 26.000 VNĐ/ 1USD
Nếu không có bàn tay của nhà nước thì giá 1 USD lên đến 26.000 VNĐ.
Tỷ giá lên dẫn đến lạm phát.

Nguồn: Blog Bà đầm xòe

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2018

Người giàu và người nghèo đứng cùng vạch xuất phát, vì sao kết quả cuối cùng lại khác biệt?



Chúng ta thường để ý đến sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo, nhưng lại không biết nhiều về thành công hay thất bại của họ. Người giàu hôm nay có thể là người nghèo hôm qua, và người nghèo hôm nay cũng có thể là người giàu hôm qua.
Đôi lúc người giàu và người nghèo đứng tại cùng một vạch xuất phát, nhưng kết quả sau cùng lại có sự khác biệt.
Trước đây có ba chàng trai lên đường lập nghiệp, hy vọng sẽ tìm thấy một cơ hội làm giàu. Khi đến một thị trấn nhỏ miền núi, họ phát hiện có giống táo vừa to, vừa ngọt lại vừa đẹp, hơn nữa giá lại rất rẻ. Đây quả là giống táo thượng hạng, nếu như đem về thành phố ắt sẽ được giá cao, kiếm lời lớn.
Chàng trai thứ nhất nhìn những trái táo thơm ngon, hai mắt sáng ngời gom tiền mua luôn 10 tấn đem về thành phố bán kiếm lời gấp đôi. Sau chuyến thứ nhất thành công, anh lại tiếp tục những chuyến hàng sau đó, cứ như vậy trở thành một thương nhân buôn táo.
Chàng trai thứ hai nhìn những trái táo thơm ngon thì trầm tư suy nghĩ. Sau một hồi lâu anh đem phân nửa số tiền mình có mua 300 cây giống tốt nhất rồi thuê một mảnh vườn bên sườn núi để trồng. Anh hy vọng sau ba năm chuyên cần chăm tưới sẽ có được những trái táo thơm ngon cho riêng mình.
Chàng trai thứ ba cũng nhìn những trái táo thơm ngon nhưng lại trầm tư suy nghĩ tới mấy ngày mới đưa ra quyết định. Cuối cùng, anh chỉ mua một vốc đất :
Anh đi khắp khu vườn trồng táo, nhìn trước ngó sau, cuối cùng anh tìm gặp người chủ vườn rồi chỉ xuống khu đất dưới gốc táo nói: “Tôi muốn mua chỗ đất này”. Người chủ vườn nghe vậy nói: “Tôi không thể bán, bán đất rồi tôi lấy gì trồng táo?”.
Anh cúi mình, hai tay vốc một nắm đất và nói: “Tôi chỉ muốn mua chỗ đất này, muốn bán bao nhiêu tôi sẽ trả”. Người chủ vườn tươi cười nói: “Tưởng gì, chuyện này được, cậu hãy đưa tôi một đồng rồi đem đất của cậu đi”.
Sau khi có được chỗ đất đó anh nhanh chóng rời đi. Anh mang số đất về quê, đi tìm chuyên gia phân tích thành phần dinh dưỡng, điều kiện thổ dưỡng, và độ ẩm của loại đất đó. Tiếp đó anh đấu thầu một mảnh rừng hoang sơ và dùng thời gian ba năm để cải tạo ra đúng môi trường dinh dưỡng, khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng của loại đất bản địa. Khi mọi thứ thành công, anh mới đi mua giống táo năm xưa về trồng lên mảnh đất ấy.
Mười năm trôi qua, vận mệnh của ba chàng trai năm xưa giờ đây mỗi người mỗi khác.
Người thứ nhất vẫn là một thương nhân buôn bán táo nhỏ lẻ như lúc ban đầu, nhưng lợi nhuận thì mỗi năm mỗi giảm, có khi còn gặp cảnh rủi ro thua lỗ.
Người thứ hai cũng có được khu vườn táo cho riêng mình. Tuy nhiên vì điều kiện thổ nhưỡng khác biệt, táo trồng ra chất lượng không cao nhưng vẫn kiếm được lời. Là người đã bỏ tiền mua đất và công sức cải tạo nhưng cuối cùng anh trở nên giàu có vượt xa so với hai người còn lại…
Còn người thứ ba, là người đã bỏ tiền mua đất và công sức cải tạo, mãi sau cùng mới có được vườn táo của mình, chậm hơn so với hai người còn lại vài năm. Tuy nhiên táo trồng ra lại đạt chất lượng cao, thơm ngon, đẹp mắt, nhận được vô số đơn đặt hàng nên giá cả lúc nào cũng cao. Anh nhanh chóng trở nên giàu có vượt xa so với hai người còn lại.
Cùng là một cơ hội, nhưng những người có quyết định khác nhau thì kết quả sẽ khác nhau. Người kiếm tiền sau nhất không nhất định là người thua thiệt nhất, mà người biết nhìn xa trông rộng mới là nhà vô địch sau cùng.
Theo Secretchina
Minh Vũ biên dịch

Thứ Tư, 4 tháng 7, 2018

Giao dịch ký quỹ (margin) là gì? Có nên giao dịch ký quỹ không?

1. Giao dịch ký quỹ là gì?
Giao dịch kỹ quỹ (Margin – hay còn gọi là đòn bẩy tài chính) là dịch vụ mà bạn vay tiền của Công ty chứng khoán (CTCK) để đầu tư, thông qua việc thế chấp, cầm cố tài sản đảm bảo (TSĐB) của bạn.
Tài sản đảm bảo (TSĐB): là toàn bộ tài sản có trong tài khoản chứng khoán của bạn bao gồm: tiền mặt, chứng khoán hiện có và/hoặc đang chờ về, cổ tức đang chờ về; quyền mua cổ phiếu và những tài sản khác được CTCK chấp nhận.
Tùy từng cổ phiếu và tùy theo chất lượng của cổ phiếu đó mà CTCK cho bạn vay nhiều hay ít. Những cổ phiếu có vốn hóa lớn (trong rổ chỉ số VN30) hoặc những cổ phiếu có tính thanh khoản cao (dễ mua, dễ bán) thường là những cổ phiếu mà các CTCK cho thế chấp với giá trị cao nhất. 

Các CTCK lớn thường cho vay ký quỹ với tỷ lệ khá cao, tối đa có thể lên gấp 3 số tiền bạn đang có (tỷ lệ 1:3 hoặc 3:7 tùy từng CTCK).
- Lãi suất vay margin (ký quỹ) rơi vào khoảng 0.038-0.04%/ số tiền vay/ 01 ngày. Và rơi vào khoảng 14%/ 01 năm. 
Tỷ lệ nợ (Tln): là tỷ lệ phần trăm (%) giữa Tổng dư nợ vay / Tổng Giá trị được phép vay của chứng khoán ký quỹ.
Ví dụ, bạn có 100 triệu có thể mua tối đa lên tới 300 triệu. Tuy nhiên khi giá cổ phiếu sụt giảm tới một mức nhất định (từ 7-10%) thì tỷ lệ nợ của bạn sẽ tăng lên đồng thời với việc bạn sẽ phải nộp thêm tiền vào hoặc phải bán ra một phần cổ phiếu để duy trì đúng tỷ lệ nợ đã cam kết. Ngược lại, nếu giá cổ phiếu tăng lên sau khi bạn mua thì hôm sau tỷ lệ nợ của bạn sẽ giảm xuống và bạn có thể mua thêm được cổ phiếu (mua gấp thếp).
*Bạn muốn được giao dịch ký quỹ thì bạn cần phải ký hợp đồng giao dịch ký quỹ với CTCK.
2. Có nên giao dịch ký quỹ (Margin) không?

 Rủi ro lớn thì lợi nhuận cao. Tuy nhiên, với hơn 8 năm làm chứng khoán thì Nhật Cường nhận thấy giao dịch ký quỹ là một con dao hai lưỡi. Những nhà đầu tư sử dụng giao dịch ký quỹ phần đa là thua nhiều hơn thắng. Việc sử dụng giao dịch ký quỹ nên áp dụng thận trọng trong từng giai đoạn thị trường và chỉ phù hợp với số ít những nhà đầu tư chuyên nghiệp, biết quản trị rủi ro tốt. Đối với những người mới đầu tư chứng khoán Nhật Cường khuyến nghị không nên sử dụng dịch vụ này. Lý do tại sao Nhật Cường xin được giải thích ngay sau đây: 
Thứ nhất: Lãi suất margin 14%/năm. Giả sử một năm bạn đầu tư có lãi 15%/năm thì tóm lại bạn cũng chỉ hòa vốn.
Thứ hai: khi bạn sử dụng margin thì đồng nghĩa với việc áp lực bạn phải chịu sẽ tăng lên gấp đôi, gấp ba lần. Dẫn đến những quyết định không còn chính xác. Nó giống như việc cầu thủ đá tập penalty thì quả nào cũng vào nhưng trong trận chung kết thì lại sút trượt.
Thứ ba:việc cháy tài khoản (mất hết tiền), Cường thấy đến 99% nguyên nhân là do sử dụng Margin.
Thứ tư :rủi ro đến từ chính sách Margin của một số CTCK. Khi một cổ phiếu đã tăng mạnh hoặc khi một cổ phiếu bất ngờ có tin xấu, CTCK sẽ siết margin không cho vay nữa để tránh rủi ro. Một khi cầu không đáp ứng đủ cung thì tất yếu dẫn đến việc giá cổ phiếu sẽ rớt mạnh từ đỉnh xuống. Những nhà đầu tư không bán kịp, tỷ lệ nợ vượt cam kết sẽ bị các CTCK callmargin bằng hai cách:
*Một là nộp tiền vào để đảm bảo tỷ lệ nợ
*Hai là, bán chứng khoán ra để đảm bảo tỷ lệ nợ
Việc cổ phiếu bị bán ra hàng loạt (giải chấp) do bị callmargin giống như hiệu ứng tuyết lở, càng làm cho giá cổ phiếu rớt thê thảm nếu như không có lực cầu đủ mạnh vào đỡ.
Ví dụ như hiện tại là trường hợp ở các cổ phiếu TTF, EVE, DRH, TSC… nhiều nhà đầu tư không bán kịp dẫn đến cháy tài khoản. Giai đoạn nào cũng có cổ phiếu rơi vào trường hợp tương tự như vậy, gần đây nhất là các cổ phiếu JVC, OGC, HAG…
Thứ năm :  có rất nhiều nhà đầu tư ban đầu sử dụng margin với mục đích để đầu tư lướt sóng ngắn hạn, nhưng do dùng lâu thành quen, sau đó sử dụng cả năm dẫn đến bị sai mục đích ban đầu, gây thiệt hại nặng nề khi thị trường đi xuống…
Với các lý do trên theo Cường các bạn mới chưa nên sử dụng dịch này. Nếu sau này bạn đầu tư thành công với lợi suất cao hơn hẳn thị trường chung thì bạn có thể cân nhắc tới vấn đề này sau.
Chúc các bạn thành công!
   Phan Nhật Cường
( Chuyên viên Tư vấn Chứng khoán Cao cấp).

Làm chủ cuộc chơi tài chính

Làm chủ cuộc chơi tài chính
Những nhà đầu tư lâu năm, trải qua thời gian dài “chinh chiến” trên thị trường chứng khoán, có lẽ sẽ cảm nhận được rằng chính tư duy đầu tư, chứ không phải điều gì khác, là yếu tố quan trọng nhất quyết định việc đầu tư có thành công hay không.


Làm thế nào để thành công trong tài chính, làm chủ tiền bạc, khiến tiền làm việc phục vụ cho nhu cầu cuộc sống và mang lại hạnh phúc cho mỗi người? Có lẽ, những bài học từ các bậc thầy tài chính trong thế giới đương đại sẽ giúp được các nhà đầu tư trong việc kiếm tiền, giữ tiền, trở nên giàu có và sống có ích. Và không hẹn mà gặp, các bậc thầy này có những nguyên tắc khá giống nhau trong đầu tư.
Không để mất tiền



Tony Robbins
“Không để mất tiền” là nguyên tắc quan trọng nhất trong đầu tư mà Tony Robbins – tác giả, triệu phú tự thân - đề cập trong cuốn Money – Master the game (Tiền – Làm chủ cuộc chơi). Trong cuốn sách, Robbins chia sẻ: “Trong khi quá nhiều người trong số chúng ta đang tập trung vào việc kiếm tiền, thì hầu hết các nhà đầu tư thành công nhất hành tinh lại bị ám ảnh bởi việc không để mất tiền”.
Lời khuyên của Robbins cũng giống với lời khuyên của nhà đầu tư vĩ đại Warren Buffett, người đã đưa ra nguyên tắc số 1 là “Không bao giờ để mất tiền”, và nguyên tắc số 2 là “Không quên nguyên tắc số 1”.



Warren Buffet
“Không để mất tiền” có thể được xem là thành công của các nhà đầu tư trong đợt điều chỉnh khá mạnh vừa qua của thị trường chứng khoán Việt Nam, khi VN-Index giảm từ mức đỉnh 1,204 điểm xuống 931 điểm, nhiều nhà đầu tư bị mất tiền, 20% tài khoản đã là con số ít. Những nhà đầu tư bị mất tiền sau đó thường cảm thấy chán nản, không muốn quay lại thị trường chứng khoán, quyết định “rửa tay gác kiếm”, rời bỏ cuộc chơi.
Muốn không bị mất tiền, dù là Robbins hay Buffet cũng khuyên bạn nên học hỏi thật kỹ lưỡng trước khi thực hiện bất cứ điều gì. Học là điều đầu tiên mà nhà đầu tư cần làm để đạt được thành công vững chắc về mặt tài chính. Nhà đầu tư ít nhất cần phải hiểu được những nguyên tắc cơ bản. Nhà đầu tư cũng cần đa dạng hóa các khoản đầu tư để giảm thiểu rủi ro, không nên đặt cược mọi thứ vào thị trường chứng khoán, mà cần biết cách phân bổ tài sản để bảo vệ tiền qua những thời kỳ suy thoái.
Liều nhận những rủi ro nhỏ để thu về phần thưởng lớn
“Mặc dù không có cái gì thu về mà không có rủi ro, nhưng mọi bậc thầy về tiền bạc trên thế giới này sẽ nói với bạn rằng một trong những thành phần quan trọng nhất của các danh mục đầu tư là tìm được những vụ đầu tư có rủi ro và phần thưởng không cân xứng”, theo Robbins.
Để làm được việc đó, bạn phải áp dụng nguyên tắc 1 lấy 5. Với 1 đồng mạo hiểm, bạn có tiềm năng kiếm được 5 đồng. Bạn có thể sai 4/5 lần, nhưng miễn là bạn đúng ở lần thứ 5, bạn sẽ san hòa tất cả. Tất cả đều liên quan đến nguyên tắc “liều nhận những rủi ro nhỏ để thu về phần thưởng lớn”.

George Soros
Ngay cả nhà đầu cơ ưa mạo hiểm số một thế giới George Soros cũng từng nói: "Anh đúng hay anh sai, điều đó không quan trọng, cái chính là anh kiếm được bao nhiêu khi anh đúng và mất bao nhiêu khi anh sai."
Mỗi nhà đầu tư có phương pháp quản trị rủi ro riêng. Soros quản trị rủi ro bằng cách chấp nhận nó. Khi chấp nhận rủi ro, nhà đầu tư sẽ không bao giờ cho phép bản thân đánh cược tất cả. Nếu đã giảm thiểu rủi ro đến mức thấp nhất, nhà đầu tư có thể đi ngủ hoặc làm một chuyến đi nghỉ mát dài ngày.
Hành động hay tham gia cuộc chơi và sẵn sàng chơi đến cùng
Hành động mới có kết quả. Muốn được tự do tài chính, bạn không thể chỉ trông chờ vào đồng lương, mà cần phải đầu tư. Bạn cũng không cần phải thật giàu có mới bắt tay vào đầu tư. Ngay cả khi đầu tư một khoản nhỏ, bạn cũng có thể xây dựng sự giàu có nhờ sức mạnh của lãi kép. Đầu tư càng sớm, bạn càng có thể kiếm tiền nhiều hơn.
Robbins nhấn mạnh: “Bạn phải đưa ra quyết định đầu tiên, và cũng là quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời tài chính của bạn, đó là trở thành chủ sở hữu thay vì làm người tiêu dùng. Đừng nhìn vào mức lãi suất gửi tiết kiệm quá nhiều, mà hãy nhảy vào cuộc chơi”“Nơi tốt nhất để đạt được lợi nhuận lũy tiến trong nhiều năm chính là thị trường chứng khoán.”
Nhưng, một khi đã tham gia vào cuộc chơi, bạn hãy chơi đến cùng. Nếu như bạn rút tiền ra khi thị trường sụt giảm và không quay lại vào đúng thời điểm, bạn có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội thu hồi lại khoản lỗ. Robbins cho rằng: “Mối nguy hiểm lớn nhất không phải là giai đoạn điều chỉnh thị trường hay thị trường rơi vào chiều giá xuống, mà đó là việc nằm ngoài cuộc chơi.” Không đầu tư, bạn không thể khiến tiền sinh ra trong lúc đang ngủ hay cảm nhận được sức mạnh của lãi kép.
Người giàu là người biết cho đi và biết ơn người khác
Làm chủ được tài chính, hơn hết chính là làm chủ được cuộc sống của bản thân và giúp đỡ được nhiều người khác.
Về lối sống, Robbins đề nghị bạn nên tiết kiệm tiền. Bạn có thể bắt đầu với số tiền nhỏ, sau đó tăng lên từ từ với mỗi lần tăng lương hoặc tiền thưởng bạn nhận được. Điều này sẽ xây dựng quỹ tự do của bạn - nguồn thu nhập suốt đời này sẽ cho bạn một sự đảm bảo về mặt an toàn tài chính.
Muốn tận dụng hết giá trị của 1 đồng? Thế thì, bạn cần chi tiêu vào những thứ có thể gia tăng nhanh chóng chất lượng cuộc sống của bạn và ngừng chi tiêu vào những thứ không bổ sung thêm giá trị cho cuộc sống của bạn. Thay vì tiêu 800,000 đồng (40 đô la) một tuần để đi ăn tối bên ngoài, việc tận hưởng bữa ăn giá rẻ tại nhà với bạn bè có thể giúp bạn tiết kiệm tới 2,000 đô la mỗi năm. Và nếu bạn đầu tư số tiền đó và kiếm được lợi nhuận hàng năm lên tới 8%, trong vòng 40 năm, bạn sẽ có hơn nửa triệu đô la.
Và cuối cùng, hãy cho đi. Robbins cho rằng: "Cuộc sống thực sự là tạo ra những điều ý nghĩa. Những điều ý nghĩa và giá trị không phải đến từ những thứ chúng ta đạt được hay có được, mà đến từ những điều chúng ta cho đi. Đến cuối cùng thì những thứ chúng ta có được không bao giờ làm ta hạnh phúc mãi mãi. Nhưng chúng ta trở thành con người như thế nào, và những gì chúng ta đã đóng góp xây dựng được cho cuộc đời sẽ mang lại cho ta hạnh phúc".

Minh Liêu


Chiến lược NetNet - Đơn giản nhưng lại mang về những thành quả bất ngờ


Chiến lược NetNet - Đơn giản nhưng lại mang về những thành quả bất ngờ
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán vẫn đang vận động trong xu hướng giảm điểm, các chiến lược giao dịch đã gặt hái nhiều thành công trước đây đều đang đối diện với nhiều khó khăn, thì những phương pháp đơn giản như NetNet lại có thể mang đến những thành quả bất ngờ cho nhà đầu tư.
Đối với những nhà đầu tư lâu năm trên thị trường, chắc hẳn không còn ai mấy xa lạ với một trong những huyền thoại nổi tiếng của trường phái đầu tư giá trị – Benjamin Graham. Các phương pháp giao dịch của ông đã để lại tiếng vang lớn xuyên suốt nhiều thập kỷ. Trong đó, đầu tư theo công thức NetNet là một phương pháp đầu tư khá phổ biến trên thị trường.
Công thức đầu tư NetNet là gì?
Công thức đầu tư NetNet được dựa trên trường phái đầu tư theo Net Current Asset Value Approach (Phương pháp giá trị tài sản ngắn hạn ròng - NCAV) của Benjamin Graham. Phương pháp này được giới thiệu lần đầu tiên trong tác phẩm “Phân tích Chứng khoán” được xuất bản năm 1934 dưới sự đồng hợp tác của Benjamin Graham và David Dodd. Theo công thức NetNet, NCAV được tính bằng cách lấy tài sản ngắn hạn trừ đi các nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp (nợ ngắn hạn, nợ dài hạn và cổ phần ưu đãi). Tài sản ngắn hạn theo định nghĩa của Benjamin Graham là các tài sản có thể chuyển hóa thành tiền từ 01 năm trở lại, bao gồm tiền, các khoản tương đương tiền, đầu tư tài chính ngắn hạn, khoản phải thu thuần và hàng tồn kho thuần. Trong công thức này, dễ dàng nhận thấy Benjamin Graham đã bỏ qua các khoản mục tài sản dài hạn khỏi phần tài sản được sử dụng để đáp ứng các nghĩa vụ nợ phải trả. Tổng quát hơn, ý tưởng cốt lõi của phương pháp này đó là xem xét giá trị còn lại dành cho cổ đông khi doanh nghiệp phải bán tất cả tài sản ngắn hạn để chi trả nợ trong trường hợp đóng cửa hoặc giải thể doanh nghiệp. So sánh với các phương pháp dựa trên giá trị sổ sách, phương pháp NCAV mang tính chính xác cao hơn. Nguyên nhân đến từ việc phương pháp NCAV đã loại bỏ tài sản vô hình và lợi thế thương mại. Đây là các loại tài sản mà giá trị sổ sách phụ thuộc vào phương pháp ghi nhận kế toán cũng như cách đánh giá khả năng suy yếu của tài sản (test of impairment). Ngoài ra, một nguyên nhân khác đến từ việc giá trị sổ sách và giá trị thị trường sẽ có sự chênh lệch theo thời gian.

NCAV = Tài sản ngắn hạn – Tồng nợ phải trả - Cổ phần ưu đãi

Thế nào là một cổ phiếu hấp dẫn theo công thức đầu tư NetNet?
Theo công thức đầu tư NetNet, một doanh nghiệp được xem là hấp dẫn đối với một vị thế mua khi nhà đầu tư có thể mua cổ phần của doanh nghiệp với giá không vượt quá 2/3 NACV của doanh nghiệp đó. Hay nói cách khác, một khoản đầu tư vào vốn cổ phần được xem là hấp dẫn nếu thị giá cổ phiếu của doanh nghiệp đó đang giao dịch thấp hơn 2/3 NCAV trên mỗi cổ phần.

Công thức giao dịch theo phương pháp NetNet



Với công thức đầu tư NetNet, Benjamin Graham đã gặt hái những thành công ấn tượng trong sự nghiệp đầu tư của mình. Cụ thể, nhà đầu tư này đã đạt tỷ suất sinh lời bình quân 20% trên danh mục đầu tư được đa dạng hóa với kỳ hạn 30 năm bao gồm tập hợp cổ phiếu được lựa chọn theo công thức này. Những nghiên cứu thực nghiệm khác trên các thị trường cổ phiếu nước ngoài cũng cho thấy giới đầu tư có thể đạt mức sinh lời trung bình lên đến hơn 29% khi đầu tư vào các cổ phiếu thỏa mãn các tiêu chí của NetNet .
Thời điểm hướng về NetNet tại thị trường Việt Nam?
Tính đến thời điểm ngày 22/06/2018, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cụ thể là hai sàn giao dịch HOSE và HNX có 850 cổ phiếu đang được niêm yết và giao dịch. Với tiêu chí lựa chọn là công thức đầu tư NetNet của Benjamin Graham, toàn thị trường đang ghi nhận có tất cả 52 cổ phiếu thỏa mãn điểm mua theo phương pháp này.

Thống kê danh sách cổ phiếu thỏa mãn các tiêu chí theo công thức đầu tư NetNet



Nguồn: VietstockFinance

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán vẫn đang vận động trong xu hướng giảm điểm, các chiến lược giao dịch đã gặt hái nhiều thành công trước đây đều đang đối diện với nhiều khó khăn. Sự đơn giản trong phương pháp chọn lựa cổ phiếu cùng nền tảng hình thành phương pháp dựa trên giá trị thanh lý (liquidating value) sẽ giúp NetNet trở thành một công cụ giao dịch phù hợp cho giới đầu tư trong giai đoạn rủi ro như hiện tại.
Tuy nhiên, dù phương pháp NetNet đang mang lại khá nhiều tín hiệu đầu tư, nhưng giới đầu tư vẫn nên có sự kết hợp linh hoạt với các chỉ tiêu khác nhằm gia tăng tính chính xác cho phương pháp giao dịch này.
Một trong những sự kết hợp khá phổ biến được nhiều nhà đầu tư thế giới sử dụng đó là xem xét đến :

1/ Khả năng tạo tiền (Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh phải dương), 
2/ Cấu trúc vốn an toàn  
3/ Tính minh bạch trong hoạt động công bố thông tin.
Bên cạnh đó, sự đa dạng hóa danh mục với nhiều hơn một cổ phiếu cũng là một lời khuyên đầu tư được chính tác giả Benjamin Graham đề cập đến. Vì vậy, nhà đầu tư có thể xem xét việc gia tăng tính an toàn trong quyết định của mình thông qua việc bổ sung các tiêu chí kể trên.

Phước Toàn